Tháng 6 về. Lại nhắc đến Thiên An Môn. Ba mươi mốt năm qua rồi sao những âm thanh cuồng nộ và đau đớn vẫn còn vang vọng từ lòng gạch đá.

Nhớ một lần, Nguyễn đã viết: Thiên An Môn, từ sau năm 1989, đã trở thành vùng đất thiêng gợi nhớ. Ðây là nơi lảng vảng những hồn ma của quá khứ. Ðây là nơi khách từ năm châu đứng lặng nhìn hoàng hôn mà còn nghe vang vọng tiếng kêu gào đau đớn và phẫn nộ của hàng ngàn sinh viên bị đàn áp trong sự biến xảy ra vào tháng 6 năm 1989. Mường tượng thấy những ánh lửa trong đêm, những mái đầu gục vào nhau trong giấc ngủ mơ, những mối tình nở vội dưới ánh trăng trên quảng trường. Rồi bỗng sấm sét cuồng phong dấy lên, người chết phơi thây trên gạch đá.

Bây giờ là tháng 6. Tháng 6, trời nhiều mây trắng. Mây năm xưa đã phiêu du trở về… Và nhớ lại Chiều qua Thiên An Môn đã viết ngày nào. Vậy xin chép tặng người những câu thơ lưu lãng:

Chiều qua Thiên An Môn

nghe tiếng dội từ gỗ đá

từ một mặt trời lặn tắt

 

chiều qua Thiên An Môn

chợt nghĩ tới em

trên đại lộ Trường An ngày ấy

chúng ta nắm tay nhau

đứng lặng. nép vào góc phố

rầm rập những chiến xa

giẫm nát thân người

và súng nổ

vầng trăng. run rẩy. trên cao

 

Chiều qua Thiên An Môn

gọi tên những người yêu nhau

thất lạc

giờ đây. anh đứng một mình

giữa phố Tàu. ở San Francisco

chợt nghe một tiếng kèn ma

và anh biết

không còn. không còn gì nữa

 

Chiều qua Thiên An Môn…

Chúng ta cùng nhớ lại: Ngày 19 tháng Năm năm 1989, thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng quyết định huy động quân đội để đàn áp các sinh viên biểu tình. Ðây là khởi đầu cho biển máu ngày 4 tháng Sáu. Tác giả Arnaud Vaulerin trên Libération hôm nay 20/05/2019 trong bài viết «Thiên An Môn : 30 năm sau đêm đất trời đảo lộn », thuật lại chi tiết theo lời kể của một giáo sư triết Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp.

Xem thêm:   Dubai

…Một tia sáng lóe lên trong ánh nhìn, như một thoáng cười từ thẳm sâu kỷ niệm, sau hai tiếng đồng hồ tâm sự trước ly cà phê đen và một chai Orangina, trong một quán cà phê ở quảng trường Denfert-Rochereau, Paris. Mùa Xuân đã đến rồi. Nó gợi lại những hình ảnh luôn bền bỉ về một mùa Xuân khác, vào năm 1989, tại Trung Quốc.

Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo) nhớ lại: «Bạn không thể tưởng tượng được sự sôi nổi vào thời đó, với hàng triệu người tham gia vào thời điểm đặc biệt ấy. Trong suốt nhiều tuần lễ, chúng tôi đã sống qua thời khắc tự do duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, dưới cái nhìn của toàn thế giới. Lần đầu tiên phương Tây nhận ra rằng người Trung Quốc có thể biểu tình và chỉ trích các nhà lãnh đạo ».

Ðó là tia sáng đã làm rạng rỡ khuôn mặt người thầy giáo dạy môn triết, đã phải chạy trốn khỏi đất nước sau vụ đàn áp năm 1989, khi những chiếc xe tăng của quân đội đè bẹp phong trào Thiên An Môn đêm 3 rạng 4 tháng Sáu. Thời điểm này đã cắt làm đôi cuộc đời của Thái Sùng Quốc, cũng như đã để lại « một sự chia rẽ vô cùng sâu sắc nơi người dân Hoa lục ».

Tháng 6 năm 2004, mười lăm năm sau biến cố Thiên An Môn, thi sĩ Shi Tao, trở thành một tù nhân với cái tội là phóng bài thơ kỷ niệm Thiên An Môn lên lưới. Bài thơ June -Tháng Sáu-được Nguyễn Mạnh Trinh dịch đăng trên Viet Herald.  Nguyễn tìm thấy bản tiếng Anh  trên trang web penpoemrelay.org.

My whole life

Will never get past “June”

June, when my heart died

When my poetry died

When my lover

Died in romance’s pool of blood

June, the scorching sun burns open my skin

Revealing the true nature of my wound

June, the fish swims out of the bloođred sea

Toward another place to hibernate

June, the earth shifts, the rivers fall silent

Piled up letters unable to be delivered to the dead

Dựa một phần vào bản dịch của Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn viết lại bài thơ này như sau:

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Cả đời tôi

sẽ không bao giờ vượt qua được. cái bóng của tháng sáu

tháng sáu. ôi tháng sáu.  khi trái tim tôi ngừng đập

khi thơ tôi tắt thở

khi người yêu tôi

chết trong vũng máu của cơn mơ

tháng sáu. mặt trời thiêu đốt. mở toang làn da tôi

phô bày sự thật của vết thương tôi

tháng sáu. con cá bơi ra khỏi mặt biển màu đỏ. của máu

trôi về phía giấc đông miên

tháng sáu, mặt đất này cũng trôi dạt, và những dòng sông lặng tiếng

giờ đây . hàng ngàn. hàng ngàn lá thư xếp đống

không thể nào chuyển tới tay những người đã chết.

Xin nhắc lại: Shi Tao bị bắt giam vì đã làm thơ kỷ niệm 15 năm Hồng Quân Trung Hoa đàn áp và tàn sát những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền kết án ông 10 năm tù. Việc bắt giữ này cho thấy chế độ Cộng Sản Trung Hoa muốn “bẻ cánh những con chim trời”, kiểm soát hệ thống Internet. Ðã có tới 42 ký giả bị bắt trong năm 2004, mà hơn phân nửa là những người sử dụng Internet để chống chế độ. Chính quyền ra lệnh cho tất cả các ký giả trong nước tuyệt đối không được đề cập hoặc nhắc nhở đến ngày “4 tháng 6 năm 1989.”

Sự thật thì nhà cầm quyền Cộng Sản ở Trung Quốc sợ chữ của nhà thơ Shi Tao. Cũng như nhà cầm quyền CSVN đã sợ chữ của nhà thơ Trần Dần trước đây. Mà chữ bài thơ Tháng Sáu của Shi Tao quả đã làm xúc động trái tim và khích động tư duy con người. Những từ như ‘trái tim ngưng đập, thơ tắt thở, chết trong vũng máu của cơn mơ, mở toang làn da, sự thật của vết thương, những lá thư không tới tay người chết’ khiến trái tim ta thắt lại, trí óc bàng hoàng… Ta nghĩ tới cái chết của hàng trăm hàng ngàn những người trẻ tuổi đầy lý tưởng, mơ mộng, tình yêu. Và như nhà thơ Trung Quốc Yang Lian hiện sống lưu vong ở Luân Ðôn đã chỉ ra: từ cái tôi ở khổ thơ đầu, ý nghĩa của bài thơ đã mở rộng tới những người yêu nhau đã chết trên vũng máu đào đầy lãng mạn (chữ romance). Từ hiện thực, những câu thơ đi vào siêu thực với hình ảnh cuối cùng như từ đôi mắt của một hồn ma: những lá thư chất đống không thể giao tới tay những người chết. Xúc động đến lặng người.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Chiều qua Thiên An Môn… Tháng Sáu. Ôi . tháng sáu.  khi trái tim tôi ngừng đập / khi thơ tôi tắt thở / khi người yêu tôi / chết trong vũng máu của cơn mơ… Tháng Sáu. Những khuôn mặt ngày xưa giờ đã chìm khuất trong thời gian. Thế nhưng Thiên An Môn vẫn là đất thiêng. Bởi nơi đây lịch sử đã đi qua và còn âm vang. Xin nhắc lại: “Hơn hai mươi năm trước, vào mùa Xuân năm 1989, loa cầm trên tay, đầm đìa nước mắt, Triệu Tử Dương đứng ở quảng trường Thiên An Môn, giữa những sinh viên đang kêu gọi những cải cách dân chủ – ông nghẹn ngào tuyên bố, “chúng ta đã đến quá trễ, quá trễ.” Lời của ông như một trách móc vượt thời gian. Hơn hai mươi năm sau, những điều cần phải đến vẫn chưa đến, hay chỉ đến nửa chừng, cho Trung Hoa, cho Việt Nam, cho những quốc gia vẫn còn nhiều tai biến trên hoàn cầu.» Tạp chí trên mạng Da Màu trong thư tòa soạn năm nào đã viết những dòng trên như một chia sẻ với các bạn trẻ về khát vọng dân chủ và tự do.

Ôi, Thiên An Môn. Những người trẻ Hồng Kông bây giờ cũng đang nói lên khát vọng nóng bỏng ấy.

Shi Tao – nguồn pencanada.ca

TN