Người Việt không ai lạ gì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách cai trị hà khắc của nhà Đông Hán (Trung Hoa), trong đó có việc bắt dân Nam phải lặn biển mò ngọc trai nộp cho chúng, làm rất nhiều người chết.

Từ thuở xa xưa con người đã phát hiện ra ngọc trai và dùng nó làm đồ trang sức, bởi độ phản xạ và khúc xạ ánh sáng, sự tán sắc làm cho ánh sáng trắng tỏa ra thành màu như cầu vồng khi ánh sáng chiếu vô bề mặt của nó. Phải lặn sâu dưới biển tìm bắt con trai (một loài giáp xác) đã là nguy hiểm, bắt lên rồi cũng không biết con nào có ngọc con nào không, nhiều khi bắt rất nhiều mà mổ ra chẳng có viên ngọc nào. Vì vậy, ngọc trai tự nhiên rất quý hiếm, mắc tiền.

Chất liệu cấu thành viên ngọc trai tự nhiên và trai nuôi giống nhau, nó đều là những lớp Calcium Carbonate (CaCO3) dưới dạng chất khoáng Aragonite hoặc Calcite (cả hai dạng là dạng kết tinh của Calcium Carbonate) được kết hợp với nhau nhờ hợp chất hữu cơ giống chất sừng, gọi là Conchiolin, thành sản phẩm. Thành viên thì là ngọc trai, còn thành miếng gọi là xà cừ. Người Việt dùng những miếng vỏ trai này mài bóng, khảm vô đồ gỗ nội thất, là cho món đồ trở nên quý giá.

Vì nó quý hiếm nên không phải ai cũng có tiền mua ngọc trai. Ngày xưa chỉ có vua chúa, hoàng tộc mới sở hữu vật trang sức bằng ngọc trai. Do đó, ngọc trai còn có tên khác là “trân châu”. Tôi thấy có người viết là chân châu  chữ chân này nghĩa là thật, như vậy là viết sai. Thời đó làm gì có đồ giả hột nhựa hay nuôi trai mà phải khẳng định đây chính là hột thiệt. Châu  là hình cầu tròn, trân  là quý hiếm, trân trọng, nên người xưa cũng có có câu “sơn trân hải vị”  để chỉ những món ăn ngon lạ trên núi dưới biển.

Có lẽ vì trân châu quý hiếm như vậy nên Ðông y ngày xưa cho rằng nó có vị hơi ngọt, tính bình, dùng làm thuốc chữa bịnh thì công hiệu. Giới quý tộc cũng mài nó ra thành bột để thoa làm đẹp da mặt. Tôi nghĩ với thành phần cấu tạo như vậy thì bột trân châu cũng chỉ như bột đá vôi và bột móng chưn heo trộn lẫn với nhau thôi, chẳng có tác dụng gì trong chữa bịnh lẫn cải thiện làn da, chẳng qua là họ thần thánh hóa công dụng của nó. Vì tò mò, tôi đã từng mài thử một viên ngọc trai nuôi thành bột và nếm coi mùi vị nó ra sao thì thấy mùi vị nhạt nhẽo và không khác chi mùi vị của viên đá vôi.

Nãy giờ chúng ta nói ở trên về đồ vật (không ăn được), riêng thế giới ẩm thực châu Á thiên hình vạn trạng thì hai từ “trân châu” rất bình dân và ăn ngon thật sự. Trong giới ẩm thực, trân châu đơn giản chỉ là những món ăn bằng bột được chế biến thành viên tròn mà thôi. Người Ðài Loan sáng tạo ra những viên bột đủ màu sắc lớn bằng đầu ngón tay để thêm vô ly trà của họ, tạo thành thức uống nổi tiếng là trà sữa trân châu, phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có truyền thống uống trà.

Bây giờ, chúng ta có thể tự làm cho mình một món ăn lạ mà ngon từ những vật liệu bình dân rẻ tiền, tên gọi thì “sang chảnh” là cơm nắm trân châu. Chỉ cần chuẩn bị một ít nếp ngon, thịt heo, xì dầu ngon, rượu trắng (loại để nấu ăn) chút tinh bột nếp hoặc bột củ năng (mì tinh), trứng cút, gừng, củ hành, củ sen, dầu ăn là đủ. Chuẩn bị sẵn một nồi hấp lớn, loại này người miền Nam kêu là cái xửng hấp, người miền Bắc gọi là cái chõ.

Ngày trước làm món này đầu bếp phải kỳ công xắt thịt thành hình vuông nhỏ xíu, kêu là xắt hột lựu. Ngày nay chúng ta không cần phải kỳ cạch cong lưng xắt thịt đến mỏi tay, mờ mắt nữa, mua một pound thịt nạc heo tươi xay sẵn có bán rất nhiều ở các chợ, mà giá thịt xay lại rẻ hơn thịt nguyên miếng nữa. Ðàng nào thì thịt cũng được trộn với nhiều thứ vật liệu khác và lại nằm trong phần nhưn, có ai nhìn thấy đâu mà sợ bị chê khen xấu đẹp.

Nếp vo sạch rồi ngâm nước lạnh qua đêm, vớt lên để thiệt ráo nước. Phải chờ nếp thiệt ráo mới dùng, nếu còn ướt thì nó sẽ không bám với nhưn thành viên được. Trứng cút luộc chín lột bỏ vỏ. Gừng cạo vỏ xắt sợi rồi bằm nhỏ. Củ hành, củ sen cũng xắt miếng ra bằm giống như gừng. Thịt ướp với chút muối, chút đường cát, chút bột ngọt (hoặc hạt nêm), chút xì dầu, rượu, dầu ăn, bột rồi trộn đều, quấy nó theo một chiều để tất cả bện dẻo với nhau. Sau đó cho gừng, hành, củ sen đã bằm nhỏ vô quấy như trước. Thấy nhưn sền sệt, bện dẻo có thể nắn thành cục là được.

Dùng bột mì thoa tay, múc nhưn vo thành từng viên như viên thịt bò vò viên; nếu thích có thể làm viên bự hơn, cỡ trái chanh xanh cũng được. Chia nhưn sao cho mỗi viên đều có một cái trứng cút bên trong là đẹp. Tuy nhiên, làm cục bự quá thì hấp lâu chín, mà hấp lâu thì phần ngoài có thể bị nhão không ngon, không đẹp. Tốt nhất cứ làm viên nhỏ.

Ðổ nhiều nước vô phần nồi dưới xửng để khi nước sôi lên sẽ có nhiều hơi và sôi lâu mà không cạn nước. Cũng không đổ đầy quá khi nước sôi sẽ trào lên lớp đựng đồ hấp làm cho thức ăn bên trên bị sũng nước. Cho từng viên nhưn vô nếp, lăn cho hột nếp bám dày chung quanh cục nhưn rồi xếp một lớp vô xửng. Chờ nước trong nồi thiệt sôi mới để xửng lên, đậy nắp xửng kín lại, tiếp tục vặn cho lửa lớn hấp liên tục trong mười phút là nhưn và nếp đều chín. Thấy hột nếp đổi từ trắng đục sang trong vắt là nếp đã chín đều. Dùng cái kẹp gắp kẹp từng viên cơm nắm ra ngoài xếp lên đĩa lớn. Xong coi nước dưới nồi còn nhiều hay ít mà châm thêm nước vô, tiếp tục hấp xửng khác như đã nói rõ ở phần trên.

Cơm nắm trân châu ăn nóng với xì dầu hoặc nước mắm chua ngọt đều ngon. Có thể ăn kèm với rau sống (dưa leo, xà lách, cà chua, các loại rau thơm, ngò rí hoặc thìa là). Hoặc ăn kiểu dân dã hơn là cầm nguyên cục cơm nắm chấm tương ớt thì ngon và nhanh gọn hơn nữa, rất phù hợp với các chuyến đi dã ngoại. Tuy không ngon bằng ăn liền khi còn nóng, nhưng để nguội thì nếp vẫn dẻo ngon, còn ngon hơn ăn sushi nữa.

Có thể chiên một ít khoai tây, một ít lạp xưởng, thịt nguội hoặc giò thủ xắt miếng nhỏ để đem theo ăn kèm thì buổi picnic thật tuyệt vời. Ðộc, lạ, rẻ, gọn gàng, tiện lợi mà ngon phải không quý vị?

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)