– photo dangmyhanh/tre

Tôi tò mò với sự sạch sẽ của Singapore nhiều hơn là sự hiện đại của đảo quốc này. Khi còn trên bầu trời Changi, đã nghe thông báo nếu mang ma túy vào Singapore sẽ bị tử hình. Gã taxi lẹt đẹt đứng chờ cửa đón với tên tôi trên cái màn hình smartphone bé tẹo, không giống những tấm carton nguệch ngoạc thường thấy ở Bangkok hay Việt Nam. Những tấm biển phạt luôn là thứ hiển hiện nhất ở đảo sư tử, đón khách không đúng chỗ là phạt 300 SGD và trừ ba điểm vào bằng lái.

Orchard Hotel ngoài phòng lobby ra vẻ tráng lệ, phòng ốc thực chẳng xứng với tiêu chuẩn 5 sao. Dẫu vậy, nó khá tiện lợi vì nằm giữa khu trung tâm shopping Orchard của Sing, tiện nhảy tàu điện ngầm chu du khắp đảo vì giá taxi quá cắt cổ. Buffet luôn sẵn các món Mã Lai, Ấn Độ; chẳng ngạc nhiên khi thấy từng đoàn khách Ấn đổ bộ xuống đây. Từ lễ tân tới porter chỉ toàn dân Chà Và.

– photo dangmyhanh/tre

MRT (Mass Rapid Transit), hơn ba triệu dân Sing nhảy tàu điện ngầm, một phương tiện chính với đa số dân Sing. Ở đây tuyệt đối không đề cao phương tiện cá nhân như xe hơi ở Mỹ hay xe Honda ở Việt Nam, mọi thứ đều bị lệ thuộc vào hạ tầng do chính quyền Singapore quyết định. Rất nhiều trạm và tuyến tàu điện ngầm hoạt động trên hòn đảo nhỏ này. Những ma trận đi bộ dưới lòng đất dẫn đến sân ga rất xa, nếu lỡ bỏ qua một cái biển hướng dẫn rất dễ bị thất sắc!

Ở trạm vé, tôi mua một thẻ “Day Pass” để có thể dùng tất cả các tuyến và bị tính luôn phí deposit, sẽ được hoàn lại khi trả thẻ .

– photo dangmyhanh/tre

Những tuyến tàu tôi lên thường chật nêm người, một thế giới ẩn mình dưới lòng đất khác hẳn với sự quang đãng sạch đẹp bề nổi mà Singapore muốn phô trương. Những dòng người lũ lượt trong những lối đường ngầm zigzag. Sự tất tả, uể oải trên những khuôn mặt ào vào thang cuốn, ào vào cửa soát vé… Nó dường như chẳng phải là first-world country. Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng hệ thống HVAC thông gió fresh air thật tuyệt vời mà Việt Nam cần phải học hỏi.

Trên 20% người Singapore, khoảng 1 triệu dân, thuộc ngưỡng “nghèo tương đối” (relative poverty), sống bên lề xã hội không đủ khả năng chi trả mức chi tiêu ngoài những nhu cầu căn bản nhất. Giá sinh hoạt ở Singapore đắt đỏ nhất thế giới trong 5 năm liền; một cây kem cone nhỏ ở Orchard mà tôi phải trả 7 SGD. Những trải nghiệm trên sân ga, những chuyến tàu điện ngầm, và cả những địa đạo đầy shopping mall cho tôi thấy rõ thái cực của sự giàu/nghèo ở Sing, khác hẳn ấn tượng về một đất nước phồn hoa “rất sạch và đẹp”.

– photo dangmyhanh/tre

Sago Street. Những ô cửa màu sắc còn giữ từ thời thuộc địa. Một bên là chùa Răng Phật, sau lưng là chợ hàng rong mà giờ đã thành những kiosk nhếch nhác xếp lớp trong khu phức hợp. Mấy ông già người Hoa móm mém túm tụm chơi cờ tướng, một bà sồn sồn đang gắng hoài cổ với mấy bản nhạc của thời TVB thập niên 80. Một thế hệ lạc loài cả trong cách ăn mặc vẫn tồn tại ở một thế giới Singapore hiện đại.

Tôi thực chẳng bị khu phố Tàu ở Singapore này “thổi bay”. Sạch sẽ, hiện đại và khá … vô hồn. Một khu chợ đầy màu sắc những cửa tiệm souvenir hàng Mỹ ký lòe loẹt Made in China, chẳng có gì authentic. Nó không cho tôi cảm giác muốn mua một món đồ lưu niệm ở đây .

– photo dangmyhanh/tre

Tấm biển “Crime Alert” cảnh báo móc túi đón chào du khách trong khu chợ Tàu. Những kiosk san sát kiểu cũ, bẩn thỉu và ồn ào khác hẳn với cái ảo giác về một Singapore sạch đẹp. Restroom vẫn nồng nặc mùi ammoniac, không có giấy vệ sinh bên trong. Lỡ dùng cầu tiêu thì phải chạy ra ngoài mua gấp mấy mẩu giấy chùi màu cháo lòng của một ông già ngồi canh cửa restroom, vừa ăn cơm chiên hộp vừa thu tiền.

photo dangmyhanh/tre

Một cô gái cầm menu chào mời món vịt quay Bắc kinh. Đừng hỏi giấy napkin vì rất dễ bực bội, những tiệm ăn ở đây không có giấy napkin. Muốn chùi miệng thì phải đi vài chục mét đến vài điểm bán. Cái tôn chỉ sạch-đẹp đã tước đi sự tiện lợi và thoải mái, có lẽ, những cái liếm mép thay giấy chùi trở thành chuyện thường tình ở đây. Nếu lỡ có thấy gói napkin ở bàn cạnh bên, thì đừng nghĩ của ai bỏ quên. Đấy là một cách thức giữ chỗ “chope” rất riêng biệt của người Sing.

photo dangmyhanh/tre

Người đàn ông gầy gò nhỏ thó với công việc lau dọn ở phố đồ ăn Smith Street.

– photo dangmyhanh/tre

“Cô Ba quán” với tấm biển áo dài sến sẩm, rất là cliché! Quán bánh xèo ngay trong khu Chinatown. Ngôn ngữ Việt đủ giai tầng trên đất Sing. Như cô bồi phòng trẻ quê Gò Công trong hotel Orchard, chào tôi bằng giọng rặt miền Tây, đến cậu trai “Nghệ An” với cái “nón bò” đội ngược làm thi công. Và cả những cánh bướm đêm rệu rạo giọng Bắc the thé trong những chiếc váy bó cũn cỡn chọn ngã ba đường Claymore và Orchard làm cứ điểm, dù chẳng phải ở khu đèn đỏ Geylang.

– photo dangmyhanh/tre

Tôi ở con phố Mohamed Ali bên một bức bích họa tường .

– photo dangmyhanh/tre

Tiệm cà phê “Singlish” – lấy theo tên một ngôn ngữ đặc thù ở quốc đảo. Singlish với nền tảng tiếng Anh nhưng có sự pha trộn của tiếng Mã Lai, Quảng, Phúc Kiến mà thành. Từ chỗ là một ngôn ngữ thấp kém cho những người Sing không rành tiếng Anh từ những thập kỷ trước, nó trở thành một phần mang tính biểu tượng của Singapore. Tiệm cà phê này còn soạn sẵn vài từ Singlish phổ thông để nói ghép với cụm từ tiếng Anh như makan (ăn), tapao (take away) hay chope (đặt bàn) .

– photo dangmyhanh/tre

Chuyện chewing gum bị cấm thì nhiều người biết, nhưng nỗi khổ của những con nghiện vã thuốc lá thì rất là trần ai! Những tay nghiện nicotine chen chúc trong cái chuồng vạch vàng vô hình chỉ hẹp 1m2. Thuốc không được phép bày bán công khai, thậm chí ở quầy 7-Eleven thì những gói thuốc được xếp kín bưng trong tủ màu vàng, chỉ lấy ra khi có người hỏi mua. Một gói Marlboro Light giá 15 SGD (11.05 USD).

Lời khuyên cho những ai hút thuốc là đừng mang thuốc lá vào Singapore, dù giới hạn một bao thuốc lá cho phép nhập cảnh vẫn bị đánh thuế, mà còn rất phiền hà với hải quan .

– photo dangmyhanh/tre.

Bắt chuyến tàu điện từ Chinatown qua ba trạm là đến khu Little India, và có thể thấy ngay những cái đầu turban, váy áo sari sặc sỡ ở sân ga. Ra khỏi khu Little India là khu chợ sặc mùi cà ri và điệu nhạc Bollywood. Con phố Kerbau Rd. tấp nập những người gốc Ấn xếp hàng chờ chuyển tiền về quê nhà.

Trước hiên một quán ăn bình dân trong khu Little India. Đặc điểm khó thể lẫn được là màu sắc sặc sỡ với thực khách Ấn tay ăn bốc, tay lướt smartphone. Ở đây có đủ đền đài, màu sắc, khu chợ rau quả và cả những tiếng ồn.

Ai đó đã nói Singapore là đất nước của những người nghèo trong trang phục của kẻ giàu – a poor man’s country in rich man’s clothes. Dòng họ Lý Quang Diệu đã lấy tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử mà biến một làng chài nghèo thành chốn phồn vinh – nhưng sự tự do của Singapore vẫn là sự tự do trong khuôn khổ. Xứ sở khí hậu xích đạo đặc thù, hệ thống sinh thái lành mạnh, hạ tầng tốt… nhưng đất Ngư Sư vẫn cho tôi cảm giác chật vật để tồn tại và sự nhợt nhạt trong tinh thần.