Tiểu bang Cali vừa ban hành đạo luật mới hồi tuần rồi về việc cắt giảm sử dụng bao bì nhựa. Theo đạo luật, “Các nhà sản xuất nhựa sẽ phải giảm nhựa trong các sản phẩm sử dụng một lần 10% vào năm 2027, 25% vào năm 2032. Việc giảm bao bì nhựa đó có thể là kết hợp giảm kích thước bao bì, chuyển sang một vật liệu khác hoặc làm cho sản phẩm có thể dễ dàng tái sử dụng. Cũng vào năm 2032, nhựa sẽ phải được tái chế với tỷ lệ 65%”Luật sẽ không áp dụng cho chai nước giải khát bằng nhựa, có quy tắc tái chế riêng.”

Theo đó, thời gian tới các công ty sản xuất thực phẩm, dầu gội, handsoap và các sản phẩm khác dùng bao bì nhựa sẽ phải cắt giảm sản lượng sử dụng bao bì và phải thay thế bằng loại bao bì vật liệu khác.

Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, chúng ta thấy nhựa và sản phẩm nhựa là một phát kiến vĩ đại của nhân loại, làm cho nhân loại tiến một bước thật xa nhảy vọt khỏi thời ăn lông ở lỗ hay thời “con trâu (hoặc người) đi trước cái cày theo sau.” Hiện nay, nhìn quanh ta, không có chỗ nào mà thiếu bóng dáng nhựa. Cái laptop tôi đang dùng có nhiều chi tiết được tạo ra từ nhựa, rồi cái màn hình (monitor) big size, con chuột (mouse,) bàn phím (keyboard) big size, khay để bàn phím (keyboard tray,) tấm lót chuột (mouse pad,) cái máy in (printer,) cái chụp đèn, cái đồng hồ… đang ở trước mặt tôi đều được tạo ra từ rất, rất nhiều chi tiết nhựa. Ði đâu, làm gì, chúng ta đều thấy sự hiện diện của nhựa, chỉ thiếu một điều là con người không thể ăn nhựa thôi, nhưng vẫn luôn dùng nhựa làm bao bì bọc thực phẩm. Nhựa là một phần tất yếu không thể thiếu trong đời sống của người hiện đại, vì vậy, cắt giảm sản xuất và dùng sản phẩm khác thay nhựa là một việc vô vùng nan giải.

photo Lekima Hùng) 

Theo đạo luật, “Việc giảm bao bì nhựa đó có thể là kết hợp giảm kích thước bao bì” lại là đề nghị hết sức khôi hài, có lẽ tác giả câu này chưa từng quản lý chi tiêu trong gia đình hay lâu nay chỉ xài đồ free, nên không biết rằng nhu cầu tắm rửa, gội đầu là bắt buộc không thể giảm số lượng sử dụng. “Giảm kích thước bao bì” thì thay vì chỉ mua 1 gói/chai thì khách hàng bắt buộc phải mua 2 gói/chai, và mua 1 chai/gói bự bao giờ cũng tiết kiệm tiền hơn mua 2 chai/gói nhỏ. Ðối với nhà sản xuất, làm ra 1 bao bì bự thì ít tốn nhựa hơn là làm ra 2 bao bì nhỏ có cùng dung lượng. Trừ phi quý vị đi xa, cần đem theo chai lọ nhỏ cho gọn gàng, thì không một bà nội trợ nào chọn mua nhiều chai dầu gội nhỏ mà luôn chọn mua chai dung tích bự nhứt để dùng trong gia đình nhằm mục đích tiết kiệm tiền. Nếu các nhà sản xuất chứa dầu gội, dầu xả, nước rửa tay đựng trong những túi nhựa lớn (thay cho dùng chai nhựa dày dẻo) rồi bán hạ giá cho khách hàng mua về đổ vô các chai lọ có sẵn trong nhà thì khách hàng sẽ hoan nghênh hơn, và cũng đạt được mục đích hạn chế đưa ra môi trường quá nhiều chai lọ nhựa.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Mặt khác, các loại túi nilon lớn nhỏ lủ khủ dùng đựng rác thì bất cứ nơi đâu, từ nhà riêng, chợ búa, tiệm quán, công sở, đường phố nào (do thành phố phụ trách) cũng bắt buộc phải mua dùng, và hiện nay không có gì thay thế chúng được.

Bao bì nhựa mỏng dùng đựng rau cải, trái cây là không thể thay thế. Lý do là các thứ này luôn ướt, có nước, bao bì giấy gặp nước sẽ rách. Thời xưa, khi chưa phát minh ra nhựa, để chống thấm nước, người xưa dùng giấy tẩm sáp để gói thức ăn. Tôi vừa khảo sát giá bao bì giấy sáp (Waxed Paper Bag,) trên các trang bán hàng online. Thấy họ rao bán 1 pack (1,000 bag) loại túi giấy trắng tráng sáp dung tích 4 lbs/túi, giá $69.99. Tuy nhiên, chúng ta không thể đựng đồ tới ngập miệng túi, mà thông thường túi chỉ chứa một nửa, một nửa còn lại dành cho gấp miệng túi. Một khách hàng đã mua túi nói rằng 1 chiếc túi chứa được khoảng 20 cái chân gà (không phải đùi,) hoặc 6 cái bánh donuts. Loại túi giấy nâu thì 500 cái/$12.99. Nhìn chung, bao bì bằng giấy tráng sáp mắc tiền, không phải là lựa chọn hay ho gì trong thời buổi “củi quế gạo châu” mà kiếm tiền khó này.

Hùng Lekima (Nguyễn Việt Hùng) đã đi 3,200 km bờ biển Việt Nam và ghi hình lại. photo Lekima Hùng)

Vậy các tiểu bang khác ở nước Mỹ thì sao? “Bà Judith Enck, chủ tịch của Beyond Plastics, cho biết mặc dù dự luật của California đi xa hơn các tiểu bang khác khi đề cập đến việc giảm ô nhiễm nhựa” cho thấy rằng các tiểu bang khác không “nâng tầm vấn đề” như Cali. Các quốc gia tiêu tụ nhiều sản phẩm bao bì nhựa nhứt thế giới là khu vực Châu Á, đặc biệt là Tàu cộng và Việt Nam lại chính là những quốc gia không quan tâm vấn đề rác thải này. Chưa bao giờ rác nhựa phế thải tràn ngập 3,444 km (2,140 dặm) bờ biển Việt Nam nhiều như hiện nay.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Năm 2013, giới hữu trách California bắt giữ 5 người về tội mua các chai lọ và lon từ các vựa ve chai (recycling) ở Nevada rồi chở qua Cali đổi lấy tiền. Cảnh sát đã tịch thu khoảng 10,000 pounds aluminum và các chai nhựa. Ít nhứt, trong vụ này, tiểu bang Cali đã tốn tiền chi cho police để làm công việc mà police các tiểu bang khác không cần phải làm, thay vào đó, họ dùng thời gian ấy làm những việc khác hiệu quả hơn (Thí dụ: điều tra các vụ án chưa rõ thủ phạm, các vụ buôn ma túy…)

Các nước giàu thì “tiết kiệm” tiền xây nhà máy tái chế hay giải quyết rác bằng cách bán rác thải sang các nước nghèo, nước nghèo thì “tiết kiệm” mua rác thải để tái chế nhựa. Còn một nguyên nhân khác nữa là các đại gia nước nghèo nhận tiền từ nước giàu để “giải quyết rác thải” bằng cách sau khi nhập rác với danh nghĩa “nhựa phế liệu,” họ rình rình đem đổ tất cả xuống biển. Mỹ kim chảy ào ào vô túi các đại gia đỏ xứ Việt, còn môi trường sống ở Việt Nam, người dân nghèo mưu sinh từ biển lãnh đủ hậu quả. Lâu lâu, nhà cầm quyền Việt Nam bắt được một vụ và “giơ cao đánh khẽ” nên các đại gia đỏ “nhờn mặt,” tôi hồ nghi rằng “quan trên” đã ngậm một đống Mỹ kim hối lộ. Có lẽ các nước trên thế giới nên cùng nhau ban hành luật cấm xuất, cấm nhập rác thải?

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Trong thời gian đầu mùa dịch Covid-19, các parking chợ Việt ở quận Cam (Nam Cali) bao tay y tế xanh, trắng bay phất phới khắp nơi như đàn bướm lượn. Quý vị nào không tin cứ Google coi lại các bài báo cũ.

“Bà Amy Wolfram, quản lý cấp cao về chính sách đại dương của California tại Monterey Bay Aquarium, cho biết các loài động vật biển sống ngoài khơi Thái Bình Dương từ cua đến cá voi đang ăn phải nhựa có ở đại dương.” (Báo Viễn Ðông Daily ngày 04/7/2022.) Ðồng ý là nhựa phế thải đang hủy hoại hành tinh của chúng ta, nhưng cá voi và các động vật biển không tự chúng leo lên bờ để ăn nhựa phế thải, nhựa phế thải cũng không tự chúng mọc chân chạy ra đường, chạy xuống biển, mà do con người vứt nhựa xuống biển, ra đường phố. Vì vậy, vấn đề cần phải giải quyết trước tiên là ý thức bảo vệ môi trường của con người quá tệ, đặc biệt là các quốc gia đang ném rác đầy đường, ném bừa bãi xuống biển. Song song theo đó, xây dựng thêm và điều hành tốt các nhà máy tái chế nhựa, các nhà máy giải quyết rác thải từ nhựa, chính phủ phải có chính sách chung, hơn là cấm riêng cư dân Cali sử dụng bao bì nhựa, còn các nơi khác thì không.

TPT