Lời Tòa Soạn: Trẻ xin gởi đến bạn đọc một bài song ngữ [en] cho mục Cõi Riêng, phần tiếng Anh do Ian Bùi biên soạn, với mục đích giới thiệu vài nét đặc thù của Việt Nam cho những độc giả trẻ sinh trưởng tại Mỹ có thể tìm hiểu thêm về quê hương của thế hệ cha ông.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về BBT tại địa chỉ tòa soạn. Cảm tạ.

cho-que8

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Chuyến về quê cùng cô bạn xuống Thanh Oai, Hà Tây một ngày ẩm ướt. Chẳng mấy khi về thăm xứ Đoài, cơn mưa rào giữa đàng giữ chân tôi ở cổng nghi môn đình làng cũ. Chiếc cổng nghi môn xưa với gian vọng lâu, bậc đá rêu phong trơn trợt… Dân làng dù đã chế cái cửa gỗ gắn chốt thì ở trên gian gác của nghi môn vẫn ngập những rác vỏ chai nhựa thời hiện đại, bên dưới chân cổng cũ xưa là những cụ già cặm cụi với nghề làm nón.

Chẳng mấy ai đoái hoài đến những gì đã cũ… Cái cổng nghi môn của đình làng trở thành nơi họp chợ!

cho-que7

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Phiên chợ của những ngày hè khi sương sớm chưa kịp tan. Người đàn bà quê thồ những mớ lá lụi trĩu trên “pót ba ga”, cái phương tiện gắn bó lam lũ đã đến tuổi dưỡng lão. Sống ở Hà Nội, tôi dần quen thuộc những chợ phiên của dân Kẻ Chợ. Một nét cũ vẫn còn chút hiện hữu, dù là ở một sân đình, một bãi đất trống ven đường, hay một khoảng sân của khu dân xưa.

cho-que6

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Cái nghề nón và Bà Cụ Phá song hành gần hết cuộc đời. Áo nâu sồng, khăn lươn vấn đầu, bức tường đình loang lổ… mốc meo như một thước phim cũ trước mắt tôi. Nghi môn chỉ rộng đủ cho năm bảy người ngồi bán. Chợ quê nghèo, người làng nghèo, tuồng như cái sân đình này là chỗ sạch sẽ nhất trong làng vào ngày mưa.

cho-que5

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Cật nứa được bán theo ký, cật trắng làm nan, cật đỏ trang trí vành ngoài nón. Tôi chú ý đến cái dáng dấp nhỏ thó của bà cụ mua len. Người già ở làng này dường như chẳng biết đến tuổi hưu, cái nghiệp của làng nghề bám theo các cụ tới lúc tắt thở.

Chiếc “nón Huệ” và áo dài cách tân đã thay thế hoàn toàn cái nếp đeo thúng quai thao cồng kềnh của những đàn bà Bắc Bộ. Chiếc nón của xứ Trung Kỳ vừa nhẹ vừa tân kỳ đã chinh phục làng nón cổ xứ Đoài.

cho-que4

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Không như sự mường tượng của tôi về cảnh chợ quê đông đúc. Nó giống như cái chợ chồm hổm, chỉ lớn hơn chợ cóc sớm ở Hà Nội. Không sạp, không lều quán – chỉ là một mảnh đất trống trước đình làng để các bác, các u đội mưa nắng bán buôn. Bước đi giữa chợ, xen cùng tiếng mặc cả mớ rau, con cá lại rôm rả những câu chuyện làng trên, xóm dưới rất ư “hồn nhiên quê”.

cho-que3

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Cái ao làng rêu đục bẩn đến khó tưởng, lềnh bềnh với rác lẫn mùi hôi. Những con cá vàng sống hỗn sinh trong thứ nước nhờn xanh. Bất chợt, một chị hàng rau nhúng bó cải xuống mặt nước tù đọng, kế đến là một ông ra rửa cá ngay bậc thềm cũ. Nó trở thành chuyện thường ngày ở huyện, mà dường như cái thói quen “ăn bẩn sống lâu” có lẽ chẳng xi nhê đến cái tuổi thọ của người dân đất này.

cho-que2

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Sự cằn cỗi của những bậc thang con dốc chợ quê. Tôi vẫn nhìn thấy sự nghèo túng trong cách sinh hoạt chợ búa. Những siêu thị, những mini-mart còn chưa thèm bén mảng đến cái vùng “Hà Nội mới” này. Cái cũ kỹ, xám xịt nơi thôn dã dễ khiến những người trẻ chẳng muốn chôn vùi tuổi xuân ở đây.

cho-que1

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Bà cụ tóc bạc còn giữ thói quen “ngậm tăm ra đường”. Bữa nay có lễ tạ Mẫu ở Đình nên bà diện áo nhung đỏ, quần lụa đen, bóp đầm Quảng Châu, nhưng chân thì vẫn lẹp bẹp đôi dép nhựa tông. Những tập tục cũ chỉ thu hút những bô lão trong làng. Bà cụ mắt nhòe, nhìn cái áo sọc sặc sỡ tôi mặc mà trông gà hóa cuốc. Bà chỉ vào tôi mà nói “Bọn trẻ hai mấy như cô, chúng thoát ly làm công nhân hết rồi!”

Chẳng hiểu sao, cái dáng choắt bé của những người đàn bà thôn quê, những cái nón lá sùm sụp trên gương mặt khắc khổ, luôn gợi trong tôi câu hỏi về một thời kham khổ đã xa lắm!

cho-que

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Dạo quanh cái vòng chợ tẻo teo, tôi ngồi ngắm hoa sứ rơi lã chã trên thềm gạch ướt mưa. Sự tĩnh mịch của một góc sân đình vẫn vẳng tiếng rôm rả của phiên chợ sớm.

DMH