Một trong những truyền thống lâu đời nhất của người Mỹ là đại hội đảng (ĐHĐ), tức National Convention, để đề cử ứng viên ra tranh cử tổng thống và phó tổng thống. Trên nguyên tắc đây chỉ là chuyện nội bộ của mỗi đảng, nhưng thật ra nó ảnh hưởng đến toàn nước Mỹ, do đó đến cả thế giới, nên được rất nhiều người quan tâm. Vì vậy, được mời diễn tại đại hội là một vinh dự lớn lao. Trong hình là ban nhạc “cây nhà lá vườn” gốc Texas, The Chicks, hát trơn bản quốc ca trong đêm cuối cùng của đại hội đảng Dân Chủ, vừa kết thúc tại Chicago hôm 22 tháng 8.
Tại đại hội đảng Cộng Hoà ở Milwaukee hồi tháng rồi, ca sĩ lão thành Lee Greenwood, tác giả bài “God Bless the USA” bất hủ, còn được mời giới thiệu diễn giả chính của chương trình là cựu Tổng thống Donald Trump trong đêm thứ tư của đại hội. Đối với một người nhạc sĩ, đây có lẽ là vinh hạnh có một không hai trong sự nghiệp ca hát của họ. Nhưng điều này cũng có thể khiến họ mất đi một số fan không cùng quan điểm chính trị. Nói cách khác, được trình diễn tại các sự kiện như vầy là con dao hai lưỡi.
Xét về khía cạnh âm nhạc, có một sự khác biệt khá rõ giữa hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ. Đó là, số nghệ sĩ thuộc thành phần cấp tiến (tả khuynh) tương đối nhiều hơn những người có khuynh hướng bảo thủ (hữu khuynh). Cho nên đại hội đảng Dân Chủ thường quy tụ được nhiều nhạc sĩ hơn phía Cộng Hoà. Theo dõi kỹ các cuộc vận động tranh cử của hai phe ta có thể thấy rõ điều này. Ngoài số lượng ra, thể loại nhạc của cánh tả cũng đa dạng hơn – Rock, Rap, Pop, Country, R&B… Cái gì cũng có.
Một sự khác biệt nữa giữa hai đảng, đặc biệt trong kỳ bầu cử năm nay, là thành phần nhạc sĩ da Đen tại ĐHĐ Dân Chủ 2024 khá hùng hậu. Điều này cũng dễ hiểu, vì ứng cử viên Kamala Harris cha là da Đen, mẹ Ấn Độ. Gu âm nhạc của bà Harris chắc chắn phải rất khác gu của ông Trump. Nếu như ngôi sao âm nhạc tại ĐHĐ Cộng Hoà là Kid Rock, thì tại ĐHĐ Dân Chủ đó là giọng ca vàng John Legend, sở hữu 12 giải Grammy. Ngoài ra các màn vũ múa trong chương trìnhk cũng sôi động hơn nhiều.
Một bất ngờ thú vị trong đêm đầu tiên của ĐHĐ Dân Chủ là sự xuất hiện của ca sĩ nhạc đồng quê Mickey Guyton. Nói đến country music, ta thường liên tưởng đến hình ảnh một anh chàng đội nón cao bồi, mặc quần jeans, mang giày boot, và dĩ nhiên phải là Mỹ trắng. Mickey Guyton không như thế. Sinh trưởng tại Arlington, Texas, cô là nữ ca sĩ da Đen đầu tiên được đề cử giải Grammy trong bộ môn Best Country Solo Performance năm 2020. Bản thân người viết, dù là cư dân vùng Dallas-Fort Worth đã lâu, cũng mới nghe đến tên cô ca sĩ này lần đầu — nhờ xem đại (nhạc) hội đảng.
Nhiều nhạc sĩ dùng cơ hội trình diễn tại đại hội để thể hiện quan điểm chính trị của mình qua nhiều hình thức. Phần lớn bằng cách chọn những bài nhạc có nội dung hay ca từ ăn khớp với thông điệp họ muốn chia sẻ hay biểu đạt. Ca sĩ Pink (giữa) đã gây bất ngờ khi cô mang thêm cô con gái Willow 13 tuổi lên sân khấu để cùng cô ca bài “What About Us” trong đêm cuối cùng. Thông điệp của Pink không thể nào rõ hơn: “Chúng ta là những vấn nạn cần giải pháp / Chúng ta là con trẻ cần được yêu thương.”
Đại hội đảng ở Mỹ chỉ xảy ra mỗi 4 năm một lần. Nó đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị cũng như vô cùng tốn kém. Các nhà sản xuất chương trình chắc chắn phải tính toán từng giây từng phút để làm sao cho chương trình trôi chảy trơn tru. Nhưng đôi khi họ vẫn vấp phải trục trặc kỹ thuật. Chẳng hạn tại ĐHĐ Cộng Hoà hôm tháng Bảy, máy teleprompter bị hư bất tử ngay lúc chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson đang phát biểu. Thế là ông Johnson phải ngừng diễn thuyết và rời sân khấu. Nhưng nhờ vậy ban nhạc Sixwire bỗng dưng được chơi thả giàn 45 phút ngoài dự liệu.
Điều khiến cho người viết thất vọng nhất trong chương trình đại (nhạc) hội Dân Chủ năm nay là tiết mục của nhạc sĩ James Taylor trong đêm đầu đã bị cắt vào phút chót. Trưa hôm ấy ông vẫn còn cùng ban nhạc tập dợt để trình diễn trước khi Tổng thống Biden phát biểu. Nhưng vì lý do thời gian (phần đầu kéo dài hơn sự dự liệu của ban tổ chức), bài “You’ve Got a Friend” với cello và ban hợp xướng đã bị “hy sinh cho đại nghiệp.” Thật là uổng quá xá uổng. Thế mới biết, người tính không bằng Trời tính. Thôi thì ta cứ lo đi bầu trước cái đã, 4 năm nữa tính tiếp.
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.