Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 14)

Chính vì có mài, có giũa, có bạn bè tốt đi kèm, mà chỉ ít lâu sau khi tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, những tân binh mặt búng ra sữa, đã thành những tay súng thiện nghệ, gan lỳ.

Những ngày cuối năm 1974 tôi phải lo tăng cường an ninh tối đa, vì cứ tới dịp Lễ, Tết, thế nào Việt-Cộng cũng quậy phá.

Gần tới Giáng-Sinh tin tức tình báo tới tấp gửi tới. Nào là địch sẽ đánh Quảng-Ðức, sẽ đánh Kiến-Ðức, nên ông liên đoàn trưởng ra lệnh cấm quân, không cho ai đi phép.

Ðể yên tâm, tôi liên tiếp tung các toán Viễn Thám thăm dò địch trong bán kính tối thiểu là bốn cây số từ Kiến-Ðức, khoảng cách đó là tầm bắn trung bình của cối 82 ly và 75 ly mà địch hay sử dụng.

Một buổi trưa, toán 825 của Hạ sĩ 1 Nguyễn Tuấn báo cáo có địch. Tôi đích thân cầm máy,

– Mô tả mục tiêu!

– Em thấy có người đang leo lên dốc! Em tính gài Claymore nhưng tụi nó tới gần quá rồi!

– Bắn như bài đã học!

– Dạ!    

“Bài đã học” là, khi chạm trận, người ở giữa sẽ bắn 30 độ trái, rồi bắn 30 độ phải, còn hai tay súng bên cạnh thì người bên trái bắn về bên phải, người bên phải bắn về bên trái, hai lằn đạn sẽ giao nhau. Những tên địch xuất hiện trong xạ trường trước mặt chắc chắn sẽ chết.

Máy truyền tin của tôi có cần ăng ten cao nên dễ dàng liên lạc với 825 và trung đội đóng trên Bù Row, nhưng tai tôi không nghe được tiếng súng nổ.

Bẵng đi mười phút, là tiếng Hạ sĩ Tuấn vừa thở hổn hển vừa nói,

– Trình Thái Sơn! Em hạ được ba con! Thu ba AK 47! Em đã về tới chân Bù Row!

– Tới Bù Row thì hết lo rồi! Ði chậm lại cho đỡ mệt!

Chiều đó tôi đãi mỗi chú của toán 825 một tô mì ăn liền Vị Hương và một chai la ve.

Ba chàng Viễn Thám này đều ở cùng quê Bình-Ðịnh nên thân thiết với nhau lắm.

Ông Tàu Hỷ chủ Câu Lạc Bộ tiểu đoàn lục ngăn kéo lấy ra 15 nghìn đưa cho Thiếu úy Lý Ngọc Châu.

Chú Châu thay mặt tôi trao cho mỗi Viễn Thám viên 5 ngàn.

Ðây là thông lệ, tôi đề ra, cho mỗi khẩu súng chiến lợi phẩm là 5 ngàn, bất kể súng lớn hay súng nhỏ.

Ngày đánh Ðạo-Trung tiểu đoàn thu được nhiều chiến lợi phẩm hơn, nhưng do công của đồng đội, nên tôi chỉ cho lệnh ông Tàu Hỷ mua cho mỗi người một bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ gọi là hút cho “lấy hương lấy hoa” Chứ thưởng theo cái giá 5 nghìn một khẩu súng thì Câu Lạc Bộ bị lủng vốn mất.

Thời gian này Tiểu Ðoàn 82 có nhiều người trùng tên lắm. Ông Ðại úy Ngũ Văn Hoàn cầm quyển sổ điểm danh vừa cười vừa nói với tôi,

– Tui đố ông biết trong tiểu đoàn này tên gì là nhiều nhất?

Tôi đáp liền,

– Tuấn! Mình có bốn thằng Tuấn!

– Sai rồi! Tên Hoàng (Hoàn)! Mình có năm tên Hoàng! Tui đọc tên cho ông nghe nhé: Ngũ Văn Hoàn, Huỳnh Kim Hoàng, Nguyễn Phượng Hoàng, Lưu Ðức Hoàn và Phan Thành Hoàng…

– Ông lầm rồi! Hoàng có “G” khác với Hoàn không có “G” Như vậy mình chỉ có ba “Hoàng” và hai “Hoàn” thôi.

– Vậy tui đố ông, mình có mấy tên Phước.

Tôi trả lời không cần suy nghĩ,

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

– Mình có ba ông tên Phước là, Trần Văn Phước, Lê Văn Phước và Nguyễn Hữu Phước!

– Ông sai rồi! Còn thằng Binh nhì Phan Phước nấu cơm cho tui!

Lâu lâu, có dịp ngồi chuyện gẫu, tôi với ông Ðại úy Hoàn hay trao đổi với nhau những đề tài chẳng đâu vào đâu, chẳng ăn nhậu gì với nhau, nhưng cũng vì thế mà vài chục năm sau, tôi còn có thể hình dung ra mặt thằng Tuấn Nhí ở Ðại Ðội 4/82 như thế nào, mặt thằng Triệu Tân ra làm sao, và trên cổ thằng Liêu Chí Cường có cái khăn màu gì, ai đã cho nó?

 oOo

Cuối năm, đầu năm…

Hai ngày lễ quan trọng đi qua, tình hình thật là yên. Sáng sớm 26 tháng 12 tôi lên xe phóng về Ban Mê Thuột.

Ngày mai, 27 tháng 12 là kỷ niệm 4 năm ngày cưới của vợ chồng tôi, nhưng tôi lại không dám giao đơn vị cho người khác trông coi, nên tôi báo cho vợ tôi biết rằng tôi sẽ về đón nàng và hai đứa con gái lớn lên Kiến-Ðức chơi vài bữa.

Xế chiều 26 tháng 12 năm 1974 xe của tôi về tới tiểu đoàn.

Hai đứa bé thấy mấy bụi hoa móng tay ở trước cái lều tranh thì thích lắm, cứ quanh quẩn bên các chậu hoa.

Các chú lính trong đội cận vệ cũng thích hai đứa bé, cứ tíu tít hỏi han,

“Hai cháu có thích kẹo không? Hai cháu có thích bông móng tay không?” – “Cháu lớn mấy tuổi rồi? Cháu bé mấy tuổi rồi?”

Chắc nhìn thấy hai đứa con tôi, mấy chú lính cũng thấy nhớ con của họ, gia đình họ còn ở Pleiku! Chúng tôi xa Pleiku đã hơn ba tháng rồi!

Chiều 27 tháng 12 tôi chở vợ và hai đứa con đi thăm cái đập đá nằm cách quận Nhơn-Cơ nửa cây số về hướng Ðông. Mấy cô gái Thượng giặt áo quần dưới suối thật là hiếu khách, giơ tay vẫy chào hai cô du khách tí hon.

Hai cháu bé thấy thế cũng giơ tay cười đáp lại.

Cảnh đang vui thì cái loa truyền tin trên xe oang oang tiếng của đài Tam Quái đặt trên núi lửa Ðức-Lập,

– Thái Sơn đây Tam Quái!

– Thái Sơn nghe!

– Trình Thái Sơn! Ông cụ Trung tá Bố vợ của Thái Sơn vừa vào tiền cứ gọi cho tụi em để thông báo cho Thái Sơn một câu nhắn nguyên văn như sau: “Tụi mày mau báo cho vợ chồng nó biết, đứa con gái út của chúng nó bị ỉa chảy cả ngày, cả đêm! Nếu vợ nó mà không về thì chắc con bé chết mất đấy!”

Thế là hết vui. Chúng tôi quay về đồn. Ðêm đó pháo binh và súng cối không bắn phát nào nên hai cháu bé ngủ ngon. Vợ chồng tôi lại lo lắng, thức trắng, chỉ mong trời mau sáng.

Cháu bé Tiên Giao đang ở nhà với ông bà ngoại, nó vừa dứt sữa mẹ, tập uống sữa bột SMA. Chắc nó chưa quen uống sữa bột nên bị đau bụng.

Trưa 28 tháng 12 vợ chồng tôi và hai đứa con về tới nhà. Bé Tiên Giao vừa thấy mẹ đã khóc oà, rồi rúc vào ngực mẹ.

Vợ chồng tôi vội chở cháu Tiên Giao vào hậu cứ Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân để nhờ Bác sĩ Thại chữa trị cho cháu.

Hôm đó chỉ với một liều thuốc Cloramphenicol cháu Tiên Giao đã qua cơn nguy kịch.

Từ ấy, vợ tôi không dám để bé Tiên Giao rời xa mẹ nữa.

Sau khi tái huấn luyện, Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân trở về thay thế cho Tiểu Ðoàn 89, tôi không còn lo theo dõi tình hình hướng Nam nữa. Ông Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân nhận lệnh trực tiếp từ liên đoàn và chỉ giữ liên lạc hàng ngang với tôi thôi.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Những ngày đầu năm 1975 tôi cứ thấy bồn chồn lo lắng vô cớ.

Tôi liên tục xin Tiểu Khu Quảng-Ðức ưu tiên cho tôi mỗi ngày một chiếc L 19 để tôi đích thân quan sát vùng trách nhiệm, thay vì giao việc này cho sĩ quan điều không tiền tuyến của tiểu khu.

Tôi đã bay liên tục nhiều ngày trên trời Bù Binh, Kiến-Ðức, Bù Bông mà không thấy gì nghi ngờ.

Nhưng tôi lấy làm lạ là, mỗi khi tôi bay chếch về hướng Tây, giáp ranh Cam-Bốt, hay hướng Nam, giáp ranh Vùng 3 Chiến Thuật thì máy bay của tôi chạm phải phòng không của địch ngay.

Tôi báo cáo chuyện này cho liên đoàn, liên đoàn chuyển tiếp tin này cho tiểu khu.

Vì chuyện này, tôi bị thượng cấp khuyến cáo rằng đừng dính dáng tới chuyện của Vùng 3 làm gì, hãy lo hoàn thành nhiệm vụ của mình trước đã.

Ðâu ngờ, chỉ một tuần lễ sau, tôi nghe tin Phước-Long thất thủ.

Nhiều Quân, Cán, Chính của tỉnh Phước-Long đã lẩn trốn trong rừng, rồi chui ra Quốc Lộ 14 để tìm về với đơn vị bạn.

Trong số những người mà tôi đã tiếp cứu ngày đó có ông Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, Trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Phước-Long.

Sau khi Phước-Long rơi vào tay Cộng-Quân, tôi bị đưa vào thế lưỡng đầu thọ địch, hướng Bắc là Trung Ðoàn 271 Việt-Cộng đã hiện diện từ lâu, hướng Nam lực lượng địch chắc chắn lớn hơn nhiều.

Ðịch bắt đầu chuyển binh bao quanh vùng Tây Quảng-Ðức với tốc độ thực là nhanh. Từ đỉnh những ngọn đồi vùng Tây Bắc, chính Bắc, và Ðông Bắc của tiền đồn Bù Row đã xuất hiện ít nhứt là mười vị trí 12.7 ly. Thời gian này tình hình vùng Ðức-Lập và Tây Ban Mê Thuột lại rất yên tĩnh.

Bỗng một hôm Ðại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư Ðoàn 23 Bộ Binh đã ghé Kiến-Ðức thăm tôi.

Ðại tá Quang nói rằng, ngày nào ông cũng có một phi tuần A 37 hoặc F 5 dự trù, nếu tôi cần thì ông sẵn sàng chia sẻ.

Tôi thắc mắc,

Ðại tá yểm trợ thẳng cho tôi có làm phật lòng Ðại tá Nghìn không?

Ðại tá Quang lắc đầu,

– Không sao đâu! Anh cho chú toàn quyền, muốn đánh đâu thì đánh! Nhưng đừng cho thằng Nghìn biết!

Sau này tôi tìm hiểu được lý do vì sao Ðại tá Vũ Thế Quang lại cho tôi những phi tuần oanh tạc mà không thông báo cho Ðại tá Phạm Văn Nghìn. Chỉ vì thời gian này Ðại tá Quang có một cánh quân nằm trong Chi Khu Ðức-Lập, đó là một nửa Trung Ðoàn 53 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh.

Xung quanh Ðức-Lập chưa có chỉ dấu nào của địch, nhưng ông Ðại tá Tư lệnh phó Sư Ðoàn 23 Bộ Binh có đầy đủ tin tức kỹ thuật trong tay.

Ông đã biết địch đang tăng cường quân số vùng Bắc Kiến-Ðức. Lực lượng địch tập trung ở đây càng nhiều thì quân của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh càng bị đe dọa. Chỉ sau vài giờ động binh, chúng có thể có mặt ở Ðức-Lập rồi.

Kẹt một điều là vùng Bắc Kiến-Ðức lại nằm trong tay Ðại tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng-Ðức.

Ông Nghìn không thích đánh nhau, nếu ông Quang có giao những phi tuần oanh tạc cho ông Nghìn, thì chưa chắc ông Nghìn đã chịu nhận.

Vì thế ông Quang đành lén giao bom đạn cho tôi. Có bom đạn trong tay, tôi sẵn sàng, vui vẻ, thay quân của Ðại tá Quang ngăn cản quân địch từ xa, không cho chúng tiến về Ðức-Lập.

Trung tuần tháng Giêng năm 1975, ròng rã suốt một tuần lễ, trưa nào tôi cũng ngồi sau lưng ông phi công thám thính, bay trên trời cả tiếng đồng hồ,

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng bị phòng không bắn.

Ông phi công hình như không nghe tiếng đạn réo, hoặc là ông ta quá lỳ?

Ðại liên phòng không nổ liên tục mà ông ta cứ tỉnh bơ!

Tôi thì cứ nghe “Choác! Choác! Choác!” là thấy lạnh gáy. Chiếc máy bay thì nhẹ tênh, nếu trúng một viên phòng không chắc nó rách toang thành từng mảnh?

Sau năm ngày, với năm phi tuần, mười phi xuất, chúng tôi đã khóa mõm được vài khẩu 12.7 ly.

Nghỉ khỏe được hai ngày, chúng tôi bay trở lại.

Hôm đó trời trong xanh, tôi nhìn thấy trên đường Quốc Lộ 14, cách Kiến-Ðức chừng mười cây số về hướng Bắc có một vật lạ, với cành lá nguỵ trang. Tôi chỉ cho ông trung úy phi công,

– Ðánh theo hướng Bắc Nam thì dễ trúng mục tiêu hơn, nhưng đánh theo hướng Ðông Tây thì an toàn hơn!

Ông pilot chọn hướng đánh Bắc Nam, “Ùm! Ùm!” hai quả bom đánh trật! Bụi đất bay lên cao.

Phút sau, hai chiếc F 5 lại lao xuống! “Ùm! Ùm!” Một quả bom rơi trúng mục tiêu!

Ðó là một xe Molotova chở đạn. Xe bốc cháy, đạn trên xe phát nổ, lửa khói chói lòa.

Bỗng đâu, tôi tối tăm mặt mũi, hoa đăng nổ rợp trời trên đầu tôi!

Từ vùng rừng cây hướng Tây, đạn phòng không 37 ly của địch đua nhau nở hoa “Bụp! Bụp! Bụp!”

Hai chiếc oanh tạc cơ bay vút lên cao rồi biến mất trong vùng mây trắng hướng Bắc.

Chiếc L19 dạt về Nam rồi đáp xuống phi trường Nhơn-Cơ, chiếc xe Jeep của tiểu đoàn đang chờ ở đây để đưa tôi về đồn Kiến-Ðức.

Bẵng đi mấy ngày không có không yểm, một hôm, tôi đang ngồi trên lô cốt theo dõi Ðại Ðội 1/82 thực tập tác xạ súng chống tank XM 202 thì được anh phi công L19 báo cho biết sẽ có hai phi xuất F 5 tới yểm trợ cho Kiến-Ðức.

Tôi yêu cầu,

– Target (mục tiêu) là khe suối nằm sát Quốc lộ 14 cách đỉnh Bù Row 1 cây số về hướng Bắc. Phòng không của địch di động dọc Quốc Lộ 14. Trục đánh an toàn là từ Tây sang Ðông. 

Tiền đồn Bù-Row vừa thả một trái khói vàng theo yêu cầu của Không Quân thì phòng không của Việt-Cộng đã nổ rền trời.

Chiếc L19 đã thấy vị trí chính xác của những cây 12.7 ly đang nhả đạn, nên lập tức, nó phóng ra một trái rocket.

Khói trắng bốc lên! Hai chiếc F 5 theo nhau chúc xuống khu rừng cây xanh.

Từ xa, tôi nhìn rõ những cột khói của những trái bom mới nổ.

Bất ngờ, tôi thấy những tia đạn lửa 12.7 ly đan nhau, rồi một chiếc dù bung ra từ một chiếc F 5! Chiếc máy bay bốc cháy trước khi đâm đầu xuống đất.

Giờ này gió đang thổi từ Ðông Bắc xuống Tây Nam. Chiếc dù lững lờ bay. Vài phút sau, cánh dù hạ xuống khu đồng tranh và bãi sậy, vùng hướng Tây, cách Kiến-Ðức chừng năm cây số.

Tôi vội ra lệnh cho Trung úy Trần Văn Phước đem Ðại Ðội 3/82 và một toán Viễn Thám xuống núi trực chỉ hướng Tây để cứu bạn.

Cũng lúc này có tiếng trực thăng từ Nhơn-Cơ. Tôi được thông báo rằng Trung tá Hoàng Kim Thanh đang trên đường bay tới chỗ tôi.

Trực thăng đáp trên Tỉnh Lộ 344, tôi xách cái máy PRC 25 leo lên đứng sau ghế của người hoa tiêu chính.

Tôi chỉ cho ông phi công vùng chiếc dù mới đáp xuống.

Chiếc L19 và chiếc C&C bay vòng vòng hồi lâu mà không thấy dấu vết gì của anh phi công lâm nạn.

Khoảng nửa giờ sau một hợp đoàn gồm 2 chiếc UH1 và hai trực thăng võ trang xuất hiện. Trong đó có một chiếc là trực thăng tản thương.

(còn tiếp)