Trung Thu lại về. Bạn có nghe từ trong ký ức mờ xa tiếng trống cơm và tiếng hát của trẻ con. Mà nói đến Trung Thu là nói đến vầng trăng, nói đến đèn ông sao và đèn cá chép cùng trẻ em và bánh kẹo. Xin cùng trở về với Nguyễn nha các bạn

Những chiếc lồng đèn

Xin thưa, với Nguyễn, giờ đây đã vào tầm tuổi hạc, vẫn còn mê thích những chiếc lồng đèn Trung Thu.

Cho tôi được trở về / một lần trong căn nhà tuổi nhỏ / Ở đó tôi có mẹ có cha / và anh em bè bạn… Và có cả con Bé Thỏ nữa chứ. Bây giờ, không còn ai, không còn ai… Dòng đời ngày xưa trôi đi biền biệt. Và nước chảy xuôi dòng.

Ở thời xa xôi ấy, Nguyễn mê trăng và những chiếc lồng đèn. Trăng thì hằng đêm vẫn ngắm qua ngọn cây bàng và hàng cau. Lồng đèn thì Nguyễn mê lắm. Ðèn ông sao, đèn cá chép rồi đèn thiên nga và đèn bươm bướm…ôi nhiều quá, đẹp quá. Nhưng hồi thơ dại ấy, mìmh chỉ biết làm có đèn xếp. Nhớ trung thu thời nhỏ nhít ấy, ở Vương Phủ, khi đã làm xong chiếc lồng đèn đầu tiên ấy, mình rủ Bé Thỏ cùng đi rước đèn với lũ trẻ trong xóm. Dưới ánh trăng rằm, trong tiếng hát ‘Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…”, mình và Bé Thỏ xách lồng đèn chạy theo lũ trẻ. Nhưng rồi mê say với cuộc rước đèn, mình vấp té và chiếc  lồng đèn bốc cháy. Hai đứa chỉ còn biết đứng nhìn tiếc rẻ, nước mắt rưng rưng.

Những năm tháng trẻ tuổi của đời người sau này, mặc dù chiến tranh và những nỗi khó khăn, vợ chồng Nguyễn cũng đã cố gắng tạo được cho các con một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc. Ðêm Trung Thu nào cũng vậy, cùng với vầng trăng, chúng cũng đã có được những chiếc lồng đèn ông sao, cá chép, đôi khi cả đèn xe tăng nữa, và bánh nướng bánh dẻo thì không bao giờ thiếu. Giờ đây, chiều đang xuống, đọc đoạn văn về Trung Thu, như nghe tiếng trống ếch trống cơm từ đâu đó vọng về và câu hát «Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…» Ôi, làm sao Trung Thu này Nguyễn có thể đem qua cho Bé Sen cùng Chi Chun chiếc lồng đèn làm bằng giấy kính màu đỏ và chiếc bánh nướng thơm lừng cùng vầng trăng lồng lộng…

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Những con tò he

Nói đến kỷ niệm tuổi thơ, với Nguyễn và nhiều khứa lão đồng trang đồng lứa cùng hội cùng thuyền, thì ngoài những chiếc lồng đèn còn có những con tò he. Nhớ ngày nào thi sĩ Hoàng Anh Tuấn có bài thơ về con tò he:

Tò he xanh đỏ tím vàng

Mẹ mua mỗi độ chợ làng vào phiên

Chim cò, ngũ quả, cô tiên

Nhỏ xinh đánh đổi nỗi niềm tuổi thơ

 

Cánh chuồn cõng đỏ giấc mơ

Tìm miền xanh thẳm bao giờ hiện ra?

Ðể cùng trồng nụ, trồng hoa

Ðể gieo câu hát đồng xa bềnh bồng:

“Tò he cụ bán mấy đồng?

Con mua một chiếc cho chồng con chơi

Chồng con đánh hỏng thì thôi

Con mua chiếc khác con chơi một mình”

(Ca dao))

 

Trống chèo rạn ngói mái đình

Còn ai khéo nặn dáng hình làng quê?

Chợ phiên vẫn họp ven đê

Mà ông lão nặn tò he đâu rồi?

Gốc đa trống một chỗ ngồi

Ô kìa, bất chợt ngoài trời đổ mưa

 

Bao giờ cho tới ngày xưa?

Tò he ngóng mẹ chợ trưa lâu về…

Tò he

Ðó, con tò he đó… Tò he hay còn được gọi là chim cò vốn xuất phát từ việc làm đồ thờ cúng trong những dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Trung Thu, do các nghệ nhân xưa dùng bột nếp nặn những mâm ngũ quả, ông tiến sĩ và 12 con giáp hay những con vật gần gũi với nông thôn Việt Nam để phục vụ việc cúng lễ. Chim cò khi cúng xong, chia cho trẻ nhỏ chơi (là một hình thức của việc chia lộc – thụ lộc, mang ý nghĩa tâm linh cao) khi chơi chán đem hấp với cơm có thể ăn được. Trẻ em rất thích chơi chim cò nên các nghệ nhân xưa đã phát triển thành nghề làm đồ chơi. Ðầu tiên đó chỉ là hình những con chim, con cò giản dị. Ngày nay, trẻ em nhỏ ưa chuộng những nhân vật hoạt hình, hoa lá cỏ cây, người nghệ nhân sáng tạo thêm một cây kèn lá nhỏ gắn vào dưới thân con giống, khiến nó phát ra tiếng tò te tí te, mà chuyển sang tên “TÒ HE” như người ta vẫn quen gọi và biết đến. Như vậy, từ một hình thức đồ lễ mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa, qua thời gian, tò he ( hay chim cò) đã trở thành một thú vui chơi trong sáng, giản dị và đậm màu sắc dân gian. (theo Ðặng Văn Hậu)

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Trong thời đại công nghệ hiện nay giữa vô vàn trò chơi hiện đại, chúng ta khó có thể bắt gặp những em nhỏ chơi các đồ chơi dân gian. Thế nhưng, giữa lòng Hà Nội ngày nay ít ai biết rằng vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp tuổi thơ bình dị – đó là làng nghề “tò he” Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Nói đến kỷ niệm tuổi thơ với những con tò he, Nguyễn mời các bạn đọc đoạn văn sau đây của Phạm Tuấn Vũ trên trang web Hương Quê Nhà.

Tuổi thơ có những kỷ niệm thân thương không sao quên được. Nhớ những chiều học về, chưa kịp cất cặp sách thay đồ đã vội cùng đám bạn ra ngồi ở ngã tư đầu làng chờ bác nặn tò he ghé sang. Mua thì chẳng bao nhiêu nhưng cứ thích được chạy ra ngồi nhìn những con tò he ngộ nghĩnh. Này là ông Tề Thiên có cây thước bổn, mặt nhăn nhăn và chân tay như chẳng muốn đứng yên. Này là anh gà trống có chiếc mào tươi rói và đôi cánh sặc sỡ. Này là nụ hồng xinh xinh, là con lợn ủn ỉn, là con trâu có đôi sừng to, con nào cũng thật đẹp.

Nhớ sao nỗi háo hức mỗi chiều ngồi ở đầu làng ngóng bác nặn tò he. Ngày bé bọn tôi ai cũng quý bác ấy lắm. Ai cũng ngưỡng mộ bác khéo tay. Bọn tôi đứa nào cũng thích ngồi ngắm đôi tay tài hoa của bác, từ những viên bột màu mà nặn nên các chú tò he đẹp đến mê hồn. Vui nhất là những hôm được mẹ cho mấy ngàn lẻ, mua một chú tò he thật xinh, đem về cắm ở đầu bàn học, cả tối hôm ấy ngồi ngắm mà không biết chán, sáng hôm sau mang đến lớp khoe với bạn bè. Niềm vui trẻ thơ đơn sơ như thế, con tò he một thời nhớ mãi đến bây giờ.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tôi vẫn nhớ về bác tò he làng bên hay ghé làng tôi mỗi chiều. Bác ấy là người yêu quý trẻ. Sau này mỗi lần về quê, đến nhà thăm bác, bác bảo mình chọn nghề làm tò he cũng vì muốn đem lại những niềm vui bé nhỏ cho bọn trẻ nghèo ở làng quê. Hồi ấy có những chiều mẹ không cho tiền lẻ, bọn tôi chỉ biết ngồi im tay chống cằm xem bác nặn tò he mà không dám hỏi nhiều. Trong ánh mắt như chứa bao niềm ao ước, cả những gì như hy vọng, đợi chờ. Có lẽ bác tò he hiểu điều ấy, nên cuối buổi bác thường tặng bọn tôi mỗi đứa một con. Thương sao một thời lầm lũi như thế, con tò he ngày xưa đâu dễ gì quên!

Ði qua tuổi thơ người ta mới biết nhớ thương một thời hồn nhiên không bao giờ tìm lại được. Con tò he của một thời thơ dại bây giờ chỉ còn là ký ức yêu thương. Trẻ con ngày nay không còn háo hức để được có một chú tò he như ngày trước nữa. Chợt nghe tiếc nhớ. Thương lắm một thuở tò he…

Ôi, ước mong những chiếc lồng đèn và những con tò he còn mãi để cho tuổi thơ của Bé Sen, Chi Chun và các bé khác luôn rực rỡ, thân thương.

TN – Tổng hợp