photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Cái nóng vẫn vây hãm Hà thành, chỉ có Sở điện lực “trúng mùa, được giá” khi cái máy lạnh nhà tôi chạy muốn vã. Lâu lắm mới được một trận mưa xả bớt nền nhiệt hầm hập. Chị bán “Bún ziu gánh” ở đầu ngõ cũng nghỉ bán vì lề đường ướt át.

Sớm tà tà ra hồ Hoàn Kiếm, cành phượng vĩ trổ bông xuống mặt nước, xa xa là nhà hàng Thủy Tạ với đồ uống cũng khá OK. Đằng sau là những chiếc xe điện chở du khách chạy bằng năng lượng mặt trời đậu xếp lớp, những người bán rong đồ lưu niệm, tốp đàn bà chụp hình dạo, người dắt chó quanh hồ, mấy sinh viên đi “bắt Tây” để tập tành tiếng Anh… “Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục” chỉ là cái bùng binh phun nước be bé, bắt đầu thêm những tấm biển hiệu từ Dunkin’ Donut, Domino Pizza, Popeyes… đến từ Mỹ quốc!

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Dân Hàn quốc giờ đây rất chịu sang Việt Nam không chỉ để du lịch mà để làm việc. Đây là một phần trong chiến dịch “K-move” của chính quyền Hàn quốc, những sinh viên tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ khi kiếm job ở nước ngoài. Không gian địa lý gần gũi, văn hóa tương đồng và một cộng đồng ngoại kiều gốc Hàn sinh sống ở Việt Nam ngày càng đông khiến Việt Nam bất chợt nổi lên thành một điểm đến cho giới trẻ xứ Kim Chi. Giờ đây, rất dễ dàng bắt gặp không chỉ là những đoàn khách đi tour lớn tuổi xứ Hàn, mà rất nhiều bạn trẻ chu du khắp xó xỉnh phố xá Hà Nội.

Ảnh của một cặp đôi trẻ selfie trên cầu Thê Húc.

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Tôi gặp người đàn bà chụp ảnh dạo, đáng ngạc nhiên là thời này thì chẳng mấy cánh râu ria vác máy hình dạo.  Thâm niên 20 năm chụp hình kiếm cơm ở Bờ Hồ. Sau thời kỳ bao cấp và bước vào kinh tế thị trường, nhà máy nơi chị làm ở công đoạn sản xuất bắt đầu cắt giảm biên chế. Chị lúc đó còn trẻ, cũng chưa kịp có “biên chế” – thứ được coi là nồi cơm Thạch Sanh thời đó – đã bung ra ngoài bắt đầu làm riêng. Chụp ảnh dạo, cái nghề trước kia chị kể là còn “có việc”, thời đại của smart phone và máy chụp hình ưu thế thì việc kiếm ăn ngày càng hẩm hiu hơn. Mỗi tấm hình chụp và rửa ra thì giá 25-30 nghìn tùy theo kích cỡ. Bờ Hồ này, hú họa thì được vài ba du khách muốn chụp hình lấy liền. Tôi nhìn cái ống kính cũ kỹ ló ra từ miếng vải che bọc cẩn thận, dù chỉ vài hạt mưa vừa lác đác rớt trên mấy tán cây.

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Một bà cụ còng tuổi chít khăn đang chăm chú ngắm nhìn “cụ rùa” bằng xương bằng thịt trong đền Ngọc Sơn. Take that, những người dân Scotland mặc váy. Nếu họ có thủy quái Loch Ness, thì dân Việt cũng có linh vật là những “cụ rùa”!

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Lần thứ hai ghé qua Bảo tàng lịch sử Việt Nam cũng vào một ngày mưa. Lưa thưa vài mống khách Tây, vẻ chú tâm với các bộ sưu tập cổ vật của lịch sử Việt qua các triều đại. Bộ sưu tập đồ gốm và điêu khắc cổ và quý trong một tòa nhà cổ kính, mặt tiền vàng cam với mái cong và tháp lục giác, trước đây (năm 1932) từng là Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Dân Việt, có lẽ chẳng mấy ai quan tâm đến “cuốn sử giữa lòng Hà thành” này ngoài những nhà Việt học. Vài tốp học sinh vừa đến mang theo những ồn ã. Ở đây, đi nhẹ nói khẽ hay cười đùa dường như hiếm khi được tôn trọng dù ngay ở một nơi như Bảo tàng viện.

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Trong bảo tàng lịch sử, một cô giáo đang đọc- chép cho các trò về lịch sử triều Nguyễn. Các trò thì cứ cắm cúi chép, chẳng hề thắc mắc. Một kiểu giáo dục rất ư đặc sệt “nhồi sọ”, cô giáo đọc tới cả từng dấu phẩy, “chấm xuống dòng”; nó làm tôi liên tưởng đến những bài học lịch sử khô khan, ê a thời trung học. Hèn chi, học sinh Việt Nam khó ưa môn sử vậy? Dù là đang mùa Hè thì đám học trò vẫn phải nai lưng học thêm môn sử, có lẽ chuẩn bị “tuyển sinh” vào một “trường điểm” nào đó để thành một kiểu “gà nòi” tân thời thế kỷ 21.

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Mọi góc quán này đều đóng khung treo các tấm hình Obama nhắc về bún chả, bia Hà Nội. Rõ ràng, chủ quán đã không thể làm tốt hơn việc tung hô  Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, một vị “thần tài” bất ngờ đã làm đổi đời cái hàng bún chả chẳng chút tiếng tăm gì trước đó.

Nhà hàng “bún chả Obama” giờ thì cực đắt khách với thực khách không chỉ là những dân Hàn, Nhật mà khách Tây cũng tăng vọt; shipper từ GrabFood, Now, GoViet, … cũng đứng xếp hàng mang về cho những thực khách order online. Bác gửi xe buôn chuyện chém gió với tôi rằng “thời cao trào Obama thì mỗi ngày quán này tiêu thụ từ 7 tạ đến 1 tấn bún, lãi tới mấy chục triệu đồng”!

photo đặng mỹ hạnh/trẻ

Chiếc bàn mà Obama ngồi cùng đầu bếp Anthony Bourdain được lồng kính rất trịnh trọng ở tầng 2 của nhà hàng. Thật may, tôi đến sớm hơn giờ trưa nên chẳng phải lội bộ gửi xe tuốt ở chợ Hôm Đức Viên vài trăm mét, tuyệt hơn là chỉ có bàn số 55 và 56 là ngay sát “di sản” này thôi! Ngồi cạnh cái tủ kính, tôi bật cười, có lẽ họ nên để thêm hai vỏ chai bia Hà Nội cho thật “authentic”.

Trong menu, Combo Obama được đặt đầu tiên. Chỉ với 90,000 đồng là có thể thưởng thức chính xác những gì Obama đã từng dùng. Chả của quán có ít mỡ heo hơn để phù hợp với thực khách ngoại quốc. Bún chả ở đây không quá xuất sắc và có lẽ không ngon hơn nơi khác. Qua mặt những nơi từng tiếng tăm hơn như bún chả Hàng Mành hay Sinh Từ, cái hype mà Obama tạo ra mới thực là điểm nhấn ngoài mong đợi của quán bún chả Hà Nội bình dân này.