Ở một số nước ngoài, chuyện người dân sở hữu hoặc thuê phi cơ để sử dụng riêng nhằm tránh cảnh đông đúc trên các chuyến bay thương mại hoặc để bảo đảm sự riêng tư là không hiếm. Trong khi ở VN, thực tế cho thấy một bộ phận người siêu giàu đang tăng lên. Chuyện ai đó bỏ ra dăm ba triệu USD để mua 1 chiếc phi cơ riêng không phải là việc khó khăn, nhất là với các “đại gia” hay “doanh nhân cỡ bự”. Nhưng để sử dụng 1 hoặc vài chiếc phi cơ với mục đích phi thương mại ở VN, người sở hữu buộc phải vật lộn với khá nhiều thủ tục rắc rối, rườm rà!

Phi cơ tư nhân Việt Nam không dễ … bay   

Ai mua phi cơ riêng ở VN?

Báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay tất cả phi cơ phục vụ cá nhân tại VN đều thuộc sở hữu của các công ty hàng không và không có người nào ở VN đang sở hữu phi cơ riêng. Trước đó, VN có một số người đã mua phi cơ riêng, như ông Đ.N.Đ (tập đoàn HAGL), ông T.Đ.L (tập đoàn HP) hay ông T.V.Q (tập đoàn FLC) cùng vài người khác.

Năm 2008, ông Đ.N.Đ bỏ ra 5.1 triệu USD mua chiếc Beechcraft King Air 350 của Mỹ sản xuất, sức chứa 12 người nhằm “phục vụ công việc”. Để đưa vào sử dụng, ông này còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD tiền nộp thuế, thuê tổ lái, bảo trì kỹ thuật… Tuy nhiên đến năm 2016, ông đã bán lại chiếc phi cơ này cho Công ty Vietstar Airlines – một đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc Phòng VN.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Tương tự, năm 2010, ông T.Đ.L bỏ ra khoảng 5 triệu USD mua lại chiếc trực thăng 6 chỗ ngồi loại EC135Pi của công ty VinaCopter (Hồng Kông) nhưng chỉ hơn 1 năm sau, ông này cũng bán lại cho chủ cũ và từ đó tới nay không thấy sở hữu chiếc nào khác.

Vào năm 2014, ông T.V.Q cũng mua 2 chiếc trực thăng trị giá hơn 1,000 tỷ VNĐ và cũng sau thời gian ngắn cũng đã sang nhượng 2 chiếc trực thăng cho 1 công ty khác.

Chiếc phi cơ King Air 350 của Đ.N.Đ (ông chủ tập đoàn HAGL)

Thủ tục lằng nhằng, quá nhiều chi phí

Các quy định hiện tại của Nhà nước VN đều cho rằng họ không có ý hạn chế các cá nhân được phép sở hữu và sử dụng phi cơ riêng. Tuy nhiên, sau khi nhập về, nếu chủ sở hữu muốn sử dụng riêng cho cá nhân còn phải đáp ứng nhiều thủ tục. Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Hàng không Dân dụng VN quy định về các loại giấy tờ, tài liệu mang theo phi cơ và điều 21 Nghị định 76/2007/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động hàng không dùng cho thương mại, các cá nhân/ tổ chức phải có các loại giấy như: Giấy chứng nhận quốc tịch phi cơ, giấy chứng nhận hoạt động hàng không chung … Sau khi được cấp, mỗi chiếc phi cơ còn phải đáp ứng thêm các yêu cầu về kỹ thuật, nội dung khai thác để có 2 loại chứng chỉ khác gồm: giấy chứng nhận chủ sở hữu; giấy chứng nhận đủ điều kiện bay và đáp ứng yêu cầu về hệ thống liên lạc vô tuyến. Để có các loại giấy tờ trên dĩ nhiên còn trải qua nhiều điều kiện, thủ tục hồ sơ phức tạp mất rất nhiều thời gian.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Thuê người lái cũng là chuyện nan giải của những người muốn sở hữu phi cơ. Theo quy định, phi công lái phi cơ thương mại ở VN chỉ làm việc cho hãng hàng không đến 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu có thể ký tiếp hợp đồng hằng năm đến đủ 65 tuổi với điều kiện giảm giờ bay tối đa so với trước và đáp ứng những yêu cầu về sức khỏe. Nếu lái cho tư nhân, phi công không bị giới hạn độ tuổi, chỉ cần có chứng chỉ do Cục Hàng không VN cấp cùng kết quả khám sức khỏe đủ điều kiện. Do đội ngũ phi công ở Việt Nam luôn khan hiếm nên các đại gia có phi cơ riêng cũng ít có cơ hội tìm được phi công người Việt. Còn nếu thuê phi công nước ngoài, chi phí sẽ tốn kém hơn nhiều.

Trực thăng của T.Đ.L (ông chủ tập đoàn H.P)

Phi cơ tư nhân VN không dễ … bay!

Để thực hiện một chuyến bay, chủ sở hữu phải làm đơn xin cấp phép bay với các thông số kỹ thuật cụ thể, chặng bay, thời gian, phi trường đi và đến… gửi đến Cục Hàng không VN. Cục Hàng không VN sẽ chuyển đơn đến Bộ Quốc Phòng VN phê duyệt. Trường hợp được Bộ Quốc phòng VN chấp thuận, Cục Hàng không VN sẽ cấp phép thực hiện chuyến bay. Riêng với loại phi cơ phản lực sẽ được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho từng chuyến bay và riêng trực thăng có tầm bay thấp còn phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng VN. Những thủ tục cấp phép này thật không đơn giản.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ngoài ra, các cá nhân sở hữu phi cơ riêng còn phải tính đến các dịch vụ bảo hành, sửa chữa. Chi phí bảo trì, sửa chữa một phi cơ mới trong 4 năm đầu sử dụng tương đối thấp nhưng càng về sau càng đắt. Do các công ty kỹ thuật chính hãng không thể tổ chức cả một đội ngũ kỹ sư, thợ máy chỉ để đáp ứng nhu cầu cho một vài chiếc. Vì vậy khi có trục trặc, thường phải mang đi sửa chữa ở nước ngoài hoặc chờ vật tư chuyển từ nước ngoài về. Hiện nay ngay cả Hãng Hàng không Quốc gia VN khi tiến hành đại trùng tu cũng phải đưa phi cơ ra nước ngoài làm. Chi phí cho các chuyến xuất ngoại bảo trì kiểu này không hề rẻ!.

Nói chung, để sở hữu một chiếc phi cơ riêng ở VN là cuộc chơi khá tốn kém. Việc một số “đại gia” VN đã mua sau đó lại buộc phải bán đi là điều không mấy ngạc nhiên!

NS