Một bữa, nhân lúc ôn các câu chuyện ngụ ngôn cổ tích từng học, tôi nhận ra trong kho tàng văn học nghệ thuật của Việt Nam đa số tác phẩm đều đề cao trí khôn … lỏi. Ví dụ, trong bao nhiêu ông Trạng thì Trạng Quỳnh lại được “trọng dụng” nhất trong “kho tàng” kiến thức được dạy ở trường học trong nước. Có thể, đây là lý do khiến đa số người Việt đề phòng nhau trước khi thương yêu nhau?

“Trí Khôn Của Ta Đây” – câu chuyện “ngụ ngôn” mà đứa trẻ VN nào cũng phải học qua trên ghế nhà trường – Nguồn: youtube.com   

  1. “Trí khôn của ta đây”

Trí khôn của ta đây” là một câu chuyện ngụ ngôn luôn có trong chương trình học của học sinh Việt Nam – một trong muôn vàn câu chuyện dạy con nít cách lừa kẻ khác để đạt mục đích gì đó, trong câu chuyện là lừa con cọp. Gần đây, tôi đọc được một biến tấu nhầm nhạo lại câu chuyện “Trí khôn của ta đây” nhưng chưa rõ tác giả, thấy thú vị nên xin chia sẻ:

“Một con cọp rất thắc mắc về trí khôn của loài người, bèn đi tìm hiểu:

Nó gặp một người Mỹ đang làm ruộng, tới hỏi “trí khôn của ông là gì, ông nói không xong là tôi ăn thịt ông đấy!” Người Mỹ cười không nói không rằng rút cây súng bắn cái đùng vỡ tan tảng đá to kế bên. “Trí khôn của tao là tạo ra vật này có thể làm mày vỡ sọ ngay, mày đi đi!”

Con cọp sợ, chạy thục mạng. Rồi nó gặp một người Nhật Bản, cũng hỏi “trí khôn ông là gì?” Người Nhật tuốt một thanh kiếm bén ngót chém cái phựt đứt đôi 5 cây chuối kế bên: “trí khôn tao là làm rèn ra loại vũ khí này có thể chặt đứt đầu mày ngay!”

Con cọp lại bỏ đi, nó gặp tiếp một người Ấn Độ, người này lại lấy ra một miếng thịt cho con cọp ăn và nói chuyện với nó về đạo pháp, “trí khôn của tao là sẽ biến mày thành một người bạn thay vì kẻ thù!”

Con cọp mãn nguyện lắm, trên đường về rừng bỗng gặp một nông dân Việt Nam vốn nổi tiếng toàn cầu về thông minh, con rồng cháu tiên, đánh ăn Mỹ, Pháp, Nhật… Con cọp mừng lắm cũng đến hỏi: “trí khôn ông là gì?” Người nông dân Việt Nam đáp “trí khôn tao để ở nhà, tao về lấy cho mày coi nha, nhưng mày phải để tao trói mày lại, không thôi mày ăn con trâu tao!” Cọp cả tin bèn đồng ý. Sau khi trói xong, người châm lửa đốt cháy cọp và miệng nói: “trí khôn của ta đây!” (đoạn này bê nguyên từ sách giáo khoa VN).

Dây trói cháy, cọp chạy đi, và mãi đến giờ lông vẫn còn vằn vện do cháy sém, và nó đã hiểu trí khôn của người Việt là sự lừa lọc gian trá! Và họ mãi xài cái trí khôn đó đến giờ nên chả làm ra được cây kim đừng nói đến kiếm hay súng! Hơn nữa, họ cứ lừa nhau mà sống nên chả ai tin ai, cứ phải đi tin Mỹ, Nhật này kia thôi, nên sẽ còn nghèo hèn mãi vì cái “trí khôn” quái đản của mình! Với cái thói lừa lọc gian trá đó chả ai muốn làm bạn bè với họ cả, và họ đi đến đâu cũng bị xua đuổi và khinh miệt, nhưng khổ nỗi không mấy ai trong họ nhìn ra được … Khôn lanh, mưu trí, nói tắt là lanh mưu hay lưu … manh”

Trong ngày vui nhì đời người, cô dâu bị đem hình lên mạng tố cáo – Nguồn: Facebook

  1. Ai khôn lỏi?
Xem thêm:   Tranh cãi...

Lại một câu chuyện về “trí khôn của ta đây”, lần này là người với người.

Một bữa đẹp trời, chị A. chọn chị P. trang điểm cho mình để tổ chức buổi tiệc báo hỉ với bạn bè, chị A. trả tiền đàng hoàng, chị P. cũng trang điểm cho chị A. vừa lòng, mọi thứ xảy ra suôn sẻ, đầm ấm nên họ cho nhau phương thức liên lạc là mạng xã hội, từ đây, xích mích xảy ra …

Tối hôm đó, chị P. đăng cái hình chị A. chụp cùng chồng mới coóng lên mạng xã hội, không phải để chúc mừng mà là để mắng vốn cư dân mạng, nội dung như sau:

“Hôm qua bạn này có ghé tiệm mình và kêu trang điểm cho bạn đi tiệc, cuối cùng bạn về làm cô dâu.

Book makeup tiệc và thành cô dâu là điều cấm kỵ nhất trong ngành makeup, dù bạn có muốn làm nhẹ hay như thế nào đi nữa thì cũng nên trao đổi về yêu cầu và mong muốn để người trang điểm biết, không thể “khôn lỏi” như thế này được. Nếu khách nào cũng như vậy, chắc tụi mình chớt mất, bạn không thể trả lương cho một giám đốc như một công nhân được chỉ vì họ cùng làm 8 tiếng một ngày, thì đây là điều tương tự. Còn về giá thì nếu thấy cao, không đủ khả năng thì bạn có thể tìm một đơn vị phù hợp với khả năng tài chính của bản thân.

Mình hy vọng sau trường hợp này, khách hàng có thể có cái nhìn đúng đắn hơn nghề Makeup, dành sự tôn trọng hơn cho tụi mình!

Nếu không có tiền thì vẫn phải giữ lòng tự trọng và sự chân thật!”

Bài viết của chị P. đã nhận về rất nhiều bình luận với quan điểm khác nhau. Có người cho rằng khách hàng A. “khôn lỏi” thiệt, vì giá trang điểm để đi tiệc chỉ bằng 1/4 giá trang điểm để mần cô dâu. Các thợ trang điểm lâu năm từng gặp không ít trường hợp tương tự và cảm thấy rất bình bình, họ còn cho rằng câu chuyện trên cũng không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Trên trang mạng xã hội Reddit có vô số bài đăng gây tranh cãi của cả khách hàng và thợ makeup về chủ đề này. Tháng 7-2022, một thợ trang điểm người Anh gây tranh luận khi bắt khách hàng trả thêm 290 bảng Anh (360 USD) vì “nói dối”, vì trước đó, vị khách đã chọn dịch vụ trang điểm đi tiệc với giá 124 bảng Anh (155 USD), thay vì gói cưới trị giá 414 bảng Anh (520 USD) cho ngày trọng đại. Tuy nhiên cũng không ít bình luận tỏ vẻ bất bình khi chị P. “tế” hình khách hàng ngay ngày vui nhất (hoặc nhì) cuộc đời trong khi khách hàng trả tiền đầy đủ, chưa gây phiền hà tới chị P. này, đa số cho rằng người thợ trang điểm này đã đi quá giới hạn trong việc phục vụ khách hàng. Cô dâu trong bài viết cũng không hề có ý kiến hay bất cứ bình luận nào phàn nàn về dịch vụ trang điểm, vậy mà lại tự ý đăng hẳn hình ảnh rõ mặt khách lên trang cá nhân để “tế” – đây là điều không nên với những người làm trong ngành dịch vụ. Nhiều người còn nói là chị A. nên kiện chị P. vì dám xâm phạm quyền riêng tư… Mọi chuyện càng gây bất lợi cho chị P. khi cô dâu A. vào trực tiếp bài đăng chính chủ để giải thích rất lịch sự, thẳng thắn:

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

“Chị ơi, em là người bị chị nói makeup tiệc để đi làm cô dâu đây:

Thứ nhất, em chỉ làm tiệc báo hỉ đãi có mấy bàn bạn bè nên không muốn makeup cầu kỳ, lồng lộn. Nên em đã book chị makeup tiệc.

Thứ hai, hôm em có hỏi giá makeup tiệc và makeup cô dâu bao nhiêu, chị báo giá xong chị nói makeup tiệc không làm cô dâu được, thì em nghĩ makeup tiệc sẽ không đẹp bằng makeup cô dâu.

Thứ ba, em không phải trong ngành trang điểm nên em không nắm rõ quy tắc trong nghề như thế nào.

Thứ tư, em book chị makeup tiệc, chị cũng makeup tiệc cho em và em đã trả tiền đúng giá em book chứ em không ăn quỵt tiền chị. Lúc em book em có hỏi rõ ràng makeup tiệc có làm tóc không, thì chị bảo có làm tóc. Thì makeup tiệc cũng được yêu cầu kiểu tóc mình muốn làm mà đúng không chị.

Thứ 5, chị đăng hình em chưa hỏi ý kiến là chị sai. Nếu như em sai chị có thể nhắn tin để mình giải quyết.

Nói chung là chị muốn giải quyết như nào? Muốn em bồi thường hay sao?”

Câu chuyện cũng khá dễ hiểu, đối với cô P. thì khi trả tiền cho cổ trang điểm giá đi tiệc thì phải đi làm khách trong một buổi tiệc, không được đi làm cô dâu vì theo cô P. thì đây là “điều cấm kỵ nhất trong ngành makeup”. Tuy nhiên, nếu trả cho cô P. tiền trang điểm với giá trang điểm cô dâu thì có về đắp mền ngủ hay đi đám giỗ thì cổ cũng không ý kiến, bởi nghề trang điểm không có nêu điều cấm kỵ này. Theo bản thân tác giả – một người hay trang điểm, điệu đàng thì cô P. sai. Bởi giá của gói trang điểm cô dâu cao một phần do công của người trang điểm nhiều: phải thức khuya dậy sớm để qua nhà trang điểm cho cô dâu, phải canh dặm phấn lại cho cô dâu giữa các buổi lễ/tiệc, có khi phải theo sát cô dâu tới khi tàn tiệc … Tuy cô P. dùng từ “khôn lỏi” để mắng khách hàng của mình, nhưng người “khôn lỏi” trong câu chuyện này lại là cô P.
Chắc sau câu chuyện này, công việc cô P. sẽ lao đao ít nhiều vì khá nhiều người sẽ né tiệm của cô ra do sợ bị đăng hình lên “mắng vốn” bất tử. Tuy nhiên, cô P. có thể đổi ngành để lấy lại được sự khen ngợi từ cộng đồng mạng, ví dụ như bán chổi chà. Chỉ cần cô phát hiện có một vị khách manh động nào đó mua chổi chà của cô về hù “đập chổi chà lên đầu” mấy đứa nhỏ trong nhà, cô liền lên bài giải thích đây là “điều cấm kỵ nhất trong ngành bán chổi”, lớp trẻ gần xa sẽ ngàn đời ghi ơn cô, cô P. ơi …

Trang điểm cô dâu để đi đám cưới … người yêu cũ – Nguồn: Facebook Gia Đình Dzăn Hoá

  1. Đây mới là “khôn”
Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

James Harrison (sinh năm 1936 ở Úc) đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật ngực quan trọng hồi 14 tuổi, được truyền 13 lít (2.9 gal Anh; 3.4 gal Mỹ) máu. Sau khi phẫu thuật, ông phải điều trị tại bệnh viện 3 tháng. Nhận ra rằng việc được truyền máu đã cứu sống cuộc đời mình, ông quyết định tham gia hiến máu ngay khi vừa tròn 18 tuổi, độ tuổi được tham gia hiến máu để trả ơn lại cuộc đời.

Harrison bắt đầu hiến máu từ năm 1954 và sau vài lần hiến máu đầu tiên, người ta tìm thấy trong máu ông có một kháng thể khoẻ mạnh và bền vững lạ thường có thể chữa được bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh, từ đó ông hiến máu liên tục từ năm 18 tới 82 tuổi, trung bình 3 tuần/lần, và đã trực tiếp cứu sống hơn 2 triệu trẻ em sơ sinh Úc bị mắc Rhesus, bao gồm cả cháu gái ruột của ông. Bởi vì mọi trẻ sơ sinh Úc bị Rhesus nếu được tiêm RhoGAM thì đều là chế phẩm từ máu của ông James Harrison. Ông đã hoàn thành lần hiến máu thứ 1,173 vào ngày 11-5-2018, kết thúc chuỗi 64 năm bền bỉ hiến máu mà không hề đăng bài kể lể hay đòi hỏi đồng xu cắc bạc gì từ việc hiến máu này. (Hội Hồng Thập Tự Úc đã quyết định ngừng nhận máu của Harrison, do lo ngại cho sức khỏe của ông chứ ông còn sung lắm.) Ông được đặt biệt danh “Người đàn ông có cánh tay vàng” (tiếng Anh: Man with the golden arm), năm 2003, ông cũng được Guinness xác nhận kỷ lục thế giới về hiến máu.

Câu chuyện có vẻ không liên can nhưng cũng liên can lắm, vì nếu ông James Harrison dùng “trí khôn của ta đây” hay “khôn lỏi” trong công cuộc hiến máu của mình để làm giàu thì không ai trách ông cả, nhưng ông đã không làm, khiến cho máu ông giữ vẹn giá trị đến từng giọt. Phải chi câu chuyện ông James Harrison được đưa vào sách giáo khoa VN thay cho câu chuyện anh nông dân đốt cọp ở đầu bài, từ bây chừ …

James Harrison – Man with the golden arm – Nguồn: kenh14.vn

DU