Để kết thúc chuyến lộ du mùa Hè ‘21, chúng tôi chọn viếng thăm vùng phía Tây của Grand Canyon, nơi có cây cầu Sky Bridge bằng kính vươn thân ra ngoài đại vực. Nhưng để đến đó, trước hết chúng tôi phải ghé Las Vegas, sẵn tiện dọ xem tình hình dịch bệnh ra sao.

Đường xe điện của Las Vegas, nhìn từ khách sạn Elara. Ảnh: ianbui/trẻ 

Vài tuần trước khi chúng tôi đến Vegas, thống đốc tiểu bang ra lệnh nới lỏng luật cách ly và không bắt buộc phải đeo khẩu trang trong nhà cũng như ngoài trời. Ðiều đầu tiên chúng tôi nhận xét là hầu hết (trên 90%) người ta không ai đeo khẩu trang. Dĩ nhiên chúng tôi thuộc thành phần thiểu số, đi đến đâu cũng mang mặt nạ dù đã chích ngừa vì nào biết xung quanh mình là những ai, nhất là ở cái chỗ đầy dân tứ xứ này.

Tuy lượng người đến Vegas hiện nay không thể so sánh với thời tiền-đại-dịch, nhưng đường phố vẫn khá tấp nập. Tôi đoán ít nhất cũng phải bằng nửa khi xưa. Bước vào các casino, ta có thể thấy chừng phân nửa các bàn đánh bài vẫn còn trống. Các máy kéo, máy chơi game cũng vậy. Nhưng người qua lại bên trong vẫn nườm nượp, tuy hiếm thấy ai mang khẩu trang — kể cả những người làm nghề chia bài, trong số đó dân Việt không phải ít.

Sky Bridge (Cầu Trời) nhìn xuống sông Colorado River. Ảnh: ianbui/trẻ

Vì thành phố mới “mở cửa” lại chưa bao lâu nên việc tìm khách sạn không mấy khó. Với số lượng phòng trống cao và du khách tương đối ít, người ta có nhiều chọn lựa hơn. Chẳng hạn chúng tôi tìm được phòng tại một khách sạn mới xây, mọi thứ đều còn mới toanh, cực rộng, với đầy đủ tiện nghi mà chỉ $120/đêm. Mùa cao điểm thời xưa một căn phòng như vầy ít nhất phải mắc gấp đôi hay gấp ba. Không những nó có phòng khách, nhà bếp và bồn jacuzzi riêng, mà còn có một màn ảnh lớn bằng cả bức tường có thể tự động kéo lên mở xuống. Sau một ngày dài lái xe đường trường, thật không gì đã bằng nằm dài trên chiếc giường sofa bed xem giải vô địch túc cầu Euro Cup trên màn ảnh cực đại này!

Xem thêm:   Những nhà khởi nghiệp

Nói thì nói vậy, chứ thật ra đang mùa Covid này mà đến những nơi đông người như Las Vegas cũng hơi ớn. Lý do duy nhất chúng tôi đến đây là vì muốn đưa tụi nhỏ đi thăm Grand Canyon, và Vegas là chỗ tiện nhất để nghỉ qua đêm. Trong khách sạn tôi tình cờ giở tờ báo của Las Vegas ra và đọc thấy tình trạng lây nhiễm do biến thể Delta đang tăng mạnh trên toàn tiểu bang. Cho nên ăn uống nghỉ ngơi xong là chúng tôi cũng cuốn gói lên đường chứ không dám đi lòng vòng ngắm phố ngắm phường nhiều như những lần trước. Tránh Cô Vi chẳng xấu mặt nào!

Lều của người Hualapai. Ảnh: ianbui/trẻ

Sky Bridge (Cầu Trời) nằm cách Las Vegas khoảng 120 dặm về hướng Ðông, trong vùng vực mang tên Grand Canyon West. Ðây là khu reservation của bộ lạc thổ dân Hualapai, nằm ở phía Tây Grand Canyon, cách xa hai điểm du lịch người ta thường thăm viếng là South Rim (Bờ Nam) và North Rim (Bờ Bắc). Khác với hai địa điểm nói trên vốn nằm trong hệ thống Lâm viên Quốc gia (National Park), Bờ Tây và Sky Bridge là đất tư nhân, quản lý bởi bộ lạc Hualapai. Cho nên dẫu có mua trước membership trong hệ thống National Park bạn vẫn phải trả tiền để vào xem nơi đây.

Giá vé từ $35/người trở lên, tuỳ theo bạn muốn đi xem những nơi nào. Nếu muốn lên Sky Bridge phải trả thêm tiền. Còn không thì có xe bus chở ta đến những thắng cảnh như Eagle Point, Guano Point để ngắm Tây vực của Grand Canyon. Ðặc biệt Guano Point còn là nơi thuở xưa người ta xây một đường dây cáp chạy xuống tận một hang dơi dưới đáy vực để vận chuyển guano (phân) của dơi lên bán làm phân bón. Dĩ nhiên ngày nay chả ai kinh doanh thứ này nữa, nhưng du khách thích cảm giác mạnh có thể mua vé đu dây Zip Line tuột xuống đại vực cho … “biết mùi.”

Bảng hiệu nguyên thuỷ vẫn được giữ lại sau khi motel đổi thành khu ăn uống. Ảnh: ianbui/trẻ

Sky Bridge là sáng kiến của nhà đầu tư David Jin, một người từng có nhiều mối quan hệ với cộng đồng thổ dân trong vùng, với phí tổn khoảng 30 triệu USD. Từ lúc khánh thành năm 2007 tới nay, Sky Bridge ngày càng thu hút được nhiều du khách hơn mặc dù vẫn bị một số người chỉ trích rằng nó phá vỡ không gian tự nhiên của Grand Canyon. Nhưng những người ủng hộ Sky Bridge cho biết nó là một nguồn thu nhập dồi dào cho thổ dân Hualapai, vốn đang bị nạn thất nghiệp gần 50%. Dữ liệu mới nhất cho biết hàng năm số du khách đến thăm Sky Bridge lên đến 400 ngàn người!

Xem thêm:   Nhược điểm của Trung Quốc

Rất tiếc hôm chúng tôi đến thì trời trở mưa và có cả sấm sét nên cả hai Sky Bridge và Zip Line đều phải đóng cửa. Thật là uổng cho một chuyến lái xe hơn 100 dặm ra giữa vùng sa mạc hoang vu. Nhưng nghe nói bộ lạc Hualapai đang có kế hoạch biến khu vực này thành một địa điểm du lịch hạng sang với casino, khách sạn, sân golf, cáp treo, cắm trại, cước du v.v. Hy vọng trong tương lai chúng tôi sẽ có dịp quay lại chốn này, xem nó phát triển (hay không) ra sao.

Trong bài đầu tiên về chuyến lộ du này tôi kể chuyện trên đường đi tình cờ phát giác một khách sạn trên Route 66 ngày xưa từng là motor court, nơi khách đi đường dừng chân cho xe hơi “nguội máy”. Trên đường về lần này chúng tôi lại tình cờ khám phá ra một khách sạn motor court khác, cũng trên Ðường 66, nay được dùng cho một mục đích rất ngộ nghĩnh và độc đáo.

Tiệm quán dọc Route 66 xây theo kiểu nhà Adobe đặc trưng vùng New Mexico. Ảnh: ianbui/trẻ

Một trong những thú đi đường của chúng tôi là tìm ăn những món đặc biệt hay đặc sản của nơi mình đi qua. Albuquerque (New Mexico) có nhiều nhà hàng Mễ rất ngon, với một số món bình dân không phải ở đâu cũng có. Dùng Yelp, chúng tôi tìm được một quán ăn Costa Rican nằm trên Xa lộ 66. Nghe bà chủ người di dân kể rằng cách đây vài năm motel này xuống cấp tàn tệ vì ít khách, mặc dù nằm đối diện Vườn Bách Thảo. Nhưng thay vì đập cái motor court ra để bán đất thì thành phố hợp tác với một nhà đầu tư từ Cali để biến nó thành một khu ăn uống ngoài trời. Các căn phòng của motel cũ được tái tạo thành các tiệm bán đồ ăn, một dạng food court với đủ loại thực phẩm, từ sushi cho đến Mexican, từ tiệm mì cho tới bánh ngọt. Ngoài ra còn xây thêm các vòi phun nước cho trẻ em nghịch đùa vào mùa nóng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời.

Xem thêm:   Allen kinh hoàng

Cô chủ tiệm bánh kể tuy cô chỉ mới dọn vào đây hồi năm ngoái sau khi đại dịch bùng nổ, nhưng nhờ đây là chỗ ăn uống ngoài trời nên rốt cuộc cô lại buôn bán được hơn xưa. Phần nữa là nhờ được thành phố nâng đỡ bằng cách cho mướn địa điểm giá rẻ và nhà băng cho vay lãi suất thấp qua chương trình chống dịch của chính phủ. Thế mới thấy các chính sách ưu đãi tiểu thương thực sự có giúp những người như cô vượt qua đại dịch, giữ cho nền kinh tế không bị suy sụp.

Rời Albuquerque, trên đường về Texas tôi không khỏi thầm thán phục cách chính quyền thành phố biết nhìn xa hiểu rộng, gìn giữ những kiến trúc cổ xưa vốn vô giá. Và lại càng xót xa khi nghĩ đến bao nhiêu kiến trúc tuyệt đẹp của Sài Gòn đã biến mất vĩnh viễn bởi những kẻ cầm quyền thiếu kiến thức, thừa lòng tham. Hy vọng từ rày về sau những gì còn sót lại ở Việt Nam sẽ được bảo vệ và trân quý hơn, khi người ta hiểu ra chính những di sản văn hoá độc đáo không ai khác có mới là điều hấp dẫn và thu hút du khách từ khắp nơi thế giới.

IB