Kỳ trước: Tiếng đạn nổ đầy trời, khói bay mù mịt, 2 cánh quân của VC ở 2 hướng khác nhau tràn lên đánh nhầm nhau, tiếng chân người, tiếng huỳnh huỵch, Trung Úy Long biết là phòng tuyến đã bị tràn ngập.

Tự Truyện

4 kỳ – Kỳ 4

Tôi để cái máy PRC 25 trên đùi, vào tần số không lục. Có tiếng điều không tiền tuyến Hoa-Kỳ từ máy bay L19 đang gọi các toán cố vấn của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân và Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân. Không có tiếng trả lời.

Tôi đánh liều, kêu cứu bằng bạch văn,

– Mayday! Mayday! (Cấp cứu! Cấp cứu!)

– Who are you? (Ai đó?)

– A Ranger Commander! (Người chỉ huy Biệt Ðộng Quân đây!)

– Any American is there? (Có người Mỹ nào ở đó không?)

Giờ phút này, tôi không thể cho người đi xác nhận xem có còn cố vấn Mỹ nào trên ngọn đồi này không. Tôi đáp liều,

– No one! We’ve been overrun! Bomb on the target! Please! (Không có ai cả! Chúng tôi bị tràn ngập rồi! Hãy đánh bom ngay trên đầu tôi! Làm ơn!)

– Verify your name! Okay? (Xác nhận tên anh! Nghe chưa?)

– Long! Lieutenant Long! (Long! Trung úy Long!)

Một phút sau,

– Okay! Give me a target! (Ðược rồi! Cho tôi mục tiêu!)

– Red smoke, Okay? (Khói đỏ, được chưa?)

– Okay! (Ðược rồi!)

– Thank you! (Cám ơn!)

Trái khói đỏ kẹp giữa hai đùi, tôi móc ngón tay trỏ vào khóa an toàn, rút chốt…

Tôi đặt quả khói hướng về phía địch đang tiến lên.

“Boóc!”

Khói phụt ra cuồn cuộn. Khói cuồn cuộn, đỏ tươi như máu…

Tôi chợt thấy lòng mình nhẹ tênh, nhẹ tênh, như buổi nào một mình dạo chơi thư thái bên bờ Biển Hồ nắng hanh, hiu hiu gió. Mắt tôi mờ đi,

– Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu! Mẹ ơi!

Gió đưa khói bay lên, tới ngọn cây, chênh chếch về hướng Tây…

– Em Loan ơi! Thôi nhé! Từ nay, chúng mình sẽ chẳng còn nhìn thấy nhau nữa! Cầu trời phù hộ cho em hạnh phúc một đời! Vĩnh biệt! Em ơi!…

Trái rocket từ L19 đã đánh trúng tàn cây trên đầu tôi.

Khói trắng phủ một góc ngọn đồi. Có tiếng Phantom F4C trên cao. Rồi một ánh chớp chói lòa ào tới, mắt tôi bỗng tối om. Tôi lơ mơ như lạc trong cõi đầy sương mù. Tôi thấy Loan mặc áo dài trắng, tay ôm tập vở, từ sân trường bước ra, tiến về phía xe tôi đang chờ. Tôi thấy miệng người mình yêu dấu đang cười. Nụ cười của nàng thật là đôn hậu…

Tôi không biết rằng mình đã hôn mê trong bao lâu. Tôi tỉnh dậy, cựa mình, khi nghe tiếng chú Hoàng sụt sịt,

– Ông thầy ơi! Ông thầy bỏ tụi em sao? Ông thầy ơi!…hu…hu…hu…

Thấy tôi nhúc nhích, chú Hoàng la bài hải như bé con thấy mẹ về chợ,

– Ông thầy còn sống! Thái Sơn còn sống! Anh em ơi!

co-dinh-thi-loan

Cô Đinh thị Loan tháng 5 năm 1969

Chú Cường đỡ tôi ngồi lên miệng hố. Tôi mở mắt ra. Trời đã tối. Dưới ánh sáng mờ mờ, vài khuôn mặt đang chăm chú quan sát tôi. Tôi không nhìn rõ mặt từng người, nhưng tôi cảm thấy rằng, những đôi mắt nhìn tôi đang ướt lệ.

Hỏa châu lập lòe soi trên chiến địa hoang tàn. Ngọn đồi giờ này trông thực ghê rợn, thê lương. Trên đồi, quân ta và quân địch chết xen kẽ nhau, không phân biệt được đâu là xác bạn, đâu là xác địch. Những tử thi đè lên nhau, có xác còn găm vào lưỡi lê gắn trên đầu súng AK hoặc M16. Một vài xác Biệt Ðộng Quân cụt đầu, không rõ vì bị chém bằng dao đi rừng hay bằng mã tấu? Nhiều đợt sáp lá cà đã diễn ra, ngay sau khi Ðại úy Ðàm và ba đại đội bạn rút chạy.

Cây gỗ chặn ngang trước hố cá nhân của tôi đã bị bom đánh văng đi đâu mất tiêu. Chú Hoàng và chú Cường bị sức bom đẩy lăn xuống cái hố bom cũ sau lưng tôi. Chú Cường trở thành người điếc, không nghe được nữa.

Vạt rừng hướng Tây trước mặt tôi bị bom cày nát bươm. Thì ra, lúc khói trắng của trái rocket bốc lên, gió đổi chiều Ðông Tây. Bom đã đánh nhích về hướng chân đồi vài chục mét. Nhiều đợt bom đã ồ ạt dội trên đội hình của Cộng Quân. Trận mưa bom này khiến quân địch tán loạn.

Có những tiếng rên nho nhỏ của người bị thương nằm rải rác đâu đây. Tôi cho lệnh chú Hoàng và Thượng sĩ Thống đi tìm những quân nhân còn sống, hoặc bị thương. Tôi không có thời giờ kiểm kê xem có bao nhiêu quân nhân Biệt Ðộng Quân đã chết.

Mười phút sau chúng tôi tập họp được hai mươi sáu người của Ðại Ðội 1/11. Bên bộ chỉ huy tiểu đoàn còn vài ba quân nhân, trong đó có Trung úy Hồ Bé, sĩ quan Ban 3, anh này bị sốt rét, đang lên cơn, nằm mê man dưới hố cá nhân. Anh Bé không biết rằng bộ chỉ huy tiểu đoàn và ba Ðại Ðội 2, 3, 4/11 đã mở đường máu rút đi rồi.

Trên sườn đồi hướng Ðông, chúng tôi tìm được ba cố vấn Mỹ sống sót, hai bị thương nặng.

Các đại đội khác còn khoảng trên dưới mười người, đa phần bị thương vì thủ pháo và súng bắn tay.

Những Biệt Ðộng Quân thoát chết, mặt mũi người nào cũng nám đen vì khói bụi. Tôi cho lệnh số người còn lại này bố trí thành một vòng cung nơi triền Tây Bắc của ngọn đồi.

Ban Quân Y của tiểu đoàn còn hai nhân viên. Họ bị thương không nặng lắm, nên có thể tiếp tay với y tá của Ðại Ðội 1/11 băng bó tạm thời cho thương binh.

Sau trận chiến, không còn cái máy truyền tin nào nguyên vẹn có thể sử dụng được. Thượng sĩ Thống và Binh nhì Mãng lãnh nhiệm vụ đi thu lượm những máy PRC còn vương vãi trên chiến trường. Sau đó chúng tôi săn nhặt các bộ phận còn sử dụng được của các máy truyền tin, lắp ráp được ba cái, đủ để liên lạc khi di chuyển.

Tôi liên lạc được với Trung tá Trịnh Văn Bé, Liên Ðoàn Phó Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân. Trung tá Bé nằm trên Căn Cứ Hỏa Lực số 6. Căn Cứ 6 nằm trên cao độ 1001 mét nên liên lạc truyền tin với chúng tôi rất dễ dàng. Trung tá Bé cho tôi tần số của một tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 42 Bộ Binh nằm cách chúng tôi chừng năm cây số.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Thì giờ cấp bách lắm rồi! Nếu không di chuyển khỏi nơi này gấp, địch sẽ quay lại, và cái chết coi như cầm chắc trong tay.

Lúc kiểm kê số người bị thương hiện diện, tôi phát hiện ra hai cán binh Bắc-Việt bị thương nặng, nằm lẫn trong đám thương binh Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi không nỡ ra tay giết hai thương binh Cộng-Sản, nhưng chúng tôi không thể khiêng cáng họ theo được. Tôi cho lệnh băng bó, chích thuốc Penicillin cho họ, rồi để họ nằm lại trên chiến trường, không rõ ngày mai họ sẽ ra sao.

Lúc tôi ra lệnh di chuyển thì xảy ra chuyện rắc rối. Anh Trung sĩ cố vấn Terry Walker bò tới mượn tôi cái máy truyền tin để anh ta liên lạc với cấp chỉ huy của anh. Sau khi liên lạc được với Trung tá Daniels, cố vấn trưởng, Trung sĩ Walker đề nghị tôi đóng quân tại chỗ, chờ ngày hôm sau sẽ có trực thăng tải thương, vì Trung sĩ Attaya bị đạn vỡ xương hông, và viên sĩ quan pháo binh Hoa-Kỳ (tôi không biết tên) cũng bị mảnh B40 ghim đầy mình, không thể đi theo chúng tôi được.

Tôi trả lời anh ta rằng, mọi người phải đi khỏi nơi này, càng nhanh càng tốt. Vì nếu chúng ta nấn ná không đi, địch sẽ quay lại, rất nguy hiểm.

Sau khi trao đổi với cấp chỉ huy của anh ta vài lời, Trung sĩ Walker rút súng Colt ra, chĩa nòng ngay ngực tôi, cảnh cáo,

– Nếu ông di chuyển, buộc lòng tôi phải giết ông!

Tôi cười,

– Anh không phải là người mới tới làm việc với chúng tôi. Anh đã biết tôi là người thế nào rồi. Tôi sẽ cho người luân phiên dìu những người bị thương nặng, kể cả hai người Mỹ.

Rồi tôi đổi giọng, dõng dạc,

– Hiện giờ tôi là cấp chỉ huy ở đây! Tôi ra lệnh cho tất cả di chuyển! Ai không tuân lệnh, tôi sẽ bỏ lại trận địa. Hãy cất súng đi và thi hành lệnh! Nếu không, anh sẽ không còn dịp để hối hận!

Nghe tôi trả lời dứt khoát như vậy, anh Trung sĩ Mỹ ngẩn mặt ra. Anh ta cũng đã nhìn thấy, dù trong ánh hỏa châu lập loè, có năm sáu họng súng M16 đang chĩa vào đầu anh ta. Anh thất vọng cúi đầu,

– Tôi xin lỗi ông!

Tôi cắt hai người phụ với Walker dìu hai viên cố vấn Mỹ bị thương. Rồi người lành dìu người què, chúng tôi lên đường.

Tôi nằm trên võng, tấm bản đồ trên ngực, cái địa bàn trên tay. Tôi điều chỉnh hướng đi. Thượng sĩ Nguyễn Hữu Thống và Hạ sĩ Voòng A Mãng mở đường. Bốn người (Hạ sĩ Cường, Hạ sĩ Hoàng, Hạ sĩ Xét và Binh nhì Vở) luân phiên khiêng võng cho tôi. Ðoàn thương binh tiến rất chậm, nhưng đội hình tác chiến vẫn sẵn sàng. Trên đường, chúng tôi phải nổ súng hai lần để vượt qua hai trạm báo động của địch quân. Gần sáng, chúng tôi gặp địch vài lần nữa, nhưng vừa tao ngộ, chúng đã tháo chạy vào rừng. Hình như những toán Việt-Cộng đi lẻ trong khu vực cũng đang thất lạc đơn vị?

Sáng ngày 1 tháng Sáu, đoàn quân của tôi bắt tay được một cánh quân của Trung Ðoàn 42 Bộ Binh, do Ðại úy Nguyễn Thanh Danh chỉ huy.

Một giờ sau, đoàn tàu tải thương Hoa-Kỳ được điều động tới để di tản thương binh đi. Chiếc tàu thứ nhứt do Trung Tá Daniels chỉ huy dành riêng cho tôi và hai thương binh Hoa-Kỳ.

Khi chúng tôi bốc lên cao khỏi ngọn cây thì phòng không Việt-Cộng bắt đầu tấn công bãi đáp. Việc tản thương bị gián đoạn khá lâu.

Chiếc trực thăng vừa đáp trên phi đạo Phượng Hoàng, Trung Tá Daniels liền nhảy xuống trước; ông nhoài người vào lòng tàu để kéo tôi ra ngoài. Ông bế tôi trên tay rồi lúp xúp chạy về hướng khu nhà vòm của trạm y tế nơi đầu phi đạo.

Ðược nửa đường, ông Daniels chuyền tôi sang tay một sĩ quan Mỹ vừa từ khu nhà tôn chạy ra tiếp sức. Người này cao lớn hơn ông Daniels, nhưng không nặng nề như ông Daniels. Ông ta bế tôi gọn lỏn. Nằm áp mặt sát cái bảng tên màu trắng, chữ đen, tôi đọc được tên người đang bế mình là “Clark”. Trên ve áo của ông thêu con ó màu đen. Trên ngực ông thêu ba bông mai trắng với đế vàng. Ông Ðại tá cố vấn đặt tôi lên bàn để nhân viên y tế Mỹ cấp cứu, rồi quay ra ngay.

Sau khi băng bó lại vết thương cho tôi xong, y tá đặt tôi lên cáng rồi khiêng tôi ra sân trực thăng chờ Chinook.

Lúc này, có lẽ đoàn trực thăng tản thương đã bốc được thêm người, và đang quay trở lại. Năm, sáu chiếc UH1D nối đuôi, đáp hàng dài theo phi đạo. Cánh quạt máy bay cuốn bụi lốc, cuồn cuộn, mịt mù.

Cùng lúc đó, vang vọng lại những tiếng “Ùm! ùm! ùm!…” từ thung lũng hướng Tây Nam: Ðịch bắt đầu một trận pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly và 107 ly!

“Xèo! Xèo! Xèo!…” “Oành! Oành!…” Ước lượng có khoảng gần hai chục trái hỏa tiễn địch đang xé gió bay tới.

Thương binh nhảy vội ra khỏi tàu, nằm rạp xuống đất. Vài chiếc trực thăng cố gắng bốc nhanh lên cao tránh đạn.

Tôi thấy trong màn khói, Ðại tá Clark đang xốc nách Hạ sĩ Ngẫu, xạ thủ cối 60 ly của tôi, dìu anh đi về hướng trạm xá.

Một trái rocket nổ sát bên, ông Ðại tá ngã xuống, anh Hạ sĩ ngã xuống theo: họ trúng thương rồi!

Hai người nằm đè lên nhau. Máu của họ hòa vào nhau, tràn trên mặt cỏ, thấm vào lòng đất.

Có tiếng gọi nhau ơi ới từ khu nhà tôn. Rồi một toán bốn y tá chạy vội ra; họ xốc nách, dìu ông Ðại tá Mỹ và anh Hạ sĩ Việt-Nam về trạm cấp cứu.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Khi đi ngang chỗ tôi, thấy tôi giơ tay chào, ông Ðại tá mỉm cười đáp lại. Lúc ấy máu từ đầu ông đang tràn qua mặt, xuống cằm, rồi rơi trên ngực, thấm đỏ cái bảng tên màu trắng và cũng thấm đỏ cả ba bông mai trắng với cái đế kim tuyến màu vàng.

Nhiều năm qua đi, nhưng trong trí óc tôi vẫn chưa quên được khúc phim bi hùng đã xảy ra trên phi đạo Phượng Hoàng ngày hôm ấy.

Xế trưa, Chinook đưa tôi và bốn chục thương binh khác về tới Quân Y Viện Pleiku.

Tới chiều ngày 1 tháng Sáu, hậu cứ tiểu đoàn ở Biển Hồ cũng nhận được tin cánh quân của Ðại úy Ðàm đã tới được vị trí quân bạn.

Hơn một tuần lễ sau thì có tin Trung úy Khuê Khúc Khanh của Ðại Ðội 2 đã được Không Kỵ Hoa-Kỳ cứu ra từ một miệng hố bom B 52 cũ.

Riêng ông Thượng sĩ Ngọ của đại đội tôi và Thiếu úy Trần Dân Chủ Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 4 bị coi như mất tích.

Cũng như lần bị thương trước, tôi từ chối nằm trong phòng dành cho sĩ quan của Quân Y Viện Pleiku. Tôi muốn được nằm nơi phòng chính, cùng với những thương binh hạ sĩ quan và binh sĩ. Phòng chính thì đông vui hơn phòng sĩ quan nhiều. Tôi để hai cái ảnh của Loan dựa vào cái gối trên đầu giường bệnh của mình.

vuong-mong-long-voi-dinh-thi-loan

Đám cưới Vương Mộng Long 1970

Hai ngày sau, một toán ba người đại diện Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ vào thăm Trại Ngoại-Thương 2/Quân Y Viện Pleiku. Họ đi thẳng tới giường tôi. Ông Tướng một sao Hoa-Kỳ, cao ngỏng, cao nghều, siết chặt tay tôi khen ngợi,

– Trung úy rất xuất sắc! Tôi thay mặt quân đội Mỹ và thân nhân của hai thương binh Mỹ xin gửi tới Trung úy lời cám ơn đã cứu mạng hai thương binh Mỹ trong trận đánh vừa qua ở Dak-Tô. Ðại diện Ðại Tướng …tôi xin trao tặng Trung úy một huy chương Hoa-Kỳ. Trung úy có thể ngồi dậy cho tôi choàng huy chương lên cổ Trung úy được không?

Thấy hai tấm ảnh của Loan trên đầu giường, ông hỏi,

– Ai đấy? Có phải em gái Trung úy đó không?

– Thưa Chuẩn tướng. Cô ấy là người tôi yêu. Cô ấy là động cơ giúp tôi vượt qua trận này. Ông hãy choàng huy chương cho cô ấy đi! 

Ông Tướng cười lớn,

– Trung úy nói phải đó. Ðôi khi những người thân ở hậu phương có ảnh hưởng rất quan trọng tới vận mệnh của chiến trường.

Sau khi một sĩ quan Mỹ tuyên đọc cái công lệnh ân thưởng huy chương cho tôi, ông Tướng Mỹ đặt cái hộp màu xanh đựng tấm huy chương đồng với chữ “V” xuống đầu giường, rồi nghiêm chỉnh choàng sợi dây đeo huy chương đó lên hình cô nữ sinh lớp Ðệ Tứ Trung Học Tổng-Hợp Ban-Mê-Thuột.

Ông cũng trao tặng tôi vài số báo Anh Ngữ có bài tường thuật chi tiết trận chiến đẫm máu vừa xảy ra ở Dak-Tô. Xong việc, ông lui lại một bước, đứng nghiêm, giơ tay chào tôi. Tôi lễ phép giơ tay chào lại. Tôi cám ơn ông đã tới thăm tôi và nhờ ông chuyển lời cám ơn của tôi tới quân đội Hoa-Kỳ vì họ đã tích cực yểm trợ chúng tôi qua trận đánh này.

Hôm sau nữa, phái đoàn ủy lạo của Quân Dân Chính Pleiku và Quân Khu 2 do Trung tướng Lữ Lan, Tư Lệnh Quân đoàn II dẫn đầu, cũng tới thăm viếng thương binh.

Ông Tướng Vùng đã có lần giáp mặt tôi khi ông đi thị sát chiến trường sau một trận đánh trong khu rừng già vùng hướng Nam phi trường Cam-Ly, vào mùa mưa năm 1968.

Ông Tướng choàng lên cổ tôi một sợi dây tòn ten tấm huy chương có gắn nhành dương liễu, rồi vỗ vai tôi, thân mật,

– Chú mi khá lắm!

– Vâng! Thưa Niên Trưởng, tôi còn sống đây!

Ông Tướng là Võ-Bị khóa đàn anh, còn tôi là Võ-Bị khóa đàn em khá xa. Anh em chúng tôi trao đổi với nhau bằng ngôn từ Võ-Bị. Người ngoài nhìn vào, khó thông cảm nổi.

Trong đoàn nữ sinh đi ủy lạo thương binh hôm ấy có vài ba cô học trò đã từng thăm Ngoại-Thương 2 trong dịp Tết Mậu-Thân. Vừa bước vào phòng, các cô đã nhận ra người quen,

Tội nghiệp! Anh Trung úy này lại bị thương nữa rồi!

Các cô bu quanh hai cái ảnh tôi để trên đầu giường, xầm xì với nhau,

 Em gái anh ấy trông dễ thương quá!

Tôi lại được một cô hát cho nghe:

“Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn tới mai sau.

Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ…”

Sau đó, các cô em gái hậu phương ân cần trao cho tôi gói quà ủy lạo.

Thời gian này, bạn bè khóa 20 Võ Bị của tôi đều đã lên cấp đại úy, kể cả những bạn từ khi ra trường, chỉ ngồi trong các văn phòng ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II.

Riêng tôi vì bị phạt sau vụ Phật Giáo Miền Trung 1966 mà sau bao lần vào sinh, ra tử, vẫn còn lận đận, mang cái lon trung úy nhiệm chức. Còn năm tháng nữa tôi mới hết hạn phạt treo lon trung úy thực thụ. Do đó, những tấm huy chương, những lời ngợi khen của thượng cấp, những bài ca của người hậu phương, là niềm an ủi lớn lao cho tôi, sau mỗi lần bị thương nặng phải nằm quân y viện.

Tôi đã từ chối ký tên vào Bản Y Bạ do Hội Ðồng Y Khoa đề nghị ra Loại 2 không tác chiến. Tình huynh đệ chi binh đã giữ chân tôi ở lại với binh chủng Biệt Ðộng Quân. Tình quân dân, hậu phương, tiền tuyến, của người Pleiku đã giữ chân tôi ở lại với Vùng 2 gió bụi mưa bùn.

Cuối năm 1969 tôi hết án phạt treo lon, được tính hồi tố cấp trung úy thực thụ kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1967.

Giữa năm 1970 tôi được lên đại úy nhiệm chức. Dịp này, Trung tá Bùi Văn Sâm, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân, đã hứa với tôi trong bữa tiệc khao lon ở vũ trường Mimosa, Pleiku, do ông khoản đãi,

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Một ngày sau khi ông có nghị định lên đại úy thực thụ, tôi sẽ giao tiu đoàn cho ông.

Ðầu năm 1971, Trung tá Sâm đã giữ lời, cho tôi chỉ huy tiểu đoàn, không qua chức tiểu đoàn phó.

Năm 1981, trước khi trút hơi thở sau cùng trong trại tù cải tạo Z30C, ông đã nài nỉ cán bộ Công- An Cộng-Sản chỉ huy trại giam cho phép ông được thấy mặt tôi lần cuối cùng. Tôi bị giam ở bên “Nhà Ðỏ” cách khu “Nhà Trắng” của ông một cái sân rộng và bốn lớp rào kẽm gai. Cán bộ Việt-Cộng cương quyết từ chối, không cho tôi sang thăm ông. Ông đã ra đi vào một ngày cuối Ðông. Trung tá Bùi Văn Sâm là một trong vài cấp chỉ huy nặng nghĩa, nặng tình, mà tôi không thể quên.

Sau trận Dak-Tô, những ngày còn nghỉ dưỡng thương, những ngày nghỉ hành quân, tôi lại tìm cách ghé Ban-Mê-Thuột thăm Loan. Tôi miệt mài vun đắp tấm tình yêu tôi dành cho nàng.

Tôi và anh Biện sau đó không còn ở chung đơn vị. Nhưng dù ở cách xa nhau, bạn tôi đã thấy tôi giữ lời: “Chờ thì chờ, có sao đâu…” nên bạn tôi hết lòng ra sức giúp đỡ cho mối tình của tôi và em gái anh sớm đơm bông.

Và từ đó, mỗi lần tôi về Hội-An thăm mẹ, mẹ tôi không còn nhắc câu:

“Ở trong đó, con thương đứa nào, nhớ báo cho mẹ biết.”

Vì con bà đã báo cho bà biết nó thương ai rồi.

Mẹ tôi đã không quản công khó đường xa, thường xuyên, đi, về, thăm gia đình bác Võ.

Mỗi khi gặp xóm giềng, mẹ tôi thường hãnh diện khoe:

“Con bé ấy con nhà giầu mà thật là đẹp người, đẹp nết. Một mình nó quán xuyến công việc trong nhà đâu vào đấy. Nó đã nhu mì hiền hậu, mà còn học giỏi nữa chứ! Thằng Long nhà tôi thật là có phúc…”

Gần hai năm sau, khi vừa thi xong kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt lớp Ðệ Nhị, mười bảy tuổi rưỡi, Loan lên xe hoa về làm dâu Võ-Bị.

Sau trận Dak-Tô, lâu lâu tôi lại gửi đăng trên Nguyệt-San Biệt Ðộng Quân vài bài thơ viết từ chiến địa. Ngày nhận tờ giấy cho phép kết hôn từ Bộ Tổng Tham Mưu, tôi hí hửng thông báo cho ông Ðại úy chủ bút Hàng Vĩnh Xuân biết tin này; anh Xuân bèn phong cho tôi chức “Thi Nhân” trong lời chúc mừng tôi cưới vợ in trên Nguyệt San Biệt Ðộng Quân số tháng 10 năm 1970.

Mối tình của chúng tôi đã trưởng thành, nở hoa, kết trái trong khói lửa chiến tranh.

Chiến tranh càng leo thang, chiến tranh càng khốc liệt, chúng tôi càng cảm thấy yêu nhau hơn.

chuc-mung-dam-cuoi

Chúc mừng của Ban Biên Tập Nguyệt San Biệt Động Quân năm 1970

Mãi sau này, vợ tôi kể lại,

“Nhận được thư anh, ba cứ cằn nhằn me mãi. Ba hỏi me rằng me có hứa hẹn gì với anh không mà anh dám gửi thư cho ba, cho em? Ngày đó em đã biết yêu là gì đâu? Ðọc thư anh xong, em đã để lá thư trên bàn, mấy đứa em của em cũng len lén thay nhau đọc. Em còn đem lá thư đó hỏi ý kiến con Chên, bạn em, để tìm phương cách đối phó. Bởi thế, thư trả lời anh, em tô đậm câu, ‘em mong được làm em của anh thôi. Em chưa nghĩ tới việc lấy chồng.’ 

Sau đó, mẹ anh từ Hội-An vào thăm nhà. Mẹ anh nói vì anh sớm mồ côi cha, mẹ mong có cháu nối dõi. Mẹ anh cứ đi đi, về về, năn nỉ ba me. Me em thì thấy anh hiền lành, lại thương anh côi cút, ý me cũng muốn nhận anh làm con rể.

Thời gian này, em cũng chợt nhận ra, có điều gì là lạ đang thay đổi trong em. Em nghe quen tiếng anh nói, giọng anh cười, ánh mắt anh nhìn. Em thầm trách anh đã làm đời em xáo trộn. Em chỉ mong sống lại thời còn bé tí, vô tư. Em đã viết đầy trên bìa vở, những câu, ‘ước gì ta nhỏ lại năm bảy tuổi…tuổi ấu thơ là tuổi thần tiên…tại ai mà mình cứ thương cứ nhớ, không học hành gì được cả…’ Nhưng những lúc vắng anh, em lại thấy buồn, thấy nhớ. Những ngày anh đi hành quân, em thấy lo. Từ khi biết yêu anh rồi, em tự nhủ thầm rằng, suốt đời em sẽ yêu mình anh thôi.

Ngày mẹ anh được ba em nhận lời cho em sẽ làm dâu của mẹ, em và mấy đứa bạn lên chùa Dược-Sư xin xăm. Ðược quẻ xăm, em giấu biến. Quẻ xăm thật là dễ sợ! Em không dám cho ai coi, kể cả anh. Mãi tới khi anh được tha về sau 13 năm tù cải tạo, tai ương qua rồi, em mới để anh xem Phật đã dạy gì trên lá xăm đó.

Trong suốt bao nhiêu năm, nuôi con, chờ chồng, em đã làm theo lời khuyên trên quẻ, ‘Nhẫn tâm theo dõi con đường trượng phu.’ 

Và Trời Phật đã thương tình, ngó lại, phù hộ cho gia đình mình được sum họp, vẹn toàn, vạn sự bình an.”

Ba đứa con gái đầu của chúng tôi đều sinh ra vào những ngày tôi lặn lội nơi chiến trường.

Tội nghiệp nhứt là thằng con trai út, chào đời ba tháng sau ngày Sài-Gòn thất thủ. Tới năm nó tròn mười hai tuổi, tôi mới bằng lòng cho thằng bé lên trại tù Z30 D thăm bố lần đầu; năm sau tôi được thả ra khỏi trại.

Chúng tôi đã cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho đất nước quê hương. Nay quê hương đất nước không còn, phải sống cuộc đời lưu vong, người lính Biệt Ðộng Quân và cô nữ sinh Ban-Mê-Thuột năm nào đã thành ông bà, nội, ngoại.

Không biết thời gian còn được bao lâu nữa? Cho tôi có thể trả nợ cho người tôi yêu, như tôi đã hứa trong bức thư tỏ tình bốn mươi năm về trước?

“Ừ, anh sẽ yêu Loan suốt một trăm năm. Loan ạ!

Sống thiếu bao nhiêu năm,

xuống dưới lòng đất, sau cuộc đời này,

còn phải trả cho em đủ số,

và hơn thế nữa.”

VML

Seattle, WA.