Cầu thang cũ nơi con ngõ vô danh phố Hàng Quạt, mặt tiền là phướn lọng, tranh thờ … sâu trong là chốn ẩn dật, tĩnh đến lặng. Vài lần tôi đến, dưới bậc thềm cầu thang cũ luôn là chậu hồng tươi Tây Tựu. Sự cũ kỹ của Hà Nội chẳng giống đô thị suy tàn (urban decay) kiểu Detroit. Ở đây, cái cũ mục ruỗng vẫn thở luồng sinh khí của nhịp sống.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ       

Sự gặp gỡ bất ngờ trong studio nhỏ đủ dân ba miền. Sinh viên Sài Gòn ra Bắc thực tập. Ngạc nhiên bởi cách tôi dùng từ “phi trường” thay cho “sân bay”, rồi tôi ngẫu nhiên thành “chủ đề” viết blog Tumblr của cô bé nickname Milu. Cái studio nghiệp dư bừa bộn trở thành nguồn cảm hứng tìm nhặt của những “quạ sĩ” quẹt cọ.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Savile Row của Hà Nội, con ngõ sâu chỉ có đèn lồng, cầu thang ngoắt ngoéo dẫn tới một tiệm may bespoke. Suit, tuxedo, blazer … – âu phục nam giới dành cho dân sành. Bộ suit hai hàng khuy (double breasted) công may đo chỉ $200 với khách Tây thì khá bèo. 16 năm lập nghiệp ở Hà Nội, chàng trai cố đô Huế tậu cả trâu lẫn nghé đất Bắc.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Mèo mướp chỉ để bắt chuột, mèo tam thể cho dân phong thủy, thú cưng đô thị giờ là mèo Anh. Sổng ra là mất, tiền chuộc còn cao hơn tiền mua. Bé mèo Shizuka, dù dắt bộ hay trên yên xe, du hí cùng cậu chủ cũng phải lủng lẳng cái xích sắt.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Bóng nắng hiếm hoi của những ngày đông ảm đạm. Xóm sinh viên, những cậu trai đầu mũ beanie, giày Air Jordan, nghe nhạc rap. Trên tường là bức tiểu họa meme art “Một thời để nhớ” – ngón vung điếu thuốc, ngón chửi đời. Góc kia, tấm biển “người văn minh thì không chửi tục” đối nhau chan chát. Thực chất, những “ngôn từ y học” vẫn đầy đất sống trong “văn chương clickbait” gây sốc lẫn đời thực.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Khrushchyovka – dấu ấn của không gian Soviet đậm đặc ở đất Hà thành. Đó là những khối vuông có công năng rành rọt theo lối duy vật. Diện tích nhỏ, trần thấp, cách âm và cách nhiệt đều kém. “Cái hộp cơ bản” đủ chiếc giường để giai cấp công nông ngả lưng, dậy sớm cống hiến xây dựng “thiên đường xã hội chủ nghĩa”.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

So với Kommunalka – biệt thự của tầng lớp bourgeoisie tiểu tư sản hậu 54 biến thành nhà cộng đồng, chia sẻ cả cái bếp và toilet – những căn hộ tập thể Khrushchyovka là ước mơ phải đấu đá chán chê mới giành được suất.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Cái lối bài trí của Hà Nội là những lắng cặn của ký ức. “Tính bản chất”, tính biểu tượng không rõ rệt dù rằng ai đó cố gán Hồ Gươm, Khuê Văn Các, hay cầu Thê Húc. Những biểu tượng mặt tiền chẳng đủ để khơi dậy cái gia vị trầm lặng, cáu bẳn, khó ưa, thi vị … Chẳng có gì bất biến ở đây cả, mọi thứ đều bị thổi bay dưới cánh quạt trần Điện Cơ – cái đọng lại mòn cũ mới chính là Hà Nội.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Ngày rét đậm, ngồi thẩm thấu cái gió mùa Đông Bắc!

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

ĐMH