Trước đây, cuối tuần nào tôi cũng đi chợ, chợ Mỹ, chợ Việt, chợ Mễ, chợ trời… chợ nào tôi cũng lết bản mặt tới lượn tới lượn lui vài tiếng đồng hồ. Cần mua đồ cũng đi, mà không cần mua cũng đi. Dạo tới dạo lui, ngó cái này, rờ cái kia, có khi nhìn thấy món nào vài đồng mà thích con mắt cứ mua luôn, xong rồi đem về không biết làm gì với nó, không có chỗ để cất. Từ khi xảy ra vụ đại dịch Covid-19 tới nay tôi không đi chợ kiểu “tùy hứng” nữa.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong cái rủi nó có cái may. Cũng nhờ tật lượn lờ đó mà trước khi có dịch tôi mua được ở chợ trời một thùng bao tay cao su mỏng 1,000 cái size XS (medical-food gloves), hàng Philippines, tốt mà rẻ, giá $45. Tôi nghĩ thùng này xài trong nhà bếp cũng phải vài năm mới hết, không ngờ đùng một cái, hai tuần sau tiểu bang Cali ra lịnh đóng cửa, vậy là tôi có bao tay an toàn xài trong khi người khác kiếm mua không có. Chỉ trong vòng hai tháng “đóng cửa”, tôi đã xài hết hai hộp bao tay. Trước khi đi chợ phải lên danh sách mua món gì, mua ở đâu, cần đi đâu, làm cái gì  v.v. liệt kê ra hẳn hoi. Xong lôi hộp bao tay ra đếm bỏ vô bịch zip đem theo. Cứ mỗi điểm dự tính sẽ tới là một đôi bao tay và một cái khẩu trang. Tới nơi đậu xe lại, móc bao tay, khẩu trang ra đeo vô rồi xăm xăm bước vào như đi đánh nhau vậy. Nhào vô mua xong rồi chạy ra ngay chớ không còn la cà coi ngó như trước nữa. Ra ngoài thì lột bao tay bỏ vô túi rác, khẩu trang bỏ vô bịch nilon để cuối ngày gom lại cho vô thùng máy giặt.

Thời gian đầu, trong các tiệm lớn như Costco, Walmart thì người đi chợ họ cũng xô bồ hỗn độn lắm, chen chúc tranh giành nhau mua đồ tích trữ một cách khủng khiếp luôn mà không ai dùng bất cứ phương tiện gì để bảo vệ cho bản thân chống sự nhiễm virus. Tôi thích đi các chợ Mỹ. Chợ Mỹ quy định gắt gao hơn về khoảng cách tiếp xúc, giới hạn số lượng người mỗi lần vô tiệm, bắt buộc có đeo khẩu trang mới được cho vô tiệm, phân công nhân viên đứng ngay cửa tiệm dùng giấy tẩm cồn lau tay cầm các xe đẩy, v.v. nên tình trạng lộn xộn giảm đi rất nhiều.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Nói là “ra lịnh đóng cửa” nhưng thực tế các tiệm tạp hóa lớn, nhỏ, các chợ đều mở cửa suốt. Hôm qua, tôi đi một vòng qua hai tiệm Walmart, hai tiệm Costco lớn nhất khu vực quanh Little Sài Gòn (thành phố Garden Grove và Westminster) thì thấy parking chợ xe đậu đông đúc như thời trước khi có dịch, còn người xếp hàng chờ vô chợ dài dằng dặc. Nhân viên chợ Walmart cũng không cầm khăn giấy tẩm cồn lau từng chiếc xe đẩy nữa, mà xếp một đống xe lại rồi dùng một bình xịt đựng cồn xịt lên xung quanh tay cầm đống xe đẩy đó.

Ngược lại, mỗi lần cần vô các chợ Việt mua thức ăn làm tôi ớn nhứt. Chợ Việt không quy định chặt chẽ như chợ Mỹ dù vẫn dán các bảng cảnh báo giữ khoảng cách 6 feet, không bắt buộc đeo khẩu trang, còn xe đẩy thì không tiệt trùng. Người đi chợ ai muốn giữ khoảng cách thì giữ, muốn đeo khẩu trang thì đeo, không đeo, không giữ khoảng cách cũng không ai nhắc nhở. Sợ nhứt là vụ chen lấn giành mua đồ của người đi chợ. Rất nhiều lần, tôi đang lựa rau, trái cây… thì có người tới đứng cạnh bên tôi lật tung mớ rau, trái cây lên để lựa. Tôi thấy bất cứ ai xán tới gần là tôi né, bỏ đi chỗ khác. Chợ hàng hóa ê hề, sao phải chen lấn giành mua làm chi vậy, rủi người kia họ đang mang mầm bệnh thì sao? Mình thì nghĩ vậy nên sợ, nhưng người khác họ không nghĩ vậy, cứ chen vô như sợ tôi mua hết đồ. Tuy nhiên, nếu đang đứng ở quầy tính tiền thì không có đường né, đành phải áp dụng “biện pháp mạnh” khi có một ông đứng tuổi không đeo khẩu trang còn chen lên đứng sát sau lưng tôi. Buộc lòng tôi phải quay lại nói to lên: “Stay away from me. 6 feet, please.” Ông này vội lùi lại, cám ơn tôi đã nhắc nhở. Tôi vừa bước khỏi chỗ đó, người bạn đứng sau tôi tiến lên chỗ người cashier tính tiền thì ông kia lại sấn lên đứng sát bạn tôi nữa. Ra ngoài, tôi hỏi bạn tôi thái độ của ông nọ rất kỳ quặc, sao lại để ông đứng ngay bên cạnh? Trong trường hợp này tôi ủng hộ “áp dụng bạo lực”, phải nói to lên cho họ đứng xa mình ra, nếu cần thì gọi security chợ can thiệp luôn. Bạn tôi trả lời không để ý phía sau lưng nên không biết ông nọ lại chen lên. Ðó là thời gian đầu mới áp dụng lệnh “đóng cửa”, bây giờ vô chợ Việt đỡ lắm rồi, dù vẫn lác đác có những trường hợp “tự nhiên, thoải mái” như chưa từng có dịch bệnh.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Khác với những ngày đầu chuẩn bị thực hiện lệnh “đóng cửa”. Bây giờ nước uống đóng chai, gạo (Việt, Mỹ, Thái Lan, Cambodia), giấy vệ sinh… tràn ngập các chợ, chất cao như núi mà không ai thèm quan tâm. Số người đi chợ mua gạo, mua nước uống, mua giấy vệ sinh rất ít. Các loại rau xanh Việt Nam, thịt heo, thịt bò, gà, trứng, cá tươi ê hề. Tin đồn nước Mỹ thiếu thức ăn, thiếu thịt heo chẳng qua là để câu views mà thôi.

Chợ Việt ở Little Sài Gòn có điểm đặc biệt là khu chiên cá tươi miễn phí. Khách hàng vô chợ chọn cá, đưa cho thợ làm cá sạch sẽ, muốn cắt khúc rồi chiên sơ (để kho) hoặc để nguyên con chiên giòn xong đem về gói bánh tráng, rau sống thì cứ nói với người thợ làm cá trong quầy. Hoặc muốn cá làm sạch, cắt khúc xong khách đem về nhà tự nấu nướng cũng được luôn. Các chợ Mỹ, chợ Mễ không bán cá kiểu này. Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây, mỗi lần đi chợ tôi phát hiện rất nhiều người Mễ vô chợ Ðà Lạt (thành phố Garden Grove) mua cá tươi chiên. Có khi tại gian hàng bán cá chiên mỗi một mình tôi là người Việt, tôi đếm xung quanh tôi có từ 7-10 người Mễ. Họ mua số lượng cá nhiều hơn tôi gấp chục lần. Tôi còn nhìn thấy hai vợ chồng ông người Mễ sau khi mua hai con cá ba sa chiên giòn thiệt bự thì cũng lượn ra gian hàng bán mắm đóng chai để mua chai mắm nêm cá thu pha sẵn (ăn liền) giống như tôi. Trước khi xảy ra dịch, tôi không thấy dân Mễ vô mua cá chiên bao giờ. Tôi đồ rằng trong thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh này, một số người Mễ có bạn bè là người Việt đã chỉ cho họ vô chợ Việt mua cá chiên cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, vừa rẻ vừa ngon. Rồi những người Mễ này lại truyền cho nhau vô chợ Việt mua cá chiên, giờ đây khách Mễ mua cá chiên tươi trội hơn khách Việt.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Các tiệm cà phê, hàng quán ăn uống vẫn chưa được mở cửa. Cư dân ở đây bèn nghĩ ra cách tụ tập uống cà phê rất là buồn cười. Thủ sẵn cái ghế nhựa trong xe, lái xe tới tiệm mua ly cà phê, ổ bánh mì “to go” xong xách ra bãi đất trống dưới gốc cây, lôi ghế nhựa trong xe ra đặt dưới đất rồi ngồi. Hoặc lái chiếc truck (không nắp thùng xe) ra kiếm chỗ parking có bóng cây đậu lại. Mỗi người bưng một ly cà phê ngồi hai bên thành thùng xe truck (giống hồi xưa người ta ngồi trên xe nhà binh) “bình lựng” chuyện trên trời dưới biển ồn ào, xôm tụ không kém ngồi trong quán.

Thôi thì cũng ráng chịu cho qua cơn đại dịch này, dù sao còn sống khỏe mạnh ở nhà vẫn hơn là phải vô bệnh viện. Ðời còn dài, mai mốt hết dịch ta lại tiếp tục lượn lờ vô các chợ.

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)