Triết lý Wabi Sabi của xứ sở mặt trời mọc tập trung vào vẻ đẹp không hoàn hảo, và chấp nhận sự phù du của những gì hoàn hảo. Ðó là một triết lý ẩn sâu không chỉ trong thiền mà đến cả đời sống và cả những vật dụng chế tác. Kintsugi cũng là một phần nghệ thuật của triết lý Wabi Sabi.
Thường thì khi một cái chén, một ấm trà, hay một bình quý bị rơi và vỡ ra hàng trăm mảnh, ta dễ dàng ném chúng đi vừa hối tiếc, vừa bực tức. Tuy nhiên, có một phương pháp khác – một triết lý của người Nhật – đáng học hỏi là phô diễn những đường nứt vỡ, và tăng giá trị cho món đồ tưởng chừng như bỏ đi kia. Bằng cách hàn gắn lại những mảnh vỡ, đồ vật có thêm một đà sống mới. Tạo vật này sẽ càng trở nên tinh tế, độc đáo hơn bởi chính những đường nứt, vết thẹo không hoàn hảo. Những vết nứt thiếu vẹn toàn không còn là thứ để che giấu nữa mà được biểu lộ ra ngoài bằng sự tự hào.
Ðó là môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản dùng những kim loại quý như vàng lỏng, bạc lỏng, hay nước sơn mài trộn bột vàng để gắn tập hợp lại những mảnh vỡ của món đồ gốm sứ, và làm những mối kết cấu giữa các vết đứt vỡ được bền chặt hơn. Cũng bởi vì những mảnh vỡ gốm sứ Kintsugi là duy nhất do sự ngẫu nhiên của tình huống đổ vỡ, chẳng món đồ nào sẽ giống nhau, khi những mảnh vỡ bất quy tắc sẽ hợp thành những họa tiết riêng biệt cho mỗi đồ vật – một tạo tác nghệ thuật thực sự. Mỗi tác phẩm đều có một đời sống riêng, một câu chuyện của mình và mang theo nét đẹp riêng qua sự chữa lành những vết thương đã khép lại.
Nghệ thuật Kintsugi xuất hiện vào thế kỷ 15 khi Mạc phủ Ashikaga làm bể tách trà, tưởng chừng món đồ quý giá mất đi vĩnh viễn. Nhưng những người thợ thủ công xứ Phù Tang đã dày công biến tách trà nứt vỡ thành viên ngọc lấp lánh với các đường nứt gãy được trám tinh tế bằng sơn mài và vàng bột. Ðấy là một nghệ thuật hàn gắn gốm sứ qua những công đoạn kỳ công, với mỗi đường nứt đòi hỏi cách “chữa lành” khác nhau. Kintsugi cần thời gian, cần sự chú tâm và hiểu cả những vết thẹo trên sứ.
Kintsugi thực không chỉ là thủ công mỹ nghệ, mà nó còn gắn liền với triết lý và biểu tượng sâu sắc. Thế giới thực cần nhiều hơn những Master Kintsugi, những con người khiêm tốn để hiểu sự phù du của hoàn hảo. Những vết thương được chăm chút dốc tâm thời gian chữa lành sẽ cho con người, và cả vật cái đà sống mới, trưởng thành hơn sau những thử thách đổ vỡ. Ý nghĩa của mỗi món đồ Kintsugi chính là sự hủy diệt sáng tạo “creative destruction”. Sự phù du của hoàn hảo sẽ chỉ là tư duy đông cứng – “fixed mindset” trong tâm lý học mà thôi.
S