Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Ðúng là cuộc đời như vở kịch, diễn biến không ngừng, thực thực, hư hư.

Chỉ có thời gian mới cho ta nhìn thấy ai là người đã sống thật tình với ta.

Cái đói khiến chúng ta phân biệt được sự khác biệt giữa con người và con vật. Cái khổ giúp chúng ta đánh giá được sức chịu đựng và nhân cách của mỗi con người.

Chúng tôi đã qua hơn bốn năm bị giam cầm.

Ở Trại Nam Hà A chúng tôi đã thấy những cái mặt nạ rớt rơi, để lộ nguyên hình những con người dối trá, lúc thịnh thời chúng đã đè đầu, cưỡi cổ chúng tôi, lúc sa cơ chúng chẳng khác gì những con dòi.

Ðã có nhiều trang anh hùng hào kiệt ngày xưa giờ đây biến thành cái thứ gì vô cùng đê tiện và hèn mạt. Chúng hại nhau, nói xấu nhau, thậm chí còn đánh nhau để giành giựt những chức vụ nhàn nhã hơn, no bụng hơn và thân cận với cai tù hơn.

Hình như trại nào cũng có ăng ten, thi đua, trật tự, cò mồi?

Ði tới đâu mấy tên này cũng bị người ta nhiếc móc, sỉ vả.

Vậy mà vẫn có người cắm đầu đi theo con đường tà, mới lạ?

Có ai dọa giết đâu mà một cựu trung tướng và một cựu chuẩn tướng cứ phải đóng vai tù cò mồi, lâu lâu lại từ Trại Hà Tây, dẫn xác tới trại này, đầu chải láng coóng, áo quần bảnh bao tiếp phái đoàn nọ, phái đoàn kia, miệng thì rối rít ca tụng những tên đang giam giữ mình là khoan hồng nhân đạo?

Ðôi khi tình cờ gặp lại vài cấp chỉ huy cũ, thấy họ đã đổi thay, tôi đành cúi mặt, rồi quay đi. Ðúng là đối diện gian nan mới rõ đá, rõ vàng.

o O o

Truyện cái radio ở Nam Hà…

Thế rồi bỗng dưng rộ lên cái tin người Mỹ đang điều đình với Việt-Cộng để các tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa được đi Hoa-Kỳ tỵ nạn.

Thế rồi tù xầm xì với nhau, rủ nhau gom tiền mua một chiếc radio để theo dõi tin tức tống xuất…

Thế rồi, một hôm tôi đã nhìn thấy cái radio xuất hiện ở Buồng 16…

Vào một buổi trưa, có anh nhà bếp đẩy xe cơm tới Buồng 16, mắt lấm lét nhìn quanh, rồi trao nhanh cho anh Nguyễn Ðình Tuy một cái túi vải.

Anh Tuy giấu vội món đồ vào sau lưng những cái bao bì, túi da, rương gỗ, thùng nhôm của tù ở sát tường.

Tối hôm đó anh Tuy giao chiếc túi vải cho cựu Thiếu tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Nghiêm.

Từ ấy, góc trái nơi cuối phòng, chỗ tôi và Trần Tiến Bích nằm, trở thành vị trí an toàn để nhận tin phát đi hàng đêm từ VOA và BBC.

Nhân viên thường trực nghe đài là cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm, cựu Ðại úy Trần Tiến Bích, cựu Ðại úy Tạ Văn Quang và cựu Ðại úy Nguyễn Văn Ninh. Nghiêm và Ninh là một cặp. Bích và Quang là một cặp. Hai cặp cứ luân phiên nghe đài rồi tường thuật lại mỗi đêm.

Ngay sau khi VOA và BBC chào tạm biệt thính giả thì tin tức nóng hổi đã được truyền khắp buồng.

Sáng hôm sau, trước giờ tù xuất trại đi làm, thì tin tức đã bay đi khắp trại.

Tin tức được truyền tới tai tất cả mọi người khiến cho ai cũng hy vọng.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Ai cũng mong có ngày được đưa ra khỏi tường rào rồi được bay sang Mỹ.

Cái radio ở Buồng 16 đúng một tuần, rồi Tạ Văn Quang được trao nhiệm vụ mang nó đi buồng khác. Một hay hai tuần sau cái radio lại quay về Buồng 16.

Tôi không có phận sự nghe đài.

Nhưng những đêm có chiếc radio thì tôi phải làm nhiệm vụ một anh lính gác.

Tôi phải ngồi sát bên cửa sổ, mở mắt cho thật to để theo dõi xem có thằng Công An nào đi tuần tra xuất hiện không?

Tôi cẩn thận và chăm chỉ như vậy mà chút xíu nữa đã để xảy ra một tai nạn. Số là một đêm trăng tỏ, có hai tên Công An đi tuần bước xuống dốc để vào sân.

Chúng mặc quần áo màu vàng, ánh trăng màu vàng, tường vôi thì màu trắng, nên áo quần của chúng nó lẫn với màu trăng và màu tường, làm cho tôi không nhận ra.

Tới lúc tụi nó vào tới giữa sân, nghe tiếng “Sạt! Sạt! Sạt” của giày đạp trên sỏi cùng lúc với hai cái bóng người in trên sân, tôi mới hoảng hồn vỗ lưng Tạ Văn Quang,

“Tắt! Tắt! Chèo! Chèo!”

Ông nội Tạ Văn Quang đang nghe máy một cách mê say bị tôi vỗ lưng bất ngờ nên giật mình hỏi lớn,

– Cái gì thế?

Tôi vừa giơ tay đè cái volume tắt máy thì bên hiên đã có tiếng người gắt gỏng,

-Cái gì à? Các ông đi tuần chứ cái gì mà hỏi? Tại sao tụi mày không ngủ đi? Khuya rồi mà còn om sòm!

Buổi thâu thanh đêm đó bị chấm dứt trước giờ một cách bất ngờ.

Thật là hú hồn! Hú vía!

Mỗi ngày, khi mọi người ra sân tập họp để xuất trại thì cái radio đã được tôi nhét vào bao, giấu dưới đáy thùng vôi bột trong cầu tiêu.

Cái radio đã cũ, âm thanh phát ra lại nhỏ nhí, rất là khó nghe.

Lâu lâu cái máy lại giở trò, á khẩu, không chịu nói, thế là chúng tôi phải mở nó ra, nối dây, nối nhợ, trét nhựa thông, hàn lại.

Nhân việc này mà tôi biết người cung cấp nhựa thông để sửa máy là cựu Nghị sĩ có tên là Trần Tấn Toan.

Anh Toan là người chuyên sửa chữa đàn của đội văn nghệ.

Anh Toan thường xuyên được cán bộ cung cấp nhựa thông để trét các vết nứt trên những cây đàn. Chiếc radio thu sóng đều đều cũng nhờ có bàn tay góp sức của anh Trần Tấn Toan.

Mấy anh bạn ôm đài thu thanh cứ hết lời ca ngợi anh Toan, làm cho tôi cũng thấy có cảm tình với anh ấy quá.

Tới một hôm, tôi và Trần Tiến Bích đi qua phòng văn nghệ, Bích chỉ cho tôi biết mặt người có tên là Toan.

Hóa ra, anh Trần Tấn Toan chính là ca sĩ Trần Tiên Sinh!

Từ ấy, tôi bắt đầu yêu giọng hát của Trần Tấn Toan Tiên Sinh…

Chiếc radio tiếp tục đi từ buồng này qua buồng khác, đem hy vọng cho mọi người.

Cho tới một sáng ngày Thứ Hai đầu tuần, cả trại không phải đi làm, mà bị tập trung trong sân để xếp hàng, chờ kiểm tra tài sản cá nhân.

Chúng tôi phải đem tất cả tư trang vào trong buồng, xếp thành hai hàng trên bục xi măng, cũng là giường nằm.

Sau đó, khi cán bộ đi tới chỗ để tư trang của ai thì anh Nguyễn Ðình Tuy sẽ gọi người đó vào đứng bên túi xách, bao bị, va ly, nón mũ, áo khoác của mình để cán bộ lục soát cả thân mình và đồ đạc.

Ai được kiểm tra rồi thì tự do rời chỗ bước ra sân, thay thế bằng người khác.

Sau ba tiếng đồng hồ, ở Buồng 16, cán bộ Hồng cùng hai vệ binh đã làm việc rất cẩn thận và chăm chỉ nhưng kết cục họ vẫn không tìm được vật mà họ muốn tìm.

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

Tất cả trại viên Buồng 16 đều vô tội, không ai tàng trữ thứ mà cán bộ đang truy cứu.

Kiểm tra kết thúc, chúng tôi bị tập trung dưới sân, cán bộ Hồng đứng trên hiên nhà, có vẻ hài lòng,

– Mục đích cuộc khám xét hôm nay là tìm xem ai đã vi phạm nội quy, cất giữ cái đài. Tôi đã kiểm tra kỹ, các anh trong hai Ðội 18 và 19 đều là người tốt. Tôi có lời khen ngợi các anh. Các anh có thể tự do sinh hoạt trong sân. Ðợi khi nào tất cả các buồng kiểm tra xong, tôi sẽ mở khóa cổng cho các anh ra sân trại.

Tới xế trưa chúng tôi được mở khóa cổng để đi ra sân trại.

Sau khi dò hỏi, tôi thở ra khoan khoái vì biết rằng cái radio đã không bị khám phá.

Tuy nhiên chuyện vì sao cái radio không bị tịch thu cũng đã bị anh em truyền tai cho nhau. Chuyện bí mật như thế mà chỉ vài bữa sau đã bị “bật mí”

Ði tới phòng nào tôi cũng nghe anh em bàn tán và ca ngợi anh cải tạo viên Hồ Hoàng Khánh đã vô cùng can đảm, lanh trí, lanh tay, giúp cho cái radio không rơi vào tay kẻ địch.

Ngày khám xét vừa qua ở Buồng 15, thì anh cựu Trung sĩ Hồ Hoàng Khánh đứng sau anh cựu Thiếu tá Trần Tấn Hòa, trong cái bao tải đựng áo quần của anh Hòa để lại giữa đường đi có chiếc radio.

Ðang khám tư trang của Khánh thì ba tên Công An tạm ngừng để ra sân họp bàn chuyện gì đó.

Chỉ cần một giây đồng hồ, cái bao tải đã bị Khánh ném nằm gọn trong đống đồ đã kiểm tra phía trước. Ngay trưa hôm đó cái radio đã biệt tăm.

Nếu ai cũng coi cuộc kiểm tra vừa qua là chuyện bình thường ở trại, nếu không có những cái miệng ngồi lê đôi mách, thì chuyện cái radio chắc cũng đi vào lãng quên rồi.

Nhưng quân ta có những cái dở không thể bào chữa được.

Quân ta đã quá ơ hờ, không cảnh giác, không kín tiếng, không đề phòng.

Những gì mà ta đã biết, thì qua báo cáo của bọn ăng ten hay cò mồi, địch cũng biết.

Người đầu tiên bị gọi lên hỏi tội là anh cựu Ðại úy Cảnh Sát Nguyễn Hữu May.

Anh Nguyễn Hữu May là đội trưởng Ðội 17 ở Buồng 15, cũng là người đã móc nối với cán bộ Việt-Cộng để mua chiếc máy thu thanh.

Chỉ mấy ngày sau khi Ðội trưởng Nguyễn Hữu May bị cán bộ tra hỏi thì tên cán bộ trực trại cùng hai vệ binh có đeo AK47 dẫn theo một anh tù đã bị còng tay là cựu Thiếu tá Lâm Minh Ðức đi tới trước cổng dẫn vào Buồng 15 và 16 rồi lớn tiếng gọi,

-Anh Tần, anh Tuy đâu? Ra nhận lệnh gấp!

Trực Buồng 15 là cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Tần, Trực Buồng 16 là cựu Thiếu tá Nguyễn Ðình Tuy vội chạy lại,

-Dạ có mặt!

-Hai anh mau gọi ba anh Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa và Nguyễn Tấn Á thu dọn hành trang cá nhân ra gặp tôi ngay!

Năm phút sau, với ba lô, nồi niêu, ca cóng trên vai, ba anh tù cựu Ðại úy Nguyễn Tấn Á của Buồng 16, cựu Thiếu tá Trần Công Hạnh và cựu Thiếu tá Trần Tấn Hòa của Buồng 15 đã bị còng tay đứng giữa sân bên cạnh anh Lâm Minh Ðức.

Tôi cảm thấy lo, vì Trần Tấn Hòa và Trần Công Hạnh đều là bạn cùng khóa 20 Võ Bị với tôi. Hai bạn tôi đều biết, hai ông tù đàn anh có đóng góp tiền bạc để mua cái radio và mua pin cho radio là cựu Ðại tá Biệt Ðộng Quân Cao Văn Ủy, và cựu Ðại tá Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Thành Trí.

Nếu không chịu nổi cực hình khảo đả, tụi nó mà khai ra, thì hai vị này chắc nguy to. Tôi tới gần, dúi vào ba lô của Trần Tấn Hòa bao thuốc lá Cửu Long rồi nhắn với hai đứa bạn,

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

– Nếu không chịu nổi thì cứ khai tao với thằng Bích, hay thằng Nghiêm, đừng hé răng cho tụi nó biết rằng mấy ông già đã liên quan tới vụ này!

Hòa gật đầu, rồi nhìn tôi, khẳng khái,

– Tới đây là hết! Tụi tao thề rằng thà chết sẽ không khai thêm! Mày nói với anh em đừng tố cáo nhau dây chuyền! Ðừng giết nhau! Ðừng bỏ nhau!

Nghe Hòa nói quả quyết như thế, tôi cũng thấy yên tâm.

Chúng tôi thấy anh Nguyễn Hữu May bị bắt để hỏi cung mới vài ngày trước. Vậy mà chỉ mấy ngày sau bốn người bạn của tôi đã bị còng tay đem đi thì anh em trong Buồng 16 có liên hệ tới cái radio vội vàng họp mặt lại và cam kết với nhau rằng, bất cứ ai bị bắt để điều tra sẽ không khai người khác, dù có chết.

Từ đó, bầu không khí nặng nề, và khó thở đã bao trùm khắp trại.

Chúng tôi cứ sống một cách phập phồng, lo lắng, không biết cái chuyện khai báo dây chuyền này sẽ dẫn tới đâu? Không biết khi nào sẽ tới phiên mình bị trói tay dẫn đi?

Ngay sau khi Nguyễn Tấn Á, Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa và Lâm Minh Ðức bị áp giải đi, tôi và Trần Tiến Bích cũng tự đặt mình trong tình trạng báo động.

Tôi viết sẵn một cái thư gửi cho vợ tôi, báo cho nàng biết rằng tôi đã bị chuyển trại, không rõ sẽ đi đâu, để nàng không ra thăm nữa.

Thư này nằm sẵn trong lưng của cựu Thiếu tá Lê Văn Chánh.

Ngày nào Chánh cũng phải xuất trại đi đổ phân. Ngày nào Chánh cũng có dịp gặp thân nhân của tù để gửi thư chui.

Trong thời gian căng thẳng này, cứ rảnh rang tôi lại đem hình ảnh của bốn đứa con ra xem.

Lê Văn Chánh thấy cái ảnh thằng con trai út của tôi thì trầm trồ,

– Ồ thằng bé đẹp trai quá! Nó có cặp chân mày và đôi mắt giống bố y hệt! Nhìn qua là biết con trai Vương Mộng Long rồi, không lẫn vào đâu được!

Thằng con trai út của tôi sinh ra ba tháng sau ngày tôi bị bắt đi tù, không biết suốt đời tôi có dịp nhìn mặt con tôi hay không?

Các bạn Nguyễn Tấn Á, Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa đã bị đưa về Hà-Nội, kiên giam trong nhà tù Hỏa Lò.

Sau này gặp lại nhau, thằng bạn Trần Công Hạnh của tôi đã kể cho tôi nghe rằng, thời gian ở Hỏa Lò nó đã phải viết hằng ngàn tờ khai về những gì liên quan tới cái máy thu thanh ở Nam-Hà.

Nó than rằng nằm kiên giam trong Hỏa Lò thì đói lắm.

Vì quá đói, nó đã ăn hết 8 ngàn… con gián!

Trong nhà tù Hỏa Lò chỉ có một sinh vật muốn thân thiện với người, đó là loài gián.

Gián thích những manh áo tả tơi nặng mùi, quần áo anh tù nào mà không nặng mùi tả tơi? Gián ở Hỏa Lò thì đông vô kể!

Thằng Hạnh là vua câu cá, nó biết gián là mồi nhử mà loài cá thích ăn. Nó nghĩ rằng cá ăn gián được thì người cũng ăn gián được! Thế là nó bắt gián mà ăn.

Nó ăn gián bằng cách này: Một tay nó giữ thân mình con gián, tay kia nó vặn đầu con gián rút ruột gián ra thật là nhẹ nhàng.

Nó vứt ruột, đầu, chân, cánh, cẳng của gián xuống sàn nhà để làm mồi nhử những con gián khác. Nó chỉ giữ lại những cái bụng của gián để ăn. Vậy mà nó cũng đã sống sót sau những ngày đói khát, kiên giam ở Hỏa Lò!

(còn tiếp)