Từ không biết bao giờ, người Việt hay nói “Một Chạp Giêng Hai”. Nhân dịp đầu năm, hãy thử tìm hiểu nguồn gốc câu ca dao tục ngữ xa xưa.

Lễ Tết cổ truyền của người Cơ-Tu. Nguồn: toplist.vn 

Một Chạp là tiết mùa Đông

Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay

Bao giờ cho đến Giêng Hai

Cho làng vào đám, cho ai xem chèo…

Sóc Trăng có hai món ngon nổi tiếng là bánh pía và lạp xưởng. Cả hai đều theo người Minh Hương du nhập vào miền Nam Việt Nam cách đây khoảng bốn thế kỷ. Ngày nay cả hai thứ đều được ăn quanh năm, nhưng lạp xưởng được bán nhiều hơn vào dịp lễ Tết. Lý do là vì thuở xưa ở vùng Quảng Ðông lạp xưởng là thức ăn được làm cho mùa Ðông như một hình thức dự trữ lương thực. Không những vậy, ban đầu nó còn là một món dùng để cúng.

Trong sách ‘Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị’ của Lê Ngọc Trụ, chữ “chạp” bắt nguồn từ chữ “lạp”, có gốc là bộ “nhục” (thịt) và “liếp” (săn bắt). Lạp trường (ruột nhồi thịt) là món ăn dùng để cúng tổ tiên vào tháng cuối Ðông chào đón năm mới. Vì vậy tháng cuối năm còn được gọi là “lạp nguyệt”, mà người Việt ta gọi trại ra là tháng Chạp. Tháng đó còn là tháng để cúng kiếng — như Giỗ Chạp, Chạp Miễu, Chạp Mả, Chạp Tổ v.v. Tháng Chạp ở xứ ta còn có nhiều ngày cúng như Rằm tháng Chạp (15), Thượng điền (16), tiễn ông Táo (23)…

Còn tháng Giêng, khởi đầu cho một năm mới, thì người Trung Hoa không gọi là nhất nguyệt (tháng một) mà gọi là chính nguyệt (hay chánh nguyệt). Các nhà ngữ học cho rằng chữ Giêng của ta đến từ chữ chính, vì người Việt hay đọc trại âm “inh” thành “iêng” — ví dụ tứ chính thành tứ chiếng, mắt kính thành mắt kiếng v.v. Như câu ca dao thượng dẫn cho thấy, sau tháng Giêng thì đến tháng Hai (nhị nguyệt). Thế tại sao trước tháng Chạp không là tháng Mười Một (thập nhất nguyệt) mà là tháng Một? Có người cho rằng vì người Việt thường gọi mười một là một, như con cái trong nhà qua đến thứ mười một gọi là “thằng Một” hay “con Một”. Nhưng cũng có người cho là vì thuở xưa đó là tháng thứ nhất trong lịch Kiến Tí nay đã hết dùng. Thế lịch Kiến Tí là gì?

So sánh lịch Kiến Tí và Kiến Dần của người Tàu với lịch Trống Đồng của người Việt. Nguồn: nghiencuulichsu.com

Ðó là phép làm lịch cổ đại do vua  Hiên Viên Hoàng Ðế (2600 B.C.) bên Tàu đặt ra. Mười hai tháng trong một năm được đặt tên theo 12 địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão v.v. Tháng được dùng làm mốc để khởi đầu chu kỳ một năm gọi là tháng Tí, do đó lịch này còn được gọi là lịch Kiến Tí. Tháng Tí thuộc thời điểm Ðông Chí, tức vào lúc ở Bắc bán cầu mùa Ðông bắt đầu chuyển sang mùa Xuân, đêm dần ngắn lại ngày dài trở ra. Do đó nó còn là lúc con người ta hay làm lễ ăn mừng. Không riêng gì ở bên Tàu, hầu hết tất cả các nền văn minh cổ đại đều có lễ lạt vào mùa này. Ðến như lễ Giáng Sinh của Thiên Chúa Giáo cũng có liên quan đến các lễ hội Ðông Chí thời tiền sử.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Và cũng như Dương lịch của người Âu châu trải qua nhiều thay đổi từ lịch Julian của Caesar đến lịch Gregorian của Ðức giáo hoàng Gregory mà ta sử dụng ngày nay, Âm lịch cũng biến chuyển theo các đời vua bên Tàu. Chẳng hạn đến đời nhà Hạ (2200 BC) thì tháng Dần (tháng thứ ba) được chọn làm mốc đầu năm mới, cho nên lịch này còn được gọi là lịch Kiến Dần. Nhà Thương (1766 BC) thì chọn tháng Sửu, nhà Chu (1122 BC) chọn tháng Tí, nhà Tần (221 BC) chọn tháng Hợi. Ðến đời nhà Hán (144 BC) thì bắt đầu một năm bằng tháng Dần trở lại, và đó là lịch Kiến Dần vẫn được dùng cho đến bây giờ. Ðó là vì sao Tết Nguyên Ðán ngày nay không còn trùng với Ðông Chí nữa.

Tuy nhiên, theo một số nhà khảo cứu thì trước khi bị người Hán đô hộ, người Việt cổ đã có bộ lịch riêng của mình, dựa theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng được khắc trên trống đồng. Hầu hết mọi người đều đồng ý chiếc trống đồng không phải chỉ là một thứ nhạc cụ, và càng không phải là đồ vật bình thường để trang trí. Giả thuyết hợp lý nhất là chỉ những người trưởng bộ lạc mới có quyền sử dụng nó. Ngoài việc là một vật thể có trị giá, nó còn là một dụng cụ cần thiết cho sinh hoạt thường ngày, một thứ cẩm nang giúp người ta tiên đoán mùa màng và thời tiết để liệu việc đồng áng, săn bắn, lễ lạt v.v. Người tù trưởng hay già làng do đó phải là người biết sử dụng thành thạo quyển niên giám bằng đồng này.

Người Mường gọi mười ngày đầu tháng là “lôồng”, giống chữ “mồng” của ta. Nguồn: toplist.vn

Xem xét những hình vẽ trên mặt trống, ta có thể nhận ra những biểu tượng dùng để đánh dấu ngày, tháng, năm. Chẳng hạn như 18 con chim lớn ở vòng ngoài cùng được dùng để đếm chu kỳ 18 năm. Trong khi đó, trên vòng nhỏ gần trong cùng ta thấy có hình sáu vị thần đối diện nhau, đại diện cho 12 tháng, cộng với một vị thần nhỏ hơn để đại diện tháng nhuận. Ở vòng giữa ta thấy một số gà và hươu, chúng là biểu tượng cho tuần có trăng và không trăng. Gà chỉ đi ăn vào ban ngày; hươu đi ăn vào những đêm sáng trăng. Chúng có thể được dùng để tiên liệu khi nào có thể tổ chức cuộc săn chẳng hạn.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Hình mặt trời 14 cánh ở giữa được dùng để đếm 28 ngày và đêm, tức bốn tuần, và tuỳ tháng hoặc năm nhuận cần đếm thêm ngày 29 hoặc 30. Khác với lịch Kiến Tí của Hoàng Ðế có 365 ngày, lịch của người Giao Chỉ có 364 ngày. Lịch Tàu dùng 10 can và 12 địa chi để đếm nên chu kỳ của họ lặp lại mỗi 60 năm. Lịch trống đồng dùng chu kỳ 18 năm. Mỗi 10 chu kỳ lịch ta (180 năm) tương đương 3 chu kỳ 60 năm của lịch Tàu. Cách đếm ngày trên mặt trống đòi hỏi người giữ lịch phải biết đánh dấu tháng và năm nhuận kỹ lưỡng để theo đúng nhịp tuần hoàn của thế giới tự nhiên. Ðây không phải công việc ai cũng làm được vì nó đòi hỏi một số kiến thức về thiên văn và toán học. Tuy nhiên, một khi đã biết cách dùng, quyển lịch này có thể được áp dụng nhiều ngàn năm vẫn không bị sai lệch.

Phụ nữ Thái ăn Tết cổ truyền. Nguồn: toplist.vn

Ngoài những mục đích nói trên, lịch trống đồng còn mô tả những sinh hoạt như cấy lúa, giã gạo, lễ hội, đua thuyền v.v. Theo một số nghiên cứu gia, tháng thứ nhất trong lịch trống đồng cũng trùng với Ðông Chí như nhiều nền văn minh khác. Nói cách khác, nó giống như tháng Tí trong lịch Tàu tuy không ai biết người Việt cổ gọi tên nó là gì, hoặc chỉ gọi bằng số, như “tháng Một”. Có lẽ nào sau khi bị người Hán xâm chiếm và áp đặt lịch Kiến Dần, người Giao Chỉ đã đổi cách gọi “lạp nguyệt” và “chính nguyệt” của người Hán thành “tháng Chạp” và “tháng Giêng” để giữ được cái gốc lịch cổ của mình? Ðể rồi từ đó nảy sinh câu “Một Chạp Giêng Hai” mà Một chính là tháng Một trên lịch trống đồng?

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nền văn minh Ðông Sơn của ta, theo các nhà khảo cổ, xuất hiện từ khoảng 600 năm trước Công nguyên đến khoảng 200 năm sau Công nguyên. Trong khoảng thời gian này xã hội Việt cổ đã phát triển cao về kỹ thuật đúc đồng cũng như về thiên văn học. Rất tiếc nhiều hiện vật bằng đồng đã bị người Tàu tịch thu và nấu chảy để lấy kim loại. Nhưng cũng may một số trống đồng đã được chôn giấu kịp thời, nhờ đó ngày nay chúng ta có thể quay ngược bánh xe thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc. Hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, nhưng hy vọng với thời gian ta sẽ biết nhiều hơn về nguồn gốc của dân tộc mình.

“Một Chạp” nữa đã trôi qua, mến chúc quý độc giả một mùa “Giêng Hai” dồi dào năng lượng, niềm tin và sức khoẻ.

IB