Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Chủ ý của người kể chuyện…

Khi kể lại chuyện đời một người, nếu đã nhắc tới những nụ cười thì đừng quên những lần nước mắt tuôn rơi.

Khi kể lại chuyện trận mạc một thời, nếu thấy tự hào vì những chiến thắng lẫy lừng thì cũng đừng quên những chiến bại đắng cay.

Trong chiến tranh Việt-Nam năm xưa, chính những chuyện đời thường của những người tham chiến gom góp lại mới đáng tin đó là chuyện thật, không thêu dệt, không trét phấn, không tô son, không đánh bóng, không khoa trương.

Ngoài mặt trận, viên đạn vô tình không phân biệt được ai là ông tướng, ông tá, ông úy, hay ông lính trơn.

Vì tổ quốc mà chết, thì sự hy sinh của ông đại tướng và sự hy sinh của ông binh nhì phải được đánh giá ngang nhau.

Lịch sử không là vật sở hữu của chính quyền cũ hay chính quyền mới, lịch sử không thuộc về người Quốc-Gia hay người Cộng-Sản, lịch sử không của riêng ai, mà lịch sử là của tất cả mọi người Việt-Nam.

Những gì còn in đậm trong trí nhớ của người kể chuyện dưới đây cũng chỉ là một chút đóng góp nhỏ cho chiến sử.

Phi trường Cù Hanh Pleiku 1970

o O o

Nhớ Xuân xưa…

Tháng Tư Dương Lịch, Bắc Mỹ chuyển mùa sang Xuân…

Trong khuôn viên trường đại học University of Washington (UW) và trên đường phố North Seattle, những đóa hoa anh đào bắt đầu đua nhau nở.

Tôi đã sinh sống ở thành phố Seattle này ba chục năm rồi. Tôi đã thành người tha phương ba chục năm rồi.

Hằng năm, cứ tới thời kỳ anh đào ra hoa, lòng tôi lại dấy lên một nỗi buồn.

Nỗi buồn này chỉ man mác, nhẹ nhàng thôi, nhưng lại thấm thía vô cùng, nó chính là nỗi nhớ quê hương…

Quê hương Việt-Nam của tôi đẹp lắm, nhất là khi thời tiết bắt đầu vào Xuân.

Có điều, quê hương tôi mãi chìm trong khói lửa. Quê hương tôi chưa có ngày nào ngưng cảnh đạn bom rơi.

Suốt thuở thiếu thời cho tới khi trưởng thành, tôi chưa bao giờ thấy hòa bình.

Lớn lên, tôi đã chọn binh nghiệp, rồi thời thế đã biến tôi thành một người của rừng, của núi Cao Nguyên Vùng 2 Chiến Thuật.

Xem thêm:   Dubai

Tôi đã yêu Cao Nguyên và đã chọn nơi này làm chốn định cư.

Giờ này, gần nửa thế kỷ sau Chiến Tranh Việt-Nam, hình ảnh Cao Nguyên Vùng 2 Chiến Thuật của nước Việt-Nam Cộng – Hòa vẫn chưa mảy may phai mờ trong ký ức của tôi. Vì thế mà, mỗi độ Xuân về, tôi lại nhớ Cao Nguyên…

Hoa đào tháng 4 năm 2023 trong sân trường UW (Seattle)

Mùa Xuân nơi ấy

Nơi này mùa Ðông, nơi ấy là mùa Xuân

Mùa quê hương đi trước mùa tha phương một bước

Xuân Cao Nguyên, làm sao ta quên được?

Một trời hoa, rực rỡ, áo Xuân vàng…

Cao Nguyên mùa Xuân nào cũng đầy lửa đỏ

Ðạn pháo ngút trời, nhưng hoa vẫn nở

Những người yêu nhau vẫn tưởng ở bên nhau

Áo trắng sân trường, thương áo trận rừng sâu…

Có một vùng trời

Bao lần ta bay qua, bay lại

Những chuyến bay tuần tra biên giới

Những địa danh kiêu dũng dưới chân ta

Dak Pek, Dak Seang, Ðức Cơ, Pleime…

Ðể bao năm sau ngày mất nước

Ta còn gọi tên nhau trong ký ức…

Những con dốc hụt hơi chân bước

Leo từ sáng đến chiều chưa tới ngọn, Chư Pa!

Những cái tên nghe đầy đe dọa:

“Thung Lũng Tử Thần”- “Cơn Sốt Vàng Da”

Từng đoàn quân tiến vào vùng đất chết

Cho quê hương những mùa Xuân bất diệt…

Nhớ thuở Bình Tây

Ta đóng quân bên dòng Yaly cuồn cuộn chảy

Chợt thấy Chúa Xuân vươn vai một sớm mai

Cùng tiếng chim ca, tiếng đạn réo lưng trời…

Nhớ Xuân Pleime mấy độ yêu người

Một nửa mùa Xuân nằm trong lô cốt

Quên cả rừng mai, quên mây trời bay

Một nửa mùa Xuân chìm trong pháo địch

một nửa mùa Xuân mưu chuyện phá vòng vây

Trong giao thông hào, ta như loài chuột bọ

giữ từng thước rào,

canh từng vuông đất nhỏ

cho ngọn cờ vàng ngạo nghễ bay trong gió

cho Em và Con bình an nơi thành phố…

Nhớ Xuân Cao Nguyên

Ðoàn quân xa đi ngang qua thị xã

Áo trận hoa rừng phủ đầy đất đỏ

Ta ghé thăm Em và Bé mới ra đời

Em cười, giọt nước mắt trên môi lăn vội

Ta chỉ biết nói lời, “Xin lỗi!”

Ðã để cho em, “Một mình đi biển mồ côi…”

Ta ôm con vào lòng, “Bé bỏng con tôi!”

Ta chỉ bên Em, bên Con vài giờ ngắn ngủi

Chiến trường sục sôi, chiến trường réo gọi

Ðoàn quân xa lại vội vã lên đường

để lại Bé, để lại Em và thị xã sau lưng…

Tuổi trẻ, một thời để yêu

Tuổi trẻ, một thời để chết…

Mùa Xuân ra đi biền biệt

Ngày xanh, tuổi trẻ của ta

Ta đã cho quê hương tất cả…

Nơi ấy, Cao Nguyên mùa Xuân

Nơi này, Seattle mùa Ðông

Người Biệt Ðộng nhớ Cao Nguyên vô cùng

Còn Cao Nguyên…có nhớ gì ta không?

Vương Mộng Long – Seattle 1996

Ở Việt-Nam, tôi đã là cư dân của núi.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Qua Mỹ rồi, tôi cũng là cư dân của núi.

Vùng đất mà tôi đang sinh sống hiện thời là nơi có đủ loại thông xanh, thông xanh bạt ngàn.

Người Mỹ gọi đất này là “Evergreen State” còn người Việt ở Seattle thì gọi xứ này là “Cao Nguyên Tình Xanh”

Những khi rảnh rỗi, tôi thường lái xe qua núi, qua đèo, dừng chân nơi nào đó, ngắm cảnh trời chiều trong thung lũng để nghe tiếng suối reo, tiếng chim kêu, và tiếng gió rít qua khe.

Trong những giờ phút ngây người trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, tôi lại có dịp thả hồn mình phiêu du về Cao Nguyên của Vùng 2 Chiến Thuật Việt-Nam Cộng-Hòa…

Đại úy Vương Mộng Long và phu nhân 1970

o O o

Cao Nguyên và tôi…

Thời chiến tranh Việt-Nam trong Thế kỷ 20 đã có rất nhiều người tìm đến Pleiku chỉ với mục đích được sống vài ngày lang thang trên phố núi, ngắm sương mù che ánh đèn đêm, rồi chui vào quán cà phê khuya, ngồi phì phà khói thuốc, cố nặn óc kiếm ý, gieo vần, gắng sức viết cho được một vài bài thơ ca tụng Pleiku, những mong mai này sẽ nổi tiếng với đời.

Còn tôi, tháng Mười năm 1966, sau vụ Phật Giáo Miền Trung, mang cái án phạt 90 ngày Trọng Cấm trên vai, tôi tới Pleiku với tâm trạng chán chường của một kẻ bị lưu đày.

Ngày ấy, tôi thấy Pleiku là một thị trấn nhỏ tí teo, chỉ có một con phố chính Hoàng Diệu là nhộn nhịp người qua kẻ lại, vì nơi này có những quán xá chen chúc sát vách nhau trên một đoạn đường dài chưa đầy cây số. Nhà hai bên phố thì toàn lợp tôn, cao, thấp chẳng đều, căn nhô ra, căn thụt vào, chẳng có thứ tự hay hàng lối gì cả!

Chỉ qua vài ngày lang thang trong thành phố này, tôi đã nhận ra, người ở đây toàn là dân tứ xứ, đa phần là lính và gia đình của lính.

Tóm lại, Pleiku thuở ấy, với tôi chẳng có vẻ gì là nên thơ hay quyến rũ cả.

Thành phố Pleiku là thủ phủ của Cao Nguyên mà còn buồn chán như thế thì nói gì tới những tiền đồn biên giới xa xôi như Dak Pek, Dak Tô, Ðức Cơ, Plei Me…

Ấy vậy mà, ngày tháng đong đưa, tôi đã chôn chân ở xứ này tới mười năm, đã say mê rừng núi Cao Nguyên tự lúc nào, tôi cũng chẳng hay.

Trong mười năm dài, tôi đã có dịp góp sức, góp máu cùng hàng ngàn người lính vô danh khác đang ngày đêm lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm đầy muỗi vắt, trước những họng súng sẵn sàng nhả đạn của quân thù, để bảo vệ quê hương.

Gót chân tôi đã in trên từng thước đất dọc biên giới Việt, Miên, Lào, từ Khâm Ðức của Vùng 1 Chiến Thuật, tới Bù Gia Mập của Vùng 3 Chiến Thuật.

Ròng rã mười năm, tôi đã trải qua những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất của Cao Nguyên Vùng 2, những trận chiến mà cái sống và cái chết của người chỉ huy chỉ cách nhau như một đường tơ, kẽ tóc.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Máu tôi đã nhiều lần đổ xuống tưới đẫm đất này.

Hiện thời, năm 2023 của Thế kỷ 21, trên người tôi, kỷ niệm chiến tranh vẫn còn đây, với cái vai trái mất một miếng xương, một cái sẹo bên sườn phải, và trong ngực tôi còn nguyên một đầu đạn AK47 nằm cách trái tim tôi chưa tới một centimet.

Bù đắp lại, tôi đã có những tháng, ngày sống thật vô tư, thảnh thơi, buông thả ở đây.

Cũng từ Cao Nguyên, tôi đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc tuyệt vời.

Tôi đã chứng kiến một thời Cao Nguyên huy hoàng, rực sáng.

Rồi tôi đã phải gạt lệ chia tay Cao Nguyên vào những ngày Cao Nguyên hấp hối.

Vì thế, Cao Nguyên chính là đời tôi, với đầy đủ buồn, vui, vinh, nhục, hạnh phúc, và đau thương.

Gia đình Thiếu tá Vương Mộng Long (1974)

o O o

Tôi lớn lên trong chiến tranh, dù cho bao năm đã qua đi, những kỷ niệm gì liên quan tới chiến tranh, cứ còn mãi trong đầu.

Tôi còn nhớ, cuối năm 1953 kế hoạch Navarre của Quân Ðội Liên Hiệp Pháp ra đời khi tôi vừa qua tuổi lên mười. Kế hoạch Navarre có biểu hiệu là cái nắm đấm. Dấu hiệu này có ý nghĩa là sức mạnh quân sự của Pháp sẽ được tập trung bảo vệ những thành phố lớn vùng Trung Châu Bắc-Việt, những thành phố vùng cao sẽ bị bỏ rơi.

Ðầu năm 1954 những bích chương với dấu hiệu cái nắm đấm được dán đầy tường trong phố và trên các gốc cây lớn mọc bên đường. Cùng thời gian này từng đoàn công voa chở quân lính và khí cụ nối đuôi nhau chạy về Hà-Ðông và ngoại ô Hà-Nội.

Kết quả là, một năm sau khi kế hoạch Navarre ra đời, nửa nước Việt-Nam rơi vào tay Cộng-Sản.

Hai mươi năm sau, cuối 1973 tôi lại nhìn thấy tình trạng Cao Nguyên Việt-Nam Cộng-Hòa cũng không khác gì tình trạng Trung Châu Bắc-Việt trong kế hoạch Navarre năm 1953, quân ta cũng không có cuộc hành quân thế công nào, đâu đâu cũng lo co cụm, phòng thủ thụ động xung quanh những thành phố lớn. Tình hình bi đát tới nỗi, giữa ban ngày mà muốn đi từ Pleiku tới Thanh-An cũng phải mở đường, rà mìn, đóng chốt.

Hào quang chiến thắng của những chiến dịch “Bình Tây 48” – “Bình Tây 3” hay “Lùng và diệt địch” của thời kỳ 1966-1970 ngày xưa đã trở thành kỷ niệm.

Chúng tôi mang tiếng là Biệt Ðộng Quân, trên bảng cấp số có ghi rõ ràng là đơn vị trăm phần trăm di động, mà quanh năm cứ đóng đồn, giữ cầu, giữ đường thì “ẹ” quá!

Hằng ngày tôi có dịp được tiếp xúc với các giới chức cao cấp của quân đoàn, được tham dự những buổi thuyết trình về tình hình bạn, địch trên toàn Quân Khu 2 nên tôi có thể hình dung ra những gì sẽ diễn ra ở Vùng 2 trong tương lai sắp tới.

(còn tiếp)