Nguyễn đã nhiều lần viết về cây. Cây bàng ở Vương Phủ. Rồi cây cam của Thảo Mi ở Tallahassee. Cây mận của Thái Kim Lan ở Munchen. Cây cô đơn có tên là Ténéré trên vùng sa mạc Châu Phi. “Cây giày” trên đường đi tới Las Vegas. Cây thụ cầm ở Hoàng Liên Sơn. Và cây sồi… Hôm nay xin nói về cây Sequoia.

Nhưng trước hết xin được nói về cái tình của người và cây. Cây và người trong nhiều trường hợp có sự gắn bó rất là thân thiết. Như bạn bè. Như tình yêu. Có khi người nhập vào cây làm một. Chẳng hạn, như trong một truyện ngắn của Hải Miên mà Nguyễn đã có lần nói tới. Hải Miên đã viết về những đời người và những cái cây thật là cảm động, “Ông nội tôi thở hơi cuối cùng khi mẹ đang hối hả đào hố trồng xuống sau vườn một cây ăn trái lâu năm. Ðây là tục lệ của riêng người trong thung. Khi trong nhà có một người lớn tuổi về với đất thì người đàn bà của gia đình đó phải trồng xuống một loại cây lâu năm kịp trước khi người kia im hơi tắt tiếng. Linh hồn của người chết sẽ nhập vào thân cây ấy trong vườn nhà. Với những người trẻ, linh hồn sẽ bay đi nương vào một cây trên rừng. Hằng năm vào ngày mồng một Tết, chúng tôi có lễ thăm cây. Trước hết là thăm cây trong vườn nhà và sau đó tỏa lên rừng. Giờ ông nội đã trú ẩn trong cây mít trước ngõ, bố tôi ở cây xoài sau nhà và mẹ tôi ở cây xoan cạnh bờ mương. Mỗi khi buồn, chị Nụ hay ra tựa lưng vào gốc cây xoan, một chốc lại lẳng lặng quay vào, không muốn để ai nhìn thấy. Nhưng tôi biết bí mật của chị. Tôi còn biết từ dạo nhà có chị dâu, chị rất hay lén ra dựa gốc xoan…”

Thật là cảm động và cũng đầy tình người, phải không bạn? Bây giờ xin nói tới cây sequoia. Ở đây ta cũng sẽ gặp cái tình thắm thiết của người và cây. Xin bắt đầu với câu chuyện kể về một bạn trẻ lúc còn học lớp 7 lớp 8, nhìn thấy trong sách vạn vật có hình những cây khổng lồ gọi là Sequoia tại công viên quốc gia Hoa Kỳ Sequoia National Park. Từ đó bạn ao ước sẽ có ngày đến được vùng đất có những cây gỗ đỏ khổng lồ này. Và tháng 4 năm 2009 bạn đã thỏa nguyện.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Sequoia National Park là công viên quốc gia của nước Mỹ nằm về phía nam vùng Sierra Nevada và phía đông của Visalia, California. Công viên được xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 1890, nổi tiếng nhờ những cây sequoia khổng lồ, trong đó có cây General Sherman là loại cây lớn nhất trên mặt đất này.

Loại sequoia này được giới thực vật học Hoa Kỳ đặt tên là General Sherman (Tướng quân Sherman), dựa theo tên viên tướng huyền thoại trong cuộc Nội chiến Bắc – Nam (1861-1865). Cây nặng 2,000 tấn. Số gỗ của nó xẻ ra đủ làm 40 ngôi nhà 5 gian rộng rãi.

Tên gọi loài sequoia là từ tộc người Cherokee – một trong những bộ lạc da đỏ văn minh nhất. Sequoia chính là tên của người đã sáng lập ra thứ văn tự của họ: thứ tự dạng có 86 hình, mỗi hình tương tự một âm ngữ. Nhờ sequoia mà thổ dân Cherokee đọc và viết được.

Cây Sequoia khổng lồ có chiều cao từ 70-120m cùng bán kính dày tới 9m, sống đến 3,000 – 4,000 năm tuổi. Quê hương của chúng là các sườn núi phía tây vùng Sierra Nevada, trên bình độ từ 1,400-2,700m so với mực nước biển. Tán lá của cây sequoia dày đến nỗi trong những ngày oi ả nhất của vùng nhiệt đới California, vẫn tạo được độ ẩm tối cần thiết cho thân cành, tạo điều kiện thích hợp với cuộc sống trường sinh cùng màu lá đỏ  thẫm vĩnh cửu.

Cây Sequoia được khoa học hiện đại phát hiện vào năm 1885 bởi nhà thực vật học lỗi lạc người Anh William Lobe trong khu rừng nguyên sinh khổng lồ ở Vera Cruz thuộc tiểu bang California. Từ 90 cây hồi đó, bây giờ chỉ độ 30 cây còn sống. Cây “trưởng họ” cao tới 140m cùng đường kính 35m (đã bị bão quật đổ). Tại Công viên quốc gia ở California có chỗ người ta còn làm đường lộ xuyên qua một gốc sequoia nữa.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Tại sao loài sequoia đạt được sức sống kỷ lục cao như vậy? Ðiều bí mật nằm trong bộ rễ khổng lồ cùng cấu tạo thân cành của chúng. Do chứa nhiều lượng kháng thể nên sequoia có khả năng chống lại sự hủy hoại khắc nghiệt của thiên nhiên lẫn thời gian, với bộ rễ sâu cứng bảo đảm cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào, khiến thân không bị nấm mốc. Các nhánh rễ của sequoia dày 30cm, ngay cả loài thú đói cũng không dám gặm, đó cũng là một nguyên nhân làm cây tăng tuổi thọ.

Các nhân viên cứu hỏa tại Vườn quốc gia Sequoia đã sử dụng vật liệu đặc biệt giống lá nhôm để bảo vệ General Sherman, một trong những cây lớn nhất thế giới, khỏi ngọn lửa xâm lấn của đám cháy rừng. nguồn National Park Service

Thậm chí, cây General Sherman tuy đang hỏng nặng sau 4,000 năm tuổi, vẫn phát triển sung sức: cứ sau hai năm lại rụng thêm một đợt hạt mới – với kích thước bằng đồng xu nhỏ – để duy trì nòi giống.

Nhà văn Phạm Quốc Bảo trong truyện ngắn có tựa đề Ði Tua kể lại chuyến đi tua của một số du khách tới khu Wawona Mariposa vùng phía nam của công viên quốc gia Yosemite, để được chiêm ngưỡng rừng cây sequoia, một thứ đại cổ thụ sống hàng ngàn năm nổi tiếng thế giới, nằm về phía đông và Bắc California.

Theo ghi nhận của Phạm Quốc Bảo, cây sequoia có hiện tượng lạ là khi sống tới độ tuổi từ ngoài một ngàn năm trở lên, tự nhiên ruột cây có thể bị cháy đen từ gốc ngược lên dần dần cho đến khi cây chết đổ sụp xuống, như một hình thức tự hủy. Cây có thể đâm nhiều nhánh cành to bằng thân chính. Lỗ hổng của thân cây cháy mục đủ để làm thành một con đường xuyên qua rộng từ hai đến bốn mét.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Ðọc tới đây, tự nhiên trong lòng gã làm thơ này chợt dâng lên một niềm ngưỡng mộ trước cái chết của cây sequoia hơn ngàn tuổi kia. Một cái chết thật hùng vĩ, thật đẹp. Rồi Nguyễn nghĩ tới cái chết của một vĩ nhân khi tới cuối đời. Văn hào Leo Tolstoy của nước Nga, lúc cuối đời đã bỏ nhà ra đi. Ông để lại đàng sau điền trang Yasnaya Polyana, vợ con và toàn bộ sự nghiệp, đi tới nhà ga Astapovo và chết trong cô đơn. Cũng như cây sequoia kia vậy.

Và … Câu chuyện kể kết thúc bằng cảnh các du khách xúm lại quanh một cây sequoia đổ, đất bám quanh cụm rễ còn đỏ tươi, mấy người lính gác rừng (rangers) đang chỉ trỏ bàn luận.

Riêng một ranger khác đứng sát bên thân cây đổ, nước mắt tuôn trên má và óng ánh quanh bộ râu xồm màu vàng hoe của ông.

Phạm Quốc Bảo viết:

“Ông ranger kia khóc tận tình, khóc lớn và dai một cách tự nhiên. Và tay ông luôn vuốt ve lớp vỏ sần sùi của thân cây đổ, miệng ông lẩm bẩm. Ðến gần mới nghe loáng thoáng giọng ông nghẹn ngào, đứt quãng. Tại sao?… Sao mày quá yếu vậy? Gió đêm qua có mạnh lắm đâu… Gió trốc sao?… Trời ơi, mày còn quá trẻ. Gốc còn mạnh thế này. Chưa có một vết nám cháy nào. Dù sao tao cũng có lỗi với mày. Ông tao đã trồng nên mày. Cha tao đã cả đời chăm sóc cho mày. Còn tao thì… Tại sao?.. Tại sao?”

Ta đã thấy người gác rừng khóc một cái cây bị gió làm trốc gốc. Ta hiểu được những giọt nước mắt ấy. Bởi đã ba đời gần gụi chăm sóc cái cây mà nay nó chết hỏi sao không thương, không khóc.”

Ôi, cái tình của người và cây thật là thắm thiết. Cho nên mãi mãi Nguyễn vẫn yêu cây và muốn viết về cây.

TN