h1Cái ban công thông giữa các building của khu biệt thự Pháp cổ, phía dưới treo một bảng hiệu chỉ đường ở trong khu 60 Square. Zone 9 – một địa chỉ cũ được lấy từ Xí nghiệp Dược phẩm, còn giờ đây 60 Square thì lấy từ Xí nghiệp Bưu điện. Thực chất, cái chốn này chẳng hề dễ tìm, Sixty Square 60S không nằm trong khu phố Cổ, không nằm trong khu phố mới, không gần những tụ điểm các trường đại học. Chỉ có những kẻ thật sự lọ mọ lâu năm ở Hà nội mới biết đến. Mà ngay cả với người Hà nội thôi, có vào sâu những con ngõ ngoằn nghèo trong khu Văn Chương, Thổ Quan, Xã Đàn, Đê La Thành ở khu Đống Đa này cũng chẳng thể nào biết hết. Đó là nơi mà khách phải tự thân mò tới chứ không hề đập vào mắt như những địa chỉ ăn chơi có tiếng khác.

Cái không gian khó mô tả cho những ai chưa từng đến Việt nam. Lác đác vài quán cũng tụ lại thành một quần thể trong một không gian xưa cũ chung nhất. Hầu hết các shop trong các khu ăn chơi của giới trẻ Hà thành này mang chút phong cách vintage cổ điển và lập dị  kiểu “counter-culture” (phản văn hóa).

Có lẽ chỉ có ở Việt nam!

h2Quán Ơ Zone – Xởi lởi trời cho / Bo bo trời cho ăn ời!

Ca dao, “tục ngữ chế” luôn là những đề tài ưa thích của giới trẻ. Thế hệ thiên niên kỷ mới dường như chẳng quá để ý nhiều đến những gì vương vất  của thời quá khứ “cha anh” mình, dẫu các biểu tượng cũ như áo trấn thủ, ca men, sách Mác lê, … có biến thành những chuỗi cà phê sang chảnh mang cái tên “Cộng”. Tay bạn tôi thì cho đấy là “sự nở rộ của dòng văn hóa ngách” (niche culture hay counter culture) bất chấp sự tồn tại của văn hóa đại chúng đối đầu, kể cả lề phải hay lề trái mà là sự khác biệt “bất cần”, khẳng định cái tôi riêng; y như phong cách ăn mặc phá cách, phong thái ăn chơi không giống ai ở những góc khuất nẻo thế này. Tuy nhiên, sự ngắt đứt, đoạn tuyệt với ý thức hệ cũ của giới trẻ ở đây là cực rõ nét.

Bước vào ngay khuôn viên của 60 Square bên tay mặt sẽ là X-lab. Một nơi mà thỉnh thoảng vẫn diễn ra các fair tụ tập của những tay chơi máy cơ. Không chỉ giao lưu các dòng máy phim đời cũ, X-lab cũng bán cả phim và làm dịch vụ dark room cho những tay chơi tuổi teen hoài cổ. Nhu cầu  “xem, thấy” luôn là điểm nhấn được đề cao trong nếp sống trẻ hiện đại. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy nên áo mũ, kiểu tóc hay cả cái cách “nghiêng nghiêng đầu phớt tỉnh” cũng là cái chực bung, muốn lột xác khỏi những motif cũ của những con người trẻ. Đó là lý do cái gì cũng quăng hết lên facebook!

Có thể nơi này là tiếng guitar văng vẳng, những cái dáng đơn độc với cuốn sách nhỏ trên tay. Rộng khắp nhất như một bầy lân tinh là những nhóm chụp hình, trang điểm… với đầy đủ đạo cụ.

h4

Cô gái cầm máy ảnh cơ Olympus. Giới trẻ Hà thành, ngoài mê xơi thịt nướng còn thích chụp hình. Cái thú chơi tốn công, khá “cổ lỗ sĩ” dù là thân máy film 35 hay medium format đều có sự hấp dẫn vì sự hiếm và cổ của những dòng máy ảnh film thời sơ khai  như Canon, Nikon, Pentax, Olympus, Sony… khá rẻ so với máy DSLR, luôn thích hợp với các tín đồ  nhập môn Analog.

h5

Trên gác hai ngôi biệt thự mà cầu thang và vách đã đổ nát là quán xăm Katu Inky và Cá Mòi, nơi chuyên bán những đồ nho nhỏ xinh xinh của Nhật Bản. Tưởng chừng đó là hết nhưng lách qua hành lang nhỏ hẹp chỉ đủ một người, là một tấm rèm cũ bằng ốc phất phơ, chiếc cầu thang cũ kỹ. Sau rèm là Quán Cầm, một chốn gọi là đàn nhưng chỉ một vài cây đàn cũ kỹ làm kiểng. Điều đáng nói nhất tưởng như chẳng bao giờ có ở Hà nội là  trên vách  tường những bức ảnh in lại các hình bìa các bản nhạc phát hành trước năm 75 như “Chiều một mình qua phố”, “Xin mặt trời ngủ yên”, “Đêm đông”,  “Thu quyến rũ”, “Nghìn trùng xa cách”,… mà những ai lớn lên thời thập niên 70 ở miền Nam đều khó quên.

Khách cũng chỉ là những gương mặt non choẹt đang “mỗi tôi là một thế giới ảo” với smartphone. Ở một góc phòng, âm thanh rề rà của tiếng đàn organ ở tuổi hưu trí, hòa với tiếng gảy mandolin rời rạc của một nhóm nhạc “a-ma-tơ” trong tấu khúc về một bài nhạc Trịnh.

Một thi sĩ xưa với cái nick lập dị TchyA (Đái Đức Tuấn) thì ngạo về cái ngõ Thổ Quan của Khâm Thiên này là “đường nhà trời” đến đây để quên đau khổ bằng rượu, phiện, gái… Quá quắt hơn nữa thì Vũ Bằng, Nguyễn Bính còn đề cao Khâm Thiên là cái nôi trác táng, phá phách, ngạo đời… của văn nghệ sĩ Hà Nội xưa.  Những tay nhà văn, nhà thơ bất mãn, đến đấy để được tự do ăn tục, nói phét, chửi đổng, coi trời bằng vung…

Trong ngôi biệt thự Pháp cổ này. Mọi thứ đều nhỏ nhít và cũ kỹ.

h6

Quán Kofi mà rễ cây mọc từ ngôi miếu bên cạnh đã lan cả tới những vách tường. Những cánh cửa sắt cũ, những viên gạch lát nền còn sót lại từ thời cổ la hy. Hồi đầu mới chuyển về đây, cô vợ của tay chủ quán, tên Trang kể với tôi rằng đã phải dọn dẹp đi nhiều thứ lắm! Cái xí nghiệp bưu điện cũ trong con ngõ Thổ Quan chẳng ai màng đến sau thời kỳ Đổi Mới. Cô vợ của cậu chủ quán Kofi tự nhận mình là người bướng bỉnh. Nhà chuyên gốc làm bánh ngọt, thi trượt đại học mà chẳng thèm vào cao đẳng!  Theo nghề pha chế và làm việc ở chuỗi Starbucks Việt nam, tay chồng dân chơi lại theo nghề xăm mình và bạn thân của tay Quang, người sáng lập ra tổ hợp 60 Square này. Cô nàng theo chồng về pha chế đồ uống trong quán Kofi.

Tây đến đây khá nhiều, không chỉ là đi theo những đám bạn Việt, mà có cả những nhóm Tây lạc trôi đến tận ngõ Thổ Quan này để cà phê, cà pháo. Trong ảnh là một “đồng chí Tây” muốn rảnh chân với đôi “dép sục”, mốt dép của mùa mưa Hà Lội.

h7

60 square tự ví mình là một địa điểm về nghệ thuật, nhưng chẳng thấy art gallery nào, một góc x-lab cho phim cơ, một góc “cầm quán”, một góc xăm mình, … Cái tổ hợp khác lạ này có lẽ là một phối cảnh hấp dẫn… cũng như cô bé mặc quần rộng thùng thình, đội mũ nồi đeo mắt kính hay cậu bartender trọc lóc xẻ dái tai với hai khuyên rỗng bự. Sự nghịch dị mà không quá sắp đặt cũng thật thoải mái. Nó không hẳn là xuề xòa casual, là cái gì đó như những trang sách cũ Quỳnh Dao mà đượm khói bồ đà.

h8

Tôi chăm chú vào cái tấm biển ghi “Tri thức là thứ bạn cần”, trong đó chữ “CẦN”được viết cách điệu và minh họa bằng một chiếc lá cần sa. Cái không gian phập phù màu tối nhạt của bóng đèn dây tóc, dù ngoài kia có nắng chan hòa. Tôi vẫn cảm giác mùi cần sa đậm đặc đượm lại trên những ngách tường chi chít những dây rễ cổ thụ. Chỉ mở từ tháng 8 năm ngoái, nhưng đến nay thì Sixty Square được biết tiếng là nơi phả khói bồ đà vô tư của những “teen brain” trẻ thành niên. Tôi hỏi Trang: “Em có thấy đây là một không gian counter culture giống như Zone 9, Vietgangzbrotherhood, etc. hay không?” Cô nàng chủ quán thừa nhận rằng cô chẳng mấy phù hạp với những phong cách lập dị, lạ lẫm, ăn mặc kỳ quái và thái độ tương đối bất cần đời của những khách trẻ đến quán Kofi.

Phía sân sau quán là một tiệm phục chế những chiếc Vespa cổ. Một cái ao bèo eo xèo giữa cơn nóng oi bức của một Hà nội cũ.

h9

Tác giả trên ban công trước 89.1 Studio. Đằng sau là 89.1 Studio của một nhóm chuyên chụp hình set up với nhiều khung hình khá đương đại. Phía dưới là tiệm bán phụ kiện đi phượt cùng xe phân khối lớn của Quang, thành viên sáng lập ra khu tổ hợp Sixty Square này.

Một thoáng, một thoáng Hà nội xưa đây thôi, khá thú vị để tôi tôi biết hơn về dòng chảy “văn hóa ngách” ở cái đô thành “ngàn năm văn vật” này!

ĐMH