Tỉnh lỵ Cần Thơ thuộc tỉnh Phong Dinh, nằm ở nơi sông Cần Thơ nhỏ hợp lưu với sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Cửu Long. Nhánh kia là sông Tiền. William Ruzin, lính Mỹ, phóng viên ảnh chiến trường, (the war photographer), mang theo máy Minolta và Yashica (đều của Nhựt) đã chụp một số hình ảnh tại tỉnh Phong Dinh vào năm 1968. Các hình ảnh nầy kết hợp giữa cảnh đô thị và cảnh quê. Bạn đang đi dọc theo một con đường đông đúc với những chiếc xe đò cổ lỗ sĩ, và trong nháy mắt, với những khu ruộng rẫy, con sông đầy cát và những ngôi nhà lá tạo nên một bức tranh của nông thôn yên bình.
Bà con mình ai cũng biết từ năm 1954 tới cuối năm 1960 lúc Vi Xi trỗi dậy, thời Đệ nhứt Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, những chiếc xe đò mang tên: Công Tạo, Đại Hưng, Đức Hiệp, Hiệp Hưng, Hiệp Thành, Hữu Phước, Kim Long, Liên Hiệp, Liên Trung, Lộc Thành, Nhan Nhựt, Nhơn Hòa, Phi Long, Quang Minh, Tam Hữu, Thành Long, Thuận Hiệp, Thuận Lợi, Thuận Thành, Vĩnh Phát chạy khắp các tỉnh Miền Tây; chạy sáng đêm vì không có giới nghiêm gì ráo trọi.
Trong tấm hình của phóng viên ảnh chiến trường William Ruzin là chiếc xe đò hiệu Desoto của hãng Đại Hưng chạy từ An Xuyên (Cà Mau), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Phong Dinh (Cần Thơ) tới Thủ đô Sài Gòn) và ngược lại. Nó đang đậu tại cây xăng Shell của cô Hai Định cặp bến xe mới Cần Thơ. Nhà biên khảo Huỳnh Minh viết: “Qua khỏi chỗ có cây cầu Sáu Thanh cũ mà nay đã lấp bằng ấy, xe chạy tới ngã ba Cây Xăng. Bạn trông thấy ngay công trường Tự Do, phía trái là Đại lộ Hai Bà Trưng, phía mặt là đường liên tỉnh số 27 đi Long Xuyên, là một khu công viên tân tạo rộng rãi, bến xe dài 250 thước, rộng 60 thước tập trung xe đò chở khách đi Bạc Liêu, Sóc Trăng, Châu Đốc v.v.
“Những căn phố lầu khang trang nằm dọc theo đại lộ sau bến xe dùng làm khách sạn, tiệm ăn, nhà thuốc tây, bán hàng tạp hóa v.v.” (sic)
Tại sao tui biết đây là Bến xe mới Cần Thơ?
Bến xe mới Cần Thơ nên mới có xe lôi đến đón khách từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lên hoặc từ Sài Gòn về. Sài Gòn không có xe lôi. Sài Gòn có taxi, xe xích lô máy, xe xích lô đạp! Chiếc xe đò Desoto Đại Hưng nầy khởi hành đề pa (depart) từ Sài Gòn về Cà Mau. Trong xe bao giờ cũng có trang thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và hàng chữ “Kính chúc quý khách thượng lộ bình an” thiệt là lễ phép và lịch sự. Chiếc xe đò Đại Hưng nầy được quyền đón và trả khách ở Cần Thơ, Sóc Trăng. Không được đón khách đi đường gần như: Long An, Mỹ Tho. Chia nhau mà sống. Còn giành hết ráo, đi gần cũng hốt thì có ngày ăn mỏ lết (gốc từ tiếng Pháp là ‘molette’ (hoặc ‘clé molette’ cờ lê) dùng để siết chặt các bù lon, con tán, (ê cu) (boulon và écrou trong tiếng Pháp) của dân đứng bến.
Hình William Ruzin chụp với đề tựa là “Saigon Bus CAN THO 1968-69”. Ông Tây nầy là Mỹ đề tựa không đúng, mình thông cảm. Còn mình là Mít ‘đặc’ mà chú thích: “Những hình ảnh tuyệt đẹp về xe đò ở Sài Gòn trước 1975?” Chú thích không đúng. Không đúng thì ‘Mít đặc’ thiệt!
Thì có một facebooker dạy đời tui như vầy nè: “Trước 75, Tây là Tây, Mỹ là Mỹ. Không có vụ ông Tây này là Mỹ.” Tui xin kính cẩn nghiêng mình trước câu bình luận của ổng và xin mạn phép trả lời như vầy: Từ “Tây’ trong tiếng Việt có nguồn gốc từ “Tây phương” (nghĩa là phương Tây). Hồi xưa, bà con mình gọi tất cả những người da trắng mũi lõ đều là Tây hết ráo đó ông. Giờ ở hải ngoại cũng thế. Như nước Úc, vùng Footscray, nơi tui dừng giang hồ trên bước đường tị nạn CS có tới hàng trăm sắc tộc. Bà con Mít mình tạm chia làm 3 nhóm: Vàng như Mít, Miên, Lào, Tàu, Cà Ri… ‘Tây trắng’ như; Anh, Irish, Scottish, Ý, Hy Lạp… ‘Tây đen’ như: Somali, Ethiopian, Sudanese v.v. Riêng chủ nhà thì đặc biệt hơn; không ba xôi nhồi một chõ, Úc chia làm 2 loại: Úc trắng (nếu da nó trắng). Úc đen (nếu da nó đen), tức thổ dân; mà nghe nó khoe ông cố nội nó ở cái đất nầy hơn 50 ngàn năm rồi đó nhe mấy cha!
Ngoài ra, bà con mình còn nói ‘sang như Tây’ hoặc ‘đẹp như Tây’ để chỉ người có cái ‘xì tai’ (style), cách ăn mặc, hoặc cách sống được xem là hiện đại, lịch lãm và có phần ‘quốc tế’ như người phương Tây (chớ không phải chỉ riêng người Pháp)
Qua ca dao, cho chúng ta biết: “Giặc Tây đánh tới Cần Giờ. Bậu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công”. Rồi lịch sử cho ta biết: “Giặc Tây xâm lược thành Chí Hoà (Gia Định) vào năm 1860. Giặc Tây ngoài giặc Pháp chủ yếu chỉ huy, còn có quân Tây Ban Nha nữa. Bằng chứng là trong lực lượng liên quân với Pháp trong cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1858 và sau đó tại Gia Định (Sài Gòn), Đại úy Hải quân Juan Bautista Topete trong một trận đánh và sau đó qua đời vì bị thương quá nặng. Giặc Tây còn phải kể tới mấy đứa hụ hợ, chầu rìa. ké tụ, vấy máu ăn phần là: Bồ Đào Nha, Hòa Lan kể cả Đế quốc Anh. Mấy thằng Tây, tức mấy thằng da trắng mũi lõ, gồm nhiều nước xúm lại xâu xé nước ta cuối thế kỷ 19. Tương tự như đầu thế kỷ 20, nhiều cường quốc phương Tây xâu xé Trung Hoa vậy. Anh với Cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839-1842) và lần thứ hai (1856-1860). Trung Hoa phải nhượng lại Hồng Kông cho Anh và mở cửa một loạt các cảng biển cho thương mại. Pháp cũng thiết lập các nhượng địa tại Quảng Châu và Thượng Hải. Nga chiếm đóng nhiều vùng đất thuộc Mãn Châu và thiết lập ảnh hưởng tại vùng biên giới phía bắc của Trung Hoa. Rồi Đức đã chiếm đóng vùng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông…
Kết luận Tây chỉ chung, như là một họ như trong thực vật, Pháp là một trong số đó! ‘Tây’ không phải đơn giản là người Pháp như ông nghĩ.
Nói cho ông nghe chơi cho vui! Chớ tui thừa biết chắc là ông chỉ khăng khăng Tây là Pháp. Ông bao giờ cũng trúng hết ráo! He he!
ĐXT