Từ San Jose trở về Texas, chúng tôi theo Đường số 1 men bờ Tây để xuôi Nam, tà tà ngắm cảnh núi xanh biển bạc. Đã lộ du thì việc gì phải gấp gáp; biết khi nào mới có dịp quay lại chốn này, nhất là khi dịch bệnh vẫn tràn lan.

Những cây bách Monterey Cypress hai bên Đường 17 Dặm. Ảnh: ianbui/trẻ 

Ðiểm quẹo đầu tiên của chúng tôi là đoạn đường cong nổi tiếng mang tên “The 17-Mile Drive”. Như tên gọi, con đường này dài 17 dặm, hình vòng cung, chạy ngoằn ngoèo dọc theo bờ biển quanh bán đảo Monterey. Nó nằm trong một khu đất hoàn toàn của tư nhân, có nhiều nhà cửa đắt tiền và ba bốn sân golf cực đẹp. Nếu không phải là dân ngụ cư nơi đây, bạn phải trả lộ phí $10.50 (giá 2021) để sử dụng con đường này (trừ phi bạn đi xe… đạp!)

Dọc hai bên đường là một số điểm dừng cho ta ngắm cảnh, đi bộ, chụp ảnh, picnic v.v. Chẳng hạn như The Lone Cypress, nơi có cây bách đứng đơn độc trên một mỏm đá; hoặc The Bird Rock, hòn đảo nhỏ gần bờ nơi hàng ngàn hải âu đến đậu đầy, thỉnh thoảng có hải cẩu tắm nắng. Tại cổng vào du khách được trao một tấm bản đồ hướng dẫn những điểm viếng cảnh cũng như những nơi không được bén mảng đến. Bên trong khu vực hầu như không có bất cứ dịch vụ nào cho du khách như cây xăng, hàng quán hay toilet. Nhưng nếu bạn ghé vào các golf club để ăn uống hoặc mua sắm, bạn sẽ được hoàn lại số tiền lộ phí.

Công ty Pebble Beach Corporation là chủ đất đồng thời quản lý Ðường 17 Dặm. Nơi đây có sân golf Pebble Beach lẫy lừng, từng là chỗ tranh tài các giải lớn trong nhiều thập niên qua; gần đây nhất là giải U.S. Open thứ 149 vào năm 2019. Thuở xa xưa khu vực này được người Tây Ban Nha thám hiểm và vẽ ra trên bản đồ hồi đầu thế kỷ 17. Ðến giữa thế kỷ 19 nó là điền trại rộng lớn của một đại gia người Tây Ban Nha. Năm 1846 bà quả phụ của gia đình ấy bán miếng đất 4000 mẫu này đi. Nó được chuyền tay qua nhiều chủ nhân, đến năm 1862 thì được mang ra đấu giá.

The Lonely Cypress – cây bách đơn côi.Ảnh: ianbui/trẻ

Ông David Jacks đã mua được miếng đất cực đẹp này, khi ấy có tên là “Stillwater Cove”, với giá chỉ 12 xu một mẫu, tức chưa tới $500. Xong ông ta cho công ty “China Hop Man Company” thuê để lập tại đây một làng chài. Lúc bấy giờ trong làng chỉ có khoảng 30 người Tàu sinh sống. Nhưng đến năm 1880 thì David Jacks bán miếng đất này cho tập đoàn “Pacific Improvement Company” (PIC) gồm tứ đại gia của ngành xe lửa đương thời, trong đó có ông Leland Stanford — sau làm thống đốc California và sáng lập đại học Stanford.

Xem thêm:   Biden & Trump

Năm 1892, PIC vẽ ra con đường và đặt tên cho nó là “17 Mile Drive”. Xong họ cho xây khách sạn Hotel Del Monte để phục vụ và thu hút khách du lịch. Du khách đến rất đông; họ cưỡi ngựa hoặc ngồi xe cho ngựa kéo đi thăm viếng các địa điểm độc đáo trong vùng. Tổng thống Benjamin Harrison từng đến đây vào năm 1891, ông nói ước gì có thể ở lại đây một tuần lễ để xem cho thoả thích.

Thuở bấy giờ làng chài của người Hoa vẫn còn. Những đứa bé gái người Hoa hay dựng sạp bên đường để bán đồ lưu niệm như những hòn sỏi (pebble) trơn bóng nhiều màu mà chúng lượm được trên bãi biển. Về sau người ta gọi nơi này là Pebble Beach, tên Stillwater Cove  biến mất. Cùng tăng theo lượng du khách là sự kỳ thị đối với dân da vàng tại đây. Dần dà họ cuốn gói đi hết, làng chài biến mất trên bản đồ. Pebble Beach trở thành chỗ nghỉ mát cho dân thượng lưu từ những nơi như San Francisco. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, bộ Quốc Phòng trưng dụng khách sạn Del Monte làm chỗ cho binh sĩ tập luyện. Sau chiến tranh, Hải quân Hoa Kỳ mua đứt khách sạn này và biến nó thành trường đại học cao đẳng cho sĩ quan, đặt tên lại là Herrmann Hall…

Sương xuống trên Cầu Bixby, nhìn về hướng Nam. Ảnh: ianbui/trẻ

Sau khi lái hết 17 dặm đường tuyệt đẹp của Pebble Beach, chúng tôi quay trở ra Ðường số 1 để tiếp tục cuộc hành trình. Ðiểm dừng thứ nhì, cũng rất đẹp, là cây cầu Bixby Creek Bridge. Cầu này bắc ngang một đại vực khá rộng với một con suối mang tên Bixby Creek. Nguyên thuỷ, vào khoảng năm 1870 hai cha con Charles Henry Bixby từ New York sang đây mua đất, phá rừng, bán gỗ cho các cơ sở, doanh nghiệp trong vùng. Họ cho xây xưởng gỗ (lumber mill) cạnh bờ suối để có thể dễ dàng chuyền gỗ ra biển đưa lên tàu. Do đó con suối ban đầu được gọi là Mill Creek.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Trước khi có cầu này, cư dân ở hai phía Nam và Bắc của Mill Creek nếu muốn qua lại phải đi vòng lên núi rất xa, khoảng 11 dặm về hướng Ðông. Nhưng vào mùa Ðông đoạn đường này luôn bị đóng băng khiến người dân hay bị cô lập, có lúc phải tiếp tế bằng đường biển. Mãi đến thập niên 1930 nhà nước mới cho xây cây cầu bắc ngang Bixby Creek. Lúc bấy giờ nó là cây cầu vòm một nhịp cao nhất thế giới. Và cho đến ngày nay nó vẫn là cây cầu vòm được chụp ảnh nhiều nhất ở Cali.

Ai du hành qua vùng Big Sur của Cali đều nên ghé qua chỗ này. Và nếu đến được lúc hoàng hôn để ngắm mặt trời lặn thì càng tuyệt. Vùng này ẩm ướt, lại gặp địa thế núi non nên về chiều khi nhiệt độ xuống thấp sương mù từ biển tràn vào trông rất đẹp. Và cũng nhờ có nhiều sương mù và độ ẩm cao nên cây cối, nhất là loài Monterey Cypress, mọc rất mạnh. Nhưng nếu bạn có đi thì nên chuẩn bị trước xăng nhớt và lương thực cho đầy đủ, vì trên đó ít chỗ đổ xăng hoặc nạp năng lượng. Tối hôm đó chúng tôi ghé vào River Inn, lữ điếm duy nhất ở Big Sur còn mở cửa, để ăn tối: $18 cho một cái hamburger với french fries. Cũng may chiếc Sienna hybrid dư xăng xuống núi, nếu không là phải trả $6.50/gallon!

Đói nhăn răng, mắc mấy cũng ăn! River Inn, Big Sur. Ảnh: ianbui/trẻ

Qua khỏi Big Sur không bao xa thì chúng tôi bắt đầu xuống núi. Ðường số 1 dần duỗi thẳng ra, bớt quanh co khúc khuỷu nên lái buổi tối không khó, có điều không còn thấy được phong cảnh núi rừng nữa nên cũng hơi buồn ngủ. Từ phía biển chúng tôi bắt một đường nhỏ băng qua hướng Ðông để đến Barstow, một trong những thành phố quan trọng ở phía Nam vùng đồng bằng Cali, còn được gọi là Inland Empire — Ðế quốc trong Ðất liền.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Barstow nằm trên trục lộ của nhiều đường xe lửa và xa lộ, tất nhiên có cả đường cái quan Route 66 danh tiếng. Thuở xa xưa nơi đây là giao điểm của hai con đường mòn đi đến California — một từ Santa Fe, New Mexico, một từ Salt Lake City, Utah. Vì thế cho nên khi thiên hạ đổ xô về California tìm vàng, Barstow biến thành một thị trấn Viễn Tây đầy dân giang hồ tứ chiếng. Ðường xe lửa được bắc ngang qua đây để chuyên chở người và vật liệu. Ngày nay ngoài bìa thành phố là một trung tâm phân phối hoả xa khổng lồ, với cơ man toa xe, đầu máy, đường sắt chằng chịt, tủa ra bốn phương tám hướng. Trên xa lộ I-40 nhìn thấy rất ư là ngầu.

Từ Barstow chúng tôi bắc lên xa lộ I-15, chạy dọc theo đường xe lửa về hướng Salt Lake City, để đến Las Vegas ngủ qua đêm. Ngày mai chúng tôi sẽ đi thăm bờ Tây của Grand Canyon, nơi có cây cầu Sky Bridge bắc lửng lơ trên mỏm đại vực.

Tác giả ngồi ngâm chân trong suối quên chuyện đời, kệ Cô Vi. River Inn, Big Sur. Ảnh: Sumo Bui

IB

Kỳ tới

Vegas và

Grand Canyon West