Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dự ngôn rằng nhân loại rồi sẽ đi vào thời mạt pháp, tức con người không còn Pháp trong tâm để ràng buộc bản thân, điều xấu nào cũng làm, dẫn đến suy đồi đạo đức. Ngày nay, xã hội nhìn quanh đâu cũng thấy hàng giả: thực phẩm giả, tiền giả, giấy tờ giả, học vị giả đến sư sãi cũng giả, khiến chùa chiền cứ tưởng là nơi tâm linh tĩnh lặng cũng không tránh khỏi những cạm bẫy kiểu “thương trường”.
Chùa chiền thời ..mạt pháp
Ai cũng biết Phật giáo là đạo từ bi và trí tuệ. Ngôi chùa được xây dựng lên trước dành thờ Phật, sau là nơi tu học và truyền bá chánh pháp. Thế nhưng nhiều chùa chiền hiện nay chỉ chú trọng việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan, giải vong.. vô tình biến Phật giáo thành đạo cầu cúng và đạo của người chết.
Thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa chiền nước này có sự phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Nếu 10 năm trước (từ 2003 đến 2012) nơi thờ tự tại VN chỉ tăng từ 14,267 ngôi chùa lên 15,925 thì trong 10 năm từ 2013 – 2023, số chùa chiền đã tăng lên đến 18,978 cùng khoảng 15 triệu tín đồ. Tuy vậy, với ý tưởng hiện đại hóa “Đạo Pháp, dân tộc và xã hội chủ nghĩa”, thực tế ở VN đang xuất hiện khá nhiều sư thầy có quan điểm giáo lý mang xu hướng chính trị, chứ không giống những bậc tu hành chính giáo. Đã từng có các nhà sư kiêm luôn chính khách, thường xuyên tham gia vào những tổ chức, hiệp hội, đoàn thể, giữ nhiều chức vụ quan trọng như ủy viên này, đại biểu kia… hoàn toàn đi ngược nguyên nghĩa xuất thế của Đức Phật và không phù hợp với cách tu hành của Phật giáo mấy nghìn năm qua vẫn luôn phát nguyện xa rời thế tục, theo đuổi sự thăng hoa về tâm hồn và siêu thoát. Lý do vì các lễ nghi, chức tước, cấp bậc, tiền tài… chỉ làm cho người xuất gia tập trung vào chúng mà quên mất điều mình hướng đến là Phật, Pháp chứ không phải các hình thức cấp bậc xã hội.
Đủ chiêu cách… móc ví
Như đã nói, ngày càng nhiều các ngôi chùa được xây dựng với mục đích kinh doanh dưới sự can thiệp của tư nhân với lợi thế là nguồn thu ổn định và hoàn toàn “tiền tươi thóc thật”. Chẳng hạn năm 2006, chùa Bái Đính (Ninh Bình) được một doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư. Từ đó trở đi – theo báo cáo từ Sở Du lịch tỉnh này – lượng khách tìm đến chùa Bái Đính ngày càng tăng và năm 2023 lên đến trên 350 nghìn lượt người. Tính bình quân một du khách đến đây phải bỏ ra từ 150 – 300 nghìn VNĐ cho các loại chi phí như tiền giữ xe, vận chuyển xe điện, các dịch vụ cộng thêm… sẽ là khoản thu rất lớn. Tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) có tổ chức hình thức “thỉnh vong giải nghiệp”, hàng tháng thu hút từ 4,000-5,000 người tham dự với chi phí “đòi vong” từ 7 – 12 triệu VNĐ/ lần/ người. Tương tự, với tín ngưỡng “dâng sao giải hạn” khi nhiều người có quan niệm rằng mỗi năm của một con người sẽ ứng với 1 ngôi sao chủ nào đó. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, người ấy sẽ gặp những chuyện chẳng lành, cả công việc lẫn sức khỏe. Trước đây, các lễ cúng dâng sao giải hạn được thực hiện tại tư gia, song không rõ từ lúc nào, chuyện này đang được sư sãi một số chùa chiền đảm nhiệm. Đây là việc làm mang màu sắc mê tín, đi ngược với giáo lý nhà Phật.
Ví dụ tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) “niêm yết” giá cho “dâng sao giải hạn” là 150 nghìn VNĐ/người hoặc các chùa khác cũng có mức 100 – 500 nghìn VNĐ/người. Với mức giá và số lượng người tìm đến thì thu nhập của các chùa nêu trên tính ra cũng vài chục tỷ VNĐ/tháng!
Khó tìm thấy bậc chân tu
Tiền đổ về như nước, vậy là nhiều “nhà chùa” cứ thoải mái chi tiêu. Quần chúng dễ dàng nhìn thấy các nhà sư đi xe sang, đeo đồng hồ hàng hiệu, điện thoại “xịn” … trái ngược với chân tu khổ hạnh của Phật pháp. Năm 2019, sự việc nhà sư Thích Thành Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc) xin giữ toàn bộ tiền và tài sản riêng khoảng 300 tỷ VNĐ sau khi ông ta quyết định hoàn tục hoặc gần đây trên mạng xã hội xuất hiện video clip các sư họp mặt cùng “hiến kế làm giàu” (có thể tra cứu trên Google với keyword “nhà sư hiến kế kiếm tiền”) đã và đang khiến dư luận tức giận, dậy sóng.
Tại nhiều nơi thờ tự ở VN, chốn thiêng liêng đang dần biến thành các trung tâm thương mại. Tín ngưỡng được một số vị “sư hổ mang”, “sư quốc doanh” đem ra mua bán, trở thành món hàng siêu lợi nhuận. Tiền bạc đã chen chân vào cửa Phật, làm biến ảo chốn đền thiêng. Nơi lẽ ra chỉ có tín ngưỡng, đức tin, thiện tâm, từ bi, hỉ xả, khuyên con người khát khao sống tốt, sống lành, rửa lỗi cho nhân loại thì lại chỉ thấy đồng tiền bay lượn dưới những chiếc vỏ bọc “cúng dường”, “gọi vong”, “dâng sao giải hạn” hoặc “hòm công đức”.
Chỉ khi nào người ta đi chùa không phải mang theo cái gì để mặc cả với Phật thánh, mà chỉ cần đốt một nén tâm hương, lòng mình hướng Phật, học lời Phật dạy, soi lại trong từng suy nghĩ, lời nói việc làm có điều gì sai trái để sám hối, để phát nguyện từ nay sống tốt, siêng làm việc lành, tránh việc ác để mang lại lợi lạc cho bản thân và cộng đồng xã hội. Việc đi chùa như thế mới có ích và phù hợp với đạo lý của Phật giáo.
NS