Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Tháng Giêng quạnh quẽ trong cái rét dài hơi. Lê rừng về phố như cành củi khô, để rồi điểm lộc trổ bông cuối tháng Giêng. Hộc tường, gian nhà cũ xù xì thời thuộc Pháp, vạt nắng xiên hiếm hoi …

Ngoài hiên phố – gió buốt, củi hồng, vài gã trung niên tay ấp giữa cánh đùi run bần bật, miệng bàn chuyện chiến sự Ukraine và than thở giá xăng nhớt tăng liên tục!

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Hiện đại là chơi nic-salt (muối nicotine) vaping với đủ hương vị sô-cô-la, nho … – nặng đô hơn thì mới có mấy cậu trẻ “đua đòi” truyền thống cái thứ Tiên Lãng hút sòng sọc bằng boong điếu cày ống tre.

Không gian chắp vá, nhà sàn cột gỗ mảng tường xỉ than – Trịnh vẫn tản mát vương vấn trong cảnh huống cũ mộc.

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa” – khu ký túc Khrushchyovka, sản phẩm của tình hữu nghị Sô-viết. Dây phơi, giường tầng – thời Covid thì 9 giờ tối khóa cổng, giới nghiêm lên chuồng. Bách khoa Sài Gòn thì bảnh bao, Bách khoa Hà Nội vẫn lem nhem tồi tàn như một ý thức hệ đã cũ. Ông bảo vệ lầm bầm, “Bản vẽ, dự toán có từ lâu nhưng ngân sách thì Bách khoa Sài Gòn phỗng tay trên trước!”

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Hầm trú ẩn – nơi tách “nâu nóng” chỉ có giá bèo 20,000 đồng và đủ món đồ uống tên gọi dị thường “Tân dòng sông ly biệt”. Gió rét căm rít qua ô cửa lỗ thủng. Sự biến mất của các quần thể Zone 9, 60 Square … giới trẻ khát khao những góc dị biệt để xôm tụ – mà ở đây tôi là kẻ ngoại giới.

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Cư xá đài VOV mà chiếc xe đạp không bảnh chọe vẫn phải khóa xích. “Một mét vuông bốn thằng ăn trộm”, có mất thì “ra chợ Trời mà hỏi.” Mạn phía Nam Hà Nội là những khu nhà thấp tè, những khu tập thể lắp ghép tường mỏng dính mà áp tai vách này là rõ mồn một vách bên.

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Hoa rong, hoa gánh, hoa xô … cúng rằm, mồng một thì ghé chợ. Chơi hoa kiểu Tây sang cả thì ghé “florist boutique”, mọc lên lấm tấm mà dẹp tiệm như chơi. Vỉa hè hoa xô loàng xoàng nhưng lại đủ sắc hoa quanh năm.

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Phố cổ xô bồ, bên ngoài là dãy shop cầm đồ “khét tiếng” – sâu bên trong là con ngõ tịnh … Tắt máy, dắt xe, ôm laptop là có thể thư thả trà sách, làm việc. Những quán cà phê sách yên tĩnh thì không chỉ dân xách laptop mà cả dân Tây đều chuộng – sách ở đây không chỉ trưng bày mà đọc được, có cả những đầu sách chui của Nhà xuất bản “Giấy Vụn”. Cái chốn chẳng bao giờ nằm trong tầm mắt của những kẻ cưỡi ngựa xem hoa đi dạo phố.

Photo: đặng mỹ hạnh / trẻ

Áo coat dày, mũ pom-pom … một ngày rét đậm nhưng cảm giác thật dễ chịu bên tách “nâu nóng”.

Xem thêm:   Di tích Hổ Quyền & Điện Voi Ré ở Huế

ĐMH