Chữ rằng: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra!”

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra nên ai cũng thấy. Nhưng Công cha như mạch nước ngầm, âm thầm và lặng lẽ sâu dưới lòng đất nên ít người thấy được. Chỉ đến khi mình đào sâu xuống với lớp đất đời che phủ. Mừng hết biết khi tìm được mạch nước ngầm lúc mình trong cơn chết khát. Lúc đó, mình mới hiểu hết công lao của thân phụ mình, nuôi con từ đỏ hỏn cho tới lúc thành nhân. Ðôi khi lại là quá trễ! Mình có con cái rồi mới thấu hiểu được ngày ‘Father’s Day’, ngày ‘Từ phụ’!

o O o

Người Mỹ vốn có ‘Mother’s Day’ trước. Nhưng có những đứa trẻ mồ côi vì Mẹ chẳng may mất sớm. Cha khước từ đi bước nữa; sợ con mình sẽ khổ, vì cảnh Mẹ ghẻ con chồng. Thân phụ của Sonora Smart Dodd trong hoàn cảnh như thế đó.

Ðể tạ ơn Từ phụ, người đã hy sinh suốt quãng đời còn lại để nuôi nấng đám con còn thơ dại được nên người, Sonora Smart Dodd đã khởi xướng ‘Father’s Day’.

Kể từ năm 1910, ‘Father’s Day’ hàng năm rơi vào Chủ Nhựt, tuần thứ Ba của tháng Sáu. Dẫu Father’s Day không phải là ngày lễ chánh thức của Hoa Kỳ. Nhưng cái ý tưởng biết ơn Từ Phụ qua ngày ‘Fathers’ Day’ đã lan ra Canada, Vương quốc Anh rồi toàn thế giới. ‘Father’s Day’ thay đổi tùy theo nước, tùy theo mùa. Ở Úc và New Zealand, ‘Father’s Day’ là vào Chủ Nhựt đầu tiên của tháng Chín, khi Trời đã chớm sang Xuân.

Vào ‘Mother’s Day’ thì đám con thường tặng hoa, gởi thiệp chúc mừng, gọi điện để hỏi han rồi mời Mẹ đi ăn. ‘Fathers’ Day’ phong tục cũng na ná như thế! Con gái thì mua quần áo, cà vạt cho ba diện lên một chút. Con trai thì mua dụng cụ thể thao hoặc làm vườn. Con gái, con trai nó thích cái gì thì nghĩ Tía mình cũng thích y thế! (Chớ ít khi nó bận tâm hỏi Tía thích cái gì?)

Sau đó đám con trai, con gái hùn tiền nhau để mời cha ruột, cha ghẻ, cha vợ, kể cả ông nội, ông cố, dẫu đã chống gậy kêu lộp cộp được dìu đi ‘ăn khính’.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Một năm chỉ có một ngày, các bậc làm cha được con cái của mình lo lắng, được chăm sóc tận tình. Còn 364 ngày còn lại là mình phải tự lo vì cuộc đời vốn dĩ là thế. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi!

Công cha mẹ nuôi con khôn lớn giống như một khoản đầu tư chừng vài trăm ngàn đô la cho mỗi đứa; để cuối cùng bậc làm cha nhận được tối đa là một ngàn đô la, lô an ủi, vào ngày ‘Father’s Day!’

o O o

Ai đã làm Cha làm Mẹ đều có một bầu tâm sự, tâm trạng như nhau. Có con gái, mình lo sốt vó. Vì con gái là hũ mắm treo đầu giàn. Muốn con gái yên bề gia thất để mình được chút an tâm. Tuy nhiên, nó có chồng rồi, mình vẫn phải lo. Vì sợ nó trao thân nhầm bến đục (ngầu). Hổng biết chồng nó có sáng xỉn chiều say, tối ôm chai mà ngủ. Hay xì ke, ma túy rồi làm con gái mình đói khổ hay không?

Chuyện tình yêu của sắp nhỏ bên nầy dù lo thế mấy, mình dẫu làm Cha làm Mẹ cũng đâu được phép chen vô. Tự do luyến ái mà! Không trực tiếp được xía vô, thì đành nói xa nói gần vậy. Ðể lỡ sau nầy nó cũng không trách mình được: “Ðường đời Tía từng trải lắm nỗi đắng cay; sao Tía lại không nói cho con hay?”

Cùng tâm trạng như tui vậy, nên có chuyện rằng: “Một em đưa người yêu của mình, lần đầu tiên, về ra mắt bố mẹ. Sau bữa ăn tối, mẹ cô nói với cha cô cố tìm hiểu thêm về chàng trai trẻ.

Nghe lời vợ biểu, người cha mời bạn trai của con gái mình vô phòng riêng để hai người đàm đạo. “Kế hoạch tương lai của cháu sau khi cưới vợ là gì ?” “Thưa Bác! Cháu là một con người rất mộ đạo. Cháu muốn trở thành một chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo!” “Một học giả về Thiên Chúa Giáo! Thật đáng ngưỡng mộ! Nhưng cháu sẽ làm gì để kiếm tiền hầu mua được một ngôi nhà đẹp cho con gái tôi sống, như đã từng quen?” “Cháu tin rằng Thượng đế sẽ cung cấp cho chúng ta.”

“Rồi tiền ở đâu có để cháu mua cho nó một chiếc nhẫn đính hôn tuyệt đẹp để xứng đáng với vẻ đẹp thiên kiều bá mị của nó.” “Cháu sẽ tập trung hết sức lực vào việc nghiên cứu của mình, rồi Thượng đế sẽ cung cấp”.

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

“Rồi những đứa con?” “Làm thế nào để cháu nuôi con?” “Ðừng lo lắng! Thưa Bác! Thượng đế sẽ cung cấp đấy thôi!”

Cuộc trò chuyện cứ diễn ra như thế! Cứ mỗi lần người cha cô gái hỏi, thì chàng trai khẳng định rằng Thượng đế sẽ chu toàn mọi thứ.

Sau cuộc đàm đạo ‘cà lăm’ đó, người mẹ hỏi: “Sao rồi, anh yêu?” Người cha trả lời: “Nó không có việc làm và không đặt ra một kế hoạch nào cả trong tương lai cho vợ con nó sau nầy! Nhưng cũng có điều tốt, nó nghĩ anh là Thượng đế!”

o O o

Có con gái, mình cũng lo, sợ thằng đó nuôi con mình không nổi. Có con trai thì cũng lo, sợ nó không nuôi nổi con gái của người ta và đám cháu nội của mình.

Vì thằng con mình hồi nhỏ làm biếng học thấy thương luôn

Chuyện rằng: Một hôm thầy giáo nghe chuông reng reng, bèn bốc điện thoại lên nghe “Bạn nói Michael bị cảm lạnh và không thể đến trường hôm nay phải không? Dạ xin lỗi! Tôi đang nói chuyện với ai đây ạ? “Thưa thầy! Ðây là cha của em!”

Rồi tới năm con trai mình lên 18 tuổi, vừa lấy bằng lái xe. Nó hỏi xin phép cha để được chạy chiếc xe của gia đình.

“Con sẽ được chạy xe của Bố với ba điều kiện. Một là: Con phải siêng học thêm một chút. Phải đưa điểm C lên điểm B. Hai là học Kinh Thánh thêm một chút. Ba là con phải cắt tóc!” Chà! Suy nghĩ một lúc về ba điều kiện nầy của Bố mình đưa ra, cuối cùng cậu ta ‘OK’!

Sau sáu tuần, cậu quay lại và hỏi về chiếc xe. “Bố rất vui, rất hãnh diện về con. Ðiểm bài tập của con đã tăng lên. Con cũng siêng đi học Kinh Thánh ở nhà thờ vào mỗi sáng Chủ Nhựt. Nhưng bố hơi thất vọng vì con chưa cắt tóc.”

“Thưa Bố! Khi nghiên cứu về Kinh Thánh, con nhận thấy rằng Samson để tóc dài, Moses cũng để tóc dài…”

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

Tất cả các nhà hiền triết trong Kinh Thánh đều để tóc dài hết ráo Bố à!” “Con nói rất đúng! Nhưng con có để ý thấy rằng tất cả những nhà hiền triết đó đều đi bộ hết ráo hay sao?”

Bảo Huân

o O o

Ðể kết bài nhân Father’s Day nầy, tui lại nhớ đến Paul Anka, một nghệ sĩ người Mỹ gốc Canada, sinh tại Ottawa, thủ đô Canada, nơi có rất nhiều người nói tiếng Pháp. Paul Anka có bài hát rất cảm động về thân phụ mình mà ông gọi là ‘Papa” thay vì ‘Dad’ hoặc ‘Daddy’ như những người con nói tiếng Anh!

Ðại ý bài hát là: “Ngày ngày ‘Papa’ làm việc vất vả. Ðể con mình được no. Chân có giày mang cho nó ấm. Cũng có năm chìm trong nỗi buồn và nước mắt. Nhưng cả nhà mình mạnh mẽ vượt qua. Có Cha Mẹ kề bên, cuộc sống thật dễ dàng.

Thời gian cứ trôi qua, ‘Papa’ đã già đi và con thêm tuổi mới. Rồi Mẹ không được khỏe. ‘Papa’ biết một ngày rồi sẽ tới. Khi Mẹ mất, Papa đổ gục xuống, nức nở khóc. “Chúa ơi, tại sao lại mang cô ấy đi? Mà không phải là tôi!”

Ngày ngày, ‘Papa’ nằm thiếp trên chiếc ghế đu đưa. ‘Papa’ không bao giờ đi lên lầu nữa vì Mẹ đã không còn ở đó.

Rồi một ngày, ‘Papa’ nói: “Con ơi! ‘Papa’ rất vui khi con đã lớn khôn. Hãy tự bay đi, ra giữa Trời cao và rộng. Ðừng lo lắng! ‘Papa’ có thể tự lo liệu một mình.”

Ðôi mắt ‘Papa’ đượm buồn khi phải nói chia tay với con mình. Lời nói của ‘Papa’ là sự thật. “Con trẻ sống với Cha Mẹ mình; rồi ngày nào đó sẽ tới, lớn lên ắt chúng cũng phải rời xa!

Thế nên ‘Father’s Day’ nhắc nhở chúng ta về ‘Từ Phụ’, một ngọn hải đăng của đời ta, từ lúc bé thơ cho đến hồi khôn lớn. Xin hãy nhớ cho rằng ‘Father’s Day’ không phải chỉ một ngày mà, 364 ngày còn lại trong năm đều là ‘Father’s Day”.

Ánh đèn của ngọn hải đăng đó, đêm đêm đèn vẫn sáng để chỉ hướng cho ta đi suốt cuộc đời giông bão; cho dù người thắp lên ánh sáng đó đã mất tự lâu rồi!

DXT