Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 8)

Khi bàn giao, Trung tá Nguyễn Lang, biệt danh là “Lang Trọc” Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân nói với tôi rằng vùng này yên tĩnh lắm, quân ta và quân địch nằm cách nhau chỉ một con suối, uống chung giòng nước Dak Blao mà không hề bắn nhau.

Nghe chuyện này tôi vô cùng ngạc nhiên. Kể từ khi Việt-Cộng vi phạm nghiêm trọng hiệp định ngưng bắn Paris, xua quân đánh chiếm Lệ Minh, và Bù Bông năm 1973, thì cái vụ hòa hợp hòa giải này đã hết hiệu lực từ lâu.

Chắc chắn ông Lang đã biết tôi vừa thoát chết ở Pleime, ông Thiếu tá Nguyễn Ngọc Di mất xác ở Dak Pek, Thiếu tá Hà Văn Lầu tử trận ở Thượng-Ðức?

Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà ông Lang dám cho lính dưới quyền ông ta sinh hoạt chung với địch mà không sợ bị địch trở mặt bất ngờ, và ông ta cũng không sợ bị thượng cấp trách phạt hay sao?

Tôi và Trung tá Nguyễn Lang là đôi bạn vong niên, chúng tôi gặp nhau thời gian Ðại tá Lê Khắc Lý là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2.

Thời gian này tôi là Trưởng Phòng 2, còn Thiếu tá Lang là Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị.

Sau đó ông Lang ra thay ông Thiếu Tá Quang giữ chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Mùa Hè năm 1972 Thiếu tá Lương Văn Ngọ bị Tướng Trần Văn Hai truất quyền chỉ huy Chiến Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân thay thế bằng Thiếu tá Nguyễn Lang.

Dưới quyền Thiếu tá Nguyễn Lang, Chiến Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân đã có công giải tỏa Quốc Lộ 14 tiếp cứu Kontum nên ông Lang được vinh thăng cấp trung tá.

Sau một thời gian, có lẽ đã hơn một năm rồi, tôi và ông Trung tá Lang mới gặp lại nhau.

Tôi nghĩ rằng chắc có ẩn tình gì đó, nên ông Lang đã giấu giếm không cho tôi biết nguyên nhân vì sao ông ta dám cho quân lính dưới quyền bắt tay giao du với giặc.

Tôi chưa kịp tìm hiểu tình hình thực sự của vùng này như thế nào thì sáng sớm hôm sau, 5 tháng 10 năm 1974 tôi đã nghe Thiếu úy Thủy mật báo rằng đêm qua đại úy tiểu đoàn phó đã ngồi nhậu cả giờ đồng hồ với một tên cán bộ Việt-Cộng trong căn lều tranh “Hòa Hợp, Hòa Giải” trên bờ Nam suối Dak Blao dưới chân đồi 700. Căn lều này đã được Tiểu Ðoàn 96 bàn giao lại!

Lập tức tôi cho Thiếu úy Phước xuống đồi gọi ông Tài lên trình diện.

Vài phút sau, trước mặt tôi, ông tiểu đoàn phó của tôi đã phân bua với tôi một cách thật ngây thơ,

Tôi được Thiếu tá Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 96 Biệt Ðộng Quân bàn giao rằng trong vùng này, quân hai bên sẽ sống chung hòa bình, không bên nào xâm phạm bên nào. Tối qua tôi có nói chuyện với thằng chỉ huy Việt-Cộng, y ta đã đồng ý không tấn công mình trước. Tôi chưa kịp báo cáo với Thái Sơn chuyện này thì ông đã biết rồi!

Tôi nhìn mặt ông phó của tôi mà chỉ biết lắc đầu chán nản,

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

– Thôi! Ông khăn gói về nằm với thằng Danh trên ngọn đồi Tây. Tôi cấm ông bén mảng tới bờ suối! Cãi lệnh, tôi xử tử đó!

Ngay trưa hôm ấy tôi cho Ðại Ðội 3/82 tràn xuống chiếm cái làng Thượng có tên Bu M’Bré đã bỏ hoang, nằm bên hướng Tây Quốc Lộ 14, đối diện với đồi 700.

Hai ông Ðại đội trưởng 3/82 và 4/82 được mật lệnh tắt máy từ chiều hôm đó cho tới khi kế hoạch hoàn thành.

Kế hoạch đề ra là, đúng 10 giờ đêm 5 tháng 10 pháo binh sẽ bắn 200 trái đạn 105 ly trên một tuyến dài theo hướng Ðông Tây vùng Bắc suối Dak Blao.

Tới lúc pháo binh ngưng tác xạ, sẽ có những trái đạn 81 ly chiếu sáng soi đường cho Trung đội Viễn Thám vượt suối làm đầu cầu. Tiếp đó, Ðại Ðội 4/82 sẽ men theo cây cầu gãy, tiến chiếm cái làng Thượng đã bỏ hoang nằm trên khúc quanh của Quốc Lộ 14 cách suối Dak Blao hai trăm thước.

Ðại Ðội 3/82 sẽ làm trừ bị, sẵn sàng tiếp cứu Ðại Ðội 4/82 khi cần.

Trong khi quân ta tiến chiếm mục tiêu thì khẩu cối 106 ly của tiểu đoàn cứ thủng thỉnh rót từng viên đạn nổ trên khúc đường Quốc Lộ 14 nằm dưới chân núi Bù Row để tiêu diệt và áp đảo tinh thần những tên địch chạy khỏi vùng.

Tôi đã nghe ông Trung tá Lang cảnh cáo rằng, nếu ta bắn 1 viên đạn pháo hay cối vào vùng địch, ta sẽ bị địch đáp trả từ 10 tới 20 lần hơn.

Nhưng hình như đêm 5 tháng 10 Việt-Cộng đã bị hoàn toàn bất ngờ trước vụ tấn kích của tôi.

Tôi không nghe tiếng súng lớn nhỏ nào của địch cả.

Tuy vậy sáng ra, chúng tôi cũng chỉ phát giác được năm cái xác Việt-Cộng chết trong một chòi gác bên suối.

Ta thu được vỏn vẹn ba cây AK 47 và một khẩu súng B40.

Chẳng lẽ lâu nay trong vùng này chỉ có một cái tiền đồn với 5 tên Việt-Cộng mà ta đã phải huy động tới hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân để trấn giữ hay sao?

Trời sáng rõ, tôi tiếp tục xua quân lên tiến chiếm cao điểm Bù Row có cao độ 750 mét, nằm về hướng Tây, sát mép Quốc Lộ 14.

Ðồi Bù Row là một cái đồn cũ từ thời Pháp, có ba cái lô cốt và hàng rào mìn xung quanh.

Tuy vậy, sau hơn một năm làm chủ khu vực này, Việt-Cộng đã gỡ hết mìn bẫy trong vùng.

Xung quanh Bù Row giờ đây là những vạt vườn trồng khoai mì rộng mênh mông. Vùng này đã trở thành khu vực canh tác sản xuất của Trung Ðoàn 271 Cộng-Sản.

Trưa 6 tháng 10 năm 1974 tôi đang ngồi ôm cái ống nhòm, theo dõi hai đại đội tiền phương tiến quân, thì có một chiếc xe Dodge 4×4 từ Nhơn-Cơ chạy tới.

Tới chân đồi Kiến-Ðức, có vài người bước xuống. Một lúc sau, Trung úy Trần Dân Chủ chạy ra khu pháo binh báo cho tôi biết có một ông trung tá của tiểu khu muốn gặp mặt tôi.

Tôi ra lệnh cho ông Chủ xuống đường, dẫn ông trung tá lên đây nói chuyện, vì tôi đang bận điều quân.

Th/tá Vương Mộng Long và con gái Băng Điền – Dalat 10/1974. 

Ông Trung tá Chỉ huy phó Tiểu Khu Quảng-Ðức bắt tay tôi, rồi dịu dàng,

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

– Anh Long có khoẻ không?

Tôi hớn hở khoe,

– Tôi khỏe như vâm! Tụi tôi đang đuổi bọn Việt-Cộng chạy như vịt! Tôi tái chiếm đồi Bù Row rồi! Nếu tiểu khu yểm trợ pháo cho tôi, và cho tôi một tiểu đoàn trừ bị, tôi lấy lại đồn Bu Bông trong vòng 24 giờ!

(Đồn Bù Bông nằm về hướng Bắc Quận Lỵ Kiến-Đức khoảng 20 cây số, do Địa Phương Quân phòng thủ. Đồn này đã bị Cộng-Quân chiếm giữ từ cuối năm 1973)

Ông tiểu khu phó lắc đầu thở dài,

– Ông Nghìn sai tôi ra đây để nói với anh rằng, ngừng cái hành động lấn đất dành dân ngay đi! Ông ấy sợ Sài-Gòn mà nghe biết tình hình vùng này đột nhiên mất an ninh, họ sẽ khiển trách ông tỉnh trưởng đấy!

Nghe ông tiểu khu phó nói, tự nhiên tôi thấy cụt hứng, bao nhiêu hào khí phút chốc tan như hơi sương.

Nhưng tôi vẫn cương quyết,

– Nhờ Trung tá về nói với Ðại tá Nghìn rằng, tôi đã lấn tới Bù Row. Vì từ đỉnh Bù Row địch có thể đặt cối và súng không giựt bắn vào Kiến-Ðức, nếu các ông mà bắt tôi trả Bù Row cho Việt-Cộng thì tôi sẽ xin đem quân đi chỗ khác, không trấn đóng vùng Tây Quảng- Ðức nữa!

Ông trung tá già nhìn tôi buồn rầu,

– Em là một sĩ quan lý tưởng của quân đội, tiếc rằng thời buổi này người ta không ưa những con người như em!

Rồi ông bắt tay tôi, từ giã.

Từ ấy cho tới ngày tàn chiến tranh, tôi không còn dịp nào gặp mặt ông nữa. Hình như sau đó ít lâu ông trung tá này đã thuyên chuyển đi nơi khác.

o O o

Ðêm 6 tháng 10 từ trong rừng hướng Bắc suối Dak Blao có tiếng loa của Việt-Cộng oang oang:

– Ðđảo Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân Ngụy đã vi phạm cam kết hòa hợp hòa giải! Ðđảo tên Tiểu đoàn trưởng 82 Biệt Ðộng Quân khát máu!

Chỉ mười phút sau, tiếng loa tắt phụt sau một loạt đạn M16 nổ giòn.

Sáng ngày 7 tháng 10 toán Viễn Thám 823 của Trung sĩ Nguyễn Chi tiến vào rừng khai thác kết quả, chỉ thấy một thằng giặc nằm chết cong queo bên chiếc loa tay.

Từ đêm 7 tháng 10 trở đi không còn cái loa nào léo nhéo nữa….

Sáng 8 tháng 10 tôi đưa cho Ðại úy Nguyễn Hữu Tài cái sự vụ lệnh hoàn trả ông ta về liên đoàn, với lý do kém khả năng. Tôi không còn kiên nhẫn để ông đại úy này tiếp tục làm việc dưới quyền mình nữa.

Ðại úy Nguyễn Hữu Tài là người đầu tiên từ giã Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân mà không có tiệc tiễn đưa.

Th/tá Vương Mộng Long và con gái Đông Miên – Dalat 10/1974.

Trước giờ Ðại úy Tài vào chào tôi để giã từ, tôi đã tự tay xé cái giấy phạt 15 Trọng Cấm xin gia tăng tối đa mà tôi đã phạt ông Tài với tội danh “Bắt tay với địch quân”

Tôi làm chuyện này, vì tôi vừa hồi tâm, nhớ lại những lời ông trung tá già, Tiểu khu phó Tiểu Khu Quảng-Ðức: “Ông Nghìn sai tôi ra đây để nói với anh rằng, ngừng cái hành động lấn đất dành dân ngay đi! Ông ấy sợ Sài-Gòn mà nghe biết tình hình vùng này đột nhiên mất an ninh, họ sẽ khiển trách ông tỉnh trưởng đấy!”

Tôi không biết hành động sống chung hòa bình với kẻ thù của Trung tá Lang đã có sự đồng tình của ông tỉnh trưởng hay không? Tôi không biết ông Nghìn đã làm ngơ, hay ông Nghìn đã ngầm ra lệnh cho ông Lang bắt tay với địch để cho Sài-Gòn yên trí rằng: “Mặt Trận Miền Tây Quảng-Ðức vẫn bình yên” (?)

Tôi cũng không biết, nếu ngày đó người nhận bàn giao vùng Bắc Kiến-Ðức không phải là tôi, mà là Thiếu tá Mẫn hay Thiếu tá Ðàng thì quân ta và quân địch có tiếp tục chung sống hòa bình, uống chung một giòng nước suối Dak Blao hay không?

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Mãi lâu lắm, sau này, tôi mới nghe biết Trung tá Nguyễn Lang đã bị Tư Lệnh Quân Ðoàn II phạt 40 ngày Trọng Cấm vì đã bắt tay với địch, nên bị buộc tội “Vi Phạm Huấn Lệnh Quân Sự”.

Sau khi bị phạt, ông Trung tá Nguyễn Lang đã bị giải ngũ, loại ra khỏi quân đội.

Còn Thiếu tá Huỳnh Công Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 96 Biệt Ðộng Quân cũng bị phạt nặng không kém gì ông Trung tá Lang, nhưng không bị giải ngũ.

Mãi tới năm 1979 tôi và ông Nguyễn Lang mới gặp lại nhau trong Trại tù Cải tạo Nam Hà A, ngoài Bắc Việt. Trong lúc ngồi ôn chuyện xưa ở Kiến-Ðức, ông Lang không phiền trách chuyện tôi đã xua quân qua suối Dak Blao phá vỡ hiệp ước bất tương xâm mà ông Lang và Việt-Cộng đã giao ước với nhau. Ông Lang chỉ bặm môi, chửi thề:

“Ðù má thằng Nghìn! Chơi xấu! Chạy tội! Ðổ lỗi lên đầu moa!”

Nghe ông Lang nói thế, tôi cũng chẳng thèm tìm hiểu thêm xem, ngày đó ông Lang và ông Nghìn đã có gì vướng víu, khúc mắc với nhau không? Có phải chính ông Nghìn đã làm ngơ trước lỗi lầm của Thiếu tá Hiển và Trung tá Lang không? Có phải tới khi chuyện xấu vỡ lở, ông ta lại phủi tay, chạy tội hay không?

Về phần tôi, hiển nhiên, ngày đó tôi đã bị ông Nghìn khóa tay, không cho đánh nhau nữa.

o O o

Đời lính, vui và buồn…

Ngày 9 tháng 10 năm 1974 tôi và ba quân nhân khác đại diện Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được trực thăng chở về hậu cứ Pleiku chuẩn bị tham dự ngày lễ thành lập Quân Ðoàn II.

Trong ba ngày 9,10 và 11 tháng 10 Trung tá Hoàng Kim Thanh thay thế tôi chỉ huy Ngã Ba Kiến-Ðức.

Buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân Ðoàn II đã diễn ra thật đơn giản.

Tổng thống đã không có mặt, các tỉnh trưởng trực thuộc Quân Khu 2 cũng không có ai.

Trên khán đài chỉ có hai ông tướng, là Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Ðoàn II, và Thiếu tướng Phan Ðình Niệm, Tư lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh.

Trong khi Tướng Toàn đang bận gắn cái huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu lên hiệu kỳ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, thì Tướng Niệm nài nỉ Tướng Toàn,

– Biệt Ðộng Quân không dùng Thiếu tá Long thì Trung tướng cho anh Long về làm việc với tôi đi!

Ông Toàn có vẻ bực mình, càu nhàu,

– Ông thích nó thì nói với nó, duyên cớ gì mà phải năn nỉ tui?

Nghe ông Toàn cự nự, Tướng Niệm bèn bước tới bắt tay tôi,

– Chúc mừng Tiểu Ðoàn 82 vừa được tuyên dương công trạng trước quân đội! Chúc mừng Thiếu tá Long!

Sau đó ông Tư lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh hạ giọng, vừa đủ cho tôi và mấy người đứng bên tôi nghe được.