Năm 7-8 tuổi, đọc bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên có đoạn “… Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay/ Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”, tôi cảm thấy một nỗi buồn trĩu nặng trong lòng như vừa đánh mất một thứ gì đó vô cùng quý giá. Cái cảm giác bứt rứt, tiếc nuối, thương tâm cứ theo đuổi mãi trong lòng, phải tới vài tuần sau tôi mới quên đi với những trò chơi con nít mới cuốn hút hơn.
Thật không ngờ cái cảm giác nhớ ray rứt, nhớ tiếc nuối, nhớ tới mụ mị “muôn năm cũ” lại cứ theo đuổi tôi suốt tới tận bây giờ, tức hơn 40 năm, mà không phải bằng cái gì đó cao sang, quý giá, hiếm hoi. Thứ làm tôi ray rứt nhớ, tiếc nuối đó, trong cuộc sống của người dân Nam kỳ nó rất dân dã, rẻ tiền, nhỏ nhặt, thậm chí không ai buồn chú ý đến nó, đó là mì ăn liền Hai Con Tôm gói giấy vàng khè, và cá mòi hộp hột xoài màu đỏ. Hộp cá mòi nhỏ xíu, khui ra bên trong xếp lớp những con cá mòi bằng ngón tay út, vừa đủ để ăn với một ổ bánh mì dài chừng một gang tay. Màu đỏ sốt cà hấp dẫn, mùi thơm sực nức, mùi vị tuyệt vời, ăn một lần nhớ hoài không bao giờ quên. Con cá nhỏ xíu, cả xương lẫn thịt mềm rục, tan biến trong miệng ngon ơi là ngon. Gói mì Hai Con Tôm xé ra cho vô tô cùng với gói gia vị, chế nước sôi vô tô. Gia vị có màu hồng, lợn cợn bột tôm màu cam trong tô; sợi mì dai ngon, tuy gia vị hơi cay nhưng vừa miệng lạ lùng.
Không phải tôi cố tình thổi phồng lên cảm giác cá nhân của tôi, kiểu như người ta thường nói “Con cá sổng là con cá to”, tại ăn vài lần rồi không được ăn nữa nên tiếc nuối, chớ “con nít thì biết mẹ gì!” Tôi có nhiều bạn bè tầm tuổi tôi trở lên trên Facebook, có chung sở thích bình luận về ăn uống, cách nấu ăn ngon mà đơn giản, rẻ tiền. Những người bạn này đều là dân miền Nam, giờ người thì vẫn còn ở Sài Gòn, người đang ở Mỹ, người đang ở Úc. Ðã nhiều lần tôi cố tình dò hỏi thì hầu như tất cả mọi người đều có cảm nhận giống tôi về món cá mòi hộp hột xoài, mì gói Hai Con Tôm và bánh mì nướng phết bơ (beurre) Pháp.
Tôi không có ý định quảng cáo cá mòi, mì gói lẫn bơ Pháp, đơn giản là chẳng có ai bỏ tiền ra mướn tôi quảng cáo. Tôi kể lại câu chuyện thấm đẫm mùi ký ức này cho quý độc giả lớn tuổi đã từng sống ở miền Nam như tôi được sống lại bầu không khí thái bình thịnh vượng, no đủ của miền Nam ngày xưa, những hoài niệm êm đềm của thời thơ ấu đầm ấm vui vẻ bên gia đình với cuộc sống sung túc. Còn quý độc giả nhỏ tuổi hình dung được thời ấy người dân miền Nam trước ngày 30/4/1975 được thụ hưởng thành quả kinh tế phồn vinh như thế nào.
Sau ngày 30/4/1975, tôi không còn được ăn hộp cá mòi nào nữa, còn bánh mì thì lâu lâu thỉnh thoảng mới mua được một ổ nhỏ ở cửa hàng quốc doanh mà dân tình đặt cho nó cái tên rất khôi hài là “Bánh mì chọi chó bể đầu” bởi nó cứng ngắc cứng còng. Nghe nói vì thiếu bột mì nên chỉ có xíu bột mì pha bột gạo nên bánh mới cứng như vậy. Suốt thời gian học phổ thông và bốn năm học đại học, cơm ăn với rau luộc, muối ớt đủ no bụng mỗi ngày đã là mơ ước của tôi cũng như phần lớn học sinh, sinh viên thời đó. Dân quê gọi là “ăn mắm húp dòi”, “kho quẹt kho khòn”, “rau cà dưa mẳn”… Vậy chớ mùi vị mì Hai Con Tôm gói giấy, mùi vị cá mòi hộp hột xoài vẫn cứ ám ảnh, tôi không sao quên được.
Tốt nghiệp đại học, đi làm có “đồng ra đồng vào” khấm khá hơn, tôi bèn “mở chiến dịch săn tìm” hương vị tuổi thơ ngày xưa cũ. Nhưng than ôi! Tôi đã mua, đã ăn rất nhiều loại cá đóng hộp rồi, rất nhiều loại mì gói ăn liền rồi, kể cả những loại mắc tiền, nhưng vẫn không cảm nhận được mùi vị ngày xưa. Ở Việt Nam đồ hộp phải nhập cảng nên giá bán rất mắc mỏ so với tiền lương của cán bộ công chức nhà nước như tôi, nên cuộc tìm kiếm của tôi gần như vô vọng. Tôi phải chi ra rất nhiều tiền mua cá hộp, làm “thâm thủng ngân sách chi tiêu” trong gia đình, gây ra tình trạng “khủng hoảng kinh tế”. Tôi đành phải tạm gác lại cuộc “săn tìm hương vị”.
Rồi tôi qua Mỹ, xứ sở của đồ hộp và thức ăn nhanh. Ðồ hộp lớn nhỏ lủ khủ, xuất xứ Á cũng có mà Âu cũng có, tại chỗ cũng có luôn, giá bán lại rẻ. Tôi lần lượt “ăn thử” cá hộp hết hiệu này tới hiệu khác, (Lại phải nói câu “Than ôi!”) mà không cảm nhận được hương cá mòi xưa. Khi mua cá, tôi cẩn thận coi hộp nào có chữ “sardines”, “sardin” mới mua. Tưởng sao, đem về khui ra không thấy cá mòi đâu, toàn cá nục cắt khúc, ăn nó lảng òm làm sao đó.
May mắn thay, cách đây mấy ngày, tôi đi chợ Việt Nam ở Little Sài Gòn, tình cờ tôi nhìn thấy một hộp bơ (beurre) Pháp hiệu Bretel màu đỏ có hình tòa building, nằm khiêm nhường lẫn lộn chung với các thứ bánh kẹo, snack da heo, loại rẻ tiền tạp nhạp chớ không được xếp ở chỗ trang trọng chuyên về các loại bơ, sữa. Ký ức xưa chợt ùa về. Thứ bơ này ngày trước mẹ tôi thường mua để dành trong nhà, sáng sáng đốt cái bếp than nướng bánh mì rồi dùng cây dao nhỏ lưỡi mỏng lấy bơ trong hộp ra trét lên xung quanh ổ bánh mì, rắc lên một ít đường cát trắng cho tôi ăn sáng. Hộp bơ tuy nhỏ nhưng không rẻ, có chút xíu mà $8. Mua hộp bơ kèm theo ổ bánh mì. Rồi lại tình cờ nhìn thấy hộp cá mòi Ma-rốc cũng màu đỏ nhỏ xíu, ngoài hộp in hình con cá mòi rõ ràng luôn, $1/hộp.
Tôi mua hai hộp cá về đổ ra nấu lại với củ hành tây phi dầu ăn. Bánh mì cho vô lò nướng giòn rồi phết bơ lên thơm phức, xé ra chấm cá mòi. Quỷ thần ơi! Ðây rồi! Mùi vị ký ức xưa thời 4-5 tuổi với miếng bánh mì nướng phết bơ Pháp rắc tí đường tràn ngập trong phòng. Mùi cá mòi cũ cũng đây rồi. Hồi xưa, câu chuyện ông Archimedes ngồi trong bồn tắm phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, ổng bèn trần truồng nhảy ra khỏi bồn tắm gào lên “Eureka!” (Tìm ra rồi). Bây giờ, tôi cũng muốn la làng lên: A ha! “Người của muôn năm cũ” đây rồi! Câu hỏi “Hồn ở đâu bây giờ?” đã có câu trả lời “Hồn vẫn còn ở đây!” Tự dưng thấy mừng như tìm thấy vật gì quý giá bị mất lâu lắm rồi mà không bao giờ còn hy vọng thấy lại được, giờ chợt xuất hiện lù lù trước mặt, bất ngờ tới tay chưn lính quýnh luôn.
Ðúng là cá mòi chớ không bị lừa kiểu ngoài hộp để chữ “Sardin” bự chà bá, khui ra thấy toàn cá nục. Hộp cá mòi Ma-rốc này tuy con cá lớn hơn và cắt thành khúc (tui thích cá mòi nhí) nhưng mùi vị thì được 8-10 so với cá mòi xưa. Thôi vậy cũng OK rồi, ở đời đừng bao giờ đòi hỏi cái gì quá hoàn hảo thì không bao giờ có. Thời tôi ăn cá mòi ở xứ Nam kỳ thì tôi chưa biết chữ để đọc nhãn hiệu trên hộp cá mòi, chỉ tìm kiếm bằng cảm nhận vị giác, mùi vị ký ức xa xăm của một đứa nhỏ, nên bây giờ làm sao biết cái ngày xưa đó là nhãn hiệu gì, của nước nào sản xuất mà tìm chính xác 100% được.
TPT
(Little Sài Gòn, Ca)