Này bạn nhỏ ơi,

hôm nay. nơi xứ người. tôi xin nói với bạn

về những tấm ảnh

những tấm ảnh đã nhân danh con người. cũng như xé nát đời người

những tấm ảnh trong chiến tranh Việt Nam

trên xứ sở của gió mùa. và sương muối.

người chụp ảnh là phóng viên Eddie Adams

ông đã chết

năm 2004

chết trong cơn đau và những ám ảnh không nguôi

cuộc chiến trên quê hương việt nam chưa dứt từ lâu

nhưng bao nỗi oan khiên vẫn còn in dấu tích

ôi. con mắt. của bức tường đá đen. vẫn mở

vẫn mở……

Năm 2009.  Một cuốn sách mang tên “Eddie Adams: Việt Nam” được nhà xuất bản Umbrage Editions cho ra mắt độc giả. Alyssa Adams, vợ của Eddie Adams, người biên tập cuốn sách đã thu thập và chọn lọc các bức hình cho sách. Ðây là cuốn sách đầu tiên được phát hành dành cho chính Adams vì những tác phẩm của ông.

Nhiếp ảnh gia danh tiếng Eddie Adams qua đời vì bệnh ung thư năm 2004, hưởng thọ 71 tuổi. Ông từng được nhận 500 giải thưởng và đã là phóng viên chiến trường tại 13 cuộc chiến, từ chiến tranh Triều Tiên tới cuộc chiến Kuwait năm 1991. Có thể nói Eddie Adams là hình ảnh kiệt hiệt nhất trong số những phóng viên hàng đầu của thế giới.

Năm 1968, Eddie Adams, khi đó là phóng viên chiến trường cho hãng AP, chụp một tấm ảnh đã làm đảo lộn cách nhìn của công chúng về cuộc chiến Việt Nam.  Bức ảnh chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan, quyền Tham mưu trưởng cảnh sát miền Nam Việt Nam, chĩa thẳng súng bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng. Bức ảnh đã đem lại cho Eddie Adams giải thưởng Pulitzer, và là một trong những tấm ảnh đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến.

Sau chiến tranh, tướng Nguyễn Ngọc Loan di cư sang Mỹ; ông mất năm 1998. Adams vẫn giữ liên lạc với ông Loan và in một bài về ông Loan trên tạp chí Time. Ông viết: “Viên tướng giết tên Việt Cộng; tôi giết viên tướng bằng chiếc máy ảnh của mình”. Và ông nói thêm: “Tướng Loan là một người có thể gọi là anh hùng thực sự, được binh lính của ông kính trọng. Tôi không nói rằng những gì ông làm là đúng. Bức ảnh đó đã thực sự đảo lộn cuộc đời ông. Ông không bao giờ trách tôi cả.”

Ngày nay xem lại, ta thấy đó là một tấm hình thật ác, thật độc. Như một mồi lửa rực cháy, tấm ảnh lập tức làm dấy lên phong trào phản chiến mạnh mẽ vốn đã âm ỉ từ trước. Những người trẻ, sinh viên, trí thức, nghệ sĩ thiên tả đã lợi dụng nó để lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tấm ảnh từ đó gây ra nhiều hệ lụy.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Trước hết, đối với tướng Loan, nó là một ám ảnh khốc liệt suốt bao nhiêu năm và có thể đã theo ông đến tận nấm mồ. Ông đã phải chịu đựng bao nhiêu dư luận chỉ trích. Những đôi mắt hằn thù, rực lửa nhìn ông xuyên suốt cả vào giấc ngủ, mặc dầu ông đã làm một việc cần thiết phải làm trong chiến tranh. Vào những ngày cuối đời của tướng Loan, Eddie Adams có tiếp xúc với ông để giải tỏa những mặc cảm, nhưng đã quá muộn màng.

Một bức ảnh thuyền nhân trong tập “Boat of No Smiles” của Eddie Adams

Với tác giả Eddie Adams, bức ảnh cũng là một hệ lụy xót xa. Trong những năm cuối đời, Adams cảm thấy con người ông, tâm trí ông bị chi phối và ám ảnh vì bức hình, đến nỗi ông  đã không trưng bày nó trong studio của mình. Ông cũng đau xót, vì tấm ảnh – một cách bất công – đã biến tướng Loan thành một kẻ vô nhân tính dưới con mắt của những người phản đối chiến tranh. “Ông ta là một anh hùng,” Adams nói. “Ðôi khi một tấm hình có thể lừa dối vì nó không nói hết câu chuyện.”

Như vậy đó, tấm hình chụp ngày 1 tháng 2 năm 1968 đó đã gây ra biết bao ngộ nhận và đau khổ. Nó trở thành bi kịch lớn của thời đại. Tấm ảnh được đặt tên là Saigon Execution. Nó chỉ có nửa sự thật. Nhà báo Phan Thanh Tâm gần đây trong một bài viết  cũng đã xác nhận:

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Truyền thông Tây phương đã không chính xác khi tung bức hình qua các cơ quan ngôn luận. Lời chú giải không cho biết lý do hành quyết, nhằm khai thác cảm tính đám đông bằng cảnh tướng Loan gí súng vô đầu tù nhân – trông như thường dân – bắn một cách tàn nhẫn. Nửa sự thật còn lại nằm trong vụ thảm sát trọn một gia đình. Tù nhân bị bắn, Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp là thủ phạm vụ thảm sát gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp. Y chỉ huy một toán đặc công chiếm trại Phù Ðổng bắn hạ cả gia đình, mẹ với sáu con nhỏ, bà cụ 80 tuổi và cắt cổ Trung tá Tuấn vì ông không tuân phục. Chỉ có một con thứ ba, Nguyễn Từ Huấn 10 tuổi sống sót [hiện là Phó Ðề Ðốc Hải Quân Hoa Kỳ. TN].”

Cũng chính vì những nỗi đau khổ dằn vặt đó mà sau này, năm 1976, khi làn sóng thuyền nhân ào ạt dâng lên, Eddie Adams đã nhất quyết thực hiện một chuyến đi vào trung tâm của thảm họa để chụp những tấm hình về những con thuyền vượt biên. Ông kể:

“Ðó là vào năm 1976… Tôi đọc được một bản tin trên tờ New York Times về những người vượt thoát ra đi bằng thuyền. Bản tin thật ra không phải là một bài tường thuật quan trọng mà chỉ kể lại vắn tắt việc những tên cướp biển đã tấn công thuyền vượt biên và cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc những người trên đó. Và khi những chiếc thuyền này cặp vào bờ biển Thái Lan thì nhà cầm quyền Thái đã cho buộc dây vào thuyền kéo ra khơi trở lại. Các thuyền nhân bị để cho chết giữa biển khơi”.

Thế là Eddie Adams quyết định thực hiện một chuyện kể bằng hình về cảnh thuyền nhân Việt bị để cho chơi vơi trên biển cả. Ông đến Thái Lan, nói chuyện với cảnh sát tuần duyên. Họ chỉ ông tới một cái cảng trong vùng vịnh Thái Lan. Adams tới đó vào lúc 3 giờ sáng ngày lễ Tạ Ơn năm 1977 để tìm gặp một chiếc thuyền vượt biên.

Xem thêm:   Chó...

“Bỗng nhiên tôi nhìn thấy người ta đang kéo một chiếc thuyền tị nạn ra khơi. Thế là tôi ngăn những người Thái lại và lên thuyền nói chuyện với các thuyền nhân VN. Tôi bảo tôi sẽ mua nhiên liệu và gạo cho họ. Ðó là một chiếc thuyền dài 30 feet, chở 50 người, chật cho tới nỗi không ai đặt lưng nằm xuống được. Trong quá khứ, tôi từng đến với những đứa trẻ trong vùng bị nạn đói hoặc ở những khu vực chiến sự. Những trường hợp này, có khi ta nhìn thấy một em bé, và em ngừng lại nhoẻn miệng cười với ống kính.”

Ở đâu cũng thế, và đây là cảnh hầu như đã trở thành quen thuộc. Thế nhưng trên một chiếc thuyền vượt biên, Eddie Adams đã chứng kiến một hoạt cảnh trái ngược. “Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi gặp những đứa bé không cười. Chúng đã ở trên biển nhiều ngày, không được ăn uống. Và tôi đặt tên cho câu chuyện bằng hình của tôi là Con Thuyền Không Có Nụ Cười – “Boat of No Smiles” .

Eddie Adams ở trên thuyền với các thuyền nhân Việt Nam được một lúc thì trời tối và cảnh sát Thái trở lại buộc ông phải rời đi.

Dẫu sao, những tấm ảnh Adams chụp được ở ngoài khơi Biển Ðông đã góp phần tạo ảnh hưởng lớn trong chính giới Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã yêu cầu hãng AP cung cấp những tấm hình ấy để chuyển tới Quốc Hội. Nhờ đó, TT Jimmy Carter  đã mở cửa đón nhận 200 ngàn thuyền nhân Việt Nam vào đất Mỹ. Bản thân Eddie Adams cũng rất tự hào về những tấm hình chụp các thuyền nhân VN trên Biển Ðông, và ông thích thuật lại câu chuyện đã xảy ra như một bài học cho các phóng viên. Ông nói:

“Tôi không vượt biển ra khơi để cứu thế giới. Tôi chỉ thực hiện một câu chuyện kể bằng hình. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu những tấm hình của tôi đã giúp cho 200 ngàn thuyền nhân đến được bến bờ nước Mỹ để  xây dựng cuộc sống, thì điều đó cũng khá là tuyệt vời.”

   TN – Tổng hợp