Nghe kể là những năm 1920s, ở tiểu bang ‘Lone Star’ (Vì sao cô đơn) Texas mỗi ngày có tới 3 hoặc 4 ngân hàng bị cướp. Hiệp hội các chủ ngân hàng Texas đã treo thưởng tới 5,000 đô (một số tiền rất lớn vào thời đó) cho ai bắn què giò hay bắn ngỏm củ tỏi một tên cướp ngân hàng.

Rồi ‘radio’ đưa tin ngân hàng bị cướp tới 200 ngàn đô. Mấy tên cướp nghe tin, ngồi đếm tới đếm lui cả chục lần tới trật cái cần cổ mà chỉ có 100 ngàn đô. Chúng chửi toáng lên: “Tổ cha cái thằng Giám đốc Ngân hàng!”

Chuyện cướp ngân hàng xưa rồi. Giờ chỉ còn trong phim cao bồi miền Viễn Tây do tài tử John Wayne thủ vai sheriff mà thôi. Tại sao vậy? Vì bây giờ với kỹ thuật báo động tối tân, cướp ngân hàng thì chỉ có vô hộp hoặc ra nghĩa địa. Cướp tiệm bán rượu, bán thuốc lá dễ ăn hơn.

Bên Cali, mới đầu tháng Chạp, muốn có tiền ăn Lễ Giáng Sinh cho xôm tụ trong mùa đại dịch COVID-19, sống nay chết mai, một đám du thủ, du thực đông như quân Nguyên vác búa tài xồi đi ăn cướp.

Chuyện gì xảy ra ở Hoa Kỳ bữa trước là bữa sau nó xảy ra ở Úc hè. Vì chánh phủ Úc coi chánh phủ Mỹ là đại ca. Bọn hắc đạo giang hồ Úc cũng coi hắc đạo giang hồ Mỹ là đại ca nên luôn bắt chước làm theo.

Ngay chỗ tui ở nè, ngay sáng ngày mùng Một, tháng Chạp Tây, lúc 19:39am, 3 tên cướp, dáng Phi Châu, cầm búa xông vào một tiệm vàng của người Việt ở đường Paisley vùng Footscray, Melbourne.

Chúng mặc quần áo sẫm màu và đeo khẩu trang, đập phá tủ kiếng chưng đồ trang sức bằng vàng bên trong tiệm. Vụ cướp xảy ra chớp nhoáng chỉ trong 3 phút. Chúng hốt một mớ rồi dông trên một chiếc BMW SUV màu đen với biển số bị đánh cắp, do tên thứ tư cầm lái.

Chủ tiệm vàng 35 năm lần đầu bị cướp, chỉ biết chạy ra cửa la ‘ơi ới’ là chúng đã mất dạng ở cuối đường.

Dính vào ma tuý rồi lầm đường, những thanh niên nầy không hiểu một điều rất đơn giản là cha mẹ đã mang mình chạy khỏi một Phi Châu nghèo đói, bất công. Ðến Úc họ chỉ mong con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Chớ không muốn con mình thành ăn cướp.

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

Nói nào ngay đa số dân Úc đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm tiền một cách lương thiện. Giáng sinh mà không có cây Noel là không phải Giáng Sinh. Nên có trang trại cần mẫn trồng và chăm sóc 6 đến 8 ngàn cây thông suốt 3 năm trời ròng rã để bán vào dịp lễ Noel. Nó giống quê mình trồng mai, trồng đào bán Tết vậy.

Một nửa niềm vui mùa Noel của em yêu là tự tay em chọn cây thông Giáng Sinh. Giống như hồi xưa, em chọn thằng nào để lấy làm chồng vậy mà.

Một số em thích cây thông sanh sao để vậy. Càng hoang dã càng thích. Giống như hồi xưa em khoái cái thằng chọc trời khuấy nước mà em nói nó có nam tính. Chớ em đâu biết rằng tối nó phải đi trộm gà hàng xóm để có tiền dắt em đi uống cái nồi ngồi trên cái cốc.

Nhưng cũng có một số em khoái về điểm phấn tô son lại; ngạo với nhân gian một nụ cười; nên muốn cây thông Giáng Sinh phải giống hịt em mới được. Nghĩa là bẹo hình, bẹo dạng cho thiên hạ ngắm thì phải son môi còn thắm, tóc ‘demi garçon’. Cây Giáng sinh phải được cắt tỉa đàng hoàng chớ không được bù xù tổ quạ như tóc của em mới vừa thức dậy.

Tiền bán mỗi cây thông Giáng Sinh sẽ được chủ ‘farm’ trích ra 10 đô la làm từ thiện, giúp người ‘homeless’. Người Úc ngoài mấy thằng xì ke, lên cơn ghiền đi ăn cướp, cũng có người tốt đấy chớ. Bên Mỹ cũng vậy, mùa Giáng Sinh lại về cũng có những câu chuyện cảm động làm ấm lòng người trong trời Ðông buốt giá.

Chuyện rằng: một chiếc máy bay của Southwest Airlines đang từ Chicago chuẩn bị cất cánh đi Columbus. Tất cả mọi việc diễn ra rất bình thường! Hành khách lên tàu, làm thủ tục đầy đủ, tắt hết các thiết bị điện tử, thắt dây an toàn. Máy bay ra phi đạo chuẩn bị cất cánh bay lên. Nhưng đột nhiên máy bay lại lăn bánh về ga hành khách. Rồi một tiếp viên nhẹ nhàng đến mời Peggy xuống máy bay. Lúc đến quầy ‘check in’, Peggy được bảo hãy gọi ngay cho chồng mình. Lúc này, chồng Peggy nói, con trai 24 tuổi của họ ở tiểu bang Colorado, Denver bị chấn thương não, rơi vào hôn mê và đang được cấp cứu trong bệnh viện.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Tin sét đánh ngang tai làm Peggy không thể kìm được nước mắt. Thì ra chồng của Peggy đã gọi điện cho hãng hàng không, hy vọng họ sẽ thông báo để vợ mình có thể bay về với con càng sớm càng tốt. Hãng hàng không hay tin này đã lập tức sắp xếp một chuyến bay sớm nhất cho Peggy bay đến Denver chỉ trong vòng 2 giờ.

Khi Peggy được đưa đến khu vực hành khách chờ lên máy bay, nhân viên của hãng đã an ủi để cô bớt căng thẳng và lo lắng. Khi đến giờ, hãng hàng không yêu cầu tất cả hành khách xếp hàng chờ nhường quyền ưu tiên cho Peggy. Họ sắp xếp cho cô ngồi ngay đầu cửa cabin. Như vậy khi đến Denver cô có thể ngay lập tức xuống máy bay. Khi Peggy đến Denver cái đầu tiên nhận được không phải là hành lý mà là hộp cơm trưa của hãng hàng không Southwest Airlines. Hơn nữa hãng Southwest Airlines còn chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến bay của Peggy.

May mắn thay, 3 tuần sau tình trạng con  của Peggy tốt dần lên và cháu đang hồi phục một cách nhanh chóng.

Hãng hàng không kinh doanh vì lợi nhuận; nhưng không phải vì tiền mà họ quên lãng tình người. Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết cư xử như vậy đó!

Bảo Huân

o O o

Chuyện ấm lòng thứ hai trong Mùa Giáng Sinh rất lạnh bắt đầu từ Ga Tàu điện ngầm thành phố New York cách đây 21 năm.

Danny Stewart thấy một cái bọc nhỏ được quấn trong một chiếc áo len trong một sân ga vắng vẻ. Ban đầu, Danny nghĩ đó là một con búp bê, có lẽ do một đứa trẻ nào bỏ lại; cho đến khi Danny nhìn thấy một cái chân nhỏ bé ngọ nguậy. Danny nhận ra ngay đó là một đứa bé sơ sinh, dây rốn vẫn còn nguyên, chỉ mới vài giờ tuổi.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Ðược báo tin, giới chức của tiểu bang đưa cháu vào bịnh viện. Ðồng thời tìm kiếm khắp thành phố để biết cha mẹ của cháu là ai?

Vào tháng Chạp, năm 2000, cũng vào Mùa Giáng Sinh gieo lên niềm hy vọng cho toàn nhân loại, Danny Stewart ra Toà khai chứng việc đứa bé được tìm thấy như thế nào? Bà thẩm phán hỏi Danny: ‘Ông có muốn nhận con nuôi không?’ Danny trả lời là có. Ðó là một ngày định mệnh đầy xúc động để bắt đầu một câu chuyện diệu kỳ. Danny Stewart và người chồng đồng tính Pete Mercurio trở thành cha mẹ nuôi của đứa bé và đặt tên con là Kevin.

Ðối với cha mẹ ruột của Kevin, Mercurio nói rằng vợ chồng mình chỉ thấy cảm thương. Vì bỏ con là một hành động trong cơn tuyệt vọng. Và tôi có thể tưởng tượng ra nỗi thống khổ của họ đến dường nào khi phải rời bỏ một đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra”

“Chúng tôi đã luôn nói với Kevin khi cháu còn rất nhỏ rằng: Con không phải bị ghét bỏ! Mà vì tình yêu, mẹ ruột của con đã rời đi ở ngay chỗ mà ba mẹ đã tìm thấy được con.”

Danny nói: “Vợ chồng tôi yêu đứa trẻ này hơn bất cứ thứ gì trên đời. Tôi thực sự không biết thứ tình yêu này tồn tại trên đời này cho đến khi con trai tôi đột nhiên bước vào cuộc đời của chúng tôi.”

Mercurio đã viết một cuốn sách và đọc cho Kevin nghe hàng đêm. Khi lên năm, Kevin nhận ra đó là câu chuyện về mình.

Năm ngoái, câu chuyện rất riêng tư đó đã được xuất bản với tựa đề: “Our Subway Baby” (Em bé tàu điện ngầm của chúng tôi), mà Mercurio gọi là “bức thư tình gửi cho con trai của chúng tôi.”

Hai mươi năm sau, Kevin, năm nay 21 tuổi, là sinh viên năm cuối của trường Cao đẳng Swarthmore. Kevin sẽ tốt nghiệp đại học vào mùa Xuân này”.

Thật là một câu chuyện ấm lòng trong Mùa Giáng Sinh trời rất lạnh.

DXT