Bối cảnh
Tháng Hai năm 1973, sau khi Hoa Kỳ và Bắc Việt ép Tổng thống Thiệu ký kết Hiệp Định Paris, Nixon gởi một bức mật thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong đó Nixon hứa “Hoa Kỳ sẽ đóng góp cho việc tái thiết Bắc Việt, không tuỳ thuộc vào cân nhắc chính trị nào cả,” nguyên văn:
“The U.S. government will contribute to the reconstruction of North Vietnam without any political considerations whatsoever.”
Ông còn nói thêm là “dựa trên nghiên cứu sơ khởi của chính phủ, đóng góp của Hoa Kỳ vào các chương trình tái thiết hậu chiến như đã nói trên tương đương khoảng 3.25 tỉ đô la, trong dạng viện trợ không cần hoàn trả.” Tuy không nói ra, nhưng đằng sau lời hứa ấy là hai điều kiện. Thứ nhất, mọi chi tiêu của Hoa Kỳ cần được thông qua bởi Quốc Hội. Thứ nhì, Bắc Việt phải tuân thủ các điều khoản trong Hiệp Định Paris.
Sau khi hiệp định được ký kết và lệnh quân dịch được bãi bỏ, phong trào phản chiến lắng dịu hẳn. Vì dân Mỹ ngơi quan tâm đến cuộc chiến nên Quốc Hội cũng không còn mặn mòi với việc đổ thêm tiền vào Việt Nam. Sang tháng Tư 75, với số phiếu áp đảo Lưỡng Viện bác bỏ yêu cầu của TT Ford chi thêm $700 triệu cho VNCH. Cuối tháng Tư Sài Gòn thất thủ.
Cần nói thêm, trong thời Chiến Tranh Lạnh Hoa Kỳ cùng các thành viên NATO đã thiết lập CHINCOM, một quy ước chế tài và cấm vận đối với các nước cộng sản như Nga và Trung Quốc cùng đám đàn em, trong đó có Bắc Việt. Sau tháng Tư 1975, Tổng thống Ford lập tức ra lệnh nới rộng lệnh cấm vận ấy lên toàn cõi Việt Nam từ Nam chí Bắc.

James Earl Carter Jr. (1924-2024) – hoạ sĩ Lee Percy
Hồi Một
Năm 1976 Jimmy Carter vận động tranh cử với thông điệp hàn gắn vết thương chiến tranh và hồi hương hài cốt lính Mỹ mất tích ở Việt Nam (MIA). Sau khi thắng cử, một trong những việc đầu tiên tân tổng thống cho làm là thành lập một uỷ ban gồm 5 người có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tái lập bang giao với Việt Nam. Đứng đầu là Leonard Woodcock, chủ tịch liên đoàn công nhân United Auto Workers, người từng chỉ trích mãnh liệt các chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trước kia.
Tháng Ba năm 1977 phái đoàn bay sang Việt Nam. Vừa đáp xuống Hà Nội, chưa kịp tỉnh cơn jetlag họ đã được Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh vời đến một cuộc họp không xếp lịch trước. Tại buổi họp, Nguyễn Duy Trinh tuyên bố thẳng thừng rằng Hoa Kỳ thiếu Việt Nam 3.25 tỉ đô la; không những đó là một “món nợ đạo đức” mà còn là một “nghĩa vụ pháp lý”. Woodcock phản biện sẽ không một người dân Mỹ nào đồng ý chuyện trả tiền cho Việt Nam để “mua lại” hài cốt. Hai bên giằng co suốt 3 ngày họp. Cuối cùng Hà Nội cũng trao cho Woodcock 12 bộ xương, được cho là của lính Mỹ, coi như để tỏ thiện chí (lòi ra một trong 12 bộ xương ấy là của một người đàn ông Việt Nam!)
Tuy cuộc gặp thứ nhất chẳng đi tới đâu, phía Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi con mồi béo bở. Vài tuần sau Phạm Văn Đồng thư cho Woodcock, đề nghị một buổi họp ở Paris vào tháng Năm, 1977. Tổng thống Carter lập tức nhận lời. Để dọn đường, tờ Nhân Dân cho đăng bức mật thư của Nixon lên báo với hy vọng nó sẽ tạo áp lực lên phái đoàn Mỹ.

Henry Kissinger, Richard Nixon và Gerald Ford, tháng 10/1973 (AP)
Lần này ông Carter giao nhiệm vụ đàm phán cho Richard Holbrook, 36 tuổi, nổi tiếng là một tay thương thuyết cừ khôi, từng làm việc tại miền Nam Việt Nam vào những năm 1963-66. Đại diện cho Việt Nam là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phan Hiền. Holbrook cho hay Tổng thống Carter sẵn sàng tái lập bang giao, dỡ bỏ lệnh cấm vận và sẽ không bỏ phiếu chống Việt Nam vào LHQ nữa. Về phía mình, Phan Hiền nằng nặc đòi Mỹ phải trả 3 tỉ đô la trước.
Hai bên kèn cựa qua lại, chưa ngã ngũ thì Việt Nam bỗng chấm dứt buổi họp và triệu tập một cuộc họp báo. Trước sự ngỡ ngàng của công chúng, Phan Hiền đem bức mật thư của ông Nixon ra đọc và tuyên bố mọi thương thảo từ rày về sau sẽ tuỳ thuộc vào việc Mỹ giữ lời hứa bồi thường chiến tranh của ông Nixon.
Giới lãnh đạo Việt Nam đã tính lầm nước cờ; họ tưởng thành phần phản chiến ở Mỹ vẫn còn mạnh và có thể tạo áp lực lên chính quyền. Nào ngờ Quốc Hội Mỹ lập tức phản ứng với hai đạo luật. Đạo luật thứ nhất nghiêm cấm chính phủ Carter “thương lượng việc bồi thường, viện trợ hay chuyển tiền cho Việt Nam dưới mọi hình thức.” Đạo luật thứ nhì bác bỏ lời hứa trong bức mật thư của ông Nixon, cho rằng nó không có giá trị pháp lý nào cả.
Chưa chịu bỏ cuộc, Holbrook đề nghị hai bên lập văn phòng liên lạc tại Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn để tiếp tục thương thuyết, song Việt Nam từ chối. Phan Hiền thì đề nghị ký kết một thoả thuận viện trợ ngầm mà không cho Quốc Hội biết. Tất nhiên Holbrook không ngu dại gì đồng ý. Nỗ lực tái lập bang giao với Việt Nam của ông Carter vào năm 1977 coi như bất thành.

Leonard Woodcock đến phi trường Gia Lâm, Hà Nội, 16/3/1977 (AP)
Hồi Hai
Sang năm 1978 kinh tế Việt Nam ngày càng tuột dốc. Trong khi đó thì Mỹ đã chuyển hướng sang Trung Quốc sau khi Zbigniew Brzezinski lên thay thế ngoại trưởng Cyrus Vance. Thấy không ổn, Hà Nội bắn tiếng cho TT Carter và nói họ sẵn sàng đối thoại phi điều kiện. Mỹ cho hay hai bên có thể gặp riêng vào tháng Chín nhân dịp phái đoàn Việt Nam sang New York dự một buổi họp của Liên Hiệp Quốc.
Một lần nữa Holbrook được giao trọng trách thương thuyết. Đại diện cho phía Việt Nam là Nguyễn Cơ Thạch, một gương mặt trẻ sáng giá, ăn nói lưu loát, được giới ngoại giao nước ngoài rất mực khen ngợi. Song việc đầu tiên Thạch hỏi Holbrook là Hoa Kỳ chấp nhận bồi thường cho Việt Nam bao nhiêu tiền. Holbrook chưng hửng, đáp lại rằng lý do Mỹ đồng ý có cuộc gặp này vì tưởng chuyện tiền bạc đã dẹp qua một bên. Holbrook định xách cặp ra về thì Thạch đổi giọng, nói Việt Nam sẵn sàng ký một thoả thuận ngay lúc đó mà không nêu vấn đề tiền nong gì cả.
Holbrook nói ông ta không có thẩm quyền ký kết, nhưng sẽ tham khảo với Bộ Ngoại Giao rồi báo cho Thạch hay. Thạch ở lại New York chờ câu trả lời từ Holbrook. Nhưng lần này tới phiên Mỹ cho Việt Nam leo cây. Đợi cả tháng không thấy Holbrook trả lời, Nguyễn Cơ Thạch cuối cùng bay về Hà Nội với hai bàn tay trắng.

Richard Holbrook tại đồng bằng Cửu Long, 1963 (Vladimir Lehovich)
Hạ Hồi
Cuối năm 1978 Lê Duẩn ký một hiệp ước với Soviet, không lâu sau đó Việt Nam đem quân sang đánh Khmer Rouge. Hành động xâm lược này đã tạo nên một hình ảnh xấu cho Việt Nam khiến việc thiết lập bang giao Mỹ-Việt là điều không tưởng.
Năm 1979, Trung Quốc tấn công; chiến tranh biên giới bùng nổ. Cuộc đàn áp người Việt gốc Hoa lên cao độ. Làn sóng vượt biển ngày càng gia tăng. Hình ảnh thuyền nhân và những câu chuyện thương tâm của “Boat People” lại càng làm cho thế giới tự do không muốn giao tiếp với Việt Nam.
Phải đợi đến cuối thập niên 1980, khi các nhà lãnh đạo cộng sản thuộc thế hệ “kách mệnh” chết bớt và chính sách “đổi mới” được khởi động, Hoa Kỳ và các nước trong khối tự do mới từ từ nới lỏng các quy định chế tài đối với Việt Nam. Và như ta biết, đến năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam mới tái lập bang giao – gần 15 năm sau khi Jimmy Carter rời khỏi Bạch Cung.

TT Jimmy Carter và cố vấn Zbigniew Brzezinski (thứ nhì từ phải) Nguồn: Carter Center
IB
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.