Tôi lượm được một trang Sách tập đọc thời giáo dục Việt Nam Cộng Hoà của tác giả Bùi Văn Bảo, nhà in Nhật Tảo, Sài Gòn – 1974, rất hay, nên xin trích ra đây, mong bản thân học và ghi nhớ những lời này:
“Ngoài đường
- Con ơi! ở ngoài đường là nơi công-chúng qua lại, con có bổn-phận phải giữ gìn cử-chỉ cho được đứng-đắn.
- Con nên nhớ mỗi khi gặp những người già-nua, nghèo-khó, những đàn-bà ôm-dắt trẻ thơ, những người đầu tang tóc rồi, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi-han, dỗ-dành hoặc chỉ-bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can-ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa. Khi có đám tang đi qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào người quá-cố. Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có lễ-phép. Đừng chạy nhảy, nô-đùa, phải giữ luật đi đường.
- Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử-chỉ của dân-chúng ngoài đường là người ta có thể xét-đoán được trình-độ giáo-dục của cả một dân-tộc. – Theo Hà-Mai-Anh”
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số văn minh (DCI) thấp nhất trên không gian mạng. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. Cư dân mạng Việt đụng chuyện là chửi bới vô lối, do thích “hùa nhau” bắt nạt người khác nên cũng dễ bị “dắt mũi”. Sẵn sàng tấn công những người/tổ chức trái quan điểm bằng lời lẽ thô tục, hình ảnh cắt ghép hoặc những cơn bão “một sao” mang tính bầy đàn. Đặc biệt là thói quen “xin link” clip 18+ khắp nơi…
Ngoài chỉ số văn minh trên mạng thấp, theo báo cáo của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu GASA, trong tổng số tiền bị lừa đảo qua mạng toàn cầu là 53 tỷ USD, có gần 16 tỉ USD của người Việt Nam. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng. Việc cư dân mạng Việt bị cho là kém văn minh trên mạng kèm theo việc bị lừa đảo nhiều cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì tiêu chí của đánh giá về văn minh trên không gian mạng có cả sự an toàn khi sử dụng internet, bao gồm cả các hành vi lợi dụng mạng để lừa đảo.
Trong trận bão lũ mà Việt Nam vừa đối mặt hồi giữa tháng 9, có một bức ảnh dàn dựng đã lừa được rất nhiều người có kiến thức trong nước vì sự đúng thời điểm của nó. Hình ảnh tả một gia đình Khmer đang diễn cảnh khổ sở trong mùa nước nổi ở Nam Bộ (trong khi bão-lũ đang “quậy” ở Bắc Bộ), bản quyền là từ một YouTuber nhưng một nhà báo nào đó của tờ danviet.vn sớn sác “lượm về” và đóng mộc tên tờ báo lên giữa hình khiến cư dân mạng trong nước càng tin tưởng về độ xác thực của bức hình và thi nhau chia sẻ những cảm xúc thi vị. Trong trường hợp này, tôi nghĩ những người bị thì không hẳn là ngây thơ, thiếu hiểu biết, mà chính xác là hấp tấp, có vài người muốn thể hiện bản thân là người đầu tiên “biết tin”, vì vậy mà thấy tấm hình “hot” liền đăng nhanh nhanh kẻo nguội. Có nhiều người bị nguồn báo “danviet.vn” lừa, bởi không ai nghĩ một tờ báo lớn lại đi đăng tấm hình dàn dựng giữa lúc có quá nhiều cảnh đau thương như vậy.
Thời nay, khi ứng cử viên đi xin việc, chủ cũng có thể tìm hiểu người ứng tuyển thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội. Trang cá nhân trên mạng xã hội tuy không nói hết nhưng cũng thể hiện được một phần về chủ trang, họ đăng gì, bạn bè họ bình luận những gì cũng đều thể hiện sự quan tâm, nhận thức, hiểu biết, quan điểm và thái độ của họ với mọi người, với đời sống và thời cuộc. Từ đó mà người ta có đánh giá sơ sơ về chủ trang cá nhân đó. Khác với đời thật, những gì tồn tại trên mạng rất dễ lưu truyền thiên cổ, vì cư dân mạng trong nước rất mê chức năng “chụp màn hình” để đấu tố người khác. Đôi khi một bình luận giỡn chơi cũng sẽ trở thành mũi giáo đâm ngược bản thân nếu người có ý xấu muốn hại mình. Nhiều người trong nước đã bị mất luôn sự nghiệp, mất hết tất cả tương lai chỉ vì những bài viết, bình luận mang tính cá nhân. Bởi vậy mà rất nhiều cư dân mạng Việt Nam thích xài nick ảo để thỏa thuê chửi người khác, thỏa mãn thú tính khi miệt thị người khác, dẫn dắt dư luận, từ đó mà hình thành một cộng đồng được đánh giá kém văn minh nhất-nhì thế giới.
Do kém hiểu biết và sống trong số đông kém hiểu biết, cư dân mạng Việt Nam dễ xúc động trong mọi chuyện, hở chút là họ cãi, họ chửi, họ chỉ trích, họ không tin ai trên cõi đời này trừ những gì họ muốn tin. Ví dụ như chuyện từ thiện sau bão lũ, mấy năm trước người dân mang nỗi thất vọng với nhà nước nên cùng nhau “chung tiền” cho những nghệ sĩ nổi tiếng và giàu, mong họ đưa tiền người dân ủng hộ tới tay người dân trong vùng lũ kịp thời. Bởi trước đó, người dân ủng hộ tiền bão lũ cho nhà nước rất nhiều nhưng không thấy sự minh bạch trong thu-chi. Rồi bỗng dưng, một số nghệ sĩ bị bóc mẽ là ôm tiền của người dân xây biệt phủ, sắm xe sang, tiền ủng hộ tới tay người dân vùng lũ bị cắt xén không còn gì… Dân không biết mần sao, cạch mặt với đám nghệ sĩ “quay xe” ủng hộ lại ông nhà nước với niềm hy vọng nhà nước thay đổi, hiệu quả hơn đám nghệ sĩ gừng sĩ kia …
Và nhà nước thay đổi thật, thay vì im im nhận tiền như bấy lâu nay thì đùng cái đưa sao kê nhận tiền từ thiện lên, hòng lấy lại niềm tin từ dân chúng. Nước đi này của ông nhà nước làm bất ngờ quá nên nhiều vị “khoe khoang quá lố” trước đó đã trở tay không kịp. Có người chuyển cho ông nhà nước có 10 ngàn VND nhưng nổ lên lớn 100 triệu VND, có người thay mặt nguyên cả lớp, cả trường, cả công ty để bỏ tiền vào quỹ, nhưng ém nhẹ khoảng 99%, chỉ góp có 1% và photoshop tờ biên lai để “nói năng”. Và rất nhiều người đã muối mặt lên xin lỗi tập thể, cư dân mạng và gia đình vì bị lòi ra chuyện nộp một, nói một trăm.
Kỳ này, cư dân mạng trong nước bận rộn vô cùng tận … Vừa phải đấu tố những kẻ gian dối, góp một mà nói một trăm, vừa phải đi vòng vòng coi ai đóng góp bao nhiêu rồi đi đấu tố. Có nhiều nghệ sĩ, người thành đạt bị cư dân mạng ồ ạt vào “lêu lêu” bởi họ đóng góp vào quỹ từ thiện này ít quá, chắc rằng đa số những kẻ “lêu lêu” người khác không góp nổi một đồng.
Ngoài ra, việc nhà nước sao kê đã nhận từ ai bao nhiêu tiền thì đủ một vở hí kịch rồi, không biết bao giờ nhà nước tung ra sao kê đoạn chi tiền? Khúc này mới là một đại hí kịch khác… Nói chung chuyện ủng hộ từ thiện năm nào cũng đầy bi-hài, cay đắng nhất là dầu ủng hộ cho ai, cho bên nào thì cũng nghi ngờ “không biết đến tay người dân không?”
Xin kết bài bằng tấm ảnh trên mạng ghi lại cảnh anh lính cứu hỏa ở nước ngoài cười rất tươi khi ẵm một cụ bà trong trận lụt. Ảnh nói rằng cười tại vì cụ bà nói với anh: “Cậu làm tôi nhớ đêm tân hôn của mình.”
Ở Việt Nam, nếu các nhân vật trong tấm hình “chạy lụt” mà cười tươi quá, cũng có thể bị chửi…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn