Tuy là quốc gia phần lớn người dân có mức thu nhập thuộc dạng trung bình thấp nhưng giá nhà ở tại VN luôn ngự tít “trên trời”. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, giá bán những căn nhà bình dân dưới 30 triệu VNĐ/m2, phù hợp túi tiền phần lớn giới lao động rất hiếm có. Trái lại, thay vì tập trung xây dựng loại hình nhà ở cấp thấp nhiều người đang cần, đa số doanh nghiệp bất động sản chỉ chủ tâm phát triển các căn nhà cao cấp khiến thị trường mua – bán nhà ở có sự lệch pha lớn giữa cung và cầu.
Thu nhập không đủ mua nhà
Hơn 10 năm gần đây, giá nhà ở VN tăng lên gấp 3 – 8 lần, trong khi sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người dân không tăng tương xứng. Savills Việt Nam dẫn báo cáo “Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại Châu Á – Thái Bình Dương năm 2023” của Viện Nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận (ULI) cho thấy giá nhà trung bình ở Sài Gòn là 296,000 USD/căn (hơn 7 tỷ VNĐ) trong khi thu nhập bình quân của 1 gia đình ở Sài Gòn chỉ 9,120 USD/năm và Hà Nội là 9,967 USD/năm. Theo tính toán của ULI, người VN trung bình cần ít nhất 23.5 năm có thu nhập ổn định để mua được 1 ngôi nhà, đứng thứ 14/107 quốc gia (xếp càng cao, giá càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của VN thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonésia (18.5 năm), Singapore (15.5 năm), Ấn Độ (9.2 năm) và Malaysia (8.1 năm)…
Anh Hùng (tạm trú Tân Bình) là một kỹ sư IT với mức lương hơn 20 triệu VNĐ/tháng. Sau 9 năm đi làm, Hùng tiết kiệm được gần 600 triệu VNĐ. Với khoản tiền này, Hùng định mua một căn chung cư nhỏ ở khu vực xa trung tâm Sài Gòn một chút. Sau khi dọ hỏi giá cả, Hùng biết 1 căn 45-50m2 có giá thấp nhất khoảng 1.5 tỷ VNĐ. Như vậy Hùng buộc phải vay thêm ngân hàng tới 70% giá trị căn nhà. Khoản vay đó sẽ ngốn của Hùng trung bình mỗi tháng hơn 10 triệu VNĐ để trả cả lãi và gốc. Hùng nói: “Tính tới tính lui vẫn không ổn. Năm nay đã 36 tuổi rồi nhưng tôi vẫn ngại chuyện kết hôn. Bởi muốn lập gia đình cũng phải có căn nhà riêng chứ không thể đi thuê nhà ở mãi. Cũng không sống chung với Ba Mẹ ruột vì nhà đông anh em. Tiếp theo còn phải tính toán chi phí sinh hoạt hàng ngày, có con cái rồi chuyện học hành của chúng!”
Tương tự là trường hợp anh Tùng (39 tuổi, quê Bình Định). Ra trường và làm việc ở Sài Gòn được 12 năm, Tùng đặt mục tiêu sẽ mua nhà sau khi lấy vợ. Tùng kể: “Những năm 2015-2016, giá nhà khoảng 20-22 triệu VNĐ/m2 nhưng khi đó số tiền tôi tích cóp chưa đủ để mua nhà. Đến năm 2020-2021, khi số tiền tích cóp được hơn 800 triệu VNĐ thì giá nhà đã lên hơn 40 triệu VNĐ/m2. Sau khi lập gia đình, tôi muốn mua 1 căn nhà để ổn định cuộc sống và quyết định sẽ vay ngân hàng thì giá nhà càng lên cao nữa nên cũng không mua được. Sinh con xong, chi phí càng nhiều, số tiền để dành hàng tháng ít dần đi, trong khi giá nhà cứ tăng “phi mã”. Giấc mơ mua nhà riêng của vợ chồng tôi tới nay ngày càng xa vời!”
Lại có những trường hợp khi người mua quyết định vay tiền ngân hàng mua nhà khi công việc đang ổn định với thu nhập tương đối. Song vài năm sau, lãi suất vay tăng lên đột ngột, khiến họ rơi vào tình thế khó khăn. Nhiều người phải chấp nhận bán nhà với giá thấp để lấy tiền trả ngân hàng vì không đủ khả năng “gánh” lãi suất!
Làm gì để người lao động mua được nhà?
Trên thực tế không riêng gì VN, ở một số nước, thế hệ Y (còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 – 1991) hiện cũng gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà cửa nếu không có sự hỗ trợ tốt từ gia đình. Tại Úc, số lượng người độ tuổi 25 – 34 chỉ chiếm 45% tổng số người có nhà riêng. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 31%. Trong khi đó tại VN hiện nay, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nguồn cung nhà ở thuộc phân khúc bình dân không có nhiều. Thị phần căn nhà mức giá từ 2-4 tỷ VNĐ tại các đô thị lớn rất ít hoặc chỉ tập trung ở khu vực ngoại thành, không thuận tiện cho việc đi lại và công việc, dẫn đến người mua không có nhiều sự lựa chọn. Chính vậy, để có thể sở hữu được một căn nhà ưng ý, các bạn trẻ phải gắng sức làm thêm công việc khác để thêm thu nhập, tiết kiệm chi tiêu, thậm chí là kêu gọi sự trợ giúp tài chính từ người thân, bố mẹ, họ hàng. Vì nếu chờ đợi đến khi đủ tiền để mua nhà thì e rằng, giá nhà không giữ ở mức cũ mà đã vượt rất xa số tiền mà họ có thể tích cóp.
Bài và hình NS