P, thằng bạn thân người Huế, học chung trường, người hay kéo tôi đi vũ trường, tới “À go go” của Jo Marcel ở Queen Bee, Mỹ Phụng, Ritz…

– Nì! Tối, tao với mầy đi nhảy đầm ở nhà bạn.

– Giới nghiêm cha.

– Biệt thự bên kia cầu Công Lý, đi bộ có 10 phút, 9 giờ về, không sao.

7 giờ tối, hai thằng có mặt trong căn biệt thự ngay góc Yên Ðỗ.

Từ những năm 1964 – 65, tổ chức nhảy đầm trong nhà (boum, bal) của giới trẻ là mốt ở Sài Gòn. Sinh nhật, mở boum; Giáng sinh, mở bal; Tết Tây lại boum. Khi chiến tranh bắt đầu tràn lan, cảnh sát cấm chơi vụ này nên sinh ra boum, bal lậu, tức nhiên là cảnh sát bắt bỏ bót.

Nhạc Chachacha trổi lên, cốc cốc cốc cùm cốc, tiếng nhạc gõ mõ, đặc điểm của Chachacha vang trong căn phòng khách rộng, mù mờ đèn xanh đỏ chớp nháy. Bạn tôi mời cô nhỏ ngồi gần, tôi đứng lên mời cô tóc ngắn. Nhạc hết, nhưng tiếp theo cũng Chachacha và chơi luôn 5 bài. Tôi kéo thằng bạn:

– Sao Chachacha hoài vậy cha?

– Chắc thằng con chủ nhà khoái Chachacha.

Tôi bước tới bàn lấy chai Coca, khui nắp.

Biểu diễn Chacha ở vũ trường. Nguồn. www.pinterest.com   

-oOo-

Chachacha còn được gọi là Chacha, một điệu nhảy bắt nguồn từ Cuba. Ðiệu này được nhảy với nhạc có cùng tên Chacha, được nhà soạn nhạc Enrique Jorrin giới thiệu vào đầu những năm 1950. Nhịp điệu Chacha thoát thai từ điệu Danzón-Mambo. Tên Chacha là từ tượng thanh do đôi chân vũ công tạo ra khi họ đi liền 2 bước nhanh lúc cuối. Vào đầu những năm 1950, Enrique Jorrin vừa là nhạc sĩ violin vừa là nhà soạn nhạc của nhóm Charanga Orquesta América. Nhóm này trình diễn ở các vũ trường ở Havana, nơi họ thường chơi điệu Danzón, Danzanete và Danzon-Mambo cho những người thích khiêu vũ. Jorrin thấy những vũ công tại đây gặp khó khăn với nhịp nhảy ngắn và nhanh của điệu Danzón-Mambo. Với mục đích cho nhạc của mình hấp dẫn các vũ công, Jorrin bắt đầu sáng tác các bài hát có những nhịp mạnh, rõ từ các nhịp đầu tiên và chậm hơn ở nhịp cuối. Khi nhóm Orquesta América biểu diễn các tác phẩm mới này tại Câu lạc bộ Silver Star ở Havana, các vũ công ngẫu hứng nhảy 3 bước cuối cùng và giậm chân mạnh thành tiếng “Chachacha”. Người ta quen dần nên đặt tên cho điệu nhảy này là Chachacha.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Các bước căn bản của Chacha là 1, 2, 3 chachacha (đếm liền là 4, 5 và tiếp tục như vậy), điệu này cũng được thấy trong nhiều màn nhảy múa của “Châu Phi-Cuba” ở vùng Santería. Thí dụ như, một trong các bước của điệu nhảy tôn giáo Ogun của dân Orisha có động tác chân giống nhau. Ðiệu nhảy này phát triển trước Chacha. Vậy, điệu nhảy Chacha có thể là cảm hứng từ các điệu nhảy của “Châu Phi-Cuba”.

Năm 1953, dàn nhạc Orquesta América phát hành 2 tác phẩm của Jorrin: “La Engañadora” và “Silver Star”. Ðây là những tác phẩm Chacha đầu tiên được thu âm và lập tức nổi tiếng tại Havana, Cuba. Từ đó, các dàn nhạc khác nhanh chóng bắt chước phong cách mới này. Chẳng bao lâu, cả âm nhạc và điệu nhảy Chacha lan tràn như cơn sốt khắp các vũ trường ở Havana. Cơn sốt Chacha cũng tràn tới thành phố Mexico. Và từ năm 1955, nhạc và điệu nhảy Chachacha rất phổ biến ở Nam Mỹ, Mỹ và Tây Âu – sau những bước nhảy Mambo – rồi bùng lên khắp thế giới.

Chacha phong cách ballroom, Mỹ. Nguồn. www.pinterest.com

Cách nhảy căn bản của Chacha là người nam là người bắt đầu, với bước nhẹ bằng chân trái về phía trước, chân phải giữ tại chỗ, nhón nhẹ lên đầu mũi giày, đầu gối khép gần chân phải (nhiều người nhảy Chacha không làm điều này, nên bước không đẹp, thường bị chàng hảng), bước này là nhịp 2 của Chacha, sau đó thẳng người về bên chân phải (bước 3). Nhịp thứ 4 được đếm là 4-5, nên thành 1 bước nhanh (4-5). Trên thực tế, Chacha căn bản chỉ có 4 bước (cách đếm như sau: bước 1, bước 2, bước 3 và 4-5 liên tục).

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Trong nhịp điệu Chacha Trung Mỹ truyền thống (khác với Chacha kiểu Châu Âu, Việt Nam), vũ công thường di chuyển mạnh ở phần hông (mông và eo) bằng cách cong và thẳng đầu gối, cho nên trong các cuộc thi nhảy đầm trong phòng của Mỹ, kỹ thuật này là đại diện cho phong cách nhảy Chacha kiểu “La tinh Quốc tế”. Cách nhảy kiểu này thì chân trụ (không bước) thẳng, chân bước cong xuống, làm cho hông tự động ẹo qua hướng của chân trụ, khi bước chân trụ sẽ thẳng lại và chân kia lại thấp xuống cho hông ẹo tiếp, cứ tiếp tục như vậy.

Chachacha là một trong 5 điệu nhảy của Mỹ La tinh trong các chương trình thi khiêu vũ quốc tế. Như chúng ta biết, điệu nhảy căn bản Chacha kiểu mới đã được Pierre and Lavelle đưa ra vào năm 1950 và Walter Laird đã phát triển mạnh trong các cuộc thi khiêu vũ lớn vào lúc đó. Những bước nhảy căn bản hôm nay bắt nguồn từ những bước xa xưa ấy.

Chachacha là một điệu nhảy đẹp, nhịp điệu sống động một cách bình thường, gọn gàng, không quơ tay múa chân, không lào xào bắt bướm hái hoa. Ðây đúng là hương vị của phong cách Chachacha Cuba thuần túy.-

Chacha kiểu Mỹ-La tinh. Nguồn. www.dancewithme.in

-oOo-

… – Rầm, rầm!

Tiếng đập cửa, tiếng còi cảnh sát, tiếng mọi người nhốn nháo, tiếng nhạc Chacha.

3 anh cảnh sát áo trắng bước vô, anh trẻ đeo lon thiếu úy la lớn:

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

– Tắt cái nhạc Chacha coi!

Nhạc tắt.

– Mấy thằng choai choai này bước tới sát đây!

Anh quay qua:

– Mấy cô nhỏ ra ngoài giùm.

điệu nhảy Chacha. Nguồn. www.pinterest.com

Rồi quay lại:

– Tụi em có thể vui chơi nhảy đầm trong khi cả nước đang bị cộng sản tấn công?

Tám thằng choai choai, cúi mặt.

– Lính đang đánh nhau sống chết. Vậy mà tụi em chơi Chacha hả?

Không khí khô lại, tôi bỗng thở không ra, bịt miệng:

– Ách xì!

– À, em đó tới đây!

Tôi bước tới.

Anh cảnh sát cười cười:

– Em mở nhạc lên!

Mở nhạc. Chachacha.

Một biểu diễn chacha quá đẹp. Nguồn. www.pinterest.com

– Bây giờ em mời một cô bạn, nhảy Chacha hay thì anh tha hết, dở là cả bọn về bót, phạt rửa bồn cầu… Kêu thêm một cặp bạn của em, để biết ai hay dở!

Vậy là cặp của tôi và cặp thằng bạn nhảy.

Cốc cốc cốc cùm cốc …

– Thôi, được rồi!

Anh cảnh sát đưa tay. Nhạc tắt, 2 cặp đứng im, anh chỉ tôi:

– Em nhảy đúng và đẹp! Tha cho tụi em về. Ðừng tụ tập nhảy đầm nữa, Ðô trưởng Sài Gòn ra sắc lịnh cấm, mọi người phải thi hành…

Tôi và bạn ra về, tới cổng, anh cảnh sát nói với bạn tôi:

– Nhảy Chacha mà chàng hảng quá vậy ông! Nhớ khép chân lại…

HĐV