dau-nam-xuat-hanh

Tôi đi chùa, chỉ để “cầu dzừa đủ xài!”

Tết năm nay không đủ lạnh để mọi người đều diện áo khoác du Xuân, hái lộc… Hà Nội, vẫn sốt sắng với “đi lễ chùa này” như một tập quán như bao đời. Gần nhà có ngôi chùa Hà, tôi từng vài lần viếng tìm sự an nhiên cho mình trong khuôn viên chùa trầm tịch. Nhưng ngày Tết, thì chùa này không trầm mặc tí nào. Bốc quẻ, xem tử vi, cầu tình duyên lại là câu chuyện khác của ngôi Chùa Hà nổi tiếng này trong những ngày đầu xuân. Cũng chẳng thiếu những than khấn nức nở của những cô gái trẻ “buồn vì tình đời, sầu vì lòng người”.
Chùa chiền thời nay lắm cảnh người chen chân dâng hương, xin sớ. Sinh hoạt này còn được cảm nhận rất rõ ở bất kỳ ngôi chùa đình, văn miếu nào. Cái sự hỗn loạn hiển nhiên này nó dễ làm người ta ngạt thở. Nhất là phải viếng Phủ Tây Hồ trong những ngày “mùng” đầu năm. Khách thập phương đến chẳng để ngắm cảnh bát ngát hương sen hay đài gió gác trăng như tích truyện có cái xuất xứ ly kỳ của bà chúa Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ. Việc chen chân vào để đặt được mâm lễ trong phủ đã là nhọc người. Không ít những cái đầu lô nhô đội mâm lễ, hoặc phải bái vọng từ ngoài vào.

dau-nam-xuat-hanh9Thôi thì, muốn cầu tài lộc, cầu phúc thì phải chịu cực mới được chứng giám!

dau-nam-xuat-hanh8

Đường vào Phủ lắm những hàng quả, hương, oản, bánh kẹo, những cành vàng lá ngọc và nhiều ông đồ cắm cúi viết sớ. Phủ Tây Hồ là nơi đặc biệt đông nghẹt người trong đầu năm mới, đây là chốn dân tứ xứ xung quanh Hà Nội tới xin cầu tài lộc với nhộn nhịp đủ các loại văn khấn. Hoạt cảnh náo nhiệt từ trong ra ngoài. Các ông đồ thời vụ diện áo dài khăn đóng vàng ệch, đỏ choét liên tục mời chào viết sớ. Tôi lia máy về một ông xếp bàn ra xin xem tướng, xem tay thì bị xua lia lịa. Haha! Tay bạn tôi thì ra điều chẳng lạ, hắn kể là ở ngay chùa Hà cũng có một “ông đồ” viết sớ vốn là dân Tổng cục 5, tổng cục Tình báo từng làm việc ở Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật, nay về hưu, tận dụng cái vốn tiếng Trung của mình trải giấy, mài nghiên viết sớ cầu duyên cho khách thập phương. Có mấy ai biết là các ông đồ ở đây toàn là những thầy giáo Trung văn chạy dạt viết sớ, xem tướng kiếm thêm trong ngày Tết. Thần linh quyện với không khí hỗn độn đầy mùi dầu mỡ của bánh tôm đang xèo xèo với ngồn ngột bánh đúc xếp lớp cùng những thau chậu bẩn đầy tô của hàng bún ốc bán cho khách thập phương.

Mà cái chuyện văn khấn ở đây cũng đủ thanh la giọng điệu như phường bát âm trong các lễ đám. Thôi thì, “con xin cô, con xin cậu, con xin thánh,” … Vay năm trước các thánh thần mà có trúng thì đầu năm mới nhớ mang tiền vàng mã đi trả nợ. Trong phủ là một hàng bàn dài đầy đĩa nhựa để các con nhang đệ tử xếp lễ vật mà cúng. Trong hình là một cậu trẻ tay bưng mâm lễ. Lạy thánh! Cúng Phật, giờ còn có cả rượu bia và thuốc lá.

dau-nam-xuat-hanh7

dau-nam-xuat-hanh5

Một diva trong làng ca nhạc đất Bắc đi lễ chùa Phổ Linh cùng với chú cún cưng nhân đầu năm Mậu Tuất.

dau-nam-xuat-hanh6

Em đi chùa Hương mà vẫn “thiếu vải thừa da” thì trách sao khách thập phương không giữ được chánh niệm?

dau-nam-xuat-hanh4

Góc đường Phùng Hưng nơi chuyên bán thịt cầy đã thành phố bích họa. Thiếu nữ Hà thành mặc áo dài cách tân, tay bồng cún. Mong rằng, món “Mộc tồn” Nhật Tân chỉ còn trong ký ức những người Hà Nội xưa.

dau-nam-xuat-hanh2

Hà Nội có nhiều đền chùa, có những nơi thì chật ken người cầu tài lộc, cầu an, có nơi có cảnh đẹp thì nhiều nhóm người cùng tấp vô mà selfie. Cũng có những khoảnh khắc thư an chắp khấn Phật bằng tấm lòng. May là vẫn còn những không gian tương đối thoải mái để vãn cảnh cầu an.

dau-nam-xuat-hanh1

Cha con đồng điệu với áo dài không khăn đóng.

dau-nam-xuat-hanh3

Đầu năm mới, những khung hình cũng đậm màu sắc hơn. Người Bắc vốn tính cộng đồng cao hơn, và không ưa màu trội nên chỉ vào những dịp lễ lạt mới thấy “những tấm áo mới” làm tươi vui thêm khung cảnh có phần khá trầm mặc của chùa chiền đất Bắc.