Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Áo dài xuân nở rộ khi những cành bích đào mới chớm nụ. Cặp đôi hoàn hảo là những chàng phó nhòm và những “nàng thơ”. Thơ ẩn ngữ tiên tri của Nostradamus, những thầy bói, những bà đồng lại được đem ra mổ xẻ, phân tích vào những ngày giáp Xuân. Đặt bánh chưng, dưa món, lạp xưởng, cặp gà … Tết Covid cũng phải đủ đầy.

Cuối Chạp, nhụy đào lất phất cơn mưa phùn nhẹ trên hiên chợ Quảng An.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Một góc Still Life tĩnh vật – những biểu tượng rainbow ngầm ẩn của LGBTQ zone. Sticker, huy hiệu, móc chìa khóa, bậc thềm, hay sắc cờ cầu vồng  … Không có nỗ lực “khai sáng” ở đây, chỉ là cách thẩm thấu mượt mà rất “fluid” kiểu Song Lang màn ảnh Việt.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Sinh viên nhạc viện Hào Nam mang vẻ tomboy, vớ Doraemon, guitar sticker mèo nhằng nhịt. Kẻ tập dợt, người ngồi nghe thẩm âm – lũ trẻ chẳng màng đến tiếng hàn xì cửa sắt ngoài con ngõ Đê La Thành.

Quán vắng – âm nhạc là thứ để khỏi bị nhấn chìm trong vô số tự sự.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Những bức tường tuổi già ẩn trong những con ngách hẹp.  Hà Nội mặt tiền và Hà Nội trong ngõ là hai bầu trời âm thanh khác biệt. Ngoài thì mờ nhòe hỗn tạp, khoảng sân ẩn giấu thì trong trẻo thanh âm tiếng chim, tiếng lá, tiếng nước sôi, tiếng cống chảy, tiếng khuấy thìa café  … Mùa Đông trôi chậm, ngày rét ít đi. Tết mà không rét, đào nở bung, là đi tong. Hà Nội là phải “hưởng rét”!

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Nhà máy cũ – không còn nhận dạng và mã hóa con người trong bộ áo đồng phục công nhân. Lột đi lớp tường vàng ệch đổ quạu của thập niên 60, khoảng sân điểm danh đầu ngày thành nơi trú ngụ, hàn huyên lớp trẻ gen Z trong food court. “Tinh thần mới” ở đây là nhạt, dịu, sâu lắng của pastel thế chỗ cho cao trào “hô khẩu hiệu” tăng năng suất thời bao cấp.

Xem thêm:   Cái chết của sử gia Phạm Văn Sơn

Cafe, nhà hàng, workshop, tiệm may, đồ thú cưng … những tổ hợp kiểu “tây tây” o ép trong ngõ hẹp dân cư chen chúc thu hút không ít những cô nàng chanh sả, những bánh bèo ngồi đồng, và cả những kẻ thích độc hành nội tâm trên laptop.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Rabbit hole – hang thỏ của những cô nàng Alice khát khao về một thế giới fantasia. Những tiệm nhỏ xíu, trần thấp tè dưới áp lực của những “chuồng cọp” đua ra từ khu Khrushchyovka. “Lơ voong” (le vent), Onni, “nói lắp”-SSStutter North, Kpeace … gợi lên khát khao “phương Tây hóa” lãng mạn.

Khoảng cách giữa ống kính và hiện thực dễ biến người cầm máy khách quan thành kẻ phê bình – bởi nó vẫn chẳng thật lãng mạn như các comment, tấm hình sống ảo. Phá đi những đường biên của những khuôn ảnh ảo là thứ hiện thực suồng sã, những chuồng cọp cơi nới bên trên để làm rộng khu nhà bếp, nhà vệ sinh.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Bức sơn mài cô Chín đạo Mẫu trong cái chốn cũ chẳng đậm màu tâm linh trong khung cảnh hầu đồng. Giải thoát khỏi sự sùng kính, nghiêm trang – nó trở nên hài hòa trong cái không gian rustic bận rộn này. Ông chủ quen mặt xởi lởi pha tôi ly sinh tố khoai, khoe bức sơn mài giá $12,000   vừa mượn về treo vài bữa.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / trẻ

Thoát khỏi cơn chóng mặt bột phát bất tận của tự do, tôi tìm về sắc màu xưa cũ.

Xem thêm:   Dương Tường (04/081932 – 24/02/2023)

ĐMH