Năm nay giải âm nhạc lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Los Angeles, không giống bất cứ các chương trình Grammys nào từ trước tới giờ. Từ đầu đến cuối, mọi người đều nhắc đến vụ cháy rừng ở Nam Cali đồng thời kêu gọi quyên góp tiền bạc để giúp đỡ các nghệ sĩ bị ảnh hưởng. Tổ chức MusiCares và The Recording Academy còn mời một số nhân viên cứu hoả lên sân khấu để công bố giải thưởng quan trọng nhất trong năm — Album of the Year.

Ảnh: Valerie Macon/AFP       

Lần đầu tiên trong sự nghiệp dầy cộm của mình, nữ ca sĩ Beyoncé đã bất ngờ thắng giải Dĩa Nhạc Hay Nhất Năm 2024. Vậy là sau 15 năm miệt mài lao động, với 4 lần được đề cử và thua cả 4, cuối cùng Beyoncé cũng đoạt được giải thưởng cao quý này. Điều đáng ngạc nhiên là album “Cowboy Carter”không phải là một dĩa nhạc thuộc thể loại R&B hay Hip-hop như ta thường biết khi nghe đến cái tên Beyoncé, mà lại là nhạc country. Cái hay của nó nằm ở chỗ nó kể lại nguồn gốc nhạc country từ cộng đồng người nô lệ da Đen. Người trao giải cho Beyoncé chính là Trưởng Phòng Cứu Hỏa huyện Los Angeles, Anthony Marrone (trái).

Ảnh: Robert Gauthier/LA Times

Qua vụ cháy rừng và giải Grammys năm nay, nhiều người biết đến tổ chức MusiCares, hiện có cùng một tổng giám đốc với The Recording Academy là ông Harvey Mason, Jr. Thành lập năm 1989, MusiCares là một tổ chức từ thiện 501(c)(3) với mục đích trợ giúp các nhạc sĩ, đặc biệt trong vấn đề sức khoẻ. Và như ta biết, rất nhiều nhạc sĩ trong vùng L.A. đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của lửa. Do đó ban tổ chức Grammys đã dùng cơ hội này để kêu gọi công chúng góp phần trợ cứu giới nghệ sĩ gặp nạn. Bà con nào muốn giúp có thể đóng góp trực tiếp tại website musicares.org.

Nữ ca sĩ Charli XCX trên thảm đỏ trước bức phông của Grammys và MusiCares. (David Fisher)

Đêm trước chương trình, The Recording Academy và MusiCares tuyên bố sẽ góp 1 triệu USD cho quỹ cứu trợ. Những ai đã và đang làm việc trong ngành âm nhạc ít nhất 3 năm, hoặc có đóng góp trực tiếp vào các sản phẩm âm nhạc đã được phát hành, đều có thể liên lạc với MusiCares để được trợ giúp trong cơn tai ương khủng khiếp này. Ngoài ra, người xem cũng có thể cho tiền trực tiếp bằng cách scan QR Code của MusiCares trên màn hình TV. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, số tiền được cho đã lên đến $7 triệu, chưa tính khoản tiền được tặng bởi những nhà hảo tâm có mặt trong khán đường đêm hôm đó.

Nam ca sĩ Benson Boone trong một màn trình diễn (Robert Gauthier/LA Times)

Ngoài việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho các nhạc sĩ, MusiCares còn quan tâm đến con cái của họ, nhất là những trẻ em bị sang chấn tâm lý bởi trận thiên tai. Trong những thập niên qua, MusiCares đặc biệt chú trọng đến sức khoẻ tâm thần, nhất là cho những người trong giới LGBTQ thường gặp khó khăn hay bị kỳ thị. Ca sĩ Chappell Roan là một nghệ sĩ đồng tính vừa thắng giải Best New Artist. Khi lên nhận giải, cô đã dũng cảm yêu cầu các công ty sản xuất âm nhạc phải trả lương công bằng cho những người làm việc trong ngành âm nhạc và giúp họ mua bảo hiểm sức khoẻ để họ có thể sống và cống hiến cho nghệ thuật.

Chappell Roan trong màn diễn bài “Pink Pony Club” vô cùng đặc sắc. (Paul Gauthier/LA Times)

Ngay sau khi các vụ cháy rừng xảy ra, MusiCares đã thành lập các nhóm tương trợ. Họ gặp nhau hàng tuần tại một số địa điểm trong vùng, mục đích để tạo cơ hội cho nạn nhân tiếp xúc với các chuyên gia cũng như những gia đình nạn nhân khác hòng chia sẻ kinh nghiệm hay trao đổi thông tin. Thiết thực hơn nữa, MusiCares giúp các gia đình kiếm nơi tạm trú, thậm chí họ còn hỗ trợ bằng cách kêu gọi những cá nhân có nhà mướn qua hệ thống Airbnb cho phép các gia đình nhạc sĩ ở miễn phí. Đồng thời, MusicCares hợp tác với hệ thống Food Banks của thành phố để đóng góp thực phẩm giúp các gia đình trong cơn hoạn nạn.

Hai nhà nhạc sĩ lão thành Herbie Hancock (trái) và Stevie Wonder trong một màn diễn tưởng niệm Quincy Jones. (JC Olivera/WireImage)

Chương trình Grammys năm nay không chỉ là một giải thưởng âm nhạc thuần tuý như mọi khi, mà còn là một thông điệp về tầm quan trọng của âm nhạc trong xã hội con người. Âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn có thể giúp ta vượt qua những giây phút khó khăn. Thế nhưng kỹ nghệ âm nhạc nói chung là một ngành nghề rất khó kiếm sống. Số người thành danh và thành công rất là nhỏ so với hàng trăm ngàn người lao động ngày đêm trong âm thầm để mang đến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật. Hy vọng qua cơn thiên tai vừa rồi, công chúng có thể thấy rõ hơn những đóng góp của họ cho đời sống tinh thần của chúng ta.

Kendrick Lamar trong bộ quần áo jeans bụi đời lên nhận giải Song of the Year với dĩa nhạc “Not Like Us”. (Robert Gauthier/LA Times)

Giải Grammy thứ 67 cũng là lần đầu tiên có đến 3 người gốc Việt được đề cử. Đạo diễn Bảo Nguyễn được đề cử giải Best Music Film cho phim “The Greatest Night In Pop”. Nhà sản xuất Hải Nguyễn và phu nhân, ca sĩ Sangeeta Kaur Teresa Mai, được đề cử cho dĩa nhạc “Mythologies II”. Độc giả thường xuyên của báo Trẻ ắt hẳn đã đọc về hành trình cam go của “Mythologies II” từ Los Angeles qua Austin và sang tận London, để rồi được công diễn lần đầu ngay trong vùng Dallas với dàn nhạc giao hưởng Allen Philharmonic hồi tháng Tư năm ngoái. Mặc dù lần này “Mythologies II” không đoạt Grammy như dĩa “Mythologies” đầu tiên hồi năm 2022, những người làm ra nó vẫn xứng đáng là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung. Xin gởi lời chúc mừng đến tất cả!

Facebook Hai Nguyen