Xưa, có một người đàn ông đã nói với con mình rằng: “Nếu về Sài Gòn mà được ở cư xá là coi như cuộc sống văn hoá của gia đình sẽ có được cái nếp thị dân đáng hãnh diện”.

Cư xá Thanh Đa, một trong những cư xá đầu tiên được xây nhiều tầng (Ảnh: Internet)   

Ðó là câu nói của một tác giả viết trong một tờ báo từ khá lâu và tôi nhớ đến giờ. Nỗi tiếc nuối khi nhìn lại các khu nhà cư xá ngày trước, nay đã biến dạng và cách sống của con người ở đó cũng thay đổi mất rồi. Trước đây tôi có viết một bài Hẻm của phố nói về cảm nhận sự êm đềm của những con phố nhỏ trong các hẻm phố thực chất là những con đường nội bộ của khu cư xá ngày trước ra sao còn lẩn khuất đâu đó trong trí nhớ. Và tôi cũng từng được ở hai lần tại hai khu cư xá khác nhau trong một thời gian ngắn.

Năm 1968, ba tôi bốc thăm mua được ngôi nhà tại khu cư xá Phú Lâm B quận 6 (do số nhà cung cấp ra thì ít mà nhu cầu nhà ở của quân nhân tại Biệt khu Thủ đô thì nhiều, nên đơn vị tổ chức bốc thăm cho công bằng). Phải nói chuyện mua được ngôi nhà là một niềm vui lớn với gia đình tôi thuở ấy, vì phải ở thuê trong căn nhà nhỏ tại quận 10. Ðể mua được nhà, người mua phải thuộc thành phần gia đình bị giải toả, nạn nhân hoả hoạn, công chức, quân nhân người có nhà tại chỗ bị giải toả để xây dựng cư xá (ngày nay gọi là tái định cư).

Gia Cư Liêm Giá Cuộc (GCLGC) quy định người mua nhà trong khu cư xá trả ngay 1/4 số tiền căn nhà và số tiền còn lại sẽ trả góp hằng tháng trong tám năm. Ngôi nhà có giá 25,000 đồng nhưng ba tôi quyết định dùng số tiền trong sổ tiết kiệm trả dứt, mặc dù lãi suất của GCLGC có thấp hơn ngân hàng. Tôi là đứa con đầu tiên theo ba tôi đi nhận nhà. Cư xá Phú Lâm B tại quận 6, được xem là một quận nội đô Sài Gòn thời gian đó còn vắng lặng không khác gì một làng quê ở ngoại ô. Ðể đến được nhà phải đi ngang qua khu An dưỡng địa đầy mồ mả và lò thiêu vươn cao ống khói u ám dưới nền trời ảm đạm. Ði theo con đường vắng có đoạn tráng nhựa, có đoạn còn đất đỏ đầy ổ gà. Hai bên xen kẽ nhà cửa và ao rau muống, sen súng hoang sơ.

Một ngôi nhà trong cư xá Bắc Hà xây dựng giữa thập niên 1950 (Ảnh Internet)

Khu cư xá Phú Lâm B là một dãy những lô nhà trệt mái ngói đỏ thiết kế giống nhau rộng 4m x 20m có hành lang nhỏ thông ánh sáng vào gian bếp ở cuối nhà. Sân trước rộng 2m xây bao có lan can và một cửa rào bằng gỗ đủ rộng cho một người dẫn xe Honda vào nhà. Ðường sá nội bộ khá rộng tráng nhựa. Căn nhà ba tôi mua nằm ở cuối dãy, ngay con đường dẫn ra một cái bàu sen lớn, phía bên kia là Ðài Ra-đa Phú Lâm.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Ba tôi mua nhà mới nhưng không dọn về ở vì nói là quận 6 nhưng quang cảnh chung quanh còn trống vắng thưa thớt dân cư không tiện việc học hành của con cái. Ngay trong khu cư xá tối đến cũng sáng vài ánh đèn vàng vọt. Ba tôi cho người bạn cùng đơn vị ở thuê với giá rẻ. Nhưng thỉnh thoảng trong năm, đôi lần ba tôi dẫn tôi về thăm nhà và ngủ lại một hai đêm. Cảm nhận của một đứa trẻ như tôi lúc đó buồn chán lắm, nếu không bỏ thời gian cuốc bộ ra bàu sen ngồi dưới bóng cây trứng cá xem mấy người dân câu cá. Ngôi nhà cư xá chỉ là ngôi nhà ở như căn nhà nhỏ ở quận 10, không có tiếng la ó đám trẻ vui đùa, không có mấy hàng quà vặt của mấy bà bán trong xóm nhỏ.

Vào khoảng thời gian này dân chúng Sài Gòn đã quen thuộc với hai từ cư xá. Trước đó chừng 10 năm, dân cư đô thành tăng nhanh do chiến tranh bắt đầu lan rộng. Từ các tỉnh dân nhập cư đổ dồn về Sài Gòn mua đất cất nhà, thuê nhà. Ngành xây cất nhà cửa cũng bắt đầu phát triển. Những khu cư xá ở nội đô tương đối khá quy cũ, nhà hầu hết cất trệt, mái ngói, có sân, hàng rào riêng và đường sá sạch sẽ. Giá một ngôi nhà bình dân chừng 20,000 đồng. Trong khi nhà có kiến trúc thẩm mỹ, sang trọng, mặt tiền tô đá rửa, cửa kiếng song sắt giá lên đến 250,000 đồng. Giữa thập niên 1950, hối đoái 1 USD bằng 35 đồng VNCH. Ðầu thập niên 1960, hối đoái chính thức 1 USD ăn 73.5 đồng VNCH (thị trường tự do khoảng 130-180 đồng VNCH); lương giáo chức lúc đó khoảng 3,000-4,000 đồng/tháng. Ðể mua được một căn nhà cư xá xem ra không khó lắm. Chính vì thế, nhiều khu cư xá mọc khắp nơi làm bộ mặt khu dân cư đô thị thay da đổi thịt.

Cư xá Phú Lâm B nhìn trên cao từ phía đài ra đa Phú Lâm (Internet)

Nhiều người Sài Gòn còn nhớ đến cư xá Duy Tân, Tự Do, Ðô Thành, Chí Hoà, Phú Thọ, Lê Ðại Hành, Lữ Gia, Bắc Hải, Kiến Thiết hay phía giáp ranh quận 3 bên Phú Nhuận, có cư xá Chu Mạnh Trinh mà hầu hết các bài viết về cư xá đều nhắc đến nhờ một số nghệ sĩ cải lương và tân nhạc nổi tiếng dọn về sống ở đây. Thực ra đây là một khu cư xá dành cho viên chức ngân hàng Ðông Dương xây dựng trước năm 1945. Tuy vậy có nhiều người trong ngành mua rồi bán lại hoặc cho thuê.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Trong Hồi ký của ca sĩ Julie Quang, bà từng hoài niệm về khu cư xá này. “Nếu các con cháu nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc dùng bộ ván làm sân khấu cải lương tập diễn thì bên hàng xóm vài năm sau cái cư xá im ỉm thường nghe tiếng đàn trống điện, giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Julie Quang tập dượt cho những sáng tác mới. Trong cư xá yên ắng buổi sáng như ban trưa nắng len vào từng góc khuất. Ðầu ngõ, nơi mặt tiền đường có gia đình nhạc sĩ Song Ngọc, ông sang băng nhạc. Vào bên trong ngõ có gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc cũng sang băng nhạc”.

Cuộc sống của thị dân trong cư xá có lúc thật yên ắng, không có tiếng trẻ con quậy phá chơi đùa như ở các ngõ xóm lao động bình dân. Một cảm giác thật dễ chịu mỗi khi đi làm về. Căn gia cư nơi tôi dọn về ở trong thời gian mới bước chân vào đời, không phải là một khu cư xá mà chỉ là hai dãy cư xá có chừng hơn hai mươi căn, trước đây là của một ông giám đốc văn phòng thừa phát lại đã di tản ra nước ngoài. Mỗi căn rộng 4m x 20m có một lầu đúc, mái ngói. Cấu trúc các căn nhà đều giống nhau nằm trong một con hẻm rộng ngó thẳng ra chợ Thái Bình khi đó còn thuộc quận 2, được xây dựng năm 1950.

Cư xá Chu Mạnh Trinh nơi nhiều nghệ sĩ tìm đến cư trú (Ảnh: Internet)

Mấy năm đầu sau 1975, lối sống của người dân hầu hết ở các khu cư xá không mấy thay đổi cho dù đời sống còn rất nhiều khó khăn. Nếp sống của thị dân trong các cư xá vẫn còn giữ những chuẩn mực. Ðường sá sạch sẽ, bên hông hàng ba nhà nào cũng trồng một hai cây cảnh hay giàn bông giấy trổ màu tươi tắn. Có nhà trồng cây lý trái toả mùi hương thơm ngát. Ðó là căn nhà của một ông kỹ sư công chánh, bà vợ là giáo sư dạy tiếng Anh. Hai ông bà có hai đứa con nhỏ và đứa cháu gái tuổi đôi mươi ở quê lên phụ ông bà chăm sóc em nhỏ. Căn nhà tôi ở sát bên, có gốc mai cổ thụ ở góc sân, mỗi năm Tết đến ra bông vàng rực làm ông bà rất thích. Vợ chồng ông mua căn nhà từ năm 1970 với giá 500,000 đồng.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Ðối diện nhà tôi là nhà ông sĩ quan bác sĩ quân y, không thấy ông ở nhà (chắc là đi học cải tạo) và cũng ít thấy người nhà hay các con ông đi học hay đi đâu đó về. Lúc nào cửa cái cũng đóng im lìm. Nhưng mỗi chiều tối là nghe tiếng đàn piano réo rắt vang lên. Ông bà kỹ sư và tôi rất thích nghe mỗi khi ông kêu tôi sang nhà ngồi ngoài sân dưới tàn cây mận uống trà ăn bánh ít do đứa cháu gái làm. Ông kỹ sư bảo tiếng đàn là của cô con gái lớn của ông bác sĩ quân y. Không biết bánh ít của cô cháu ngon hay tiếng đàn dương cầm của cô láng giềng làm tôi mê hoặc mà cuối tuần nào ông kỹ sư không mời thì tôi cũng kiếm cớ mon men qua tìm, ông chẳng thấy phiền hà gì và cũng rất vui khi có được người bạn trẻ.

Ðó chỉ là một góc nhỏ sinh hoạt của một vài gia đình thị dân sống ở cư xá. Và hình ảnh này cũng là cách cư xử rất nhân văn ở nhiều khu cư xá khác khắp Sài Gòn. Một kiểu sinh hoạt giao tiếp nhẹ nhàng, quan tâm đến những người láng giềng mới đến.

TN