Bỗng dưng gần Tết con Cọp tôi lại nhớ đến bia Tiger, loại bia Singapore được du nhập và khá phổ biến tại Việt Nam. Không còn nhớ mùi vị của nó và cũng chẳng có lý do gì khác ngoài việc cái tên Tiger liên quan đến năm Cọp này. Vậy là vào Total Wine xem thử, té ra không chỉ có bia Tiger mà cả bia 33, cũng từng một thời lừng lẫy là “Bia Con Cọp” của Việt Nam.

Ngày Xuân con én đưa thoi”. Chẳng hiểu cụ Tiên Ðiền khéo lo, cứ sợ ngày Xuân ngắn dài, mà nhắc người ta chuyện vui Xuân. Hay ý cụ thâm trầm hơn, nhắc nhở người ta rằng, tuổi thanh xuân chỉ có một thời để mà rong chơi. Như lời thơ Hàn Mặc Tử đã viết, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.  Thời dịch bịnh, lắm người còn bỏ cuộc chơi chỉ vì “Cô Vi”, chẳng có chồng con nào ở đây. Nên ngày Ta, ngày Tết, gác qua chuyện nghiêm trang, chỉnh tề mà luận chuyện bia cho vui vậy. Bởi ngày thường cũng đã bia bọt, huống hồ ngày Tết.

Kẻ hậu sinh như tôi còn sót dăm câu thơ học từ nhỏ, chớ còn “vui Xuân” sa đà hết tháng Giêng kiểu các cụ chắc hơi khó, nhất là trên xứ người. Có bắt chước các cụ làm thơ thì uống bia con Cọp rồi ngâm nga đọc câu thơ chế của ai đó rằng, “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu cày đôi vụ ta cày quanh năm“. Ðâu có “quởn” mà vui Xuân hưởng Tết. Xứ người, ngày Mồng Một đúng vào ngày làm việc, cũng cứ “cày” … hơn trâu. Nay bàn về chuyện Việt Nam vậy.

Bên trong hãng nước đá, tiền thân của hãng bia BGI

Trước khi về cố quận thì trở lại cùng bia Tiger bên trên. Xuất hiện đầu thập niên 30s  tại đảo quốc nhỏ bé Singapore, Tiger chỉ là một chú mèo mướp ốm yếu phục vụ trên đường phố cho người dân địa phương. Năm 1932, sau khi được một hãng bia Malaysia mua lại và đóng chai, bia Tiger trở thành một trong những loại bia Châu Á đầu tiên được làm trong khí hậu nhiệt đới nóng bức. Mười năm sau, sau khi giành được giải thưởng quốc tế đầu tiên và được những người lính đồng minh đồn trú hay ghé qua đảo quốc này lan truyền, bia Tiger bắt đầu hành trình chinh phục Châu Á và thế giới sau này. Một khu rừng không thể có nhiều cọp, năm 2012 “cọp chúa” Heineken “ngoạm” con cọp Tiger để đưa nó đi xa hơn.

Xem thêm:   Chó...

Còn cọp Việt, bia Con Cọp trước năm 1975 thì sao?

Theo lời kể của Giáo sư Phan văn Song, nguyên Viện trưởng Cao đẳng Thương Mại Minh Trí kiêm Giám đốc Thương mãi hãng bia BGI tại Sài Gòn trước năm 1975, thì hãng bia BGI khởi đầu là hãng nước đá do một sĩ quan hàng hải, kiêm kỹ sư là ông Victor Larue thành lập sau khi giải ngũ năm 1875 tại Sài Gòn.  Không nghe nói từ hãng nước đá chuyển sang làm bia từ bao giờ, trước hay sau bia Tiger.

Hãng bia BGI xưa

Bia BGI thời trước có hai loại, loại chai lớn dung tích 66, tức hai phần ba lít, in hình đầu con cọp, kêu bằng La-de Con Cọp (Biere Larue), loại nhỏ thơm ngon hơn, dung tích 33- một phần ba lít, vừa tiêu dùng nội địa vừa xuất cảng là bia 33. Ông kể la-de chai lớn vô ba loại chai, chai la-de Trái thơm, la-de thường và la-de Quân Tiếp Vụ cho lính. Nhãn có khác nhau nhưng bia trong ruột thì cũng vậy. Nhưng bên ngoài thì “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, kêu la-de Quân Tiếp Vụ uống nhạt hơn vì là bia cho lính. Bộ lính là đồ bỏ sao mà thứ gì cho lính cũng bị chê?. Bởi nghe kể lính Mỹ sang Việt Nam thì la-de nào cũng chơi láng, vào các diễn đàn cựu chiến binh Mỹ, có người còn nhắc đến bia Con Cọp.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Cái nghĩ, cái tin của con người lắm khi khác với sự thật là vậy. Nên ông Giáo sư kết luận, “ở đời cứ trọng bề ngoài”. Ðó là chuyện ông kể, kẻ hậu sinh như tôi thì trước 75 chưa đủ tuổi uống bia nên không biết thực hư, dành lại cho quý vị lính tráng của “những ngày xưa thân ái” nhận xét.

Từ trái: Bia 33, bia con cọp và bia Quân Tiếp Vụ

Sau này BGI có vào lại VN với tên mới sau khi tập đoàn Castel của Pháp mua lại, nhưng thất bại rồi bán lại cho tập đoàn bia Foster của Úc, cuối cùng vẫn vào tay cọp mẹ Heineken, đặt xưởng chế biến bia tại Tiền Giang, bán bia Tây cho dân miền Tây uống cạnh tranh rượu đế. Heineken Tiền Giang này có ra bia con Cọp Larue. Bia 33 bán tại Total Wine  không biết là của BGI Tiền Giang hay của hãng bia Sài Gòn làm vì nó không phải bia Larue.

Nói chung các hãng bia cũng thăng trầm, trao tay qua nhiều chủ nhân chẳng khác nàng Thúy Kiều. Nhưng có hề chi, với dân Việt Nam thì chẳng cần biết ai là chủ, chẳng biết em từ đâu, cứ có bia là có “dzô”. Ngày Tết càng “dzô” nhiều. Ngày thường thì “vào ba ra bảy”, còn ngày Tết thì vào ba nhưng không ra về, bia tháng Tết “cháy hàng”.  Số liệu của trang mạng thống kê Statista cho biết mỗi năm Việt Nam tiêu thụ đến 7.8 tỉ đô la bia.

Nhà máy bia Tiger tại Singapore – nguồn Iventure card

Bia Tiger của  Singapore vẫn phát triển, vẫn thành công như quốc gia Singapore của mình. Còn bia Con Cọp giờ đã quá vãng, chỉ nhờ việc Việt Nam lọt vào danh sách “Top Ten” uống bia nhiều nhất thế giới để còn gỡ gạc. Việt Nam ta còn được tạp chí Forbes trích dẫn nghiên cứu và số liệu từ tạp chí y khoa Lancet để xếp hạng Việt Nam đứng đầu thế giới về tỉ lệ gia tăng việc tiêu thụ bia trong gần 10 năm qua.  Singapore chẳng ra cái “đinh gì”.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Chừng đó cũng đủ cho Việt Nam tự hào là “con cọp, con rồng” Châu Á rồi khi bước vào năm con Cọp này, cần gì phải xe Vinfast với VinFuture mượn đầu heo nấu cám.

ĐYT