Thời gian gần đây ở Việt Nam xảy ra nhiều chuyện thiếu niên tự hủy hoại đời mình. Riêng trong tháng 4/2022 ghi nhận ít nhất 4 vụ.

Trẻ vị thành niên tự tử, nỗi đau của nhiều gia đình. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Mới nhất là vụ nam sinh L.N.M (16 tuổi) học lớp 10 trường Amsterdam (Hà Nội), giữa đêm khuya tại nhà, từ lầu 26 nhảy xuống, tử vong. Những dòng chữ tuyệt mệnh do nam sinh này để lại cho thấy, em đã chịu nhiều áp lực từ học tập cũng như không nhận được sự cảm thông đúng mực từ bố mẹ. Nhiều hôm bố còn ép em học tới tận 3-4 giờ sáng.

Những trường hợp khác như vụ nam sinh N.T.N, lớp 6 trường Nguyễn Thái Bình (Cà Mau) nhảy lầu ngay tại trường ngay giờ sinh hoạt lớp; Em B.Ð.K. (14 tuổi, lớp 8 trường Ngô Mây (Ðắk-Lắk) tự tử bằng thuốc diệt chuột trong nhà bếp gia đình…

Thực ra số vụ thiếu niên tự tử được giới truyền thông ghi nhận vẫn chưa đầy đủ so với những vụ việc đã xảy ra nhiều nơi như Sài Gòn, Bình Dương, Khánh Hòa, Bắc Ninh… Vì nhiều lý do, gia đình, người thân của các em hoặc chính quyền địa phương… “không muốn làm ồn ào câu chuyện”.

Thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) từ năm 2015, về bệnh trầm cảm ở khu vực Ðông Nam Á cho biết, chỉ riêng Việt Nam có gần 5 người/100 ngàn dân với mức bình quân 6-8 ngàn người/năm; trong đó, đứng đầu là độ tuổi 15 – 20 tuổi. Tương tự, nghiên cứu và báo cáo năm 2021 của UNICEF (Quỹ Nhi Ðồng Liên Hợp Quốc), khoảng 8-25% trẻ em độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam thường mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần và chỉ 20% trong số này nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Ðặc biệt gần đây, nhiều bệnh viện cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi mà đa số là học sinh, sinh viên.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Trước những chuyện thiếu niên tự tử, ai cũng hiểu các bậc sinh thành đều rất đau xót. Song chính họ lại ít hiểu rằng, hành vi quyên sinh của các em thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa từ gia đình hoặc nhà trường và nó đã xuất hiện trong tâm trí chúng từ lâu mà chẳng mấy ai biết. Lý do, qua xác nhận từ bạn bè của các em này trong hầu hết số vụ đều ghi nhận chúng có dấu hiệu trầm cảm và không ít lần chia sẻ với bạn bè thân quen ý định muốn tự tử của mình.

Áp lực trong học tập và cuộc sống là “những giọt nước làm tràn ly”. Ảnh: tác giả cung cấp.

Ông Trần Thành Nam, giảng viên khoa tâm lý một trường đại học ở Sài Gòn cho biết: “Qua những sự việc đau lòng kiểu này cần phải nói về sự khác biệt giá trị giữa các thế hệ, khoảng cách thế hệ (về lối sống, tư duy) giữa cha mẹ và con cái dẫn đến các mâu thuẫn. Là phụ huynh, chúng ta ai cũng kỳ vọng con cái mình học giỏi để sau này dễ thành công, có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp. Tuy nhiên cách thể hiện tình yêu thương mỗi gia đình mỗi khác nhau, trẻ đôi khi không cảm nhận được mà lắm lúc lại có tác dụng ngược. Cha mẹ không hiểu tâm lý, mong muốn, khả năng của con và khi con chưa kịp làm theo những quy chuẩn ấy, nhiều người liền tỏ thái độ khó chịu, thậm chí thực hiện hành vi bạo lực với con. Ở tuổi dậy thì, các em luôn có nhu cầu tự khẳng định mình, nhiều em muốn thoát khỏi sự phụ thuộc, kiểm soát của cha mẹ, muốn ra khỏi khuôn phép, quy định mà cha mẹ áp đặt từ lúc còn bé. Ðặc biệt, ở tuổi vị thành niên, trẻ chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, chưa phân định được đúng sai trong nhiều tình huống nên thường suy nghĩ tiêu cực khi bản thân đối diện với vài nỗi thất vọng như thi trượt, thất bại trong việc gì đó hay đã rất cố gắng nhưng không đạt kết quả tốt. Tiếp đó, trẻ sẽ cảm thấy “nếu cứ thế này thì mình không thể chịu đựng nổi”, tự cho mình là kẻ bất tài vô dụng. Và để thoát ra sự khắc nghiệt ấy, chúng có những phản ứng bốc đồng, thiếu cân nhắc như tự gây hại cho bản thân hoặc tự sát”.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Cô Nguyễn Thị Yến, một chuyên gia tâm lý, nhận xét: “Với cha mẹ, khi stress nhiều người thường phản ứng theo hai cách với con cái. Một là thiếu nhạy cảm với cảm xúc của con; hai là trở nên nóng nảy và đôi khi sẵn sàng bạo hành con. Hai cách này đều dẫn đến tình huống giọt nước làm tràn ly. Lúc này các con dễ hiểu nhầm cha mẹ có những hành vi như vậy là không yêu thương mình? Từ đó chúng rơi vào tình trạng cô độc, dễ bị lôi kéo vào những trào lưu nguy hiểm nên đôi khi chỉ cần có thêm một lý do rất nhỏ sẽ khiến chúng bùng nổ và hành động tiêu cực. Tôi cho rằng khi con cái stress thì cha mẹ cần ngồi lại, thể hiện sự quan tâm với con. Có thể bắt đầu bằng những câu như: Gần đây cha mẹ thấy con hơi khác lạ nên cảm thấy lo lắng một chút. Con có thể chia sẻ với cha mẹ? Con muốn cha mẹ giúp con thế nào? Con rất quan trọng với cha mẹ, cha mẹ sẽ luôn bên con, hãy nhớ điều đó”.

Bà Vương Liễu Hằng, cựu nhà báo, nhận định: “Các em học sinh ngày nay bị áp lực kinh lắm. Hình ảnh một cô cậu mặc đồng phục học trò ngồi tựa lưng người thân ngủ gà gật trên đường khi bố mẹ đưa đến trường là chuyện không hiếm. Trước cổng trường, nhiều em nhai vội khúc bánh mì, ráng nhấp thêm ngụm nước rồi vội vã chạy vào lớp, tiếp tục buổi phụ đạo. Học, học nữa, học mãi. Học cho da xanh mặt tái, học cho bố khoái thầy khen. Phải chăng căn bệnh thành tích không chỉ dừng ở các quan chức mà đang lan ra mọi ngõ ngách trong xã hội? Ðể rồi khi bước vào đời, nhiều em mới vỡ lẽ rằng điều kiện cho sự thăng tiến, trở thành ông nọ bà kia thực ra không nằm ở mảnh giấy xác nhận bằng cấp mà đôi khi chỉ cần biết “tranh thủ” tình cảm của “sếp” hay sẵn sàng chi thật nhiều tiền hơn so với những đứa khác”.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

NS