Khu vực phố cổ Hà Nội, nơi vẫn còn mang cái vẻ cũ kỹ, nhếch nhác cũng là nơi nhiều con đường mà du khách nhìn thấy những người buôn bán áo quần cũ họp chợ đang vất vả chụp giựt để sinh nhai. Họ mượn tạm lề đường từ lúc 4 đến 7 giờ sáng, sau đó phải trả lại mặt tiền các cửa tiệm.

Rọi đèn pin cho khách chọn hàng    

Kẻ bán, người mua cũng …năm bảy đường

Chợ được gọi là chợ trời hay chợ “tự phát”, nằm ở ngã tư phố Hàng Bông (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) với phố Ðường Thành (phường Cửa Ðông, quận Hoàn kiếm). Bên dãy số chẵn phố Hàng Bông, 4 giờ sáng, trời còn mờ sương đã lác đác người đến bày hàng ra. Hàng chở bằng xe gắn máy, xe đạp. Bạt được trải ra trên vỉa hè, hàng được trút xuống. Cả đống quần áo (đồ cũ lẫn mới), giày nam, nữ các loại da bóng, giày thể thao, ví, túi xách, đồng hồ cũ, kiếng đeo mắt, thú nhồi bông… bày ra. Các chủ hàng áo quần đặt ba, bốn cái ghế nhựa nhỏ cho khách ngồi. Chừng 5 giờ là xong phần dọn hàng. Người bán chỉ lo “sửa nguội” như xếp lại áo gió, quần bò các kích cỡ, chùi lại giày hoặc đánh xi cho bắt mắt. Khách mua hàng là những người đi tập thể dục sớm cả những người đi xe máy ngang qua ghé vào. Chỗ thì khách ướm thử giày, chỗ thì khách mặc vào cởi ra lần lượt vài ba cái áo khoác mỏng. Bà S., phải dùng đèn pin soi cho khách kiểm tra hàng.

Một chị ngoài 40 tuổi, chọn được 3 cái áo khoác, trả giá 90 nghìn đồng (khoảng 4 đô). Bà S. phải nằn nì thêm 10 nghìn đồng cho chẵn 100 nghìn, chứ lãi không bao nhiêu sau khi khen lấy khen để là chị mua áo mặc rất vừa vặn, “hơi bị đẹp”, túi bên trong rất nhiều tha hồ để ví tiền, điện thoại… Chần chừ rồi chị khách cũng ưng thuận. Người khác thay vào chỗ ngồi, chọn áo sơ mi, áo khoác…

Được món hàng ưng ý

Một cụ ông lớn tuổi từ bên kia đường băng qua, đánh tiếng: “Có khăn quàng cổ không chị gì đó ơi?”. Chị bán hàng đáp ngay: “Sáng mai cụ nhé!”.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Một ông khách dừng xe gắn máy hỏi hai vợ chồng người bán cái kiếng đeo mắt giá bao nhiêu. Anh chồng trả lời “Hai trăm! Hàng xịn đấy!”. “Cái gì, tám chục nghìn thôi!”. Chị vợ đốp ngay: “Năm chục tôi bán rẻ cho ông!” (kèm tiếng chửi thề). “Ở Bảo Khánh giá chừng đó là hết!”, nói rồi ông ta vù xe chạy. Anh chồng bật quẹt gas huơ qua huơ lại…như đuổi tà, “đốt phong long” rồi cất cái kiếng vào bao, cho ở ẩn luôn!

Bà X. (bảy mươi tuổi) ở Bảo Khánh (phường Hàng Trống), kể: “Ba mẹ con đều bán giày ở đây nhiều năm rồi. Chỉ có mưa to, gió lớn mới ở nhà. Lớn tuổi rồi vẫn phải bươn chải. Các con lớn có gia đình riêng hết. Gần một tiếng đồng hồ mới bán được đôi giày cho một bà khách giá 80 nghìn đồng. Nói thiệt với chú, lãi chỉ chục nghìn đồng thôi”. Bà xởi lởi mời tôi hút thuốc lá, tôi cảm ơn, từ chối.

“Dẹp, dẹp, nhanh thôi!”

Lâu lâu chợ trời … có biến!

Sáng sớm hôm sau, từ một khách sạn trên phố Hàng Lược, tôi đến chợ trời vừa lúc 5 giờ sáng. Vẫn không khí hối hả bày biện hàng trên vỉa hè. Ðường phố còn vắng người qua lại. Một người bán hàng chở bốn bao quần áo thật to trên chiếc xe đạp. Chị ta hất xuống lần lượt 6 bao tải và thong thả trải tấm bạt trên vỉa hè, xổ tung quần áo trong các bao tải ra. Cạnh chị ta một thanh niên cởi trần, lôi từ trong các bao nilon từng đôi giày một rồi xếp ngay ngắn trên tấm bạt, trải gần với lề đường.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Chỉ nửa tiếng sau là khách lác đác vào chọn lựa hàng. Có một, hai người đến dọn hàng ra trễ, sau 5 giờ một chút. Chị T., em gái anh bán giày nói tan chợ phải trả lại môi trường xanh sạch… Khi tôi hỏi nếu địa phương giải tán chợ tự phát này để giữ cho phố cổ văn minh, sạch đẹp thì sao, một chị bán đồ cũ than vãn: “Chồng em chết, nay một mình đang nuôi đứa con khuyết tật 31 tuổi. Hỏi bác không nhào ra đường lấy gì mà sống. Bán chiếc áo lãi năm nghìn đồng. Bác thấy đó, phường dẹp cũng phải chấp nhận nhưng rồi cũng kiếm cái vỉa hè nào đó mà kiếm sống thôi”.

Chuyển nhẹ sang góc bên này là phường khác, cứ yên tâm!

Chưa kịp hỏi thêm thì đã thấy một nhân viên Ðội Trật tự Ðô thị của phường Hàng Bông, dựng xe máy xong là tay cầm gậy nhựa huơ liên tục và miệng không ngớt la: “Dẹp ngay! Sáng nay quận sẽ đi kiểm tra. Các bác thông cảm cho em. Nhanh, nhanh!”. Như một cái máy,  tất cả hơn mười người bán hàng vơ vội quần áo, giày dép, túi xách… bỏ vào bao chạy qua bên kia đường. Người thì ngồi ung dung, thản nhiên kéo dài thời gian dọn dẹp để bán được chừng nào hay chừng ấy. Mới bày hàng ra bán được đồng nào đâu? Chừng 20 phút sau, vỉa hè đã trở nên trống. Anh nhân viên phường dùng máy điện thoại chụp lại quang cảnh thoáng đãng khi chợ tan… bất đắc dĩ. Một nhóm  người bán quần áo không cam chịu… mất miếng cơm bèn chuyển sang vỉa hè phố Ðường Thành (phường Cửa Ðông) cạnh đó. Yên tâm vì phía đường này thuộc địa bàn phường khác. Hai người mang hàng chạy qua khỏi ngã tư, trải bạt, bày hàng ra, thu hút được cả chục người mua… chạy theo. Anh thanh niên mặc quần lửng màu đen, bán giày  than thở: “Nó đuổi còn may chứ không nó hốt luôn. Mai thì đâu lại vào đấy thôi! Mùa này chớm lạnh, bán trong hai tiếng cũng được chục đôi giày. Cận Tết thì kiếm ăn cũng khá. Còn bình thường giống như đi câu. Lúc được lúc không. Như sáng nay thì hao hụt!”…

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Căng quá thì rút, lơ một chút thì bung. “Ở bên Hồ Tây cũng có chợ tự phát đông từ 4 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi. Hửng hửng là công an nó đổ hẳn một ô tô người. Nó không nhắc nhở nhẹ nhàng đâu. Thấy là thu hết đồ vất lên ô tô. Bên đó nó sôi động hơn đây nhiều. Ðây chỉ bán có mỗi quần áo cũ là nhiều. Bên ấy thịt, cá, ốc tươi, còn hàng quần áo gấp năm lần ở đây”, một chị mua quần áo góp chuyện.

Không biết việc họp chợ trên vỉa hè này kéo dài được bao lâu nữa?

Gỡ gạc chi cũng đến 7 giờ là phải… trả lại lề đường. Các hàng quán dọc hai bên đường sẽ đồng loạt mở cửa đón chào một ngày mới. Xin tiễn những người họp chợ trời về lại nơi xuất phát để sáng sớm ngày mai lại bắt đầu… cho được hai tiếng đồng hồ…họp chợ, kiếm thêm chén cơm!

Một số khách mua hàng chạy theo… “chợ tự phát”

LKD