Dân Tây ở xứ Hà thành, hẳn nhiên không khó để tìm thấy những hộp đêm đẳng cấp. Vấn đề là kiểu dân Tây kiết xác thì một “Good Bar” để ngồi ve vẩy điếu thuốc và ly bia hẳn đã là “mộng tưởng thâu đêm”. Trong sự “cọ xát” với cái mới, tôi chỉ viết ra những quan sát của mình về cuộc sống và con người xung quanh, thế giới đầy màu sắc của những người nước ngoài sống ở Hà Nội. Tâm lý của dân Tây ở cái Thế giới Thứ Ba này thì gần như đã quá thản nhiên với tiếng còi là âm thanh mặc nhiên của dân xe máy, ví như tiếng hót của loài chim vậy; cũng như “khẩu trang” cũng chẳng còn là “cú sốc văn hóa” mà là mốt thời trang sức khỏe cuồng tín của người dân xứ Vệ.

tay-o-xu-ve7

Quán bar Mojito, một tụ điểm của cộng đồng expat, nơi gặp gỡ cuối tuần của một nhóm có tên gọi “standup comedy” sống ở Hà Nội.

Làng hài “standup comedy” của dân expat ở Hà Nội chỉ có 11 mống, không hơn. Và họ cũng chẳng phải là những tay đẳng cấp hài độc thoại, mà phải “diễn” ở cái xứ Đông Nam Á này thì chẳng có quái gì đặc biệt. Tôi chỉ có cảm giác, những con người xa xứ này hài hước tự trào chỉ để tự giải khuây. Căn phòng tường gạch tựa cái hộp hình chữ nhật nhà ống với thứ ánh sáng tù mù, tường treo mấy bức tranh tân cổ điển phương Đông, bích họa những cô nàng An nam đèm đẹp kiểu huyền diệu. Ở đây, nơi mà mọi quy tắc về ngôn ngữ chẳng cần biên giới kể cả những chủ đề thô tục. Miễn là làm khán giả ngạc nhiên, sặc cười thoải mái.
Greg Anderson, tay hài xứ Ăng lê, sồn nhất trong nhóm hài diễn mở màn, khoái joke về bản thân mình, nhà ở Long Biên tả ngạn sông Hồng. Cái nghịch lý ở đây là chẳng đâu bằng ở miệt ruộng này mà bỗng dưng một “bèo tây” vô gia cư lại bị đần hóa dưới ký hiệu “celeb”, đi đâu cũng gặp vô số bình phẩm của đám người Giao Chỉ, kiểu trợn mắt chỉ trỏ, rồi la lớn “Tây, Taaa…ây!”

tay-o-xu-ve4

Bog Chibata, một thầy giáo dạy yoga đang trang điểm để nhập vai một cô gái. Người stylist là bạn gái của Bog.  Quấn chiếc sarong lên người và kéo cả bạn gái lên gảy đàn guitar. Dụng võ trong một không gian nhỏ, Bog với đủ món tấu hài của một queer giả gái, đến cả những trò body massage đầy phấn khích của những em gái Bangkok. Phong cách tửng tửng, Bog gây được khá nhiều tiếng cười trong khán giả. Tôi thấy xem hài độc thoại của các nghệ sĩ Mỹ như Eddie Murphy, George Carlin, Martin Lawrence… diễn rất thoải mái, ngôn từ tục gấp 10 lần và khán giả luôn cười ầm mỗi khi họ kết thúc một câu. Ở cái xứ Văn Lang này, cứ hễ là hài tục, thoại tục thì khó đi đường dài. Thể loại hài chỉ có một diễn viên cầm mic với lăng kính hài hước từ ma túy, băng đảng, tù tội, tình dục, chính trị, xã hội… Chắc hẳn là khó nuốt với những tay hài Việt nào dám thử sức với thể loại “Kung Fu Komedy” này, trừ tay hài độc thoại khá thành công ở Việt Nam có cái tên Dưa Leo.

tay-o-xu-ve5

Tay bạn mới của tôi tên Minh. Minh mà tên tiếng Anh cho dễ gọi là Minkus. Minh “Đàn hay nhất trong làng hài và diễn hài hay nhất trong làng đàn!”  Cha mẹ vốn là dân văn nghệ sĩ đất Bắc này, gã bạn thì tính tình cũng tưng tửng rất ư bất cần đời. Thứ tiếng Anh của Minkus không phải từ Cartoon Network, từng có hộ chiếu, sống và làm việc ở xứ sở Kangaroo vài năm. Như thể cái sự ngột ngạt của kẻ ngoài lề đã khiến Minh ngộp thở, thế là gã lại trở về với cái cội rễ của mình. Và có lẽ, sống trong sự từ chối giữa những thứ “không thuộc về giới expat, cũng chẳng thuộc về người Việt” thì trò đùa một mình trên sân khấu là cách giải tỏa thỏa mãn nhất. Minh là điển hình của người lưỡng cực, vừa đóng kín và lại cởi mở, tửng và điên. Luôn sống trong ranh giới của sự bất an, bực mình với những phi lý xã hội và hát thở vào những câu điên khi đàn, cũng “đếch” cần ai hiểu! Cái dĩ vãng nhà cạnh bên xưởng cưa và cái nhà kho bên chân đê sông Hồng, khiến Minh gắn bó với những không gian đô thị loang lổ, chật chội và đấy mới là cái tổ kén an toàn của Minkus. Ngoài biệt tài diễn hài độc thoại, cái góc khuất của gã bạn là thú vẽ vời, kiểu của những tay nghệ sĩ “nghiệp dư” hay ra vẻ bị giày vò, tranh vẽ thì thường theo trường phái “độc tưởng gàn dở”.  Là thích gì vẽ nấy!

tay-o-xu-ve1

Stefano Clini “made in Italy”, làm việc cho công ty Carlsberg, một công ty bia của Đan Mạch ở Việt Nam sở hữu các thương hiệu như Halida, Tuborg. Chẳng ngạc nhiên gì khi Stefano thích thú cuộc sống ở đây vì được trả lương hậu hĩnh. Trước đó anh làm việc cho BAT (British American Tobacco). Toàn là những ngành mà Việt Nam có sức phát triển mạnh mẽ đó là bia và thuốc lá. Người Việt chi khá nhiều tiền cho những thú vui xa xỉ. Maria, người yêu của Stefano, cái tên nghe khá “Slavơ” nhưng cô nàng da nâu với đôi mắt to tròn đang thực tập với cái máy ảnh Sony Rx0 đầu tiên của mình, học những khóa nhiếp ảnh do dân nhiếp ảnh expat ở đây tổ chức. Cặp đôi sống trên khu Xuân Diệu, Hồ Tây. Điều này, mặc nhiên xếp họ vào nhóm Tây “sang chảnh” hơn so với những nhóm Tây “English teachers without a degree”. À, mà ngay cả với Tây thì cũng có sự phân chia giai cấp rõ ràng.

tay-o-xu-ve2

tay-o-xu-ve3

Xem Standup comedy với một ly rượu rin “Phở cocktail” ở quán bar Mojito. Tác giả với tay bạn diễn hài Minkus.

Một “cánh hồng nước Anh” lạc loài sang tuốt xứ An Nam. Lỡ buột miệng hỏi cô nàng có phải là “English teacher” không. Câu trả lời là “yes” sau vài giây lưỡng lự. Giờ thì tôi ngộ ra rằng, chẳng phải thứ Tây nào sống ở Việt Nam cũng thích lậm vào cái nghề thầy giáo Ăng lê.
Có thể thấy, hoài cổ là một xu hướng có thật ở xã hội Việt Nam hiện đại, từ phong cách thời trang đến những hàng quán đều thiết kế theo một motif vintage. Tôi yêu bố cục của bức ảnh này khi click máy. Nó cho tôi cảm giác sự tái hiện của thời phim Indochine. Cô gái Tây trong một không gian xưa cũ ở một xứ Đông Dương nhiệt đới. Có một cái gì đó lạc lõng nghịch mùa…

tay-o-xu-ve

Nghe, nhìn, ngửi và thưởng thức… Dân Tây phủi hay English teachers mới qua thì có vẻ thích mấy xe từ thời bao cấp như xe Minsk của Belarus hay những chiếc Honda Win, Simpson của Đông Đức. Có một số tay chơi thích những chiếc Ural Sít-đờ-ca hay sidecar. Hehe, nhưng nếu là cư dân trên 1 năm là lại đổi sang những chiếc xe mà người Việt thông dụng chạy.
Cứ như cô nàng mắt xanh ngồi đây thì có thể thấy là dân du lịch không quá “phủi” kiểu dép lê, t-shirt ba lỗ. Vớ legging, giày converse, đôi mắt ẩn sau cặp kiếng đen dò xét… và một hộp quà để sẵn cho chàng bồ đã ở Việt Nam lâu năm. Chốc sau đó là chàng Tây râu tóc xồm xoàm, áo nhăn màu cháo lòng vẻ rất lăn lộn lâu năm ở Hà Nội.

Dưới con mắt Việt, dân Tây không chỉ là những kẻ mũi lõ, nói năng xì xồ mà còn… ngồi dai. Nhất là “tây keo” biết tiếng Ziao Chỉ!

tay-o-xu-ve6