Nếu bạn hay đọc tin tức Việt Nam, thì chắc bạn không lạ gì với muôn kiểu chết bất thường, bất ngờ, bất đắc dĩ ở cái xứ “nhiều chuyện” này. Như mắc mưa bị… điện giật chết, ăn hủ tiếu bị đâm chết hay…

Con đường giữa hai cánh đồng bình yên, nếu không có anh công an đứng đó! Vì ảnh như minh chứng cho vụ án mạng vừa xảy ra – Hình từ vnexpress.net    

Sáng ngày 27-8-2020, ở Ðà Nẵng. Cô Mi Sa (37 tuổi) – phó giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng – đang lái xe đi làm trên con đường làng thân thuộc, hai bên là những cánh đồng thơ mộng và ánh lửa bập bùng từ đống… rác được người dân dậy sớm quét sân, gom lại rồi đốt. Một thói quen của người dân quê Việt Nam. Trong cảnh đẹp đó, chắc hồn cô chắc cũng bay theo sương khói. Tôi cũng đã nhiều lần tưởng tượng cảnh đó trong mơ màng khi đọc những cuốn truyện như Sài Gòn bon chen, nhà đè nhà, người chồng lên người; lâu rồi tôi không được thấy hình ảnh bình yên như vậy. Nhưng đời không như là mơ, thật không may, bất thình lình, đống rác bên đường phát nổ, Mi Sa ngã xuống đường. Hồn cô lên mây thật!

Vụ nổ tạo ra cái hố sâu khoảng 40cm, rộng một mét. Cách hiện trường 50m, mảnh đạn dày 0.7 cm được tìm thấy. Cây cối xung quanh cũng chịu ảnh hưởng nặng. Người ta nói, nguyên nhân vụ nổ do trong đống rác kia có «vật liệu nghi là đầu đạn pháo cỡ lớn».

Theo thống kê của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đưa ra vào Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn năm 2020, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 ngàn người bị chết, 60 ngàn người bị thương. Và cô chắc cũng được thêm vào danh sách này.

Tôi đọc được những lời tiếc thương nạn nhân trên mạng xã hội, biết được cô là một người phụ nữ đẹp và chăm chỉ, vượt qua nhiều khó khăn để có cuộc sống ổn định như bây chừ. Cô ra đi bất ngờ, để lại hai người con nhỏ. Tôi buồn mấy bữa liền.

Tuy nhiên vì đây là một cái chết khá là đặc biệt, nên lôi kéo nhiều sự quan tâm của dư luận, từ đó cũng có những ý kiến bình thường lẫn không bình thường xung quanh câu chuyện này.

Một công binh dò gỡ mìn ở biên giới Hà Giang – Hình từ vnexpress.net

Có người tự hỏi sao cô gái ấy lại “xui” như vậy, không sớm không muộn lại đi ngang đúng lúc đầu đạn phát nổ. Có người thì cho rằng đây là sự việc được Tạo Hóa sắp đặt theo “luật nhân quả” (Ðọc mà giận tím người!) Có người lại thắc mắc sao người đốt rác không… chết (tuy tôi cũng thắc mắc như vậy nhưng tôi không dám hỏi) – chính người này “cận kề” đống rác lâu nhất, trước khi nạn nhân xuất hiện rồi gặp nạn. Cũng có những câu hỏi đáng suy ngẫm như: Tại sao bao nhiêu đống rác người ta đốt mỗi ngày ở đó, chỉ có đống này phát nổ? Tại sao chiến tranh, bom rơi đạn lạc đã dừng lại mấy chục năm, con đường này chắc cũng làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần (trước khi làm đường thì phải rà bom mìn), vẫn có cái đầu đạn “đi lạc” vào dưới đống rác đó? Câu hỏi này dễ, không thể đứng bên rìa thời cuộc, tôi cũng tiện… tay, gõ: Có phải máy dò mìn là của… Trung Quốc hay không?

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Không phải tôi muốn “đâm xuồng bể” hay có ý tưởng không trang nghiêm gì trước một hiện thực buồn, nhưng bạn nghĩ xem. Nếu suốt mấy chục năm sau chiến tranh, tiền thuế bỏ ra không biết bao nhiêu chỉ để “khắc phục hậu quả của chiến tranh”, dò bom/mìn…. Mà người dân đang đi đường cũng chết vì đầu đạn, bom mìn thì có phải máy dò mìn của «ta» toàn là «đồ Trung Quốc» hay không? Vậy mà tôi bị một đống cư dân mạng tấn công vì câu hỏi trên. Mặc dù tôi đã cố gắng giải thích, xin họ hãy an tâm. Tôi không quơ đũa cả nắm, chữ “đồ Trung Quốc” ở đây chỉ là nói về độ “dỏm” của máy dò bom mìn, chứ không hoàn toàn nói về xuất xứ của mấy cái máy này. Chúng có thể đến từ Liên Xô, Bắc Triều Tiên, Châu Phi, Châu… Ðốc, không nhất thiết tất cả đều được “nhập” từ “Chị Na” (China). Tôi chỉ nói như vậy cho… nhanh, vì nỗi sợ về «đồ Trung Quốc» đã ăn sâu vào tâm trí của đa số người VN, nó như một phản xạ có điều kiện chứ không còn là định kiến, suy xét. Nhất là khi cúm Vũ Hán hoành hành khắp chốn, người chết người bệnh người tự tử khắp nơi. Ngoài ra, tôi còn đưa ra các dẫn chứng:

Hồi xưa, mỗi lần con nít đòi cái gì mà cha/mẹ không muốn mua cho liền, họ thường giải thích: “Con ngoan/học giỏi/làm được việc A, việc B, việc C đi rồi cha/mẹ sẽ mua!” hoặc “Món đó mắc lắm, cha/mẹ hiện chưa mua được!” hoặc “Ðòi cái gì mà đòi!”. Còn bây chừ, không ít lần tôi thấy các người cha, người mẹ “hù” con (cũng có thể họ nghĩ vậy thật) khi họ không muốn mua món đó cho con mình: “Thôi đồ… Trung Quốc không à, ăn/chơi là chết á, mua cái gì!”

Hay, nhiều khi thấy ông quan nào xấu xa thì cư dân mạng hay nói vui “tên này không phải Ðảng viên của Ðảng ta, hắn do Trung Cộng cài vào”. Tuy ai cũng biết, “thằng cha” quan này có quốc tịch Síp (Cyprus) hay quốc tịch Malta, Canada, Mỹ, Ðức …  chứ không hẳn mấy ổng (thèm) quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, như “đàn gảy tai trâu”, nhạc gảy tai… tôi. Một số đông cư dân mạng vẫn hung hãn cho là tôi phản động.

Một trong những loại rau tôi được hàng xóm tặng

Trở lại chuyện những vụ án mạng không thể lường được, tôi xin kể tiếp một câu chuyện có thật về một cái chết thương tâm khác. Xin lỗi những ai “yếu bóng vía”, nhưng xin hãy yên tâm, sau đây không phải cái chết của “đồng bào” ta nữa. Vì ở Việt Nam, những cái chết đầy chữ “bất” kia, không chỉ là “đặc quyền” của nhân loài…

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Chuyện là bữa rồi, tôi được bạn hàng xóm cho mớ rau tươi. – Dạo này thị dân mê thú trồng rau trên sân thượng, hàng xóm của tôi cũng vậy. – Nhờ vậy, mỗi khi đến “mùa” thu hoạch thì bạn cho người này một ít, người kia một ít. Như để bồi đắp tình làng nghĩa xóm (hoặc thử… độc?) và trả công cho chúng tôi đã… rình vườn rau “giùm” bạn mỗi ngày. Có lẽ để minh chứng cho rau nhà trồng, lâu lâu trong những bó rau của bạn hàng xóm tặng sẽ có vài chú sâu. Khác với trước đây, những chú sâu này không bị coi là “con sâu làm rầu… bó rau” nữa, mà nó như một bông hoa xinh đẹp minnh chứng cho giá trị của rau sạch, “rau nhà trồng”.

Tôi thì rất là sợ côn trùng, tất cả mọi loài. Nhưng theo tâm lý chung, những người sợ ma lại thích coi phim ma, tôi cũng rất mê “mạo hiểm”, khi quởn cũng bắt con gì đó (mà bản thân không có cảm tình) để nuôi vài ngày cho vui cửa vui nhà, để tôi luyện ý chí mềm như bún của mình. Và lần này, chú sâu màu xanh xinh đẹp là một ví dụ. Tuy không biết “bạn mới” là giới tánh gì, tên tuổi, nghề nghiệp, học vấn, tình trạng hôn nhân ra sao nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ sống trong hòa bình. Vì bạn ăn… chay, còn tôi tuy ăn “mặn”, nhưng sẽ không ăn bạn. Vậy mà, ngay bữa hôm sau, “bạn” sâu của tôi lăn ra chết.

“Thi thể” bạn nằm cứng ngắc bên mấy cọng rau muống tôi vừa bỏ vào “nhà” của bạn đêm qua. Những cọng rau non tơ tôi mua từ chợ, được chị bán hàng quảng cáo «nhà trồng, nhà ăn, không có thuốc gì hết em ơi!». – Cũng vì đang mùa dịch, làm ăn thất bát, tiền nong không “dồi dào” như trước, phải tiết kiệm tiền. Mà nghe nói “một ký rau muống có giá trị dinh dưỡng bằng một ký thịt bò”. Tôi mua luôn hai bó. Vừa ăn vừa nuốt nước mắt, vừa nhớ câu hát hồi nhỏ được nghe lóm:

“Rau muống Bắc Ninh đem vô Biên Hòa
Rau muống Thanh Nghệ đem vào Cà Mau
Cà Mau không ăn rau muống đâu
Chỉ ăn cá lóc chặt đầu kho tiêu…” – Nghe nói hồi xưa người miền Nam không “hảo” rau muống cho lắm. Họ nghĩ, rau muống chỉ cho lợn ăn. Giờ thì, “nhờ” ơn ai đó, heo cũng ăn rau muống.

Cảm giác của tôi bây chừ là hối hận, tội lỗi, sợ hãi lẫn… mừng thầm. Hối hận và tội lỗi vì không biết tôi có phải đã phạm tội sát… sâu hay không. Sợ hãi là vì tôi vừa ăn xong nửa dĩa rau muống xào tỏi, uống thêm một chén nước rau muống luộc (có pha chút tỏi bằm, nước chanh và gia vị). Mừng thầm vì tôi chưa… sao. – Trong khi mỗi ngày đọc báo thấy không biết bao nhiêu người nhập viện/mất mạng vì ngộ độc… rau, ngộ độc thịt, ngộ độc những món ăn mà họ chính tay chế biến rồi đưa vào bụng. Thì dù việc gì xảy ra, nhưng mình còn… thở, nên mừng cái đã. (Bạn biết không, nhờ những người như tôi mà Việt Nam lọt “top” những nước hạnh phúc nhất thế giới đó!)

Giá trị nhập cảng một số mặt hàng (triệu USD) từ đầu năm đến 15-6-2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan. – Hình từ vnexpress.net

Ðể chắc ăn, tôi lên mạng đọc về thuốc trừ sâu. Và cái mà tôi đọc được:

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Trong 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi tới 140 triệu USD (hơn 3,080 tỷ đồng) để nhập khẩu thuốc trừ sâu Trung Quốc, tính ra mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 616 tỷ đồng, mỗi ngày Việt Nam phải dành ít nhất 20.5 tỷ đồng để nhập thuốc trừ sâu của Trung Quốc. Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ 15 thị trường trên thế giới, trong đó nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc chiếm 55% tổng kim ngạch.” – vietnamnet.vn

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 4-2019 đạt 82 triệu USD, tăng 29% so với tháng trước đó.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia cung cấp chủ yếu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng nhập từ thị trường này chiếm 56%, đạt 148 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.”
– plo.vn

Từ đầu năm 2020 cho đến ngày 15-6, Tổng cục Hải quan công bố Việt Nam đã nhập cảng 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này. Ðể so sánh, trong cùng kỳ, Việt Nam nhập 249 triệu USD tiền xăng.» – vnexpress.net

Một loài sâu không bao giờ tuyệt chủng, nhưng vẫn được một số nhà nước bảo… kê – Hình từ dantri.com.vn

Thật không ngờ, từ một câu chuyện tưởng chừng không “dinh dưỡng” trong cuộc sống hàng ngày, tôi lại nhận ra rằng những thứ mình bỏ vô bụng, không những không nhiều dinh dưỡng mà còn vô cùng độc hại. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về những món “đồ Trung Quốc” được hoài thai, “đỡ đẻ”, che chở từ chính tay “đồng bào” của mình. Không biết có phải do “bà con ta” nghĩ Trung Quốc làm gì cũng dỏm, chắc thuốc trừ sâu cũng vậy nên họ tin dùng?

Trong cái rủi cũng có cái an ủi cho bạn sâu vừa qua đời của tôi, nhờ sự nhập và dùng thuốc trừ sâu một cách điên cuồng của “đồng bào”. Giá trị loài sâu ở VN ngày càng được đánh giá cao. Chứ không như mấy ông quan “sâu dân mọt nước”, muôn đời mang tiếng xấu. Chẳng có lịch sử, hoàn cảnh nào “tẩy trắng” được. Có nhiều người muốn chứng minh hàng mình bán là tốt/sạch, phải mua… sâu về, bỏ vào rau. Có lẽ, không bao lâu nữa, thế giới sẽ có một hội đồng bảo vệ sâu trước đà tuyệt chủng. Khi đó, sâu cũng như một loài thú quý hiếm. Ai giết hay bắt sẽ chịu tội trước pháp luật.

Lúc đó, chỉ hy vọng không có nhà y học Trung Hoa nào truyền bá: ăn sâu giúp bổ thận tráng dương!

DU