Trải qua hai năm 2020-2021 với 4 đợt bùng phát dịch cúm Tàu đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Người nhập cư bất chấp nguy hiểm kéo nhau về quê. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Số liệu từ ngành chức năng cho biết, riêng quý 3/2021, Việt Nam có hơn 28.2 triệu người từ 18 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch cúm Tàu như thất nghiệp, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý liền kề trước, số lao động chịu tác động xấu này đã tăng thêm 15.4 triệu người, hầu hết ở độ tuổi lao động từ 24 – 54 tuổi, chiếm 73.3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Cũng từ sau quý 2/2021, mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam được ghi nhận thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, thu nhập trung bình  hàng tháng của một người làm việc trong quý 3/2021 là 5.2 triệu đồng (giảm 600 ngàn đồng so cùng kỳ năm trước) và hầu hết làm việc trong các ngành kinh tế ở Việt Nam đều bị giảm thu nhập.

Trong khi đó, dù chưa có số thống kê đầy đủ, nhưng ước tính khoảng 3/4 người làm việc phổ thông của Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai đều là những người đến từ các địa phương khác, phần lớn thuộc các tỉnh miền Tây. Trải qua mấy đợt dịch cúm Tàu, nhiều người bị kẹt trong khó khăn chồng chất, vừa lo lắng cho sự an toàn tánh mạng, vừa lo sinh kế do mất việc làm, thu nhập kém. Trong tình thế ấy, có thời điểm số người này đã chọn cách “bỏ phố về quê”, bất chấp sự ngăn chặn đôi khi hết sức cực đoan, gay gắt từ chính quyền. Ðến hết tháng 10/2021, từ các tâm dịch ước tính khoảng hơn 800 ngàn người về quê ở các tỉnh miền Tây và khoảng 300 ngàn người về Tây Nguyên.

Những người về quê hiện nay không dễ xin được việc làm phù hợp. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tuy nhiên, hiện nay lại xảy ra một thực trạng khác, khi khá nhiều người về lại quê hương thì lâm vào cảnh thất nghiệp, phải sống lay lắt, tạm bợ. Mong muốn duy nhất của họ lúc này là sớm tìm kiếm được công việc phù hợp để có chi phí trang trải cuộc sống. Song với bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, nhiều người đỏ mắt đi nộp hồ sơ hoặc chạy vạy khắp nơi xin việc, thậm chí là những công việc thời vụ vẫn không được tiếp nhận…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Anh Ðỗ Tiến, 32 tuổi, ngụ Châu Ðốc (An Giang), cho biết: Trước khi về quê, anh là kỹ sư xây dựng ở Sài Gòn. Khi dịch cúm Tàu bùng phát, anh thấy lo ngại nên quyết định về quê. Do là người về quê từ rất sớm, ngay từ đầu đợt dịch thứ 4 nên Tiến chạy xe máy một mình, không phải đi thành đoàn như thời gian sau này. Với hy vọng về nhà cùng gia đình, kiếm việc làm ở quê và gần gũi người thân nhưng mong muốn về quê làm việc của Tiến cũng như nhiều người khác đang tỏ ra khá bấp bênh, khi suốt vài tháng qua anh vẫn phải nằm nhà vì không thể tìm được việc làm. Tiến kể: “Hồi làm ở Sài Gòn, lương tôi trung bình 10-12 triệu đồng/ tháng. Còn hiện nay về quê đã khá lâu nhưng đến giờ vẫn thất nghiệp. Ruộng vườn ở quê ít, đời sống khó khăn nên thu nhập không đáng là bao. Tôi hy vọng tìm được bất cứ việc gì để làm, dù mức lương có thấp hơn so với trên Sài Gòn cũng không sao, miễn có tiền để sống”.

Cùng tình cảnh với Tiến, Bùi Văn Chí (29 tuổi, quê Cà Mau) vốn là công nhân may tại Bình Dương, về quê hơn 2 tháng qua và cũng đang thất nghiệp. Chí tâm sự: “Tôi làm công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Từ lúc bùng dịch và công ty có mấy ca F0, xí nghiệp tạm đóng cửa nên đám công nhân chúng tôi thất nghiệp. Tôi ở lại nhà trọ gần 2 tháng, đến khi không kham nổi tiền trọ cũng như tiền ăn nên phải về quê”. Anh Chí cho biết hiện vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Ðể có đồng ra đồng vô, anh xin đi thu hoạch tôm thuê cho một chủ đầm tôm trong xã, được   họ trả công mức giá rẻ mạt 180 ngàn đồng/ngày nhưng cũng làm được chừng chục ngày là… hết việc.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Tương tự, chị Hơ Mây, 29 tuổi, sống tại huyện Ia Grai (Gia Lai) từ Ðồng Nai về quê tránh dịch được hơn 2 tháng qua. Chị Hơ Mây bày tỏ: “Tôi làm việc đã hơn 7 năm qua tại một công ty sản xuất giày da ở Ðồng Nai, vì thấy dịch nguy hiểm quá nên cuối tháng 8 vừa qua, vợ chồng và 2 đứa con nhỏ phải đùm túm nhau trở về quê. Thời gian qua, cuộc sống gia đình rất chật vật do không có tiền. Tôi và chồng tôi mong muốn tìm kiếm công việc để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng đi hỏi xin khắp nơi mà không ai chịu nhận vào làm! Mới đây có người quen giới thiệu vào Công ty chế biến sản phẩm và bảo quản cà phê làm thời vụ. Tuy vậy sau mấy lần gõ cửa, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.  Người ta bảo tỉnh Gia Lai thời gian qua cũng gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cúm Tàu nên các nhà máy, xí nghiệp đều cắt giảm công suất, cắt giảm số nhân công làm việc và dĩ nhiên không muốn nhận thêm người nữa”.

Ðáng lưu ý trong vài tuần lễ, tính từ tháng 10/2021 trở về sau, dịch cúm Tàu đang có xu hướng “nóng” trở lại, đặc biệt diễn biến xấu tại một số tỉnh miền Tây Nam phần, cao nguyên, phía Bắc và các nơi trước đây từng là tâm dịch. Sau khi giảm xuống dưới mốc 4,000 ca nhiễm/ngày (trung tuần tháng 10/2021) thì từ đầu tháng 11/2021 đến giờ, số ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh, có ngày lên hơn 7,500 ca xuất hiện tại hầu khắp các tỉnh, thành. Ðã có nhiều ý kiến cho rằng, chính làn sóng người từ các vùng tâm dịch trở về khiến cho số ca nhiễm gia tăng mạnh ở những địa phương bấy nay không có nhiều ca F0. Ðiều này càng khiến niềm hy vọng sớm có công việc làm, ổn định cuộc sống của những người từng bỏ phố về quê càng thêm mong manh và bất khả thi…

Người lao động chấp nhận làm bất cứ việc gì dù tiền công rẻ mạt để có cái ăn. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS