Tháng Bảy rồi đó. Mùa Vu Lan lại về.

Vu Lan – theo tinh thần nhà Phật- là Mùa Báo Hiếu mẹ cha, đền đáp công ơn những vị đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Công cha nghĩa mẹ, làm sao quên được. Lễ Vu Lan – như trong đời sống chúng ta bây giờ – xuất phát từ chuyện Ngài Mục Kiền Liên, thương nhớ mẹ là Bà Mục Liên Thanh Đề bị đọa vào ngạ quỷ.   

Bỗng nhớ ca khúc Mục Kiền Liên của Ðỗ Kim Bảng thời nhỏ ở Vương phủ: Ðìu hiu gió / Bóng chiều rơi theo lá thu/ Có đàn chim bay vẩn vơ / Chuông chùa xa đưa huyền mơ / Mục Kiền Liên đứng nhìn cánh đêm dần lan / Nhớ mẹ xót xa tâm hồn / Bóng mẹ biết bây giờ đâu…

Kinh sách Nhà Phật chép: Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, chứng quả A La Hán, đã vận dụng thiên nhãn để tìm xem mẹ tái sinh ở đâu. Ngài thấy mẹ bị đọa vào ngạ quỷ, gầy ốm, đói khát rất khốn khổ. Lòng đầy thương xót, Ngài lấy cơm trong bình bát dâng mẹ nhưng cơm liền biến thành lửa. Mục Kiền Liên trở về bạch Phật và xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật khuyên Ngài Mục Kiền Liên sắm sửa lễ vật cúng dường, dâng các Chư Tăng, Hiền Thánh ngày rằm tháng Bảy và xin các Ngài cầu nguyện cho, thì cha mẹ bảy đời quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều phước đức. Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng Bảy sắm sửa lễ vật dâng cúng Chư Phật, chư Hiền thánh và xin các Ngài cầu nguyện cho mẹ. Ngay sau đó Mẹ Ngài Mục Kiền Liên hối cải, nên được giải thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời. Từ đó Phật tử theo gương Ngài, hằng năm tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu mẹ cha vào rằm tháng Bảy .

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Trong ngày nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ thì cài hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh du học ở Nhật thấy tập quán này có ý nghĩa nên du nhập vào VN. Phong trào “Bông hồng cài áo” ngày Vu Lan được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó. Và cũng từ đó, cái tình đối với mẹ dường như sâu hơn, đậm hơn -và lòng tưởng nhớ mẹ như càng thôi thúc hơn. Lẽ dễ hiểu là lòng hy sinh ở mẹ vô cùng rộng lớn. Nguyễn Ðình Toàn, trong CD Tôi Muốn Nói Với  Em, có một ca khúc rất hay, La Sương Sương hát với giọng nam phụ họa, đó là bài Mẹ.

Chân tay con mẹ cho với sữa mẹ

Trong tim con mẹ san máu xuân thì…

… Trong đêm khuya mẹ như ánh trăng rằm

Soi cho con bằng đôi mắt dịu dàng

… Ngày trời mưa

Mẹ cười xua bóng mưa cho con

 

Mai sau cho dù con lớn khôn và

Đi đâu xa rồi con cũng quay về

Sông mênh mông trời biển lớn

Cũng không ngoài tình thương

Mây âm u rừng ngả bóng

Xuống lòng mẹ nhớ con

Mùa Vu Lan năm nào, nhà văn/bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc cũng có bài Bông Hồng Cho Mẹ. Vừa qua, Ðỗ Hồng Ngọc đã viết về bài thơ này như sau:

“Bài thơ nhỏ của mình viết ngày Giỗ Mẹ đầu tiên năm 2012, cũng là ngày Vu Lan, chỉ có 4 câu ngắn ngủn:

Con cài bông hoa trắng

Dành cho Mẹ đóa hồng

Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông…

ĐHN

Chẳng ngờ được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc với một âm điệu đầy xúc cảm và ca sĩ Diệu Hiền đã trình bày dạo nọ. Nay ca sĩ Thu Vàng cũng vừa thực hiện xong clip bài hát này, xin được chia sẻ nơi đây cùng bè bạn thân quen.

Thu Vàng hát thật lạ! Thử nghe xem. Câu “Mẹ nhớ gài lên ngực” hình như cô đã khóc, tiếng hát bỗng run và rung…

Nhà thơ Ðỗ Trung Quân hôm nghe Thu Vàng hát ở Ðường Sách cũng kêu lên với tôi: ”Em thấy rợn người. Nhất định em sẽ vẽ, sẽ vẽ…”

Như vậy, Vu Lan, trong đời sống chúng ta, đã trở thành ngày tưởng nghĩ tới mẹ. Ngày Lễ Vu Lan như vậy là ngày để mọi người làm cái gì đó đặc biệt cho mẹ, nếu mẹ còn tại thế. Còn nếu mẹ đã khuất núi, thì cài bông hồng trắng lên áo và cầu kinh, khói hương tưởng niệm. Ở quê nhà, hay ở đây cũng vậy, tình nghĩa đối với mẹ đã ăn sâu vào đời sống, và mãi mãi được duy trì.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Xuân Tâm, thời tiền chiến, có một bài thơ nhớ mẹ, viết với những lời giản dị nhưng rất xúc động:

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi

Lưu Trọng Lư có bài thơ Nắng Mới viết về mẹ cũng rất hay. Và hầu như mỗi nhà thơ đều có viết về mẹ và viết với nhiều cảm xúc. Tôi không còn mẹ. Nhiều người không còn mẹ. Phúc cho ai còn có mẹ ở trên đời này. Vậy xin các bạn sớm hôm phụng dưỡng mẹ, và cả cha nữa, cố nhiên. Ðể những ngày của mẹ còn lại ở thế gian này thực sự là những ngày hạnh phúc.

Nhớ Vu Lan năm nào, Hòa Thượng Thích Quảng độ nhắc nhở chúng ta, rằng theo Kinh Phật dạy, chúng sanh trong vô lượng kiếp, đều là cha mẹ thân thuộc lẫn nhau. Cho nên, cúng dường cha mẹ, đồng thời cũng cúng dường tất cả chúng sanh. Và mùa Vu Lan báo hiếu, trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đã biến thành Mùa Xá Tội Vong Nhân. Do đó, rằm tháng Bảy còn là  ngày tưởng nghĩ đến những người đã chết thất tán, không nơi nương tựa.

Tháng Bảy Ngày Rằm xá tội vong nhân, cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát. Chính trong tinh thần đó, và với lòng thương tưởng bao la của một nghệ sĩ  lớn, Nguyễn Du đã viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, tức Chiêu Hồn Ca. Và kêu gọi những hồn tản lạc, lôi thôi bồng trẻ dắt già, ai khôn thiêng đó lại mà nghe kinh…

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Với chúng ta, từng dấn thân vào cuộc chiến dài hai chục năm trên đất nước mình, đã chứng kiến bao nhiêu bè bạn đồng bào ruột thịt gục ngã, rồi kể từ Tháng Tư Mùa Xuân Ðen 1975, số người tìm cách vượt thoát, bỏ thân trên rừng trên biển có đến hàng trăm ngàn người. Làm sao chúng ta ở phương trời này quên được những bạn bè anh em thân nhân đó của chúng ta. Vậy trong Mùa Vu Lan, xin hãy cùng nhau thắp lên nén hương tưởng niệm và cầu nguyện cho những hồn oan ruột thịt được siêu thoát. Và trên tất cả, hãy cám ơn mảnh đất này đã chấp nhận chúng ta, cho chúng ta cơ hội sống và làm lại cuộc đời, nghĩa là phục sinh từ những đổ vỡ ngày qua:

cùng với mọi người. tôi nối vòng tay

và cảm ơn thế giới đã cho tôi chỗ ở

khi nước mất nhà tan. bạn bè xiêu tán.

Vu Lan, từ đó, với chúng ta, có một ý nghĩa vô cùng thâm sâu vậy.

TN