Photo: DangMyHanh/trẻ

Hà Nội những ngày cấm túc như lò xo bị nén. SARS đã từng ghé thăm Hà Nội chỉ như chớp mắt, nhưng novel coronavirus khiến cả xã hội như ngưng thở.

Phố bia náo nhiệt Tạ Hiện thấp thỏm sau nghị định 100, giờ chìm vào cơn ngủ đông trầm uất bởi đại dịch. Sinh tồn bằng đồng dollar du lịch, ngay cả cái siêu thị tiện ích H-Mart thế chỗ quán bia cũng chẳng màng mở cửa, dẫu thuộc nhu cầu thiết yếu. Cảnh tượng im vắng … tịch không tiếng xe rong, tiếng rao lời chào của đám bồi vẫy khách. Những gương mặt chậm trôi trên những hiên gạch cũ.

Photo: DangMyHanh/trẻ

Chiếc xe tải cảnh sát mini chắc chỉ có ở xứ Việt. Đầu gắn loa, hậu nở để chứa những thứ càn quét ở phố chợ – mùa dịch thì mông má thêm cái bảng tuyên truyền “dân vận” bên hông. Cạnh bên là cái quán net và những game thủ vẫn âm thầm “luyện cấp” lên level trong bóng tối. “Công tác truy vết” – contact tracing – được dịp phát huy truyền thống, hàng xóm thời Covid rất nhanh nhảu “tố giác” bất kỳ ai đi máy bay về mà còn sức tập gym!

Photo: DangMyHanh/trẻ

Chợ thì vẫn bày ra mà chỉ giống như một khung hình tĩnh. Chợ cóc họp sớm rồi cả ngày ngồi ngáp ruồi. Tâm lý bất ổn của người bán lẫn kẻ mua khiến những mẻ rau, phản thịt chẳng ê hề. Cô hàng trái cây, chân vắt chéo & miệng khẩu trang, mắt chú mục vô cái iPhone, chẳng buồn ngước hỏi khách cần gì.

Photo: DangMyHanh/trẻ

Rối rắm trong ngôn từ “cách ly xã hội”, lắm nơi cái chủ nghĩa địa phương tự cô lập trỗi dậy kiểu “rào làng kháng chiến” chống dịch như chống giặc!

Mùa cấm túc, cô bé tỉ mỉ lau chùi như thể con virus vô hình đang đậu đâu đó trên cái chấn song. Cái loa treo nóc cột điện bên hông căn cư xá cũ sau tiếng “rẹt … rẹt …” là xói vào tai bằng cái ngữ điệu rất đặc trưng của những “CC – female communists”. Cái loa phường, tưởng đã hưu trí, mùa dịch lại được dịp phát huy ô nhiễm âm thanh hết mức.

Photo: DangMyHanh/trẻ

Bệnh nhân Covid thì được đánh số báo danh: 17 sàn Milan; 21 tập gym; 34 siêu lây nhiễm; 100 náo loạn thánh đường Hồi giáo; còn phi công Ăng lê 91, nút thắt giữ số ca tử vong bằng 0 cực dễ khiến giới hữu trách xứ Việt thót tim. Mùa Covid, những tiệm sách eo xèo vài khách khẩu trang kín mặt. #Stayhome thì tiêu tốn đủ trò giải khuây, sách được mùa, từ Netflix đến Youtube đều phải hạ băng thông. Lần đầu tôi biết đến Grabfood, chỉ cần bật app là “định vị thời gian thực”, đầy đủ biển số xe, hình ảnh, danh tính của cậu shipper.

Photo: DangMyHanh/trẻ

Một hình ảnh có thể trở thành hồi ức đầy ám ảnh. Nhân viên pha chế cà phê hệt như trong “Vũ Hán lab” – khẩu trang, bao tay y tế, thuốc kháng khuẩn. Tôi cảm tưởng như đang uống một cái ly giấy dung dịch cho thực khách.

Photo: DangMyHanh/trẻ

Chẳng màng khẩu trang, còn đủng đỉnh ly bia vỉa hè. Bố già hàng báo nhếch cái ria mép muối tiêu, nói với tôi bằng giọng điệu chùng nhão phớt đời, “nếu chết thì đã chết lâu rồi …!” Ông và quầy báo lạ lẫm mặt tiền phố cổ đã đủ thăng trầm thời cuộc. Từng lên mặt bìa tạp chí Wanderlust UK, bán vặt báo cũng chỉ đủ tiền bia bọt lai rai, bố già còn “đánh quả” (kiếm thêm) cho mượn sạp báo làm phông nền ảnh cưới, model … cứ 15 phút thì một xị (100,000 VND).

Photo: DangMyHanh/trẻ

Ngõ trắng, lác đác vài bóng cây. Tạm rời cái khẩu trang để lên hình cho điệu.

#Stayhome, tôi dành thời gian chăm lại cái ban công nhỏ. Giò hạc vỹ, long tu sau vài tuần cách ly ảm đạm đã bật lên những nốt rễ xanh tươi. Tôi cầu an cho sự hồi sinh. Thế giới vẫn đang đầy những mất mát…

ĐMH