Báo quốc doanh CS chép câu ca dao của quê mình: ‘Rủ nhau lên đất bảy ngàn. Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương. Choại chột thì chấm nước tương. Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm’ Là một địa danh, theo tui, đất Bảy Ngàn nó phải được viết hoa.

Tờ báo nầy chép: “Bàng thì đương nóp…”. Tờ kia thì đươn nóp (không ‘g’). Thầy cò ‘cò’ loạn cả lên. Không biết đường đâu mà rờ? Tui bèn đi lục trang 504 Việt Nam Tự-Điển của Lê Văn Đức: “Đương động từ, xong ổng dẫn tui về chữ Đan trang 406. Ổng giải nghĩa vầy nè: “Đan cũng gọi Đương, kết dính thành tấm rộng bằng cách xỏ luồn sợi ngang sợi dọc: Đan áo, đan vớ. Xong ông Lê Văn Đức dẫn ca dao: “Tiếc công chẻ nứa đan lờ, Để cho con cá vượt bờ lóc đi.” Tui thấy sau dấu phẩy chữ ‘để’ phải viết thường mới đúng chớ? Cá vượt bờ lóc đi là con cá lóc. Dân Bắc gọi con cá lóc là con cá quả. Thì ca dao nầy của dân Nam Kỳ thì phải viết là đương. Sao ổng lại dùng ‘đan’ là tiếng Bắc? Nghe ‘hòa đồng tôn giáo’ của ông Đạo Dừa quá xá?

Câu hỏi kế tiếp: “Đất Bảy Ngàn ở đâu vậy? Sông Cần Thơ chảy cong quẹo tới quận Phong Điền. Đầu thế kỷ XX, Pháp cho xáng đào kinh Xà No. (Dân Cần Thơ gọi Kinh Xà No. Bắc kỳ hai nút mới gọi là kênh).

Chỗ ngã ba thuộc làng Nhơn Nghĩa gọi là ngã ba Vàm Xáng. Miệt Ngàn là đất dọc Kinh Xà No từ Vàm Xáng tới Vị Thủy. Tiếp đó, qua Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện kinh Xà No tới ngã ba sông Ba Voi nhập vào sông Cái Lớn chảy ra biển Rạch Giá.

Kinh Xà No – nguồn gody.vn 

Pháp tiếp tục đào xẻ ngang hơn 20 kinh sườn. Cứ một ngàn thước thì đào một kinh lớn. Giữa hai kinh lớn, cách 500 m lại đào một kinh nhỏ dẫn nước ngọt vô đồng rửa phèn và đem phù sa nước sông Hậu vào, làm màu mỡ những cánh đồng hoang thành ruộng lúa. Thế nên dân đồng ruộng; dân ruộng rẫy. Đừng nói ngược ‘dân ruộng đồng, dân rẫy ruộng’ nghe không thuận cái lỗ tai.

Xem thêm:   Nhớ Cần Thơ!

Đất Miệt Ngàn đẹp nhờ lúa bạt ngàn; đẹp nhờ hai bên lộ có hàng cây hoa hoàng yến vàng rực. Vậy mà lâu nay tui cứ tưởng Hoàng Yến là tên một loài chim chớ? Sao cái đầu của tui lúc nào cũng tơ tưởng tới ‘chim’ không vậy trời?

Chợ Một Ngàn, Bảy Ngàn, Mười Bốn Ngàn không có sạp. Người bán ngồi trên ghế lùn xịt hoặc ngồi chồm hổm; người mua đứng lom khom hoặc cũng ngồi chồm hổm để lựa cá, lựa rau. Người bán người mua đối diện nhau, ngồi ‘cười’ kiểu Hồ Xuân Hương: “Chành ra ba góc da còn thiếu. Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”.

Chợ chồm hổm là vậy đó. Cũng như chợ Bưng, chợ của đồng bưng, nước ngập lé đé nên đồ bán ai cũng phải bưng hết ráo.

Một, hai giờ sáng, chợ chồm hổm đã họp, trong bóng đèn hột vịt. Cá, tôm, lươn, ếch… Mùa nước nổi thì có cá cơm, cá linh, cá hủn hỉn, chuột đồng, rùa, rắn.

Rau, dân ruộng trồng được gì mang bán nấy. Không thì đi cắt bông lục bình, bông điên điển, bông súng, đọt choại, đọt nhãn lồng, rau trai, rau nhút, rau sam, rau muống tím, đựng trong thúng, rổ, nia hay đổ trên tấm nilon.

Nhổ rau choại chột – nguồn Znews

“Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương”. Rau choại chột? Gọi tắt là rau choại hay là đọt chạy, đọt non xoăn tít cong vòng như con cuốn chiếu, thân mọc tới đâu thì bám rễ tới đó. Rau choại có loại mọc hoang trong rừng. Có loại mọc ở vườn những gần bờ mương, lũy tre.

Xem thêm:   Bò!

Đọt non hơi đắng, nhưng nhai kỹ hậu ngọt. Ông bà mình hay nói: “đói ăn rau; đau uống thuốc”. Rau choại là một vị thuốc Nam theo mấy ông ở chùa Tịnh Độ.

Ngắt đọt choại vào buổi mai, vì qua đêm mưa ẩm, đọt non mát rười rượi; không héo queo như lúc chiều tà. Mùa mưa, chột hay ngó đều ngon, không có vị chát như những lúc trời nắng nóng.

Dài 10 tới 20 mét, thân cây choại rất dai, dùng bện đăng, nò, lộp đánh cá và dây thừng. Ngoài ra, còn làm nuột lạt lợp nhà, buộc lại cái kèo, đòn tay.

“Nhổ bàng về đương?” Cỏ bàng thường mọc ở nơi chưa được khai hoang, xa xóm làng, xa nhà cửa của người dân. Một chiếc xuồng ba lá, cái cà ràng và cái nóp bàng. Chèo xuồng cả ngày sâu vào đồng tăm tối, muỗi bay kêu vo ve như vãi trấu mới gặp được đồng cỏ bàng xanh tốt. Cặm xuồng lại, mình trầm xuống nước, nắm bụi cỏ thật chặt, rồi giật mạnh bàng sẽ trốc gốc lên dễ dàng. Nếu khi giật mạnh mà nắm không chặt thì thân bàng bị dập ra rất bén, sẽ cứa vào tay chảy máu.

Nhổ cỏ bàng – nguồn Huong sac Mien Tay

Có một ông Quảng Nam (hay cãi) hỏi: “Tại sao không cắt bàng mà phải nhổ. Nhổ dễ hơn chớ!” Tui trả lời ổng như vầy: “Bàng là cỏ. Nhổ, bàng không mọc lại. Đồng mùa nước nổi cỏ bàng không giành chỗ với lúa ma, không ai gieo cũng mọc. Nhổ hết bàng lại có lúa ma không đã hay sao?

Xem thêm:   Alain Delon

Nhổ bảy đến mười lần thì dùng bàng vụn bó hai nuột lại thành từng bó, mỗi bó bự bằng bắp vế, gọi là ‘neo bàng’. Neo bàng để dễ đội chất xuống xuồng chở về bán, được tính bằng chục neo, tại chợ Mộc Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức… (Long An), Chợ Bưng, Tân Hiệp, Phú Mỹ… (Tiền Giang), Sóc Xoài, Hòn Đất, Phú Mỹ… (Kiên Giang), Xà Tón, Nhà Bàng… (An Giang).

“Choại chột thì chấm nước tương”. Được lên men từ hột đậu nành, nước tương gốc Tàu nên còn có tên gọi khác là xì dầu hay tàu vị yểu.

Nghe nói Miệt Ba Chúc, Tri Tôn, Châu Đốc bây giờ vẫn còn có đương đệm bàng. Chiếu mắc tiền, đệm bàng trải xuống đất cho một bầy ngồi nhậu. Đệm đắp mùa lạnh. Bàng làm giỏ đệm cho má đi chợ, làm bao cà ròn đựng than đước Cà Mau; làm tụng đựng mận hồng đào từ Trung Lương chở lên bán ở Chợ An Đông.

Bàng còn dùng đương nóp. Nóp là bao đệm dài cỡ 2 thước, may kín, chừa miệng theo chiều dọc, ban đêm chui vào ngủ. Nóp là túi ngủ, là ‘sleeping bag’ của người xứ muỗi kêu như sáo thổi. “Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm”. Người thương tôi và cũng là người tôi thương. Tức người thương của tui. Thôi mình chui vô nóp đi em! Ở ngoài muỗi nó cắn em! He he!

ĐXT