Một trong những thông lệ bất thành văn khi có cuộc chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ là lá thư vị tổng thống tiền nhiệm để lại cho người kế vị. Tuy đã trở thành một truyền thống, nó khá mới mẻ trong dòng lịch sử Hoa Kỳ.

Những lá thư tổng thống. Nguồn: CNN.  

Trong ngày tại vị cuối cùng của mình, Tổng thống Ronald Reagan nảy ra ý tưởng ghi lại vài dòng cho người kế nhiệm, không ai khác hơn cụ Phó George H.W. Bush. Với tay lấy quyển tập có bức hình hoạt hoạ và lời khuyên: “Don’t let the turkeys get you down!” (Ðừng để bọn lèm bèm khiến ta bận tâm) ông Reagan đặt bút xuống viết:

George thân mến,

Sẽ có những lúc anh muốn dùng đến tập giấy này. Anh có thể bắt đầu liền bây giờ.

George này, tôi rất trân quý những kỷ niệm giữa đôi ta, tôi chúc anh mọi điều tốt lành nhất. Tôi sẽ luôn cầu nguyện cho anh. Mong Thượng đế ban phước lành cho anh và Barbara. Tôi sẽ nhớ lắm những buổi ăn trưa ngày thứ Năm của chúng mình.

Ron

Bức thư tổng thống đầu tiên, của TT Reagan. Nguồn: White House.

Nhưng có lẽ thấy lá thư này không lột tả được hết nỗi niềm, ông Reagan đã viết thêm bức thứ nhì dài hơn, với những lời lẽ chân tình hé lộ cho ta thấy mối thâm giao giữa hai người:

Tía của Jeb Bush thân mến,

Chúc mừng anh đã trở thành tổng thống. Tôi vẫn đoán anh rồi sẽ làm tổng thống, và giờ đây anh đã đạt được điều đó, tuyệt quá rồi còn gì. Anh có quyền tự hào và sợ run vì thành tựu của mình. Tôi biết tôi cũng thế. Hoan hô v.v và v.v.

Làm tổng thống là công việc khó khăn nhất thế giới, nhưng cũng là một phần thưởng. Nó một cái ách nặng nề, hút hết sinh lực đến khi anh chỉ còn cái vỏ. Nhưng đôi khi được đi máy bay miễn phí cũng sướng. Cho phép tôi chia sẻ với anh đôi ba điều tôi học được trong tám năm qua, biết đâu thể giúp anh đôi chút.

Chuyện nó vầy, Bush cha ạ. Một khi nước Mỹ biến anh thành tổng thống, anh không còn được ở nhà mình nữa mà phải sống trong một căn nhà khác. Tôi không hiểu tại sao, nhưng ai trở thành tổng thống đều phải làm vậy. Người ta bắt anh ở trong một căn nhà bự màu trắng, thiệt xa Túp lều tưởng của Ronald Reagan. Anh sẽ nhớ Túp lều tưởng của Ronald Reagan ghê gớm, anh sẽ khóc hằng đêm và xin phép người ta cho anh về, nhưng họ sẽ không cho. Ðó là khối nợ của tổng thống mà lúc nào chúng ta cũng phải vác một cách đĩnh đạc và chững chạc. Tôi rất vui sắp được quay lại Túp lều Lý tưởng của Reagan để ráp cho xong tấm puzzle hình bàn chân của mình.

Nhưng mặc dù lúc nào anh cũng muốn khóc vì phải sống trong căn nhà mới màu trắng này, anh không được phép lộ vẻ buồn. Là lãnh đạo cường quốc hùng mạnh nhất địa cầu, anh phải làm gương cho các lãnh đạo khác noi theo. Có nghĩa là khi đi toilet anh cũng phải mặc tuxedo. Có nghĩa là mỗi ngày anh phải có họp báo để kể với quốc dân cơn dị mộng của mình đêm qua. Có nghĩa là anh không được khóc suốt ngày suốt đêm vì Túp lều Lý tưởng của Ronald Reagan. nghĩa là thay vì bỏ hình con cái mình trong bóp thì anh nhét hình của tất cả mọi người dân Mỹ vào trong đó, và mỗi khi gặp người chưa quen anh đều lôi ra khoe. Nhưng trên hết, nó có nghĩa là anh được tặng những cái kẹp nhỏ hình lá quốc kỳ mà lúc nào anh cũng phải đeo, kể cả khi đi ngủ.

Thư của Bill Clinton cho George W. Bush. Nguồn: White House.

Nhiều trách nhiệm lắm, chồng của Barbara Bush ạ, nhưng tôi tin anh đã sẵn sàng. Có lần tôi thấy anh cắn một trái cam chưa lột vỏ, và tôi thầm nghĩ: “Ðâu ai làm kiểu vậy. Chắc chắn người này rồi sẽ thành tổng thống.” Như 19 người trong số 23 giám khảo giải Oscar năm 1985, tôi đã đoán đúng. Khá lắm, Ron ạ.

Lời khuyên kế này rất, rất quan trọng. Hồi đó Jimmy Carter đã cảnh báo nhưng tôi tưởng ổng nói quá, ai dè ổng nói thiệt. Bush cha này, dù làm tổng thống có khiến anh khát nước cách mấy, đừng bao giờ uống từ vòi phun nơi sân trước Bạch Cung. Anh sẽ bị sán lãi như tôi đã bị. Tôi từng bị một con sán rất bự, đêm đêm nói chuyện ồn ào bằng một thứ tiếng lạ hoắc trong lúc tôi cố tìm giấc ngủ. Tội nghiệp Nancy, bả muốn tôi bắt nó phải im, nhưng nó cứ kể miết ba chuyện gì đâu bằng cái giọng trời ơi đất hỡi của nó nghe chẳng khác nào gã chết đuối thô lỗ. Nên tôi thành thật khuyên anh, Bush tía à, khát cỡ nào cũng ÐỪNG uống từ cái vòi phun đó. Nếu bắt buộc phải kiếm gì uống, nước từ hệ thống tưới cỏ cũng miễn phí nhưng sẽ không cho anh con sán biết nói.

Ồ, còn chuyện này nữa. Nếu anh tìm thấy một quả banh bóng rổ phát quang hiệu Glow City, nó là của tôi. Tôi để lạc đâu đó trong Phòng Bầu Dục lâu lắm rồi chưa tìm ra. Anh làm ơn gởi nó về cho khổ chủ tại địa chỉ:

Túp lều Lý tưởng của Ronald Reagan

201 East Jefferson St

Phoenix, AZ 85004

Thôi, tôi ngưng viết nơi đây để quay lại với tấm puzzle 5,000 mảnh hình bàn chân của mình. Chúc anh may mắn, và hy vọng anh không bị ám sát quá sớm.

Thân mến,

Ronald

Tân Tổng thống Donald Trump “khoe” với phóng viên lá thư của cựu Tổng thống Obama. Ảnh: Carlos Barria/Reuters

P.S. Đừng sợ mấy tên lúc nào cũng cầm súng đi kè kè. Nhân viên mật vụ đấy. Nhiệm vụ của họ là đề phòng không cho ai bắn JFK. Cũng đừng hỏi xin họ Fig Newtons. Họ không được phép cho anh ăn đâu.

Xem thêm:   Chó...

Và như thế, một truyền thống rất ‘American’ đã ra đời. Từ đó trở đi, mỗi vị tổng thống đều để lại cho người kế nhiệm một bức tâm thư với những lời nhắn nhủ chân thành, dù họ từng là đối thủ chính trị. Nổi tiếng nhất là bức thư Tổng thống H.W. Bush để lại cho Bill Clinton, người đánh bại ông trong mùa bầu cử 1992. Không dài dòng văn tự, cũng không hài hước như Reagan, bức thư của ông Bush cha đã trở thành mẫu mực cho các vị tổng thống về sau — về cả nhân cách lẫn tinh thần thượng võ:

Bill thân mến,

Lúc nãy khi tôi vừa bước vào văn phòng này, tôi vẫn cảm được một niềm thích thú và nể trọng như lần đầu tiên cách đây bốn năm. Tôi biết anh cũng sẽ cảm nhận được điều đó.

Tôi chúc anh những điều hạnh phúc nhất nơi này. Tôi chưa hề cảm thấy lẻ loi ở đây như một vài vị tổng thống từng mô tả. Con đường trước mặt sẽ nhiều chông gai, đã vậy anh còn phải đối đầu với những lời phê phán mà anh có thể cho là bất công. Tôi không là người giỏi chuyện khuyên bảo; nhưng đừng để những kẻ chỉ trích làm anh nản lòng hay đẩy anh chệch hướng.

Khi đọc được những dòng này, anh sẽ là Tổng Thống của tôi và của tất cả mọi người. Tôi cầu mong mọi sự tốt lành đến với anh và gia đình anh. Giờ đây thành công của anh sẽ là thành công của đất nước chúng ta. Tôi ủng hộ anh hết mình.

Chúc anh may mắn.

George

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Các vị tổng thống kế tiếp thảy đều gìn giữ truyền thống đẹp đẽ này. Dù cuộc bầu cử năm 2000 gây nhiều tranh cãi vì quá sát nút (537 phiếu của Florida) và phải nhờ Tối Cao Pháp Viện can thiệp, Bill Clinton vẫn viết cho George W. Bush một lá thư rất đàng hoàng lịch sự. Năm 2016, sau trận thắng bất ngờ của Donald Trump, ông Obama cũng để lại một bức thư mà theo lời ông Trump là “very long, very complex” (rất dài và phức tạp). Năm nay, Tổng thống Trump dù tới phút chót vẫn không chấp nhận thua cuộc, vẫn để lại cho vị tân tổng thống một lá thư mà Tổng thống Biden tả là “rất rộng lượng.” Ông Biden nói ông sẽ không công bố nội dung lá thư ấy đến khi có dịp nói chuyện với ông Trump và được cho phép đăng.

Thư của George W. Bush cho Barack Obama. Nguồn: White House.

IB