Đường biên giới phía tây nam VN giáp Campuchia dài 1,137km. Lợi dụng địa hình đồng cỏ, cây cối, sông suối phức tạp, các băng nhóm buôn lậu thường xuyên tổ chức “đánh hàng” (vận chuyển hàng không thuế, hàng lậu, hàng cấm) số lượng lớn mang về VN.

Tham gia các đường dây “đánh hàng” thường là cư dân trú ngụ ở khu vực biên giới vốn rất thông thạo địa bàn, dưới sự điều hành của các tay “trùm”, đầu nậu. Dân “đánh hàng” sử dụng đủ loại phương tiện như đi bộ, xe máy, ba gác, xe hơi, xe tải, xe khách, ghe máy, xuồng máy, vỏ lãi… để vận chuyển nhiều lần từ biên giới Campuchia qua các đường mòn, đồng ruộng, kinh rạch, các tuyến quốc lộ về VN. Trước đó, các băng nhóm cử người đi trước thị sát, thăm dò đường đi lối lại, theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ở các đồn chốt để thông báo cho nhau đối phó hoặc thay đổi địa điểm, khi cần. Nếu bị bố ráp, chúng thường vứt bỏ hàng, bỏ xe chạy thoát thân hoặc có khi dùng vũ lực chống trả. Hàng vận chuyển trót lọt sẽ tiếp tục đưa sâu vào nội địa, phân ra các nơi tiêu thụ.

Các băng nhóm “đánh hàng” xuyên biên giới tập trung hoạt động mạnh tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp… Những mặt hàng được nhắm tới phần lớn gồm thuốc lá, mỹ phẩm, đường cát, đồ điện tử, xăng dầu; đặc biệt có cả vàng nguyên liệu (dành riêng cho những tay trùm dạng “có số má”). Tin từ nhà chức trách VN, từ cuối năm 2020 tới nay, số lượng vàng bắt giữ qua biên giới đã hơn 500 kg! Vụ mới nhất xảy ra cuối tháng 9/2022 khi công an Tây Ninh triệt phá đường dây buôn lậu 198 kg vàng “đánh” từ Campuchia về VN.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Hàng lậu hàng ngày tuồn về VN qua ngõ biên giới Campuchia. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một cán bộ (không muốn nêu tên) thuộc Phòng Cảnh sát chống buôn lậu –  PC03 Long An, cho biết: “Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần đây cao khiến bọn “đánh hàng” tìm cách đưa về VN kiếm lời. Lý do là ở Campuchia, vàng nguyên liệu được chính phủ của họ cho phép giao dịch tự do hoặc có thể đặt hàng rồi nhận vàng từ Singapore mang về rất đơn giản. Trong khi ở VN nhu cầu dân chúng mua sắm vàng nhẫn, vàng trang sức cao nhưng nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất ngày càng khan hiếm. Từ đó một số doanh nghiệp, tiệm vàng buộc phải tìm nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, gồm cả vàng nhập lậu”.

Cuối tháng 8-2022, chúng tôi hẹn với anh Sơn, có thời gian là phóng viên báo Long An đồng thời là “thổ địa” vùng này để tìm hiểu hoạt động của các băng nhóm “đánh hàng”. Nơi chúng tôi hẹn nhau là một quán cà phê gần chợ Tho Mo (Mỹ Thạnh Ðông, Ðức Huệ). Khi tôi tới thì Sơn đã chờ sẵn, chung quanh có chừng 7-8 người khách ngồi uống cà phê với ánh mắt dò xét, thỉnh thoảng liếc nhìn chúng tôi. Sơn cho biết, ở đây đừng bao giờ lộ ra là nhà báo, kẻo có khi không còn mạng quay về. Ðám người quanh đây, phần lớn là tai mắt của bọn buôn lậu, là “đề-lô” của chúng (tức người canh đường của các đường dây buôn lậu, chịu trách nhiệm theo dõi và báo tin cho đám người chở hàng tránh né lực lượng chống buôn lậu) hoặc có khi là cảnh sát giả trang làm “chim mồi”.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Phần lớn hàng lậu là thuốc lá điếu, đường cát, đồ điện tử… Ảnh: tác giả cung cấp.

Theo lời anh Sơn, Ðức Huệ (Long An) có đường biên giới dài gần 30km với Campuchia. Từ bên kia, thuốc lá, rượu, đường cát, đồ điện tử…  tuồn vào VN hằng ngày. Hơn 14 giờ, chúng tôi lội bộ qua khu đồng cỏ lác mênh mông và “phục kích” tại góc rừng tràm gần đường dẫn ra kinh Mỹ Bình (ấp 1, xã Mỹ Quý Tây) để quan sát cảnh các băng nhóm chuyển hàng. Con kinh Mỹ Bình rộng chừng 20 mét là điểm tiếp giáp của hai nước VN – Campuchia nên cũng là điểm giao nhận khi “đồ chơi” (hàng) chuyển từ Sốc-Chếch, Mỏ-Ó (huyện Chanh-tria, tỉnh Svây-riêng) đưa về. Chúng tôi thấy dọc con kinh có 7-8 chiếc vỏ lãi nằm chờ. Khi hàng được chuyển đến (bằng đường bộ, xe máy hay tàu gỗ), cứ xếp lên được 10-12 thùng (mỗi thùng chứa 50-60 cây thuốc lá) thì những chiếc vỏ lãi sẽ nổ máy phóng về phía VN. Từ 15 giờ chiều đến gần 20 giờ đêm, cứ khoảng 35-40 phút lại có một chiếc vỏ lãi rời đi, theo hướng dẫn của “đề lô” chẻ thành nhiều hướng để ra sông Vàm Cỏ Ðông, xuôi về Ðức Hòa. Ngày hôm sau, cũng do anh Sơn hướng dẫn, chúng tôi “chém vè” sẵn ở khu vực thuộc xã Bình Hòa Hưng, lại thấy khoảng một tiếng đồng hồ là có mấy chiếc xe máy chở các thùng hàng giống như các chiếc vỏ lãi chở hôm trước chạy qua lộ như tên bắn. Anh Sơn cho biết, số hàng này bước đầu sẽ tập kết gần các bến phà Cây Xoài (xã An Ninh Tây) hoặc Ba Nê, Lộc Hưng, Bàu Dài (xã Lộc Giang) cũng thuộc Ðức Hòa, chờ khi “sóng yên biển lặng” tiếp tục chẻ nhỏ đưa về Sài Gòn. Nếu đường bộ thì đi hướng chợ Chiều (ngã tư Ðức Hòa) theo tỉnh lộ 10 về chợ Học Lạc (quận 5); đường sông thì chuyển hàng ra kinh Thầy Cai đến khu vực Lê Minh Xuân rồi đưa ngược về Sài Gòn.

Vàng nguyên liệu là hàng quan trọng của các băng nhóm buôn lậu. Ảnh: tác giả cung cấp.

Chúng tôi nghe nhiều người dân sống lâu năm ở đây nói rằng, nhằm đối phó với lực lượng chống buôn lậu và chia chác nhau làm ăn, các đường dây “đánh hàng” đều phân ra những “lãnh địa” riêng biệt. Mỗi “lãnh địa” thuộc quyền quản lý của một “tay trùm”, không ai xâm phạm ai, “nước sông không phạm nước giếng”. Chẳng hạn, khu vực Mỹ Quý Tây hiện do trùm Tới điều hành; An Ninh Tây có trùm Vinh, trùm Khoái; Lộc Giang có trùm Nghiêm, trùm Hận…

Tang vật 198 kg vàng buôn lậu bị bắt giữ. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS