Trò chuyện với vài người bạn ngoài vườn nhà anh chị bạn xong, tôi bước vào bên trong thì Nguyễn Đức Đạt đang ngồi bấm điện thoại. Tôi lên tiếng chào Đức Đạt và khá bất ngờ khi Đức Đạt nhận ngay ra giọng tôi:
– Ah, anh ĐYT, anh khoẻ không?
-Giỏi vậy, sao Đức Đạt nhận ra tôi hay vậy? – Tôi hỏi
– Em nói chuyện và nghe giọng anh nhiều mà.
Khoảng 5 năm trước, nhóm thân hữu chúng tôi có tổ chức một chương trình nhạc thiện nguyện có Nguyễn Thế Vinh và Nguyễn Đức Đạt cùng trình diễn. Khi Đức Đạt sang Dallas, chúng tôi đã ngồi bàn bạc, trò chuyện về những tiết mục trong chương trình, cũng như khi dẫn chương trình, tôi có giới thiệu những hoạt động của hai bạn khuyết tật rất tài ba và có tấm lòng này. Rồi những bữa ăn tối với nhau trước và sau buổi diễn. Có lẽ vì vậy mà Đức Đạt còn nhớ giọng tôi, dù đã 5 năm không gặp.
Với một người bình thường, 5 năm đã là một thời gian dài để nhận ra khi gặp nhau không lâu. Còn với những người khuyết tật, có lẽ tạo hóa đã bù đắp cho họ những thiên khiếu đặc biệt. Như cuộc đời và con người của Nguyễn Đức Đạt vậy.
Nguyễn Đức Đạt bị mù bẩm sinh, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Từ thuở thiếu thời còn ở Việt Nam, Đức Đạt đã mê âm nhạc, thích chơi đàn, trống và đã bắt đầu viết nhạc nhưng đời sống gian truân, thiếu thốn, chẳng có mấy cơ hội dành cho người khuyết tật. Cơ may đến với anh, năm 1990 Đức Đạt đến được Mỹ và cuộc đời anh bước sang một trang mới khi đất nước này đã dành cho những người khuyết tật như anh những cơ hội chẳng dễ dàng gì có được ở những xứ sở khác.
Nguyễn Đức Đạt quay lại trường học. Ngôi trường đại học Cal State Fullerton tại California là nơi đã huấn luyện cho anh đi vào âm nhạc một cách chính thức, bài bản và giúp anh phát triển hết tài năng tiềm tàng trong người. Nhưng nó không dễ dàng như được nghe. Hãy nghĩ về những ngày mưa, tháng tuyết, một người khuyết tật như Đức Đạt đã phải chống gậy, dò dẫm từng bước băng qua đường, lên xe bus đến trường. Theo học một đại học dành cho sinh viên bình thường, Nguyễn Đức Đạt phải cố gắng gấp bội phần người khác để lãnh hội.
Tài năng, thiên khiếu là tặng thưởng được trao ban của mỗi người nhưng ý chí, nghị lực đó không phải trời ban.
Nguyễn Đức Đạt bắt đầu hành trình âm nhạc và sáng tác của mình, trở thành một nghệ sĩ khiếm thị được quý mến nhất tại hải ngoại. Đức Đạt chơi piano, thổi sáo, thổi rất hay và cảm động, nhưng nhạc cụ chính vẫn là Tây Ban Cầm. Anh nhận những giải thưởng cao quý về trình diễn từ Disney, Panasonic, đoạt giải quán quân Tây Ban Cầm tiểu bang California, được các tờ báo lớn của Mỹ viết về cuộc đời và hành trình âm nhạc của mình. Anh xuất hiện trên các chương trình của những trung tâm ca nhạc lớn tại hải ngoại, sáng tác và đệm đàn cho vài ca sĩ nổi tiếng Việt Nam. Nếu tìm trên mạng, có lẽ mọi người sẽ tìm được thước phim anh trình diễn cùng một tên tuổi lừng lẫy trong âm nhạc Hoa Kỳ là Stevie Wonder, người nhạc sĩ cũng bị khiếm thị như Nguyễn Đức Đạt.
Hoạt động trong nhóm phi vụ lợi Ngọc Trong Tim và thân thiết với trung tâm Hướng Dương của nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Đức Đạt cùng một số anh chị em nghệ sĩ khuyết tật khác đã tổ chức và trình diễn trong nhiều chương trình nhạc từ thiện khắp nước Mỹ và tại vài quốc gia khác. Họ mang đến cho khán giả khắp mọi nơi sự lạc quan, niềm cảm hứng cuộc sống bằng gương nghị lực của chính mình, cũng như để gây quỹ giúp đỡ những trẻ em bất hạnh, có cùng hoàn cảnh như họ.
Đạt lập gia đình, có một con gái, vợ Đạt cũng là một người khuyết tật ngồi xe lăn, gia đình hạnh phúc và dìu dắt, giúp đỡ nhau như mọi tổ ấm nho nhỏ khác. Đức Đạt đùa, thỉnh thoảng cũng bị vợ “nhăn” như những người chồng khác.
Thấy Đức Đạt dùng điện thoại thường xuyên từ những lần gặp gỡ trước nhưng tôi bất ngờ hơn khi Đức Đạt kể tôi rằng, anh là người sửa iPhone cho cả nhà. Điện thoại có trục trặc gì thì anh là người chỉnh sửa cho cả nhà. Đạt kể anh lên mạng đọc tin tức, vào Amazon mua sắm, tìm đọc các đánh giá các món hàng hơi đắt tiền trước khi mua … Tôi nhắn tin cho Đạt, anh trả lời tức thì. Mọi chuyện cứ như người bình thường khác.
Tôi hỏi Đạt điều gì nơi chiếc điện thoại vẫn chưa hoàn chỉnh cho những người như anh. Đức Đạt thoáng suy nghĩ rồi trả lời, “chụp ảnh”. Đúng vậy, chụp ảnh là tính năng cần canh ngắm bằng đôi mắt mà Đức Đạt lại… Đạt khiêm cung rằng, anh chỉ chơi nhạc nhưng không ít bạn bè khiếm thị của anh là những người rất xuất chúng trong nhiều lãnh vực khác nhau. Họ lập trình, họ thiết kế hay sáng tác với tài năng vượt bực, hơn người.
Những người thường như chúng ta làm sao biết được các tính năng vô cùng quý giá và tiện dụng dành cho những người khiếm thị như Đức Đạt. Nghe Đạt kể, tôi không chỉ nghĩ về sự tân tiến của kỹ thuật mà còn tri ân những nhà kỹ thuật, một xã hội bác ái đã không quên những người khuyết tật, tạo cho họ sự bình đẳng như tất cả những người khác và đóng góp, giúp ích cho đời.
Không riêng tôi mà những ai gặp Nguyễn Đức Đạt ngoài đời không chỉ để nghe Đạt đánh đàn hay thổi sáo mà còn rất vui khi nghe Đạt đùa giỡn, kể chuyện vui mà cười ầm. Đạt hay đùa vui rằng, “Đạt đi đến đâu, Đạt đùa đến đó, Đạt đem đời đến đạo, Đạt đem đạo đến đời”.
Mà quả vậy, tôi nghĩ xa hơn. Quả đó là đời-đạo, là đời sống và con đường của mỗi người. Khi bị mất đi ân huệ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ngọn lửa trong trái tim Nguyễn Đức Đạt lại toả sáng rực rỡ, soi đường cho anh và ở mặt nào đó, để người khác thấy lại chính họ. Sự lạc quan, dí dỏm của Đức Đạt có thể giúp cho những ai gặp dăm thách đố không thể tránh được trong đời sống, cảm thấy hy vọng và lạc quan hơn.
Ngón đàn tài hoa, cung đàn réo rắt, Nguyễn Đức Đạt truyền sức sống vào cây đàn và truyền niềm tin vào khán giả, vào những người gặp anh. Niềm tin rằng, con người có thể vượt lên trên những giới hạn của những khiếm khuyết về thể chất lẫn tinh thần để đạt đến điều tưởng như không thể. Niềm tin vào tấm lòng của mỗi người vẫn luôn độ lượng và vượt lên những khác biệt để làm những điều tử tế và ý nghĩa hơn cần làm.
Giữa cuối tháng Sáu này, Nguyễn Đức Đạt lại có dịp đến Dallas trình diễn, mời bạn hãy đến nghe một cung đàn tài hoa, lạc quan này.
Dallas 04/2024
ĐYT